Nhận thấy ở địa phương có hai sông lớn chảy qua là sông Luộc và sông Hóa nên nhiều hộ nông dân ở huyện Quỳnh Phụ, Thái Bình đã nắm bắt cơ hội phát triển nuôi trồng thủy sản, đặc biệt là nuôi cá lồng trên sông. Hiện nay, trên địa bàn huyện có hàng trăm lồng nuôi cá trên sông, tập trung ở 3 xã: Quỳnh Ngọc, Quỳnh Hoa, Quỳnh Hoàng.
Nổi bật tại địa phương là gia đình anh Vũ Ngọc Ba ở xã Quỳnh Hoa hiện có 40 lồng nuôi cá, nhiều lồng sắp đến kỳ thu hoạch. Giá trị ước tính hiện tại khoảng 8 - 9 tỷ đồng. Tuy có doanh thu lớn song gia đình anh cũng vay khoảng 3 tỷ đồng từ một số ngân hàng để duy trì mô hình nuôi cá lồng.
Mặc dù có doanh thu tiền tỷ mỗi năm nhưng anh Ba băn khoăn: Nuôi cá lồng tuy giá trị kinh tế mang lại cao nhưng lại phụ thuộc vào giá cả, nguồn nước. Nếu giá cao, nguồn nước không bị ô nhiễm sẽ mang lại cho người nuôi từ vài trăm triệu đến hàng tỷ đồng mỗi năm. Nhưng khi giá thấp, cá chết do ô nhiễm nguồn nước, người nuôi bị thua lỗ, thậm chí trắng tay. Do vậy, để duy trì hoặc mở rộng quy mô nuôi rất cần nguồn vốn hỗ trợ ổn định cho các hộ nuôi cũng như quản lý chặt chẽ việc xả thải nguồn nước từ các nhà máy.
Không chỉ gia đình anh Vũ Ngọc Ba có thu nhập cao với nghề nuôi cá. Một gia đình ở Thái Bình thành công với mô hình nuôi cá lồng nhận được sự chú ý của nhiều người. Nổi tiếng là hộ đầu tiên ở Thái Bình thành công với mô hình nuôi cá lồng trên sông Luộc, anh Nguyễn Văn Tuy và 2 người em trai có thu nhập ấn tượng.
Với mong muốn phát triển kinh tế gia đình, bắt đầu từ năm 2013, ba anh em nhà anh Tuy khởi nghiệp với nghề nuôi cá lồng. Thuở ban đầu 3 anh em chỉ có khoảng hơn 10 lồng cá tuy nhiên đến nay sau hơn 10 năm đã có gần 40 lồng cá, chủ yếu nuôi cá lăng, cá chép, cá trắm.
Tiết lộ bí quyết làm giàu với báo Thái Bình anh Tuy phấn khởi cho biết: Nuôi cá lồng trên sông ưu điểm dễ thấy nhất là tận dụng được nguồn thức ăn tự nhiên, cá ít bị dịch bệnh, năng suất cao, thuận tiện trong chăm sóc và thu hoạch. Bên cạnh đó, môi trường ít bị ô nhiễm, lượng oxy trong nước cao, nguồn nước luôn được lưu thông cũng là những điều kiện để cá sinh trưởng, phát triển nhanh... Năm 2023, riêng gia đình anh Tuy thu hoạch được gần 40 tấn cá từ 15 lồng cá, lợi nhuận mang lại trên 1 tỷ đồng.
Nói về những hộ làm kinh tế giỏi tại địa phương ông Phạm Văn Tập, Bí thư Đảng ủy xã chia sẻ: Địa phương đang tiếp tục khuyến khích các hộ nuôi cá lồng trên sông, trong đó chú trọng hỗ trợ các hộ tiếp cận nguồn vốn vay để đầu tư. Để tạo nguồn lực cho các hộ trong chăn nuôi, xã chỉ đạo Hội Nông dân thành lập tổ hợp tác để tiếp cận nguồn vốn của Trung ương Hội Nông dân Việt Nam và của tỉnh, đặc biệt là nguồn vốn của Ngân hàng Chính sách xã hội.
Những năm qua, nghề nuôi cá lồng trên sông là nghề truyền thống ở tỉnh Thái Bình mang lại hiệu quả kinh tế do tận dụng được điều kiện tự nhiên thuận lợi cùng thế mạnh có nhiều dòng sông nước ngọt chảy qua. Điều đáng nói, so với nuôi cá trong ao, hồ, thì nuôi cá lồng trên sông có nhiều ưu điểm nổi trội, đang trở thành hướng đi mới trong nuôi trồng thủy sản ở địa phương.
Từng chia sẻ với báo Nhân Dân bà Nguyễn Thị Minh Nguyệt, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Thái Bình chia sẻ: Nghề nuôi cá lồng trên sông suy giảm trong thời điểm hơn 3 năm diễn ra dịch Covid-19, khi đó đầu ra bị ách tắc, trong khi chi phí thức ăn, rồi hóa chất, chế phẩm tăng cao, giá cả xuất bán bấp bênh đã làm giảm hiệu quả sản xuất. Mặt khác, vốn đầu tư nuôi cá lồng lớn, trong khi người nuôi không có nguồn vốn vay ưu đãi, một số hộ không có vốn để tái đầu tư sản xuất. Ở tỉnh Thái Bình chưa thực hiện đăng ký nuôi thủy sản lồng bè do những vướng mắc về thủ tục giấy chứng nhận quyền sử dụng đất khi được giao, cho thuê đất để nuôi trồng thủy sản. Điều này cản trở rất lớn khiến nghề nuôi cá lồng trên sông mới dừng lại ở mức độ duy trì mô hình, mà chưa có sự bứt phá mạnh mẽ, nhất là thu hút các doanh nghiệp có tiềm năng đầu tư, phát triển với quy mô lớn.