dd/mm/yyyy

"Bà trùm" rau bí kiếm tiền triệu nơi bãi giữa sông Hồng

Vườn rau bí khổng lồ của chị em “bà trùm” Nguyễn Thị Lợi đã tồn tại hơn 20 năm nơi bãi giữa sông Hồng. Công việc bắt đầu từ 2h sáng đã đem lại cho chị em bà Lợi bạc triệu mỗi ngày.

Cái tên “bà trùm” rau bí được bà con buôn rau bí nhiều chợ dân sinh quận Tây Hồ đặt cho chị em bà Nguyễn Thị Lợi và bà Nguyễn Thị Toàn quê ở Vĩnh Phúc, bởi thâm niên nhiều năm gắn bó với nghề nơi bãi giữa sông Hồng.

"Bà trùm" rau bí kiếm tiền triệu nơi bãi giữa sông Hồng - Ảnh 1.

Khi nhiều người còn say giấc nồng, bà Lợi đã hái xong mẻ rau bí non buổi sớm.

Rau bí của chị em bà Lợi đã cung cấp tới nhiều khu chợ của quận, nhất là chợ Phú Gia (phường Phú Thượng).

Từ cuối những năm 90 của thế kỷ trước, bà Lợi cùng một số người dân từ vùng quê Vĩnh Phúc di cư về bãi giữa sông Hồng để chăn nuôi, trồng trọt. Sau này khi khởi công xây dựng cầu Nhật Tân, mọi người dần trở về quê hoặc đi nơi khác làm ăn.

"Bà trùm" rau bí kiếm tiền triệu nơi bãi giữa sông Hồng - Ảnh 2.

Đôi tay thoăn thoắt,bà Lợi chỉ hái 1 lúc đã được hàng chục kg rau bí

Khu bãi giữa sông Hồng chỉ còn lại bà Lợi cùng vài người bám trụ lại, cư trú tạm bợ trong những túp lều không điện, không nước sạch, sống chủ yếu nhờ vào cây rau, cây ngô.

Năm 2013, bà Toàn - chị gái của bà Lợi - cũng từ Vĩnh Phúc xuống ở cùng em gái để hỗ trợ việc trồng và thu hoạch rau bí.

"Bà trùm" rau bí kiếm tiền triệu nơi bãi giữa sông Hồng - Ảnh 3.

Làm đêm, ngủ ngày là công việc thường xuyên của người phụ nữ gốc Vĩnh Phúc này hơn 20 qua.

Từ 2 giờ sáng, chị em bà Nguyễn Thị Lợi thức dậy bắt đầu công việc cắt rau bí ngoài ruộng để kịp mang tới các nhà hàng đặt trước và bán tại chợ Phú Gia.

Những đêm hè giữa tháng 6/2020, trong ánh sáng mập mờ của ánh đèn pin đội đầu, bà Lợi thoăn thoắt tay cắt, tay ôm những ngọn rau bí tươi non. Chỉ một chốc lát, bà Lợi đã thu được khoảng 50kg rau bí. Với mức giá từ 25.000-30.000 đồng/kg, bà Lợi thu về khoảng hơn 1 triệu đồng.

"Bà trùm" rau bí kiếm tiền triệu nơi bãi giữa sông Hồng - Ảnh 4.

Ngoài hái rau, bà Nguyễn Thị Toàn - chị gái bà Lợi - những ngày này còn đảm nhiệm việc chăm bón rau ban ngày.

“Rau bí phải cắt đêm, khi đó những giọt sương vẫn còn đọng lại trên ngọn rau. Sáng sớm đem giao cho khách cho dù nắng nóng như mùa này rau vẫn sẽ tươi lâu, khi chế biến rau sẽ ròn và ngọt hơn” - bà Lợi bật mí.

Mỗi ngày, vườn rau của hai bà cung ứng hàng trăm kg rau bí ra thị trường. khách hàng là các quán ăn, nhà hàng trong thành phố và nhiều người dân ở quận Tây Hồ.

"Bà trùm" rau bí kiếm tiền triệu nơi bãi giữa sông Hồng - Ảnh 5.

Kinh nghiệm của bà Lợi: "Hái rau lúc đêm, sương đọng trên ngọn và lá giúp rau tươi lâu hơn".

Từ sau Tết Nguyên đán, dịch Covid-19 làm thị trường tiêu thụ rau bí giảm. Mỗi sáng, mình tôi dậy sớm cắt rau. Còn bà Toàn dậy chăm sóc cây cối. Với lại bây giờ trồng nhiều loại rau, quả nên cũng phải phân công nhau chăm mới hết được” - bà Lợi nói.

"Bà trùm" rau bí kiếm tiền triệu nơi bãi giữa sông Hồng - Ảnh 6.

Đất bãi giữa sông Hồng nhiều phù sa, giúp rau bí lên nhanh

Cho dù có mức thu nhập ổn định, thế nhưng, cuộc sống của hai chị em “bà trùm” rau bí trên đảo vẫn thiếu thốn đủ đường vì trên đảo suốt 20 năm qua không có điện và nước sạch. Cuộc sống ở đây vẫn cứ khó khăn như những ngày đầu bà Lợi cùng dân làng xuống khai hoang.

"Bà trùm" rau bí kiếm tiền triệu nơi bãi giữa sông Hồng - Ảnh 7.

Ngược với buổi đêm mát mẻ, ban ngày bãi giữa sông Hồng đầy nắng nóng vào những ngày tháng 6 này.

Khi được hỏi về vì sao lại bám trụ lại mảnh đất này, bà Lợi tâm sự: “Tôi cùng dân làng xuống đây đã hơn 20 năm rồi, nhờ mảnh đất này mà con cái được ăn học đến nơi đến chốn, kinh tế gia đình cũng khá giả hơn, xây được nhà, mua được xe máy”.

Cũng theo bà Lợi, một phần lý do bà ở lại còn vì lưu luyến nơi này và về quê chưa biết làm gì. “Thôi thì còn sức khỏe thì còn ở lại” - bà Lợi tâm sự.

Phạm Công