dd/mm/yyyy

Nông thôn Tây Bắc: Co Mạ chủ động phòng chống rét cho đàn gia súc

Ở những xã vùng cao Nông thôn Tây Bắc như Co Mạ (Thuận Châu, Sơn La) thời tiết đang chuyển rét đậm, rét hại, ảnh hưởng tới cây trồng, vật nuôi...

Clip: Người dân Co Mạ chủ động phòng, chống đói, rét cho đàn gia súc.

Không khí lạnh tràn về Nông thôn Tây Bắc

Những ngày này, do ảnh hưởng của không khí lạnh, nhiệt độ ở vùng Nông thôn Tây Bắc giảm mạnh, gây mưa. Thời tiết xã vùng cao Co Mạ (huyện Thuận Châu, tỉnh Sơn La) chuyển rét đậm, rét hại. Bởi vậy, để chủ động phòng chống rét cho đàn gia súc, xã Co Mạ đang tích cực triển khai nhiều giải pháp nhằm hạn chế thấp nhất thiệt hại cho các hộ chăn nuôi.

Xã Co Mạ hiện có 19 bản, với hơn 1.300 hộ dân, chủ yếu là đồng bào dân tộc Mông, Thái, Khơ Mú cùng sinh sống. Địa bàn rộng, đường đi vào các bản chủ yếu là đường đất, chưa được bê tông hóa nên việc tuyên truyền, vận động cho bà con chủ động phòng, chống rét cho gia súc gặp không ít những khó khăn.

Trao đổi với phóng viên, ông Và Phỏng Sá, Phó Chủ tịch UBND xã Co Mạ, cho biết: Ngay từ đầu mùa đông năm nay, xã đã xây dựng kế hoạch phòng, chống đói, rét cho đàn gia súc và gửi công văn đến 19/19 trưởng bản trên địa bàn xã để chủ động triển khai tuyên truyền đến các hộ dân chăn nuôi. Đồng thời, xã thành lập các tổ công tác bám nắm địa bàn để tuyên truyền, hướng dẫn người dân chủ động dự trữ nguồn thức ăn, làm chuồng trại cho đàn gia súc khi nhiệt độ xuống thấp, giảm sâu.

Nông thôn Tây Bắc: Co Mạ chủ động phòng chống rét cho đàn gia súc - Ảnh 2.

Anh Vừ Xuân Trịa, bản Láo Hả, xã Co Mạ chăm sóc đàn bò của gia đình. Ảnh: Mùa Xuân.

Hiện, đàn gia súc toàn xã có  hơn 6.300 con, với đặc thù là xã vùng núi cao, khí hậu giá lạnh, người dân trong xã thường có thói quen chăn nuôi gia súc thả rông. Để hạn chế thiệt hại cho các hộ dân, xã Co Mạ đã chỉ đạo các tổ công tác xuống các bản hướng dẫn người dân làm chuồng trại để che chắn, tránh gió lùa cho gia súc, đảm bảo đủ ấm trong mùa đông.

Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động nhân dân nâng cao nhận thức, triển khai thực hiện các biện pháp phòng, chống đói, rét cho gia súc trong mùa đông; không thả gia súc nhất là những ngày giá rét, sương muối.

Nông thôn Tây Bắc: Co Mạ chủ động phòng chống rét cho đàn gia súc - Ảnh 3.

Nông dân bản Chả Lạy A, xã Co Mạ chủ động di chuyển đàn gia súc về chuồng để phòng rét. Ảnh: Tuệ Linh.

Trong quá trình tuyên truyền cho người dân, tổ công tác còn vận động người dân tham gia ký cam kết làm chuồng, trại cho đàn gia súc để luôn đảm bảo đàn gia súc đủ ấm, đủ thức ăn trong mùa đông. Qua đó, giúp người dân nâng cao ý thức trách nhiệm hơn trong việc chủ động phòng chống đói, rét cho gia súc.

Nông thôn Tây Bắc gồng mình đối phó với giá rét

Tập trung rà soát, thống kê thực trạng số hộ chăn nuôi đã có chuồng trại đủ điều kiện và chưa đảm bảo. Từ đó, vận động các hộ chưa có chuồng trại hoặc chuồng tạm làm mới, sửa chữa để đảm bảo phục vụ cho đàn vật nuôi, ứng phó với biến đổi khí hậu, các đợt rét đậm, rét hại.

Nông thôn Tây Bắc: Co Mạ chủ động phòng chống rét cho đàn gia súc - Ảnh 4.

Người dân bản Co Mạ, xã Co Mạ trồng cỏ voi VA06 làm nguồn thức ăn cho đàn gia súc trong mùa rét. Ảnh: Mùa Xuân.

Tận dụng các phụ phẩm nông nghiệp để làm thức ăn chăn nuôi; thu gom triệt để rơm vụ mùa, các loại cỏ thân mềm phơi khô, bảo quản làm thức ăn dự trữ đủ trong mùa đông.

Bên cạnh đó, trong những năm gần đây, người dân đã chuyển đổi diện tích đất nương kém hiệu quả sang trồng hơn 40 ha cỏ voi VA06 để làm nguồn thức ăn cho đàn gia súc... Cán bộ khuyến nông hướng dẫn người dân ủ chua, ủ rơm urê, kiềm hoá để tăng giá trị dinh dưỡng nguồn thức ăn; sử dụng sản phẩm trồng trọt như: ngô hạt, sắn, đậu đỗ... để bảo quản chế biến làm thức ăn; các loại quả bí đỏ, khoai lang, chuối... cũng được bà con dự trữ làm thức ăn cho gia súc.

Nông thôn Tây Bắc: Co Mạ chủ động phòng chống rét cho đàn gia súc - Ảnh 5.

Người dân bản Cửa Rừng mặc áo giữ ấm cho đàn bê. Ảnh: Tuệ Linh.

Anh Và A Nếnh, bản Chả Lạy A, chia sẻ: Gia đình tôi hiện có 10 con trâu, bò, hằng năm cứ mỗi khi bước vào mùa đông giá rét, khi nhiệt độ giảm sâu thì gia tôi đã chủ động gia cố chuồng trại cho gia súc. Đồng thời, di chuyển đàn gia súc từ chỗ thả rông về nhốt chuồng. Ngoài ra, gia đình tôi còn trồng hơn 1 ha cỏ voi làm nguồn thức ăn cho đàn gia súc.

Trong thời gian tới, dự báo tình hình thời tiết vẫn còn diễn biến phức tạp, đặc biệt là vùng núi cao nhiệt độ giảm sâu. Cấp ủy, chính quyền địa phương tiếp tục quan tâm, đôn đốc, nhắc nhở người dân thực hiện tốt các biện pháp phòng, chống đói, rét cho gia súc. Nhất là thực hiện tiêm phòng bệnh và vận động bà con nông dân di chuyển đàn trâu, bò đến nơi tránh rét, bảo đảm thuận tiện, an toàn.

Mùa Xuân - Tuệ Linh