Vùng cao Thuận Châu nhiều khởi sắc
Xã Co Mạ có 19 bản, với hơn 1.300 hộ dân chủ yếu là đồng bào dân tộc Mông, Thái, Khơ Mú cùng sinh sống. Nơi đây được ví là trung tâm của 6 xã vùng cao huyện Thuận Châu, cũng chính bởi vậy mà Co Mạ hôm nay đã và đang thu hút các doanh nghiệp, nhiều nhà đầu tư lên mở quán ăn, nhà lưu trú, cửa hàng kinh doanh dịch vụ thiết yếu…
Nhờ vậy, đã góp phần từng bước đưa Co Mạ trở thành trung tâm giao thương hàng hóa nông sản, nơi họp chợ phiên vào thứ 5 hàng tuần giữa các vùng miền và các xã lân cận.
Ông Và Phỏng Sá, Phó Chủ tịch UBND xã Co Mạ, cho biết: Để từng bước nâng cao đời sống nhân dân, xã Co Mạ đã tích cực tuyên truyền, vận động bà con đưa các loại cây giống mới vào trồng, như: Xoài, nhãn, dứa… Tổ chức tập huấn, hướng dẫn người dân áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Hướng dẫn nhân dân các biện pháp chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh hại các loại cây ăn quả.
Đến nay, toàn xã Co Mạ có 58 ha cây xoài, nhãn được trồng tập trung tại bản Cát, bản Mớ và bản Nong Vai và hơn 300 ha cây sơn tra.
Ngoài ra, phát huy lợi thế, xã còn tuyên truyền người dân đẩy mạnh phát triển chăn nuôi đại gia súc theo hướng hàng hóa. Nhờ vậy, ngày càng có nhiều hộ chăn nuôi đại gia súc theo mô hình chăn nuôi trang trại, gia trại gắn với trồng cỏ. Hiện, tổng đàn gia súc của xã đạt hơn 6.300 con.
Anh Và A Nếnh, bản Chả Lạy A, chia sẻ: Gia đình tôi hiện có 10 con trâu, bò, gia đình tôi đã trồng hơn 1 ha cỏ voi làm nguồn thức ăn cho đàn gia súc. Nhờ phát triển chăn nuôi gia đình tôi đã có cuộc sống khấm khá hơn so với trước đây.
Đời sống người dân vùng cao Thuận Châu được cải thiện
Chia tay bà con vùng cao Co Mạ, chúng tôi đến thăm một số mô hình phát triển kinh tế của xã É Tòng, trong đó nổi bật là mô hình nuôi gà đen H'Mông thương phẩm thả vườn, đồi theo hướng an toàn sinh học mới được huyện Thuận Châu triển khai tháng 11/2021. Mô hình được triển khai tại 3 bản Nà Muông, Nà Hem và bản Tở, với 5 hộ tham gia thực hiện nuôi 3.500 con.
Đến nay, mô hình đã và đang mang lại hiệu quả, mở ra hướng đi mới cho bà con xã É Tòng. Là một trong những hộ tham gia mô hình, anh Lò Văn Pâng, bản Tở, xã É Tòng, phấn khởi: Tháng 11/2021, gia đình tôi được huyện Thuận Châu hỗ trợ 1.000 con gà đen giống được 3 ngày tuổi để nuôi.
Sau 4 tháng nuôi, hiện đàn gà đen của gia đình tôi đạt trọng lượng từ 1,5 – 2 kg/con. Đến nay, gia đình tôi đã xuất bán được gần 1 tấn thịt gà đen ra thị trường, với giá bán từ 100 - 120 nghìn đồng/kg, thu về hơn 100 triệu đồng.
"Đây là mô hình có triển vọng tốt, nhu cầu thị trường ngày càng cao nên đến giữa tháng 3/2022, gia đình tôi sẽ tái đàn hơn 1.000 con nữa" Anh Lò Văn Pâng, nói.
Xã Mường Bám cũng là một trong 6 xã vùng cao của huyện Thuận Châu có những bước chuyển mạnh mẽ trong chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi.
Trao đổi với chúng tôi, ông Lường Văn Chỉnh, Phó Chủ tịch UBND xã Mường Bám thông tin: Từ năm 2017 đến nay, bà con trên địa bàn xã đã chuyển đổi diện tích đất kém hiệu quả sang trồng được hơn 200 ha xoài. Trong đó, diện tích đã cho thu hoạch trên 100 ha, năng suất đạt từ 3 - 4 tấn/ha. UBND xã đã liên kết với HTX Thanh Sơn để bao tiêu sản phẩm. Ngoài ra, năm nay, xã đã vận động bà con đăng ký trồng mới khoảng 10 ha dứa tại bản Nà La.
Vùng đất gian khó năm xưa, nay đang từng bước thay áo mới, cuộc sống của đồng bào các dân tộc ngày càng khởi sắc hơn.
Hiện, người dân 6 xã vùng cao của huyện Thuận Châu đã trồng gần 1.900 ha cây sơn tra và cây ăn quả các loại; 41 ha các loại cây sa nhân, thảo quả, gừng, nghệ... Chăn nuôi được duy trì, với tổng đàn gia súc hơn 12.000 con, hàng trăm ha cỏ voi VA06 cũng được bà con nhân dân các xã đưa vào trồng thay thế những cây ngắn ngày trên đất dốc để làm nguồn thức ăn cho đàn gia súc.