Clip: Bắc Yên lưu giữ, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc
Đa dạng bản sắc văn hóa các dân tộc
Bắc Yên là huyện vùng cao có 7 dân tộc anh em cùng chung sống, gồm: Mông, Thái, Mường, Dao, Khơ Mú, Kinh và Tày. Mỗi dân tộc có những phong tục, tập quán, nét văn hóa đặc sắc riêng biệt. Những năm qua, cùng với quan tâm phát triển kinh tế, huyện Bắc Yên chú trọng bảo vệ, giữ gìn và phát huy giá trị bản sắc văn hóa các dân tộc, góp phần nâng cao đời sống tinh thần của nhân dân, tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc.
Với đời sống văn hóa tinh thần phong phú, mang đậm bản sắc văn hóa của cộng đồng. Người Mông có truyền thống văn hóa, phong tục, tập quán đặc sắc, bền vững gắn với tín ngưỡng cổ truyền, với ý thức đồng tộc mạnh mẽ, thể hiện rất độc đáo trong quan hệ gia đình, quan hệ dòng họ và quan hệ dân tộc với những giá trị nhân văn cao đẹp, quý trọng con người, cần cù, sáng tạo trong tạo lập cuộc sống, giữ gìn bản sắc văn hóa của dân tộc mình. Người Thái có các hoạt động văn hóa, tín ngưỡng truyền thống, ca hát, khắp, múa xòe.
Người Mường có nhiều lễ hội trong năm và có kho tàng văn hóa dân gian phong phú, nhiều thể loại như truyện kể, thơ, bài mo, dân ca, hát đối (đang Mường); có nhiều loại nhạc cụ như: sáo, nhị, khèn lù, khèn bè. Cồng, Chiêng là nhạc cụ đặc sắc của đồng bào Mường được dùng trong các lễ hội. Lễ ca là những áng mo, bài khấn do thầy mo diễn xướng trong đám tang, nổi tiếng nhất là tác phẩm Đẻ đất đẻ nước (Té tất Té đác). Người Mường thờ cúng tổ tiên, ông bà. Sinh hoạt văn hoá của người Mường cũng đa dạng với những điệu múa, ca khúc và trò chơi dân gian độc đáo, đời sống tinh thần phong phú, nhiều ca dao, tục ngữ, văn hóa dân gian, có ý thức bảo lưu các giá trị văn hóa truyền thống.
Các sắc thái văn hóa độc đáo của mỗi tộc người thể hiện đậm nét trong kho tàng văn học dân gian, trong các lễ hội truyền thống, trang phục; trong cách thức tổ chức sản xuất; tổ chức dân cư... Nhiều vũ điệu truyền thống của các dân tộc được duy trì và phát triển như xoè, trống chiêng, múa sạp, múa được mùa, múa trồng bông dệt vải của dân tộc Mường, dân tộc Thái, múa chuông của dân tộc Dao, múa khèn của dân tộc Mông... Văn hoá dân tộc còn được thể hiện trên các sản phẩm của lao động sáng tạo như hàng đan lát, dệt thổ cẩm với những hoa văn hình động vật, thực vật được cách điệu đa dạng, đẹp mắt, thể hiện quan niệm cổ xưa về vũ trụ. Văn hóa truyền thống, những sinh hoạt văn hóa mới, tốt đẹp nảy nở và phát triển, trở thành động lực đoàn kết và phát triển kinh tế - xã hội.
Bên cạnh đó, Công tác xây dựng đời sống văn hóa ở cơ sở cũng được huyện Bắc Yên quan tâm triển khai thực hiện đạt kết quả tích cực. Đến nay, 100% số bản trong huyện có nhà văn hóa; duy trì hoạt động của 189 đội văn nghệ bản hoạt động thường xuyên; 100% bản, tiểu khu có quy ước, hương ước, 100% lễ hội được tổ chức theo nếp sống văn minh đảm bảo đúng quy định; các hủ tục lạc hậu từng bước được đẩy lùi, môi trường văn hóa được xây dựng lành mạnh, tiến bộ, văn minh. Qua đó, nâng cao chất lượng phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa", năm 2020 toàn huyện có 65,1% gia đình văn hóa; 69,9% bản, tiểu khu văn hóa, 97,5% cơ quan, đơn vị văn hóa.
Bảo vệ, giữ gìn và phát huy giá trị bản sắc văn hóa các dân tộc
Trao đổi với phóng viên, ông Bùi Ngọc Thắng, Trưởng Phòng VH&TT huyện Bắc Yên (Sơn La) cho biết: Để Lưu giữ, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, huyện bắc yên đã ban hành nghị quyết về bảo tồn và phát huy bản sắc văn hoá các dân tộc huyện Bắc Yên giai đoạn 2021 – 2025. Với mục tiêu Bảo tồn và phát triển bản sắc văn hóa các dân tộc huyện Bắc Yên nhằm nâng cao mức thụ hưởng về tinh thần, góp phần nâng cao dân trí, phát triển nguồn nhân lực của huyện, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững.
Gắn việc bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc trên địa bàn huyện với phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh - quốc phòng. Từng bước khôi phục các nghề truyền thống, các sản phẩm du lịch; xây dựng bản văn hóa du lịch để kết nối liên thông với các khu, điểm của huyện, của tỉnh, trong đó đặc biệt chú trọng phát triển loại hình du lịch cộng đồng vùng đồng bào các dân tộc.
Cũng theo ông Thắng, để lưu giữ, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, huyện Bắc Yên đã triển khai các giải pháp như: Phát huy vai trò các các cấp ủy đảng, chính quyền, đoàn thể trong công tác chỉ đạo, lãnh đạo và tổ chức thực hiện các mục tiêu của của Nghị quyết. Đặc biệt là việc ban hành các chủ trương, thực hiện các cơ chế, chính sách hỗ trợ làm cơ sở để tổ chức triển khai đạt hiệu quả cao.
Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức xã hội về ý nghĩa, tầm quan trọng của công tác bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc thiểu số. Ưu tiên đầu tư kinh phí từ ngân sách, lồng ghép nguồn vốn từ các chương trình, dự án liên quan và huy động nguồn lực xã hội nhằm từng bước xây dựng, hoàn thiện hệ thống thiết chế văn hóa từ huyện đến cơ sở đạt chuẩn theo quy định; vận động hỗ trợ cơ sở vật chất cho các hoạt động văn hóa, nghệ thuật và phục vụ phát triển du lịch.
Tạo môi trường thuận lợi để bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa. Gắn thực hiện các mục tiêu của Nghị quyết với mục tiêu tổng thể phát triển kinh tế - xã hội của huyện. Đẩy mạnh thực hiện các phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa", "Xây dựng nông thôn mới", "Xóa đói giảm nghèo". Phát huy vai trò của cộng đồng, đặc biệt là các chủ thể sáng tạo văn hóa.
Có chính sách khuyến khích, động viên kịp thời đối với những nghệ nhân làm tốt công tác giữ gìn, bảo tồn các giá trị văn hóa cho thế hệ trẻ. Xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm thủ công và các món ăn dân tộc, nghề truyền thống; duy trì, phục dựng một số lễ hội đậm đà bản sắc văn hóa dân tộc, từng bước xây dựng thành sản phẩm du lịch.
Phối hợp với các cơ quan chức năng mở lớp tập huấn, bồi dưỡng về nghiệp vụ du lịch. Chú trọng trang bị những kiến thức cơ bản, những kỹ năng cần thiết trong giao tiếp, ứng xử với khách du lịch cho các thành viên trong cộng đồng dân cư, nhất là những nơi được lựa chọn xây dựng bản văn hóa du lịch cộng đồng, truyền tải các giá trị văn hóa tốt đẹp của dân tộc đến với du khách một cách đầy đủ, chân thật nhất, góp phần chuyển dịch cơ cấu lao động, để một bộ phận dân cư có thu nhập ổn định từ lao động dịch vụ.
"Tăng cường tuyên truyền, vận động, nâng cao nhận thức và ý thức trách nhiệm của nhân dân các dân tộc trong việc lưu giữ, bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của từng dân tộc. Hằng năm tổ chức nhiều chương trình biểu diễn nghệ thuật, các hội thi, hội diễn, liên hoan nghệ thuật quần chúng tạo không gian văn hóa nuôi dưỡng, phát triển nghệ thuật văn hóa dân tộc. Công tác phục dựng và bảo tồn các lễ hội truyền thống được quan tâm, như: Lễ hội Cầu mùa của dân tộc Dao xã Phiêng Côn; Lễ hội Xên Bản của dân tộc Thái bản Cang Hợp, xã Phiêng Ban; Ngày hội văn hóa, thể thao xã Hang Chú", ông Thắng nói.