dd/mm/yyyy

An toàn sinh học - “liều thuốc” cứu chăn nuôi nông hộ

Theo TS.Hạ Thúy Hạnh - Phó Giám đốc Trung tâm Khuyên nông Quốc Gia (Bộ NN&PTNT), với điều kiện thời tiết khí hậu đặc thù và chăn nuôi nhỏ lẻ như Việt Nam hiện nay thì giải pháp chăn nuôi an toàn sinh học (ATSH) sẽ là “liều thuốc” hiệu quả cứu chăn nuôi nông hộ trước các mối đe dọa về dịch bệnh và tránh phụ thuộc vào thuốc kháng sinh.

Con số khủng khiếp

Theo TS.Nguyễn Thanh Sơn – Nguyên Viện trưởng Viện Chăn nuôi - Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi gia cầm Việt Nam, ước tính mỗi năm nước ta sử dụng 1.000 - 1.200 tấn kháng sinh, trong đó có hơn 40 tấn dành cho gia cầm và hơn 980 tấn cho chăn nuôi lợn.

TS Hạ Thúy Hạnh phát biểu tại Hội thảo “Áp dụng các giải pháp công nghệ nhằm giảm thiểu sử dụng kháng sinh trong chăn nuôi gia cầm” do Hiệp hội Chăn nuôi gia cầm Việt Nam tổ chức tại Hà Nam ngày 29.3.
TS Hạ Thúy Hạnh phát biểu tại Hội thảo “Áp dụng các giải pháp công nghệ nhằm giảm thiểu sử dụng kháng sinh trong chăn nuôi gia cầm” do Hiệp hội Chăn nuôi gia cầm Việt Nam tổ chức tại Hà Nam ngày 29.3.

"Đây là một con số khủng khiếp, chưa kể các vật nuôi khác như trâu, bò, dê, cừu. Đến nay, theo điều tra gần như 100% các trang trại chăn nuôi đều sử dụng từ 2 đến 7 loại kháng sinh từ các loại phòng, điều trị bệnh. Đáng báo động là một số trang trại chăn nuôi ở Bắc Ninh, Hải Phòng còn sử dụng một số kháng sinh cấm trong chăn nuôi, điều này gây ra hệ lụy rất nghiêm trọng" - ông Sơn nói.

Chia sẻ với chúng tôi, bà Nguyễn Thị Thân, một nông dân chăn nuôi nhỏ lẻ tại xã Chuyên Ngoại, huyện Duy Tiên (Hà Nam) cho biết, từ trước đến nay bà con ở quê theo thói quen cứ thấy vật nuôi đau, ốm là tìm đến các cửa hàng trên địa bàn để mua thuốc về chữa trị, trừ trường hợp lợn, gà bị nặng mới gọi bác sỹ thú y.

Ông Sơn cho biết, trước tình hình đó, Chính phủ, Bộ NNPTNT đã ban hành văn bản hướng dẫn để kiểm soát kháng sinh và các chất cấm trong chăn nuôi. Cụ thể, trong năm 2017, Bộ đã ban hành các văn bản hướng dẫn, nhất là các chương trình hành động quốc gia về quản lý kháng sinh trong chăn nuôi.

"Tôi đề nghị các cơ quan quản lý nhà nước xem xét cụ thể hơn về chương trình hành động quốc gia về kiểm soát kháng sinh trong chăn nuôi. Theo tôi chương trình này không chỉ triển khai từ nay đến năm 2020 mà nên kéo dài và chia ra làm 2 giai đoạn từ nay đến 2025 và từ 2025 – 2030” – ông Sơn nói.

Theo Luật Chăn nuôi đã được ban hành và có hiệu lực bắt đầu vào ngày 1/1/2020 thì người sử dụng kháng sinh trong chăn nuôi phải được kê đơn từ bác sỹ thú y, việc quy định theo văn bản là như vậy nhưng thực tế việc kiểm soát được hay không lại là câu chuyện khác.

"Hiện nay, Việt Nam đã có sản phẩm chế phẩm sinh học thảo dược và đã được nhiều đơn vị, trang trại tại các tỉnh, thành sử dụng rất thành công. Mong rằng trong thời gian, với lợi thế, tiềm năng sẵn có của mình, chúng ta sẽ tiếp tục nghiên cứu và đưa ra thị trường nhiều sản phẩm chế phẩm sinh học có nguồn gốc thảo dược, thực vật mới để người chăn nuôi sử dụng. Từ đó giúp nông dân giảm dần việc sử dụng, lạm dụng kháng sinh trong chăn nuôi". TS Lê Văn Thông - Phó Chủ tịch thường trực kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Chăn nuôi gia súc lớn Việt Nam

Vì thế, cần có chương trình hành động quyết liệt từ các cơ quan quản lý nhà nước và các tổ chức xã hội nghề nghiệp, các cơ quan truyền thông để tuyên truyền cho người dân thì chúng ta mới kiểm soát được việc lạm dụng kháng sinh" - ông Sơn khẳng định.

Cần thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp

Gợi ý thêm về giải pháp, ông Sơn cho hay: Bên cạnh việc đưa ra các quy định kiểm soát việc sử dụng kháng sinh trong chăn nuôi như quy định về các kháng sinh được dùng, liều lượng dùng, mua kháng sinh phải theo đơn của bác sỹ thú y... chúng ta phải áp dụng 2 giải pháp quan trọng là sử dụng các chế phẩm sinh học thay thế như probiotic hoặc là các men vi sinh khác. Thứ 2 là chúng ta phải áp dụng các giải pháp về an toàn sinh học (ATSH), đây là một giải pháp rất hữu hiệu để phòng, chống dịch bệnh kể cả các dịch bệnh nguy hiểm trên lợn như dịch tả lợn châu Phi, dịch lở mồm long móng...

TS.Hạ Thúy Hạnh cho hay: Theo sự chỉ đạo của Bộ, chúng tôi phối hợp với FAO xây dựng bộ tài liệu chuẩn về chăn nuôi quy mô nông hộ, gia trại với 3 đối tượng chính là các hộ chăn nuôi gia cầm sinh sản, hộ chăn nuôi gia cầm thương phẩm và các cơ sở áp nở.

Thực tế hiện nay, các trang trại chăn nuôi lớn cũng làm tốt các việc này, nhất là việc chăn nuôi ATSH, tuy nhiên các trang trại này cũng phải có trách nhiệm với chăn nuôi nông hộ. Bởi, trong một cơ sở an toàn dịch bệnh hay vùng an toàn dịch bệnh kể cả cấp tỉnh phải thực hiện đồng bộ giữa các trang trại và nông hộ thì mới đảm bảo an toàn.

Đặc biệt hiện nay, Tổ chức Thú y thế giới (OIE) cũng yêu cầu dùng giải pháp chăn nuôi ATSH sẽ giúp phòng, chống được 2 bệnh nguy hiểm nhất trên gia cầm là bệnh Newcastle và bệnh cúm gia cầm. Trong thời gian vừa qua, Trung tâm cũng đã xây dựng các cơ sở chăn nuôi gia cầm an toàn dịch bệnh với 2 bệnh trên, theo chúng tôi đánh giá, đây là giải pháp đóng vai trò rất quan trọng trong việc phát triển việc chăn nuôi gia cầm hiện nay ở nước ta.

Chăn nuôi an toàn sinh học giúp nông hộ giảm rủi ro dịch bệnh.
Chăn nuôi an toàn sinh học giúp nông hộ giảm rủi ro dịch bệnh.

Bà Hoàng Lan, đại diện Tổ chức FAO tại Việt Nam cho biết, trong giai đoạn từ 2012 đến 2019, FAO đã phối hợp cùng với Cục Chăn nuôi, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia (Bộ NNPTNT) thực hiện chương trình "Tăng cường quản lý sản xuất và ATSH trong chăn nuôi gia cầm". Theo đó, ngay từ ban đầu (2012-2014) chương trình tập trung vào đánh giá nguy cơ dịch bệnh tại hộ chăn nuôi gia cầm quy mô trung bình, nhỏ và thực hiện thí điểm thành công mô hình ATSH tối thiểu tại 6 cơ sở ấp nở trứng, 6 hộ chăn nuôi vịt giống tại miền Trung và miền Nam.

Tiếp đó từ năm 2016, FAO tiếp tục tiếp tục hợp tác với Bộ NNPTNT thực hiện Chương trình tăng cường ATSH và thực hành quản lý sản xuất tốt tại các tỉnh có mật độ chăn nuôi gia cầm cao. Cụ thể, chương trình tiến hành đào tạo cho 42 cán bộ nguồn, tập huấn cho 1077 nông dân và 330 cán bộ quản lý và khuyến nông, thú y cơ sở. Cùng với đó, chương trình cũng đã tiến hành xây dựng 60 trại mô hình và cơ sở ấp nở tại 7 tỉnh đại diện cho 3 vùng Bắc, Trung, Nam trong việc cải tạo điều kiện chăn nuôi.

"Đến nay chương trình đã thành công giúp nông dân tăng được năng suất chăn nuôi, tăng thu nhập và giảm lượng kháng sinh và chất khử trùng sử dụng từ 20-50% do giảm bệnh đường hô hấp và đường ruột...", bà Lan chia sẻ.

Trần Quang