dd/mm/yyyy

Bão số 16 giảm cấp, các tỉnh dốc toàn lực di dời dân trước giờ bão đổ bộ

Dự báo đêm nay báo số 16 sẽ đổ bộ vào các tỉnh từ Bà Rịa-Vũng Tàu đến Cà Mau với sức gió giật cấp 12. Các địa phương đang dốc sức di dời người, tàu thuyền và tài sản về nơi an toàn khi bão ập tới.

Bão số 16 đã giảm cấp dự kiến đổ bộ vào đất liện vào đêm nay

Theo Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn trung ương, hiện nay, bão số 16 tiếp tục có xu hướng yếu dần; hoàn lưu bão đang gây mưa cho các tỉnh Nam Bộ, một số nơi đã có gió giật mạnh cấp 6-7.

Hồi 13 giờ ngày 25.12, vị trí tâm bão ở vào khoảng 8,2 độ Vĩ Bắc; 108,8 độ Kinh Đông, cách Côn Đảo khoảng 240km về phía Đông. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 10 (90-100km/giờ), giật cấp 13. Vùng gió mạnh trên cấp 6, gió giật mạnh trên cấp 9 có bán kính khoảng 150km về phía Tây Bắc, khoảng 80km về phía Đông Nam tính từ vùng tâm bão.

Dự báo trong 12 giờ tới, bão di chuyển chủ yếu theo hướng Tây và suy yếu thêm, tốc độ di chuyển 15-20km/h, đến 01 giờ ngày 26.12, vị trí tâm bão ở vào khoảng 8,2 độ Vĩ Bắc; 106,2 độ Kinh Đông, ngay trên phía Nam Côn Đảo và vùng biển từ Trà Vinh đến Cà Mau. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 9 (75-90km/giờ), giật cấp 12.

Tiền Giang cấm biển, cưỡng chế di dời tránh bão

Ông Cao văn Hóa, Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Tiền Giang khẳng định, vì sự an toàn tuyệt đối của người dân, bất cứ ai không thực hiện theo lệnh di dời sẽ kiên quyết cưỡng chế đến nơi tạm trú và cấm biển 100%...

Trao đổi với PV, ông Hóa cho biết: “Theo chỉ đạo của tỉnh, tất cả người dân nằm trong vùng ảnh hưởng bão phải di dời khẩn trương đến nơi an toàn. Bất cứ trường hợp nào chủ quan không di dời thì sẽ phải dùng mọi biện pháp cưỡng chế đến nơi tạm trú an toàn. Các vùng nuôi thủy sản trên lồng bè, hay nuôi tôm, nghêu ven biển đều đã nhận lệnh cấm biển 100%. Đến 5 giờ sáng sớm hôm nay, theo ghi nhận của tôi, tất cả các hộ nuôi thủy sản đã hoàn tất di dời lên bờ tránh trú bão”.

Tỉnh Tiền Giang đẩy mạnh tuyên truyền vận động nhân dân tránh bão số 16

Theo ông Hóa, đến thời điểm hiện tại vùng nuôi tôm khoảng 4.000ha người dân đã thu hoạch xong; còn vùng nghêu 3.000ha đang trong quá trình nuôi cũng đã thu hoạch một phần. Tuy nhiên, với con nghêu thì nuôi ở dưới bãi biển nên cũng không lo bị thiệt hại. Đến trưa nay toàn ngành chức năng của tỉnh, huyện sẽ tiến hành kiểm tra tổng thể nhằm có các phương án kịp thời xử lý trước khi bão về tới.

Tại huyện Gò Công Đông hiện đã di dời hơn 20.000 người ra khỏi vùng nguy hiểm của bão, chủ yếu ở 8 xã ven biển như Tăng Hòa, Tân Thành, Phước Trung, Tân Điền, Kiểng Phước, Gia Thuận, thị trấn Vàm Láng, Tân Phước. Người dân di chuyển về 40 điểm gồm các nhà văn hóa, UBND các xã, các trường học trên địa bàn huyện.

Từ sáng sớm, tại địa bàn huyện Gò Công Đông đã xuất hiện mưa và có những nơi mưa rất to kèm theo gió. Những thông tin về cơn bão 16 cũng liên tục được phát trên hệ thống đài phát thanh của các xã hoặc từ loa cầm tay của các trưởng ấp về việc yêu cầu người dân phải di chuyển nhanh ra vùng nguy hiểm…

Lực lượng chức năng tích cực hỗ trợ dân di dời về nơi an toàn

Dọc các tuyến đường, xe của lực lượng quân sự, công an chạy tấp nập; bộ đội, công an từ cấp tỉnh, huyện, xã có mặt ở hầu hết các điểm “nóng” trên địa bàn để hỗ trợ cho việc di dân, chằng chéo nhà cửa, neo đậu tàu thuyền và giữ nhà cho các hộ dân đi tránh, trú bão. Lúc này trên các tuyến đường từ vùng ven đê, vùng nguy hiểm đổ về các thị trấn, thị xã dòng người hối hả chạy xe máy mang theo vật dụng cá nhân di dời. Có những gia đình thuê cả taxi hoặc thuê xe ô tô để di chuyển lên TP. Mỹ Tho hoặc TP.Hồ Chí Minh.

Theo UBND huyện Gò Công Đông, việc di dân bước 1 kết thúc từ 12 giờ trưa nay (25/12). Ngoài ra, đến thời điểm này huyện Gò Công Đông cũng đã hoàn tất việc kêu gọi tàu, thuyền vào nơi tránh trú an toàn, với 834/834 tàu. Huyện cũng huy động trên 1.300 thanh niên xung kích để tham gia hộ đê và giúp người dân chằng chéo nhà cửa trên 1.000 cái.

Tại huyện Tân Phú Đông cũng đã di dời được khoảng 18.000 người dân. Bên cạnh đó, một số hộ dân của huyện Tân Phú Đông cũng đã di chuyển sang huyện Gò Công Tây, tập trung ở trường tiểu học và chùa để tránh trú bão. Hiện tỉnh Tiền Giang đã lên kế hoạch chuẩn bị mọi phương án dự phòng nhằm đảm bảo thông tin liên lạc một cách thông suốt khi có bão xảy ra.

Bến Tre đóng cửa chợ, công nhân nghỉ làm

Tại Bến Tre nhiều tiểu thương tại chợ Trung tâm Bến Tre đã đóng cửa không buôn bán. Tuy nhiên vẫn còn lác đác nhiều người bán hàng rong bán trên hè phố, mặc dù lực lượng chức năng đã cấm.

Cô Lê Thị Kết, ở Phường Phú Khương, Tp. Bến Tre, khi được hỏi “cô không biết bão tới sao, cô không ở nhà mà giờ này còn buôn bán” trả lời: “Sáng nay cơ quan chức năng đã thông tin cấm tất cả người buôn bán bắt đầu từ 12h ngày hôm nay. Nhưng mà mấy ngày nay đồ ế phải ráng ra bán để có tiền trả lại vốn cho người ta, chứ để qua bão là đồ hư hết”.

Cùng bán với cô Kết còn có chú 7 Ổi ngụ xã Mỹ Thạn An, Tp. Bến Tre cho hay: “Chú bán đến khi nào hết người đi đường thì về”. Nhiều người dân biết bão nhưng do chén cơm manh áo mà họ phải buôn bán bất chấp mưa gió.

Sáng ngày 25.12 Chủ tịch UBND Tỉnh Bến Tre Cao Văn Trọng đã có văn bản chỉ đạo khẩn cấp các Sở, ban Ngành đoàn thể, UBND các huyện thành phố, các trường Đại học, việc tiếp tục thực hiện các giải pháp cấp bách ứng phó bão số 16. Trong văn bản nêu rõ học sinh, sinh viên các trường học được nghỉ ngày 25-26. Bên cạnh đó, đề nghị các chủ cơ sở doanh nghiệp chủ động sắp xếp các hoạt động kinh doanh cho công nhân nghỉ làm từ chiều ngày 25 đến hết sáng ngày 26 tháng.


Cửa Tây chợ Trung tâm Bến Tre đã đóng cửa trước giờ bão đổ bộ

Các lực lượng chức năng đảm bảo công tác di dời người dân ra nơi nguy hiểm và phải hoàn thành trước 14h ngày 25, nếu sau 14 còn hộ nào không chịu di dời thì cương quyết cưỡng chế di dời. Hướng dẫn đúng kỹ thuật chằng chống nhà cửa cho người dân. Sở Y tế chỉ đạo cho các bệnh viên sẵn sàng phục vụ người dân trong mọi tình hướng xảy ra.

Ông Lê Văn Sáu, Chánh VP UBND Tỉnh Bến Tre cho biết: “Các thành viên của BCH phòng chống lụt bão của tỉnh Bến Tre đã xuống từng huyện hết sức khẩn trương đôn đốc chỉ đạo kịp thời để ứng phó với bão Tembin, chỉ đạo kiểm tra công tác giám sát đảm bảo an toàn cho người và tài sản, công tác hậu cần như y tế, nhu yếu phẩm hiện nay đã chuẩn bị đầy đủ và sẵn sàng ứng phó với bão số 16.

Theo ông Nguyễn Quang Thương, Chi cục Thủy Lợi Bến Tre, thông tin: “Trên tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ trong buổi họp trực tuyến chiều ngày 24.12 và chỉ đạo của chủ tịch tỉnh “thà nghe dân chửi chứ đừng để dân chết”. Bến Tre tập trung cả hệ thống chính trị vào cuộc ứng phó bão Tembin.

Tính mạng con người là trên hết, bằng mọi cách phải sơ tán, di dời người dân ra khỏi những nơi xung yếu nguy hiểm trước 12h ngày hôm nay. Các lực lượng nồng cốt để giúp người dân tránh bão như lực lượng quân đội, công an nhân dân, dân quân tự vệ đã sẵn sàng và đã ra quân hướng dẫn, sơ tán người dân ở những nơi xung yếu vào nơi tránh bão an toàn, cũng như giúp người dân chằng chống nhà cửa kiên cố trước cơn bão”.

Các tàu thuyền hiện nay đã vào bờ gần hết, còn lại một số ít tàu thuyền chưa vào kịp cũng đã liên lạc được. Bắt đầu từ sáng nay, học sinh sinh viên đã bắt đầu nghỉ học. Tỉnh cũng đã chỉ đạo Đài THBT, Đài phát thanh địa phương liên tục phát đi thông tin về tình hình và diễn biến của bão Tembin cho người dân nắm rõ”.

Nguyên Minh