dd/mm/yyyy

Bắc Yên: Phát triển rừng bền vững, cải thiện sinh kế người dân

Với sự vào cuộc tích cực của ngành chức năng cũng như cấp uỷ, chính quyền, đoàn thể, huyện Bắc Yên đã phát triển rừng theo hướng bền vững, tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân, bảo vệ tốt môi trường sinh thái...

Clip: Bắc Yên phát triển lâm nghiệp bền vững, cải thiện sinh kế cho người dân

Người dân vùng cao giữ rừng để có thóc ăn

Sau hơn 1 giờ đi xe máy, dọc theo QL6, vượt qua Sông Đà chúng tôi đến bến thuyền Pắc Ngà (Bắc Yên). Bến thuyền hôm nay đông vui và nhộn nhịp, do bà con vùng này đến nhận cây về trồng rừng theo Đề án phát triển sản xuất nông lâm nghiệp huyện Bắc Yên đến năm 2025.

Ông Vì Văn Trường, trưởng bản Pắc Ngà, xã  Pắc Ngà, huyện Bắc Yên (Sơn La) cho biết: Bản có 220 hộ, với diện tích đất tự nhiên là 75,5 ha. Từ sự hỗ trợ của nhà nước, bản Pắc Ngà đã nhận trên 60.000 giống cây tếch từ đầu năm đến nay. Sau khi nhận được cây trồng thì bà con tiến hành trồng và chăm sóc, đến nay số diện tích cây đã sinh trưởng và phát triển tốt.

"Trước khi nhận cây bà con dân bản chúng tôi được khuyến nông huyện, khuyến nông xã tập huấn về cách trồng cây cũng như cách chăm sóc như: cách đào hố, khoảng cách cây trồng, cách cắt tỉa khi cây lớn… Hy vọng những cánh rừng chúng tôi trồng sau này sẽ phát triển tốt, bà con chúng tôi sẽ có thu nhập ổn định, cuộc sống được nâng cao, giảm được nghèo" ông Trường nói.

Bắc Yên: Phát triển lâm nghiệp bền vững, cải thiện sinh kế cho người dân - Ảnh 2.

Bắc Yên: Phát triển lâm nghiệp bền vững, cải thiện sinh kế cho người dân - Ảnh 3.

Bắc Yên: Phát triển lâm nghiệp bền vững, cải thiện sinh kế cho người dân - Ảnh 4.

Nông dân xã Pắc Ngà, huyện Bắc Yên (Sơn La) nhận giống cây trồng lâm nghiệp Phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp huyện Bắc Yên đến năm 2025. Ảnh: Nguyễn Vinh

Xã vùng cao Pắc Ngà, huyện Bắc Yên (Sơn La) đã có nhiều đổi thay từ việc thực hiện tốt Đề án "Phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp huyện Bắc Yên đến năm 2025". Ông Lò Văn Thuận, Chủ tịch UBND xã Pắc Ngà, huyện Bắc Yên (Sơn La) cho biết: Cụ thể hóa Đề án, xã tập trung phát triển nông lâm nghiệp gắn với tiềm năng lợi thế của địa phương là giữ rừng. Hiện nay, toàn xã có trên 2.460 ha rừng đủ điều kiện chi trả dịch vụ môi trường rừng, nhờ đó cuộc sống của người dân có thêm một khoản thu nhập để tiếp tục giữ rừng và phát triển rừng.

"Theo chủ trương của huyện về việc trồng rừng trên đất dốc, xã Pắc Ngà tập chung phát triển cây tếch. Xã đưa ra chỉ tiêu năm 2022 trồng mời 160 ha rừng, đến nay đã trồng được 120 ha, phấn đấu từ đây đến cuối năm Pắc Ngà sẽ trồng thêm 70ha, vượt chỉ tiêu là 40 ha", ông Thuận nói.

Bắc Yên: Phát triển lâm nghiệp bền vững, cải thiện sinh kế cho người dân - Ảnh 5.

Năm 2022, xã Pắc Ngà, huyện Bắc Yên (Sơn La) phấn đấu trồng mới trên 160 ha rừng. Ảnh: Nguyễn Vinh

Nhờ giữ rừng tốt, nên Pắc Ngà có nguồn nước để phát triển hơn 300 ha ruộng bậc thang, từ đó góp phần xóa nạn đói giáp hạt, bảo đảm lương thực, nâng cao đời sống cho người dân. Gia đình chị Lò Thị Khun, bản Noong Cóc, xã Pắc Ngà, huyện Bắc Yên (Sơn La) cho biết: Gia đình có hơn 5.000m2 đất ruộng, nhờ giữ được rừng, có nước quanh năm, toàn bộ diện tích ruộng của gia đình bà cấy được cả 2 vụ. Mỗi năm gia đình bà thu được trên 50 bao thóc, với gia đình 4 người, số thóc này đủ cho gia đình chị đủ ăn quanh năm.

Bắc Yên: Phát triển lâm nghiệp bền vững, cải thiện sinh kế cho người dân - Ảnh 6.

Nhờ giữ rừng tốt, nên Pắc Ngà có nguồn nước để phát triển hơn 300 ha ruộng bậc thang, từ đó góp phần ổn định đời sống cho người dân. Ảnh: Nguyễn Vinh

Việc phát triển sản xuất nông lâm nghiệp huyện Bắc Yên (Sơn La), nổi bật là chủ trương trồng cây sơn tra được triển khai từ nhiều năm nay với mục tiêu vừa phủ xanh đất trống, đồi trọc, vừa tạo sinh kế, thu nhập cho người dân từ việc thu hái sản phẩm quả, đã phát huy hiệu quả tích cực. Đến nay, toàn huyện có gần 2.600 ha cây sơn tra, trong đó, hơn 1.500 ha cho thu hoạch, tập trung chủ yếu tại các xã Háng Đồng, Làng Chếu, Xím Vàng và Hang Chú. Quả sơn tra được các HTX và các doanh nghiệp trên địa bàn thu mua để chế biến thành rượu vang sơn tra và chế biến khô, tiêu thụ tại các tỉnh, đem lại nguồn thu nhập ổn định, góp phần làm giảm tỷ lệ hộ nghèo của xã vùng cao.

Ông Hờ A Dua, Chủ tịch UBND xã Hang Chú, huyện Bắc Yên (Sơn La) cho biết: Cụ thể hóa Đề án, xã tập trung phát triển nông lâm nghiệp gắn với tiềm năng lợi thế của địa phương là giữ rừng, trồng cây sơn tra và khai hoang ruộng bậc thang. Hiện nay, toàn xã đang khoanh nuôi bảo vệ hơn 8.000 ha rừng, hơn 1.000 ha cây sơn tra, trong đó có 600 ha cho thu hoạch, góp phần nâng cao đời sống cho người dân.

Bắc Yên: Phát triển lâm nghiệp bền vững, cải thiện sinh kế cho người dân - Ảnh 7.

Đến nay, toàn huyện Huyện Bắc Yên (Sơn La) có gần 2.600 ha cây sơn tra, trong đó, hơn 1.500 ha cho thu hoạch. Ảnh: Nguyễn Vinh

Bắc Yên, nhiều chính sách thúc đẩy phát triển sản xuất nông lâm nghiệp

Trao đổi với phóng viên, bà Dương Thị Lan Hương, Trưởng Phòng NN&PTNT huyện Bắc Yên, Sơn La cho biết:  Với mục tiêu phủ xanh đất trống đồi núi trọc, những năm qua, huyện Bắc Yên đã tập trung triển khai mới được 1.800 ha rừng và cây lâm nghiệp; khoanh nuôi tái sinh gần 1.100 ha rừng. Bảo vệ hơn 48.000 ha rừng hiện còn (bao gồm cả diện tích cây ăn quả), tỷ lệ che phủ rừng đạt 43,7%.

Cụ thể hóa Đề án, UBND huyện Bắc Yên đã lồng ghép các nguồn vốn, chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất nông lâm nghiệp, sau hơn 1 năm đã triển khai thực hiện được 13 dự án với tổng kinh phí hỗ trợ hơn 12,3 tỷ đồng với 2 HTX và 2.979 hộ nông dân được hưởng lợi. Gồm các mô hình như: Hỗ trợ trồng 905 ha cây xanh phân tán theo Đề án trồng một tỷ cây xanh; trồng gần 10.000 cây phân tán dọc đường hành lang giao thông; triển khai mô hình thử nghiệm ghép mắt lê trên cây sơn tra thực sinh với 2.800 cây; trồng 33,5ha cây lê ghép.

Bắc Yên: Phát triển lâm nghiệp bền vững, cải thiện sinh kế cho người dân - Ảnh 8.

Huyện Bắc Yên (Sơn La) phấn đấu nâng độ che phủ rừng của huyện đạt trên 44,5%, tương ứng với diện tích rừng 48.896,5 ha. Ảnh: Nguyễn Vinh

Cũng theo bà Hương, trong thời gian tới, huyện Bắc Yên sẽ tập trung phát triển mạnh 3 loại rừng (rừng phòng hộ, rừng sản xuất và rừng đặc dụng) phân chia theo 3 vùng kinh tế của huyện. Tiếp tục thực hiện trồng rừng tập trung gắn với trồng cây dược liệu, măng trúc dưới tán rừng; đưa cây ăn quả vào trồng trên diện tích rừng sản xuất theo phương thức hỗn giao, nhằm tạo ra mô hình nông lâm kết hợp, đảm bảo nhân dân thực sự có thu nhập từ rừng. Đẩy mạnh trồng rừng sản xuất bằng cây tếch, xoan, lát... đưa nghề rừng trở thành một trong những nghề chính trong ngành nông nghiệp. Xử lý nghiêm các đối tượng vi phạm lâm luật, thường trực công tác phòng cháy chữa cháy rừng.

Quản lý bảo vệ tốt diện tích rừng hiện có trên địa bàn huyện, thực hiện trồng mới 1.600 ha rừng, trong đó trồng 50 ha rừng sản xuất, 150 ha rừng phòng hộ, 1.400 ha cây lâm nghiệp phân tán. Tiếp tục khoanh nuôi tái sinh rừng chuyển tiếp 1.087,4 ha (trong đó 300 ha KNTS mới năm 2021; 787,4 ha KNTS chuyển tiếp từ năm 2018); Tổ chức trồng mới trên 10.000 cây phân tán tại các xã, phấn đấu nâng độ che phủ rừng của huyện đạt trên 44,5%, tương ứng với diện tích rừng 48.896,5 ha (bao gồm cây ăn quả thân gỗ trên đất dốc).

Bắc Yên: Phát triển lâm nghiệp bền vững, cải thiện sinh kế cho người dân - Ảnh 9.

Huyện Bắc Yên (Sơn La) đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động; công tác quản lý, bảo vệ rừng, phòng cháy chữa cháy rừng được các chủ rừng, các cấp chính quyền, tổ chức đoàn thể - xã hội trên địa bàn quan tâm. Ảnh: Nguyễn Vinh

Bắc Yên bây giờ, là màu xanh bao phủ của những đồi cây ăn quả, những cánh rừng xanh tốt, hay những thửa ruộng bậc thang trải dài ... Đó là kết quả của cả quá trình thay đổi tập quán sản xuất, góp phần nâng cao thu nhập cho người nông dân, thúc đẩy kinh tế - xã hội, xây dựng huyện vùng cao ngày càng phát triển.

Văn Ngọc - Nguyễn Vinh