Clip: Nỗ lực xây dựng nông thôn mới ở huyện Vùng Cao Bắc Yên
Hoàn thiện các tiêu chí nông thôn mới ở các xã vùng cao
Tà Xùa là xã vùng cao, thuộc huyện Bắc Yên, tỉnh Sơn La, người dân nơi đây chủ yếu là đồng bào dân tộc thiểu số. Kinh tế của xã chủ yếu là nông nghiệp như trồng lúa, ngô, sắn, rong riềng, khoanh nuôi bảo vệ rừng, chè, táo sơn tra, chăn nuôi gia súc, gia cầm. Đồng bào còn có nghề rèn, đan lát, dệt, may, thêu trang phục dân tộc. Thực hiện công tác xây dựng Nông thôn mới, với sự tham mưu, chỉ đạo, hỗ trợ của Phòng Kinh tế hạ tầng trong huyện; từ đầu năm đến nay, Đảng ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân xã Tà Xùa đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo duy trì, bổ sung hoàn thành 13/19 tiêu chí đạt 63,1% so với bộ tiêu chí; Hoàn thành 35/49 chỉ tiêu của bộ tiêu chí thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới trên địa bàn xã.
Trao đổi với phóng viên, ông Mùa A Sang, Chủ tịch Uỷ ban Nhân dân xã Tà Xùa, huyện Bắc Yên (Sơn La) cho biết: Các tiêu chí đạt được hiện tại gồm tiêu chí số 1. Quy hoạch; tiêu chí số 2. Giao thông; tiêu chí số 3. Thủy lợi; tiêu chí số 4. Điện; tiêu chí số 7. Cơ sở hạ tầng thương mại nông thôn; tiêu chí số 8. Thông tin và truyền thông; tiêu chí số 11. Hộ nghèo; tiêu chí số 12. Lao động có việc làm; tiêu chí số 13. Tổ chức sản xuất; tiêu chí số 15. Y tế; tiêu chí số 6. Cơ sở vật chất văn hóa; tiêu chí số 16. Văn hóa; tiêu chí số 19. Quốc phòng - an ninh. Trong năm, đã tuyên truyền, vận động được 07/15 hộ làm nhà mới. Về công tác giảm nghèo: Theo kết quả báo cáo sơ bộ (theo tiêu chí mới) tính đến thời điểm hiện nay, xã có 182 hộ nghèo bằng 33,2% và 28 hộ cận nghèo chiếm 5,1%.
Để hoàn thành các tiêu chí con lại, xã Tà Xùa xã đã tập trung kiện toàn Ban chỉ đạo xây dựng nông thôn mới xã và Ban phát triển nông thôn các bản, phân công trách nhiệm cụ thể đối với từng thành viên trong Ban chỉ đạo. Trên cơ sở rà soát các tiêu chí, Ban chỉ đạo xây dựng nông thôn mới xã xây dựng kế hoạch thực hiện từng tiêu chí trong thời gian cụ thể. Kiểm tra, đôn đốc việc xây dựng và tổ chức thực hiện quy hoạch nông thôn mới; xây dựng kế hoạch chi tiết tháo gỡ những khó khăn vướng mắc.
Còn tại xã Hồng Ngài, thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM, cấp ủy, chính quyền xã Hồng Ngài đã tập trung tuyên truyền sâu rộng mục đích, ý nghĩa của việc xây dựng NTM đến người dân bằng nhiều hình thức phong phú, đa dạng, thông qua các cuộc họp bản, họp xã, phát huy nội lực, khắc phục tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước.
Trao đổi với phóng viên, ông Lầu A Tủa, Chủ tịch UBND xã Hồng Ngài, huyện Bắc Yên (Sơn La) cho biết: Cùng với sự hỗ trợ của Nhà nước và sự đồng lòng, tham gia tích cực của người dân, trên địa bàn xã có 37 tuyến đường nội bản, liên bản dài hơn 27 km được bê tông hóa; hệ thống kênh mương thủy lợi được đầu tư, nâng cấp sửa chữa, 14 công trình thủy lợi được xây dựng kiên cố với hơn 10 km mương nội đồng đảm bảo đủ nước tưới phục vụ sản xuất nông nghiệp. Văn hóa, giáo dục, y tế được quan tâm; 2/2 trường đạt chuẩn quốc gia; 6/6 bản có nhà văn hóa; 98,5% số hộ được dùng điện lưới quốc gia, trên 97% số hộ được xem truyền hình... An ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn ổn định. Trong xây dựng và phát triển của xã, Phòng Kinh tế Hạ tầng của huyện luôn bám sát chỉ đạo, tham mưu, hỗ trợ nên đến nay, xã đã đạt 13/19 tiêu chí trong xây dựng NTM.
"Hiện nay, xã còn 6 tiêu chí trong xây dựng NTM chưa đạt, đặc biệt là tỷ lệ hộ nghèo của xã còn cao, chiếm tới 40%. Cấp ủy, chính quyền và nhân dân các dân tộc trong xã đang tiếp tục khai thác tốt tiềm năng lợi thế về đất đai, khí hậu, tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng sản xuất hàng hóa. Đẩy mạnh các phong trào thi đua yêu nước, tạo động lực thực hiện hiệu quả nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, phấn đấu đạt các tiêu chí theo đúng kế hoạch đề ra", ông Tủa nói.
Huyện vùng cao Bắc Yên có 15 xã thì 13 xã thuộc khu vực III, đời sống của nhân dân còn nhiều khó khăn. Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới (NTM), huyện đã triển khai nhiều giải pháp phù hợp, tạo sự đoàn kết, đồng thuận trong đồng bào các dân tộc để phát huy nội lực, từng bước hoàn thành các tiêu chí xây dựng NTM, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn.
Thực hiện xây dựng NTM, huyện triển khai thực hiện tốt các chương trình, dự án của Nhà nước; Phòng Kinh tế Hạ tầng của huyện tích cực tham gia, huy động các nguồn lực đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng tại các xã. Tập trung nguồn lực để đầu tư cho phát triển theo từng vùng; tạo điều kiện hỗ trợ nhân dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập, từng bước giảm nghèo bền vững. Chỉ đạo các cơ quan, đơn vị, UBND các xã tổ chức thực hiện các tiêu chí, chỉ tiêu xây dựng NTM theo phương châm "dễ làm trước, khó làm sau", "hoàn thành tiêu chí nào chắc tiêu chí đó".
Đồng thời, khơi dậy tính tích cực, chủ động, sáng tạo trong nhân dân, tích cực tham gia xây dựng NTM. Từ năm 2016 đến nay, huyện Bắc Yên đã huy động trên 600 tỷ đồng xây dựng NTM (trong đó ngân sách Nhà nước hơn 455 tỷ đồng, còn lại do nhân dân đóng góp). Đến nay, toàn huyện đã cứng hóa trên 42 tuyến đường xã và đường trung tâm xã đến huyện với chiều dài hơn 120 km; kiên cố 102 đập, trên 400 km kênh mương thủy lợi; 101/103 bản có điện lưới quốc gia với tỷ lệ số hộ được sử dụng điện lưới quốc gia.
Cùng với đầu tư cơ sở hạ tầng nông thôn, huyện đã tập trung phát triển sản xuất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng sản xuất hàng hóa; chú trọng phát triển chăn nuôi, đẩy mạnh chuyển đổi nương trồng lúa, ngô, sắn hiệu quả thấp sang trồng cây công nghiệp lâu năm, cây ăn quả chất lượng cao; tăng cường sử dụng giống mới, áp dụng tiến bộ kỹ thuật, ứng dụng công nghệ vào sản xuất và chế biến sản phẩm gắn với chỉ dẫn địa lý, xây dựng thương hiệu sản phẩm địa phương, như: chè, sơn tra, xoài, nhãn...
Tập trung phát triển thế mạnh vùng nông thôn, nâng cao thu nhập cho nhân dân
Trao đổi với phóng viên, bà Dương Thị Lan Hương, Trưởng Phòng NN&PTNT huyện Bắc Yên, Sơn La cho biết: Trong những năm qua, Nông nghiệp huyện Bắc Yên đã có những chuyển biến tích cực, sản xuất nông nghiệp từng bước phát triển theo hướng hàng hóa, các vùng nguyên liệu gắn với chuỗi giá trị được hình thành. Công tác chuyển đổi cơ cấu cây trồng được đẩy mạnh, diện tích cây lương thực trên đất dốc kém hiệu quả như ngô, lúa nương giảm dần, diện tích cây ăn quả, cây lấy củ, cây công nghiệp phát triển mạnh với trên 39% diện tích cây ăn quả được áp dụng giống, công nghệ mới; một số sản phẩm đã có thương hiệu trên thị trường trong nước, có sản phẩm xuất khẩu ra thị trường nước ngoài.
"Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với các phòng ban, đơn vị liên quan tổ chức đào tạo nghề cho lao động nông thôn theo hướng ưu tiên nâng cao chất lượng nghề, đào tạo chuyển đổi nghề gắn với thị trường lao động. Đổi mới chương trình, phương pháp dạy học, đẩy mạnh hình thức đào tạo thực hành, thực tế, chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ mới trong sản xuất", bà Hương nói.
Đối với chăn nuôi, huyện đẩy mạnh phát triển chăn nuôi theo hướng sản xuất hàng hóa, tập trung phát triển gia súc ăn cỏ theo quy mô trang trại, gia trại; đầu tư trồng cỏ, ứng dụng kỹ thuật tưới ẩm đảm bảo cỏ phục vụ chăn nuôi. Tuyên truyền, vận động người dân không thả rông gia súc, làm chuồng trại gắn với phòng chống đói, rét, dịch bệnh cho gia súc, gia cầm. Tổ chức tiêm các loại vaccine phòng bệnh, phun tiêu độc khử trùng đạt 100% so với chỉ tiêu giao. Cải tạo đàn bò, dê địa phương bằng phương pháp đổi đực giống, cung ứng giống bò lai sind để cải tạo đàn bò địa phương. Phấn đấu năm 2022, tổng đàn gia súc, gia cầm đạt 373.000 con. Trong đó: Gia súc 79.500 con; gia cầm 293.500 con; sản lượng thịt hơi xuất chuồng đạt 1.750 tấn.
Đến nay, các xã vùng cao đã đạt bình quân 11,5 tiêu chí/xã trong xây dựng nông thôn mới, đời sống người dân ngày càng được cải thiện; khoảng cách chênh lệch của các xã vùng cao so với các xã vùng thấp dần được thu hẹp. Thời gian tới, huyện Bắc Yên tiếp tục huy động các nguồn lực để đầu tư, phát triển cơ sở hạ tầng, tiếp tục phát triển các loại cây trồng chủ lực; đẩy mạnh chăn nuôi gia súc, gia cầm để tạo việc làm, từng bước nâng cao đời sống vật chất tinh thần của người dân khu vực nông thôn.