Theo đó, Thanh Hoá là một trong 18 tỉnh, thành phố trên cả nước đã đề xuất tham gia Dự án Nước sạch và vệ sinh nông thôn bền vững, ứng phó với biến đổi khí hậu giai đoạn 2021-2025.
Dự án do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn làm chủ đầu tư có tổng mức đầu tư khoảng 200 triệu USD.
Mục tiêu của Dự án là cải thiện tiếp cận nước sạch và vệ sinh cho hộ gia đình, bảo đảm tính bền vững của đầu tư vào nước sạch và vệ sinh, hiệu quả tổng thể của quản lý công trình nước sạch…
Tại hội nghị, tỉnh Thanh Hoá đề xuất tham gia Dự án mức đầu tư khoảng 23,67 triệu USD, trong đó vốn vay của WB khoảng 21,74 triệu USD, vốn đối ứng của tỉnh khoảng 1,93 triệu USD.
Dự kiến sẽ có 6 công trình cấp nước tập trung được xây dựng, 24.000 hộ dân thuộc 19 xã, thị trấn của 6 huyện người được tiếp cận nước sạch, 40 trường học, 19 trạm y tế được cấp nước sạch và sử dụng nhà tiêu hợp vệ sinh.
Ông Lê Đức Giang - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa khẳng định: "Đây là dự án quan trọng đối với sự phát triển kinh tế - xã hội chung của tỉnh Thanh Hóa, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân nông thôn trong điều kiện khí hậu hết sức phức tạp, ảnh hưởng đến an ninh nguồn nước. Dự án được triển khai sẽ nâng tỷ lệ người dân được sử dụng nước sạch, môi trường sống được cải thiện, góp phần giảm thiểu bệnh tật và chi phí liên quan đến khám, chữa bệnh".
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa cũng bày tỏ mong muốn nhận được hỗ trợ của các bên liên quan để tỉnh được tham gia, triển khai thực hiện Dự án.
Sau hội nghị trực tuyến, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa Lê Đức Giang đã giao Văn phòng UBND tỉnh triển khai các thủ tục liên quan để thành lập Ban chỉ đạo thực hiện Dự án Nước sạch và vệ sinh nông thôn bền vững, ứng phó với biến đổi khí hậu tỉnh Thanh Hóa.
Đồng thời, giao các Sở Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư tỉnh này chủ động liên hệ với các bộ, ngành liên quan hoàn thiện thủ tục chấp thuận dự án với tỉnh Thanh Hóa.