dd/mm/yyyy

Bị loại khỏi nhóm tỷ đô, cây sắn gặp khó cả nội địa lẫn xuất khẩu

Giá sắn (mì) nguyên liệu trong nước vẫn duy trì ở mức thấp. Trong khi xuất khẩu bị đình trệ do dịch Covid-19, các doanh nghiệp không thể đẩy mạnh chế biến mà chỉ hoạt động cầm chừng.

Sau khi bị loại khỏi danh sách mặt hàng xuất khẩu tỷ đô, đầu năm 2020, ngành hàng sắn tiếp tục lận đận.

Giá sắn giảm

Tuy bệnh khảm lá đã giảm nhưng thời tiết bất lợi làm sụt giảm năng suất  sắn, ảnh hưởng trực tiếp đến giá bán của nông dân. Tại huyện Hàm Tân (Bình Thuận), sắn có hàm lượng trữ bột 30% được thu mua với giá 2.000 đồng/kg.

Tuy nhiên, rất ít nông hộ có sắn đạt hàm lượng tinh bột cao. Nông dân địa phương đang vào mùa thu hoạch nhưng hầu hết sắn chỉ đạt trữ bột 25%. Giá thu mua vì thế chỉ còn khoảng 1.670 đồng/kg, giảm gần 400 đồng so với các vụ trước.

Bị loại khỏi nhóm tỷ đô, cây sắn gặp khó cả nội địa lẫn xuất khẩu - Ảnh 1.

Sắn và các sản phẩm từ sắn vẫn còn gặp khó cả nội địa lẫn xuất khẩu. Ảnh: T.K

Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho hay, vụ sắn 2019 - 2020, nguồn cung sắn củ tại các địa phương được nhận định không tăng mạnh như kỳ vọng, cộng thêm việc sắn của Lào và Campuchia được Thái Lan thu mua mạnh thì khả năng nguồn cung sắn lát vụ mới của Việt Nam sẽ tiếp tục giảm so với vụ trước.

Tương tự, ông Trần Văn Lộc ở huyện Cẩm Mỹ (Đồng Nai) cho biết, trữ bột trong sắn ở địa phương cũng chỉ đạt trung bình 25% nên giá bán thấp, chỉ còn 1.700 - 1.800 đồng/kg. Mức giá này đã giảm 500 đồng so trước tết.

Do trong thời gian đậu củ, trời nắng nóng lại ít mưa nên không đủ lượng nước tưới cho cây sắn phát triển. Năm nay, năng suất chỉ đạt khoảng chỉ 22 - 25 tấn/ha; giảm 2 - 3 tấn so năm ngoái. “Nếu thu hoạch sắn trước tết, người dân còn thu được 7 - 10 triệu đồng, nhưng với tình hình sau tết đến nay, nông dân chỉ có huề hoặc lỗ vốn” - ông Lộc kể.

Toàn huyện Cẩm Mỹ hiện còn 500ha sắn, đã giảm gần 200ha so với năm trước. Gần đây, do dịch bệnh khảm lá xuất hiện làm nhiều diện tích bị nhổ bỏ và tiêu hủy. Cùng với giá bán bấp bênh nên nhiều nông dân cũng chuyển sang các loại cây trồng ngắn ngày khác để giảm thiểu thiệt hại kinh tế.

Giá sắn cũng giảm mạnh tại vùng nguyên liệu tỉnh Tây Ninh. Từ cuối năm ngoái đến đầu năm nay, giá sắn nguyên liệu (cả nguồn nội địa và từ Campuchia về) vẫn giữ ở mức ổn định 2.650 - 2.750 đồng/kg. Nhưng từ tháng 2 đến giờ, giá chỉ còn 2.430 - 2.600 đồng/kg. Tại Kon Tum, giá sắn cũng giảm từ 1.900 - 2.100 xuống 1.850 - 2.000 đồng/kg.

Theo Bộ Công Thương, từ đầu tháng 2 đến nay, giá sắn nguyên liệu tại các vùng trên cả nước ở mức thấp do xuất khẩu khó khăn. Diễn biến thời tiết thất thường, dịch bệnh kéo dài tác động đến chất lượng sắn. Bên cạnh đó, áp lực do lượng sắn từ Campuchia về cửa khẩu Tây Ninh tăng, trong lúc đầu ra xuất khẩu gặp khó khăn cũng khiến giá sắn nguyên liệu giảm.

Tồn kho tăng

Từ quý III/2019 cả Việt Nam và Thái Lan cùng bước vào vụ sản xuất mới, nguồn cung tinh bột sắn tăng gây áp lực lên thị trường. Trong khi tồn kho bên Trung Quốc còn lớn nên các giao dịch tinh bột sắn trầm lắng. Tình hình bệnh Covid-19 càng làm cho việc xuất khẩu tinh bột thêm khó khăn. Thị trường nội địa tiêu thụ không nhiều nên hàng hóa còn tồn đọng ở doanh nghiệp.

Ông Nguyễn Mạnh Dũng - Giám đốc Công ty TNHH MTV Tiến Dương Tây Ninh cho biết, có thời điểm, giá sắn nguyên liệu dao động từ 2.100 - 2.200 đồng/kg nhưng xuất khẩu tinh bột không được nên công ty chỉ dám nhập lượng ít để nhà máy hoạt động. Hiện nay đã có một số nhà máy sắn công suất nhỏ tạm ngừng hoạt động vì tình hình khó khăn, chỉ còn lại các doanh nghiệp có công suất lớn cố gắng cầm cự hoạt động để giữ chân người lao động.

Công ty của ông Dũng còn tồn kho gần 2.000 tấn bột chưa thể xuất đi. Điều ông Dũng lo nhất là công ty đang trong tình trạng thiếu vốn để hoạt động. Phía ngân hàng cũng sợ rủi ro nên chỉ giải ngân hỗ trợ cho doanh nghiệp 50% số vốn cần vay.

“Con số này chỉ đủ giúp công ty hoạt động cầm chừng. Trước tết, công suất chế biến của công ty hơn 100 tấn bột/ngày, hiện tại đã giảm khoảng 50%” - ông Dũng nói.

Ông Võ Đức Trong - Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh Tây Ninh cho biết, bệnh Covid-19 làm xuất khẩu sắn của tỉnh bị ảnh hưởng. Sản lượng củ được đưa vào chế biến từ đầu năm chưa nhiều vì thị trường tiêu thụ còn hạn chế. Phần lớn tinh bột sắn được xuất dưới dạng nguyên liệu thô, các doanh nghiệp chưa quan tâm đến xây dựng thương hiệu...

Trần Khánh