Mâm ngũ quả cầu sung sướng, tiền đủ xài
Bày mâm ngũ quả ngày Tết để cầu sung sướng, đủ tiền tiêu xài là đặc trưng của mâm ngũ quả người miền Nam.
Do vậy, người miền Nam thường sử dụng các loại quả có tên gọi tương tự để xếp mâm ngũ quả thờ Tết như: Mãng cầu, sung, dừa, đu đủ, xoài. Ngoài ra, còn có thêm quả thơm (dứa) với mong muốn con cháu đầy nhà và một cặp dưa hấu xanh vỏ đỏ lòng để cầu may mắn.
Người miền Nam không bao giờ sử dụng chuối để thờ Tết vì họ quan niệm rằng, chuối có âm đọc chệch nghe giống từ “chúi”, thể hiện sự đi xuống, không ngẩng lên được.
Người miền Nam cũng không trưng quả cam bởi câu “quýt làm cam chịu".
Sung biểu thị khẩn cầu sung sướng, sung túc.
Cách trình bày mâm ngũ quả miền Nam phổ biến là đặt đu đủ, dừa, xoài lên mâm trước để lấy thế do ba loại quả này có hình dáng to và trọng lượng nặng, sau đó bày những loại quả khác lên trên, tạo thành hình dáng ngọn tháp.
Mâm ngũ quả tượng trưng trí tuệ
Theo quan niệm của nhà Phật, trí tuệ có màu cam, do vậy mâm ngũ quả tượng trưng cho trí tuệ cũng có màu cam.
Quan niệm này bắt đầu từ sự tích, hành giả dâng tâm hương (Giới, Định, Tuệ, Giải thoát và Giải thoát tri kiến) lên để các chư Phật, chư Bồ Tát, chư hiền Thánh chứng minh công đức.
Ngũ quả Tượng trưng cho Ngũ phần hương: Gồm 5 loại hương thơm tâm linh (còn gọi là tâm hương): Hương Giới, hương Định, hương Tuệ, hương Giải thoát, hương Giải thoát tri kiến.
Ngày nay hoa trái nhiều và đa dạng, mâm ngũ quả theo đó mà có thể trở thành lục, thất, bát, cửu, thập… quả, hoặc bày vài ba loại quả cũng được. Dù bày biện nhiều hơn hay ít hơn 5 loại quả, thì vẫn gọi là "mâm ngũ quả" do thói quen và cái tên gọi "ngũ quả" đã ăn sâu vào tiềm thức, tâm linh người Việt bao đời.
Tùy văn hóa tín ngưỡng của các dân tộc, các quốc gia, các tôn giáo mà có cách quan niệm về bày mâm ngũ quả khác nhau.