Tốt nghiệp ngành nghệ thuật tại Hàn Quốc nhưng Nguyễn Hương Linh lại quyết định “rẽ ngang” và gắn bó với nhiều hoạt động cộng đồng về giáo dục như dự án "Lớn lên an toàn", fanpage Quàng khăn xanh và thích nghịch đất nhằm chia sẻ thông tin và truyền cảm hứng tới các bậc cha mẹ về trao quyền cho trẻ em nữ tại Việt Nam. Mới đây cô vừa phát hành cuốn sách Cẩm nang phòng tránh xâm hại trẻ em.
- Tại sao Hương Linh lại chọn viết một cuốn sách về kỹ năng sống cho trẻ nhỏ thay vì một cuốn sách về nghê thuật, gần với chuyên môn của bạn hơn?
- Tôi đã rất thích ngành kiến trúc, nhưng tôi chợt nhận ra đó không phải là công việc mình muốn theo đuổi. Thay vào đó, tôi rất hào hứng với các hoạt động cộng đồng. Khi thấy mình có thể giúp đỡ những người xung quanh, tôi thấy rất hạnh phúc. Tôi muốn góp một phần nhỏ bé sức lực của mình để thay đổi một phần nào những hạn chế về giáo dục mà tôi đã phải trải qua khi còn nhỏ. Cẩm nang phòng tránh xâm hại trẻ em là cuốn sách tôi viết cho chính mình.
Tôi sinh ra và lớn lên ở Hà Nội, nơi có điều kiện giáo dục tốt hơn nhiều địa phương khác. Nhưng khi còn bé, tôi cũng không được học về giáo dục giới tính cũng như cách làm thế nào để phòng tránh bị xâm hại và tự bảo vệ mình. Đến năm lớp 7, lớp 8 thì các chương trình giáo dục trong nhà trường mới đến vấn đề này và còn khá sơ sài. Nhưng các bạn biết đấy, nhiều bé gái dậy thì sớm hơn và cần tới các thông tin ấy từ lâu rồi.
Mẹ tôi làm việc trong ngành y, nhưng khi tôi bắt đầu bước vào tuổi dậy thì mẹ cũng không giảng giải cặn kẽ cho tôi cơ thể tôi sẽ thay đổi ra sao và tôi phải làm gì để yêu và bảo vệ cơ thể của mình. Điều đó, là một thiệt thòi của bản thân tôi và các bạn cùng tuổi và tôi muốn thay đổi nó.
- Bằng cách xây dựng các tình huống thực tế, bạn đã đem đến một cách tiếp cận mới với trẻ nhỏ, khác với các cuốn sách cùng chủ đề đã ra mắt trước đây, từ đâu bạn có ý tưởng này?
- Trước đây, khi chúng ta nói cho trẻ nhỏ cách để bảo vệ chính mình trước những hiểm họa như bắt cóc hay bị xâm hại tình dục, người lớn thường dạy trẻ nhỏ đề phòng với người lạ, đưa ra những “hình mẫu” về người xấu như: người đó là đàn ông, ăn mặc lôi thôi hay trông dữ tợn, hoặc một vài câu nói mà chúng ta vẫn thường hay nghe “Cẩn thận không sẽ bị ông ba bị bắt". Điều đó khiến trẻ sẽ định hình trong đầu rằng những người có thể đem tới nguy hiểm cho là những “hình mẫu” mà người lớn nói tới.
Nhưng theo một nghiên cứu của Canada thì có tới 95% các vụ xâm hại trẻ em là do người mà bé quen biết gây nên, chỉ có 5% hung thủ là người lạ. Vậy tại sao chúng ta chỉ dạy trẻ nhỏ đề phòng với người lạ và đưa ra những hình mẫu về người xấu cho bé. Cách này không toàn diện và kém hiệu quả. Vì những người mà bé quen biết, có thể họ ăn mặc rất lịch sự và trông hiền lành cũng có thể làm hại bé.
Bởi vậy, khi viết cuốn cẩm nang này, tôi chọn cách đưa ra các tình huống nguy hiểm để khi bị đưa vào các hoàn cảnh đó, dù có là người quen, bé cũng phải nhận thức được rằng lúc này mình cần phải tự bảo vệ bản thân.
- Trong cuốn cẩm nang này là việc Hương Linh để cho các bạn nhỏ tương tác cùng bố mẹ thông qua các trang ghi chú đính kèm. Tại sao bạn lại đưa ra “hướng đi mới” này?
- Theo tôi, giáo dục là một quá trình tương tác hai chiều. Ở bất cứ độ tuổi nào cũng vậy, giữa người dạy và người học luôn cần thấu hiểu lẫn nhau và tạo một mối quan hệ gần gũi. Có như vậy giáo dục nói chung mới hiệu quả. Giáo dục giới tính càng cần điều này.
Hơn nữa, giáo dục giới tính cho con là một vấn đề mới đối với nhiều phụ huynh ở Việt Nam. Các bậc cha mẹ không được thế hệ trước dạy về giáo dục giới tính nên khi có con họ không biết phải dạy con những gì và dạy như thế nào. Nói cách khác chính các bậc phụ huynh cũng gặp nhiều bỡ ngỡ khi đóng vai trò người thầy và ngại ngùng với việc đề cập tới vấn đề này.
Trong cuốn sách của mình, tôi đóng vai là một đứa trẻ, kể câu chuyện của bản thân để các bạn nhỏ khác từ đó có thể bảo vệ chính mình. Tôi mong với cách này, các bạn nhỏ sẽ tìm thấy cho mình sự hào hứng và gần gũi. Không những thế các bậc phụ huynh cũng sẽ dễ mở lời hơn với con khi nhắc tới một vấn đề nhạy cảm. Với cuốn sách này, các bạn hãy xem như đang cùng bé đọc một cuốn truyện vui và cùng nhau chia sẻ về những điều thú vị và bổ ích khi gấp sách lại.
- Vậy theo bạn ở độ tuổi nào dạy cho trẻ cách tự bảo vệ mình để tránh bị xâm hại là phù hợp?
- Nhiều bậc phụ huynh cho rằng khi con chuẩn bị bước vào tuổi dậy thì, hoặc ít ra là 9 đến 10 tuổi, mới nói cho các bạn nhỏ về vấn đề này. Nhưng theo tôi, khi các bé được 2 tuổi rưỡi đến 3 tuổi tức là khi trẻ đã biết nói và ý thức được những hành vi mà mình thích hay không thích, những việc làm khiến trẻ không thoải mái hay bị đau… ta đã phải dạy trẻ những kỹ năng để bảo vệ bản thân.
Không chỉ để tự vệ, hãy dạy con trẻ hiểu và yêu cơ thể mình. Nói cho trẻ biết chính bản thân bé là người chủ lớn nhất của cơ thể mình. Các bạn nhỏ có thể từ chối nếu người khác có những hành động đụng chạm vào cơ thể con khiến con không thoải mái và khó chịu, dù đó là những cái vuốt tóc hay một nụ hôn. Nói với bé về những “vùng riêng tư” trên cơ thể mà chỉ có bố mẹ và người thân lúc chăm sóc bé hay bác sĩ khi khám bệnh mới được đụng vào.
- Có điều gì bạn còn cảm thấy chưa hài lòng về cuốn sách của mình?
- Nếu được, tôi sẽ viết thêm một phần nói về cách làm thế nào để giúp các bé vượt qua khủng hoảng sau khi bị xâm hại, đặc biệt là đối với các bé gái bị xâm hại tình dục, ấu dâm. Ở một đất nước chịu ảnh hưởng nặng nề của Nho giáo và đề cao trinh tiết của người phụ nữ như Việt Nam thì việc bị xâm hại tình dục là rất khủng khiếp. Các nạn nhân thay vì được quan tâm, an ủi lại bị đưa ra phán xét.
Và quan tâm như thế nào là đúng và đủ để các em vượt qua nỗi đau không phải là điều ai cũng biết. Nếu quan tâm sai cách trong nuôi dạy con, vô tình chúng ta lại đâm sâu hơn vào vết thương của nạn nhân. Nhiều em bé, sau khi bị xâm hại do không được chăm sóc và quan tâm đúng cách đã phải chịu những sang chấn về thần kinh, ảnh hưởng lớn đến quá trình trưởng thành sau này.