Trước đòi hỏi có một giải pháp lâu dài cho vùng này, Bộ NNPTNT đã xây dựng Chương trình tổng thể phát triển nông nghiệp bền vững thích ứng với biến đổi khí hậu, gắn với xây dựng nông thôn mới (NTM) của vùng.
Chương trình đưa ra 9 nhóm giải pháp thực hiện, trong đó có: Rà soát và điều chỉnh các quy hoạch vùng và tỉnh ĐBSCL theo hướng bền vững và thích ứng với BĐKH; huy động đa dạng nguồn lực, thu hút đầu tư tư nhân theo cơ chế PPP. Đổi mới tổ chức sản xuất và phát triển chuỗi giá trị; phát triển khoa học công nghệ; tăng cường liên kết vùng và tiểu vùng...
Khó khăn, thách thức lớn
ĐBSCL có 13 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, có tổng diện tích 3,94 triệu ha, trong đó diện tích đất nông nghiệp chiếm 27,4% và dân số 18 triệu người, chiếm 20% dân số cả nước.
Đến nay, vùng ĐBSCL đã có 18 đơn vị cấp huyện được công nhận đạt chuẩn NTM và 666 xã được công nhận đạt chuẩn NTM (chiếm 51,83% tổng số xã trong khu vực), bình quân đạt 16,65 tiêu chí/xã.
Mặc dù vậy, phát triển nông nghiệp vùng ĐBSCL đang đứng trước nhiều khó khăn và thách thức lớn, khi là một trong những đồng bằng chịu tác động lớn nhất của biến đổi khí hậu (BĐKH) và nước biển dâng.
Các hoạt động phát triển thượng nguồn sông Mekong, đặc biệt là thủy điện, chuyển nước khỏi lưu vực hệ thống đã làm suy giảm nhanh diện tích rừng, thảm thực bì, thay đổi quy luật dòng chảy và lượng phù sa khi vào đến địa phận vùng châu thổ của Việt Nam.
Những điểm bất hợp lý trong quá trình phát triển kinh tế nội tại của vùng bắt đầu bộc lộ như: canh tác nông nghiệp thâm canh chạy theo năng suất và số lượng, sử dụng nhiều phân bón vô cơ và hóa chất nông nghiệp dẫn đến ô nhiễm nguồn nước sông ngòi, khai thác sử dụng nước ngầm làm sụt lún đất... Hệ thống canh tác nông nghiệp cả trồng trọt và thủy sản đều chưa thích ứng tốt với các biến đổi của lũ và hạn mặn nên đã chịu nhiều thiệt hại.
Phát triển bền vững, tôn trọng quy luật tự nhiên
Bộ NNPTNT cho biết, chương trình tổng thể phát triển nông nghiệp bền vững thích ứng với BĐKH vùng ĐBSCL đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 324 ngày 2/3/2020, trong đó nhấn mạnh một số quan điểm chính như: Tôn trọng quy luật tự nhiên, tránh can thiệp quá mức vào tự nhiên. Chủ động, tích cực thích ứng và tận dụng cơ hội từ BĐKH, coi nước mặn và nước lợ là nguồn tài nguyên cho phát triển. Xem xét các kịch bản cực đoan để chuẩn bị các giải pháp giải quyết tình huống khẩn cấp, đặc biệt là các kịch bản thiên tai có ảnh hưởng đến tính mạng con người.
Cùng với đó, thay đổi tư duy an ninh lương thực dựa vào cây lúa, xoay trục chiến lược sang thủy sản-trái cây-lúa gạo phù hợp với thị trường, tuy nhiên phải dựa trên hệ thống canh tác đã hình thành và điều chỉnh dần trong tương lai...
Trao đổi với phóng viên Báo NTNN, ông Nguyễn Minh Tiến - Cục trưởng, Chánh Văn phòng Điều phối NTM Trung ương cho biết: "Để thực hiện tốt Chương trình tổng thể phát triển nông nghiệp bền vững vùng ĐBSCL thích ứng với BĐKH và với chương trình xây dựng NTM, điều chúng ta cần hiện nay là có một cơ chế phối hợp liên vùng, liên tỉnh để đảm bảo sự phát triển bền vững và hài hòa giữa các địa phương. Tránh trường hợp như hiện nay, khi có một số ngành hàng có sự cạnh tranh giữa các địa phương với nhau, ví dụ như con cá tra, hay thanh long..., dẫn đến nguồn cung vượt quá cầu. Trên cơ sở đó, Chính phủ đã thành lập Ban chỉ đạo vùng ĐBSCL".
"Tôi nghĩ đây là giải pháp cần thiết để các tỉnh cùng ngồi lại làm việc với nhau, cùng rà soát lại quy hoạch tổng thể, xác định rõ vùng nào là trọng điểm sản xuất thủy sản, vùng nào trọng điểm cây ăn trái, hay sản xuất lúa... Đây có thể nói là chương trình có quy mô lớn nhất từ trước đến nay. Kinh phí dự kiến thực hiện Chương trình tổng thể (không gồm nguồn vốn đầu tư) khoảng 17.500 tỷ đồng, trong đó ngân sách nhà nước: 5.500 tỷ đồng; vốn tư nhân 12.000 tỷ đồng" - ông Tiến thông tin thêm.