dd/mm/yyyy

Bão số 16 cấp thảm họa vào biển Đông, 1 triệu người phải di dời

Bão bão số 16 (bão Tembin) được đánh giá là cơn bão mạnh nhất từ đầu năm sẽ đổ bộ vào nước ta, hướng thẳng vào các tỉnh Nam Bộ với rủi ro cấp độ thảm họa. Các tỉnh sẵn sàng phương án di dời gần 1 triệu người dân.

Bão số 16 hướng vào Nam Bộ

Bão giật cấp 14 di chuyển nhanh

Hồi 07 giờ ngày 24.12, vị trí tâm bão ở vào khoảng 8,5 độ Vĩ Bắc; 114,7 độ Kinh Đông, cách đảo Trường Sa Lớn (thuộc quần đảo Trường Sa) khoảng 300km về phía Đông. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 12 (115-135km/giờ), giật cấp 15. Vùng gió mạnh trên cấp 6, gió giật mạnh trên cấp 9 có bán kính khoảng 250km tính từ vùng tâm bão. Vùng bán kính gió mạnh trên cấp 10, giật trên cấp 14 có bán kính khoảng 150km tính từ vùng tâm bão.

Dự báo trong 24 giờ tới, bão di chuyển chủ yếu theo hướng Tây, tốc độ di chuyển nhanh (25km/h). Đến 07 giờ ngày 25/12, vị trí tâm bão ở vào khoảng 8,5 độ Vĩ Bắc; 109,3 độ Kinh Đông, cách Côn Đảo 300km về phía Đông. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 12 (115-135km/giờ), giật cấp 15, sóng biển cao từ 8-10 mét.

Vùng gió mạnh trên cấp 6, gió giật mạnh trên cấp 9 có bán kính khoảng 250km tính từ vùng tâm bão. Vùng bán kính gió mạnh trên cấp 10, giật trên cấp 13 có bán kính khoảng 150km tính từ vùng tâm bão.

Vùng nguy hiểm trên Biển Đông trong 24 giờ tới (gió mạnh do bão cấp 6 trở lên) từ vĩ tuyến 6,0 đến 11,0 độ Vĩ Bắc; phía Đông kinh tuyến 106,0 độ Kinh Đông.
Sáng 23.12, Ban Chỉ đạo trung ương về Phòng chống thiên tai đã tổ chức cuộc họp trực tuyến với các tỉnh, thành phố ven biển từ Quảng Nam đến Cà Mau để ứng phó với bão số 16.

Bão muộn nhưng mạnh nhất

Ông Hoàng Đức Cường, Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn trung ương, cho biết bão Tembin đang di chuyển chủ yếu theo phía Tây với tốc độ 20-25 km/giờ và dự kiến đêm 23 rạng sáng 24-12, bão sẽ đi vào biển Đông nước ta, trở thành cơn bão số 16.


Ngư dân cửa biển Sông Đốc (huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau) đưa tàu vào bờ tránh bão 

Theo ông Cường, các trung tâm khí tượng của Nhật Bản, Mỹ, Hồng Kông đều nhận định sau khi đi vào biển Đông, bão số 16 sẽ liên tục mạnh thêm, cao nhất khi vào đến phía Tây đảo Trường Sa có thể đạt cấp 11-12, giật cấp 15, hướng vào Nam Bộ, ảnh hưởng trực tiếp các tỉnh, thành từ Bà Rịa - Vũng Tàu đến Cà Mau vào đêm 25, rạng sáng 26-12. Tuy nhiên, do hoàn lưu bão lệch về phía Bắc và phía Tây nên vùng có gió lớn có thể mở rộng đến Bắc Bình Thuận.

"Cần ứng phó với phương án bão đổ bộ cấp 10-11, cấp độ rủi ro thiên tai cấp 4. Thậm chí, nếu bão vẫn giữ nguyên cấp 12, giật cấp 15 khi đổ bộ thì lần đầu tiên phải nâng cấp độ rủi ro lên cấp 5 - cấp thảm họa" - ông Cường khuyến cáo.

Cơ quan khí tượng nhận định cơn bão số 16 rất phức tạp, là cơn bão muộn, mạnh nhất từ trước tới nay. Và nếu giữ cấp 10-11 hoặc đạt cấp 12 khi đổ bộ thì sẽ là cơn bão mạnh nhất vào Nam Bộ.

Hủy họp, dồn sức chống bão

Phát biểu tại cuộc họp, ông Trần Quang Hoài, Tổng Cục trưởng Tổng cục Phòng chống thiên tai, bày tỏ lo ngại nằm ở vùng bão ít đổ bộ vào nên kinh nghiệm ứng phó của người dân cũng như chính quyền địa phương ở các tỉnh Nam Bộ chưa nhiều nên rất dễ gặp rủi ro. Mặt khác, lượng tàu thuyền hoạt động trên vùng biển khu vực này khá nhiều.

Do đó, ông Hoài đề nghị các địa phương được dự báo nằm trong vùng ảnh hưởng của bão cần tập trung cao độ trong công tác ứng phó. Căn cứ vào tình hình cụ thể có thể ban hành ngay lệnh cấm biển và đặc biệt lưu ý trong công tác di dời dân ra khỏi khu vực nguy hiểm. Đây cũng là khu vực có tới 29 điểm sạt lở lớn với chiều dài trên 120 km, lại tập trung đông dân cư, trong khi hệ thống đê điều chỉ chịu được đến cấp 9.

"Đề nghị các địa phương dọc các tỉnh từ Quảng Ngãi đến Cà Mau lên phương án sơ tán, di dời trên 234.000 hộ dân, xấp xỉ 1 triệu nhân khẩu; phải bố trí khu vực neo đậu tránh bão, kêu gọi tất cả tàu thuyền đánh bắt tại khu vực nguy hiểm vào nơi trú tránh an toàn" - ông Hoài kê gọi.

Hướng di chuyển của bão số 16

Trước tình hình nguy cấp của bão số 16, kết luận cuộc họp, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường yêu cầu các địa phương phải dừng tất cả cuộc họp cuối năm để dồn sức, tập trung chỉ đạo chống bão. Bộ trưởng Cường nhấn mạnh: "Đây là cơn bão rất đặc biệt, trái mùa lại vào vùng có nhiều bất lợi về kinh tế - xã hội, dân sinh như địa hình bằng phẳng, nhiều đảo, nhiều nhà cửa không kiên cố nên nếu không quyết liệt, chủ động sẽ gây tổn thương vô cùng lớn, nhất là khi vào biển Đông, bão ngày càng nhanh và mạnh".

Cà Mau di dời 8.000 dân, cho học sinh nghỉ học

Theo dự báo, tâm bão Tembin đang hướng vào Đất Mũi, lãnh đạo Cà Mau sơ tán 8.000 dân ven biển, ngày mai cho 245.000 học sinh nghỉ học.

Sáng 24.12, lãnh đạo tỉnh Cà Mau họp đột xuất nghe báo cáo tình hình đối phó bão số 16, thống nhất phương án triển khai phòng chống. Ông Nguyễn Tiến Hải - Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau - cho biết, sáng nay đã thông báo di dời dân 8.000 dân ở các vùng ven biển, nhất là người già và trẻ em đến nơi an toàn.

Ngày mai, 245.000 học sinh trên toàn tỉnh sẽ nghỉ học. "Công nhân tại các nhà máy xí nghiệp, doanh nghiệp trên toàn tỉnh phải nghỉ làm, chỉ chừa lại một số bộ phận chuyên môn để coi sóc nhà máy, ứng cứu kịp thời khi bão đổ bộ", ông Hải nhấn mạnh.

Tại các xã, huyện đã triển khai loa phát thanh lưu động tuyên truyền các ghe thuyền trên sông lên bờ tránh bão. Nghành y tế cũng sẵn sàng ứng trực, đảm bảo y bác sĩ, thuốc men, thành lập tổ y tế cơ động sẵn sàng đến các nơi có người cần ứng cứu.

Các nhà mạng, ngành điện được chỉ đạo kiểm tra hệ thống hạ tầng đảm bảo thông tin liên lạc, nguồn điện. Lực lượng cứu hộ trọng điểm tại cửa biển Sông Đốc, cảng Năm Căn phải túc trực 24/24h để sẵn sàng cứu người khi có sự cố xảy ra.

"Các cuộc họp của UBND tỉnh chưa cần thiết phải đình lại để tập chung toàn lực lo cho chống bão", ông Hải nói.

Ông Dương Thanh Bình - Bí thư Tỉnh ủy Cà Mau nhận định, cơn bão này không thể tránh khỏi, nó đổ bộ vào Cà Mau. Trong hôm nay và ngày mai các địa phương phải chỉ đạo thu hoạch các mô hình sản xuất kinh tế, tránh thiệt hại.

"Các cơ quan từ tỉnh đến địa phương phải túc trực 24/24h, đảm bảo thông tin liên lạc, sử dụng tất cả phương tiện để tham gia phòng chống bão", ông Bình nhấn mạnh.

Bão Tembin tàn phá Philippines, ít nhất 133 người thiệt mạng
Ít nhất 133 người thiệt mạng và hàng chục người mất tích khi bão nhiệt đới Tembin quét qua miền Nam Philippines vào ngày 22-12. Đài BBC đưa tin cơn bão gây ra nhiều trận lũ quét và lở đất ở các khu vực trên đảo Mindanao. Ba tỉnh chịu thiệt hại nặng nhất là Lanao del Norte, Zamboanga del Norte và Lanao del Sur. Trong số này, 2 thị trấn Tubod (thuộc tỉnh Lanao del Norte) và Piagapo (thuộc tỉnh Lanao del Sur) bị ảnh hưởng nặng nề khi nhiều ngôi nhà bị chôn vùi.

Bão Tembin, với sức gió 80 km/giờ đã đi qua Mindanao và đang tiến về mũi phía Nam của Palawan trước khi di chuyển xa hơn về phía Tây. Nhà chức trách Philippines lo ngại số người thiệt mạng sẽ còn gia tăng trong khi hơn 50.000 người phải sơ tán. Ông Gerry Parami, cảnh sát thị trấn Tubod, cho biết: "Mực nước sông tăng và hầu hết các ngôi nhà đều bị cuốn đi. Ngôi làng đã bị xóa sổ".

Hiện lực lượng tình nguyện viên đang đào bới các đống bùn để tìm kiếm thi thể dân làng Dalama. Các thị trấn Piagapo (cách Tubod 10 km về phía Đông), Sibuco và Salug cũng có nhiều người thiệt mạng. Tình trạng mất điện và hệ thống liên lạc bị cắt đứt khiến nỗ lực cứu hộ trở nên khó khăn.

Sau khi đi qua rìa phía Nam của Palawan, bão Tembin được dự báo sẽ di chuyển về phía Tây và đến miền Nam Việt Nam trong vòng 3 ngày. Cách đây một tuần, bão Kai-Tak cũng đổ bộ vào miền Trung Philippines, khiến hơn 40 người chết.
Minh Nguyên