dd/mm/yyyy

Nông dân Tây Bắc: Mùa vàng ở xã vùng cao Co Mạ

Mùa này, khắp các bản vùng cao xã Co Mạ (huyện Thuận Châu, tỉnh Sơn La), bà con nông dân Tây Bắc nơi đây đang hân hoan, tấp nập lên nương gặt lúa, đem ấm no về nhà.

Clip: Mùa vàng ở vùng cao Co Mạ.

Lúa nương nằm chót vót trên những triền đồi tại các bản vùng cao, mỗi năm chỉ trồng được một vụ, thu hoạch vào tháng 10 và tháng 11. Khi lúa chín, núi rừng như được khoác lên mình tấm thảm vàng lộng lẫy.

Với đồng bào Mông vùng cao, nghề trồng lúa nương thật nhọc nhằn, bởi đất cằn cỗi nhưng người dân nơi đây vẫn một nắng hai sương cần cù, chịu khó làm cho cây lúa trổ bông. Vào tháng 4 - 5 hằng năm, khi những cơn mưa nặng hạt bắt đầu trút xuống, người dân làm đất tơi xốp, tra thóc xuống đất với bao hy vọng về mùa vụ mới.

Nông dân Tây Bắc: Mùa vàng trên nương ở vùng cao - Ảnh 2.

Bà Vừ Thị Ly dùng hái để gặt lúa. Ảnh: Mùa Xuân.

Đường lên xã vùng cao Co Mạ bây giờ không còn khó khăn như hơn chục năm trở về trước, nay con đường tỉnh lộ 108 đã được trải nhựa phẳng lì vào đến trung tâm xã. Dọc tuyến đường từ bản Cửa Rừng đến cuối bản Po Mậu là những vạt lúa nương đã chín vàng óng ả. Thấp thoáng trên nương lúa là những thiếu nữ tuổi đôi mươi, những phụ nữ người Mông địu con sau lưng đang hăng say gặt lúa.

Năm nay, lúa nương được mùa, bà con ai cũng phấn khởi. Ông Và Khua Ly, bản Co Mạ, chia sẻ: Gia đình tôi trồng được gần 1 ha lúa nương chủ yếu là giống tẻ địa phương, nếp trắng, nếp cẩm. Hiện gia đình đã gặt xong, đang tập trung đập lúa, dự kiến sẽ thu 7-8 tạ thóc. Gia đình ít con nên cũng đủ ăn qua năm.

Nông dân Tây Bắc: Mùa vàng trên nương ở vùng cao - Ảnh 3.

Mùa này, khắp các triền đồi ở xã vùng cao Co Mạ, đồng bào Mông đang thu hoạch lúa nương bằng phương pháp thủ công. Ảnh: Mùa Xuân.

Khi thu hoạch, người Mông dùng liềm để gặt hoặc dùng chiếc hái (tiếng Mông gọi là vũ) bấm lấy phần ngọn lúa. Chiếc hái này được làm từ mảnh gỗ ghép lưỡi sắt, mảnh bom chiến tranh còn sót lại… hoặc sừng động vật cầm vừa vặn trong lòng bàn tay. Lúa được gặt xong để 2 - 3 ngày cho khô ráo rồi gom lại để đập hoặc dùng máy tuốt.

Lúa nương là nguồn lương thực không thể thiếu trong cuộc sống của đồng bào Mông. Cũng theo những người dân định cư lâu đời ở đây, mặc dù bà con rất muốn thay thế việc trồng lúa nương bằng những thửa ruộng bậc thang trồng lúa nước để mang lại năng suất cao hơn nhưng do địa hình vùng núi cao, nguồn nước khan hiếm chỉ đủ dùng trong cuộc sống sinh hoạt nên việc canh tác lúa nước là rất khó. 

Bởi vậy, việc canh tác lúa nương được người dân truyền từ đời này sang đời khác. Mặc dù năng suất thấp hơn so với trồng lúa nước, song lchất lượng gạo ngon hơn, mang hương vị đặc trưng của núi rừng Tây Bắc.

Nông dân Tây Bắc: Mùa vàng trên nương ở vùng cao - Ảnh 4.

Em bé người Mông theo mẹ lên nương gặt lúa. Ảnh: Mùa Xuân.

Bà Vừ Thị Ly, bản Co Mạ, bảo rằng: Cây lúa nương đã nuôi sống bao thế hệ người Mông, giờ người Mông không phá rừng làm nương, không du canh, du cư. Gạo lúa nương được dùng để tạ ơn thần linh, tổ tiên, đất trời đã ban phúc cho thứ gạo ngon dẻo, thơm đậm đà trong tục cúng cơm mới. Nhà nào trồng nhiều, còn được bán để có thêm đồng tiền mua mắm, muối…, nhất là lúa nếp cẩm một trong những đặc sản riêng của đồng bào Mông vùng cao.

Trồng lúa nương từ lâu đã trở thành một nét đẹp văn hóa truyền thống của đồng bào Mông, được các thế hệ gìn giữ để nhắc nhở con cháu không quên nguồn cội.

Nông dân Tây Bắc: Mùa vàng trên nương ở vùng cao - Ảnh 5.

Lúa nương sau khi đập xong, bà con người Mông sẽ dùng nia quạt để thổi bay rơm rạ lẫn trong thóc. Ảnh: Mùa Xuân.

Gạo nương là một trong những nguyên liệu không thể thiếu dùng để nấu làm bánh chưng, bánh dày, xôi… trong những dịp lễ tết. Đến với đồng bào Mông ở các bản vùng cao thật khó quên khi được thưởng thức hương vị của lúa nương.

Ông Bạc Cầm Cảm, Phó Chủ tịch UBND xã Co Mạ, cho biết: Vụ năm nay, xã Co Mạ gieo 760 ha lúa nương, được trồng tập trung tại các bản Co Mạ, Pha Khuông, Cửa Rừng, Láo Hả, Sình Thàng… Để đảm bảo năng suất, chất lượng cho cây lúa, xã đã tuyên truyền, vận động nhân dân gieo trồng đúng thời vụ. Chỉ đạo cán bộ xã xuống các bản hướng dẫn người dân chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh cho lúa.

Không nổi bật như những thửa ruộng bậc thang uốn lượn, quyến rũ lòng người ở các xã vùng cao của huyện Bắc Yên, Mường La và một số địa phương khác nhưng những nương lúa nơi đây mang một vẻ đẹp riêng, với cảm giác gần gũi, ấm áp và bình yên đến lạ thường. Dẫu còn nhiều khó khăn, vất vả nhưng trên mặt những người nông dân Tây Bắc chân chất, giản dị nơi đây vẫn bừng lên niềm vui của mùa vàng bội thu.

Mùa Xuân - Tuệ Linh