Về “miền đất cổ tích” Ngọc Chiến xem Lễ hội Mừng cơm mới - Ảnh 2.

 Ngọc Chiến - Phát huy truyền thống nhân văn

Là vùng đất sinh sống của các dân tộc Thái, Mông, La Ha, Kinh; xã Ngọc Chiến sở hữu không gian văn hóa độc đáo, đa dạng với những kiến trúc từ gỗ, đá, suối khoáng nóng, các nghề truyền thống, trang phục dân tộc và những làn điệu dân ca. Đến với Ngọc Chiến, du khách có thể trải nghiệm những lễ hội độc đáo như Lễ hội gội đầu, Lễ hội Mừng cơm mới, Lễ hội cúng vía trâu của người Thái, Lễ hội dâng hoa măng, Lễ hội Pang A…

Lễ hội Mừng cơm mới là một trong những lễ hội đặc sắc của bà con các dân tộc Ngọc Chiến. Hằng năm, cứ đến cuối tháng 8, đầu tháng 9, khi bông lúa đã ngả vàng, báo hiệu một mùa bội thu, cũng là lúc người dân và du khách gần xa tới tham gia Lễ hội mừng cơm mới.

Về “miền đất cổ tích” Ngọc Chiến xem Lễ hội Mừng cơm mới - Ảnh 3.

Hương lúa chín thơm mát trên những cung đường níu chân người du khách. Ảnh: Kiều Ngọc.

Ông Lò Văn Pháng (nguyên Chủ tịch UBND xã Ngọc Chiến) cho biết: “Lễ hội mừng cơm mới là nét văn hóa rất văn minh. Lễ hội được truyền từ ông cha, không biết diễn ra cụ thể từng bao giờ nhưng cho đến nay vẫn có ý nghĩa rất quan trọng với dân tộc người Thái Tây Bắc nói chung và của Ngọc Chiến, Sơn La nói riêng, để tiếp nối truyền thống của các cụ.” 

Ông Pháng lý giải: “Ngày xưa đói nghèo, một năm chỉ đủ ăn có 6-7 tháng thôi. Mỗi một mùa lúa chín, nhớ lại các cụ ngày xưa chịu đói, thế là những bông lúa chín đầu tiên để cúng các cụ.”

Về “miền đất cổ tích” Ngọc Chiến xem Lễ hội Mừng cơm mới - Ảnh 4.

Lễ hội Mừng cơm mới được diễn ra trong khuôn khổ 2 ngày. Ảnh: Kiều Nhàn.

Theo lời kể của ông Pháng, phần lễ đã có từ xưa. Mỗi một nhà đều làm một lễ cúng. Đồ cúng là những món ăn đậm đà bản sắc dân tộc, thường là những sản phẩm trên thửa ruộng của các gia đình, gồm các món làm từ cá ruộng như Pa Giảng (cá hun khói, cá gác bếp), Pa Pỉnh tộp (cá suối nướng lật úp), canh cá, 3 thứ gạo (cốm non, gạo cốm, cơm trắng), nhộng ong, rau... 

Ông chia sẻ thêm: “Đồ ăn ngày xưa chủ yếu là tự cung tự cấp, tự mình sản xuất trên chính thửa ruộng của mình. Cá là cá thả tự nhiên, không nuôi. Rau là rau tự trồng. Lúa là tự mình cấy. Đó là những sản phẩm rất độc đáo, hữu cơ và ăn rất ngon.”

Tất cả những sản vật ấy, người dân Ngọc Chiến dâng lên đất trời, tổ tiên với một lòng thành kính, cảm ơn lộc trời; cảm ơn tiên tổ đã cho một năm mưa thuận, gió hoà; con người mạnh khoẻ, vạn vật sinh sôi; giống như hoạt động “báo công”, “báo cáo thành tích một năm hoạt động” bây giờ. Lễ Mừng cơm mới là sự giáo dục về truyền thống đạo đức “Uống nước nhớ nguồn” cho các thế hệ người dân Ngọc Chiến hôm nay và mai sau.

Về “miền đất cổ tích” Ngọc Chiến xem Lễ hội Mừng cơm mới - Ảnh 5.

Không gian sinh hoạt cộng đồng Ngọc Chiến ngày càng rộng mở, phong phú

Từ năm 2016, Lễ Mừng cơm mới bắt đầu phục dựng lại, được bổ sung thêm phần hội. Theo ông Lò Văn Sây, Phó Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Ngọc Chiến, phần hội diễn ra tự nguyện, vui vẻ, khẳng định được sự sáng tạo trong lao động sản xuất, tập quán canh tác của đồng bào với các môn thi đấu và các trò chơi dân gian sẽ được tái hiện. Người dân và du khách có thể tham gia trải nghiệm nhiều trò chơi dân gian, phần thi như thi giã cốm, thi nấu ăn, trò chơi bịt mắt bắt dê, thi đi cà kheo... 

Là thí sinh tham gia dự thi đội Mường Chiến trong phần thi giã cốm Lễ hội mùa cơm mới năm 2023, chị Cà Thị Kiêm (bản Mường Chiến, xã Ngọc Chiến) phấn khởi: “Đội Cốm của mình có 4 người. Năm nào mình cũng làm, từ năm 2017 đến giờ. Có năm thì được giải Nhất, giải Nhì. Năm nay mong đội mình cũng được giải Nhất. ” 

Về “miền đất cổ tích” Ngọc Chiến xem Lễ hội Mừng cơm mới - Ảnh 6.

Chú dê của anh Thào A Su đã sẵn sàng cho phần thi chọi. Ảnh: Kiều Ngọc.

Năm nay, lễ hội Mừng cơm mới ở Ngọc Chiến có bổ sung nghi thức “Lễ cúng vía trâu” và thi “Hoàng tử trâu” để chọn những con trâu đẹp nhất. 

Không chọn bò, chọn ngựa mà chọn trâu vì người dân Ngọc Chiến biết ơn công sức con trâu đi cày, đi bừa; góp phần làm nên mùa vàng, no ấm người dân.. “Ngày xưa không có máy móc, trâu thay đỡ cho con người mình. Nhà ai không có trâu thì coi như nhà đó đói. Với người dân ở đây, con trâu là vật quý báu nhất. Nhà có một con trâu hoặc vài con trâu mà đẹp thì rất tự hào. Người Kinh thì bảo mình có một cái nhà, một cái xe ô tô đẹp thì ở đây chúng tôi nói: “Tôi có con trâu đẹp!” - ông Pháng tâm sự như vậy.

Về “miền đất cổ tích” Ngọc Chiến xem Lễ hội Mừng cơm mới - Ảnh 7.

Đôi vợ chồng mới cưới Kháng A Sử và Hảng Thị Giông (bản Lập Nghiệp, xã Ngọc Chiến) đã đến lễ hội từ sớm. Ảnh: Kiều Ngọc.

Lễ hội Mừng cơm mới đã trở thành một dịp lễ quan trọng, có ý nghĩa gắn kết cộng đồng. Nhiều người dân đến đây hàng năm để gặp mặt; chơi hội cùng vợ, chồng, người thân, bạn bè. Chị Lò Thị Sai (bản Kẻ, Ngọc Chiến) đã tham gia lễ hội trong nhiều năm qua nhưng năm nay chị vẫn đến với lễ hội từ sáng sớm. Chị cho biết: “Đến đây, mọi người có thể thưởng thức món gạo giã cốm để cảm nhận mùi vị thơm ngon của nếp Ngọc Chiến. Về các tiết mục văn nghệ, có các dân tộc khác nhau như Mông, La Ha, Thái, Kinh đều cùng tham gia rất nhiệt tình.” Sau lễ hội, du khách có thể nghỉ chân lại tại các homestay, trải nghiệm suối khoáng nóng và những món ngon đặc sản khác của vùng. 

Về “miền đất cổ tích” Ngọc Chiến xem Lễ hội Mừng cơm mới - Ảnh 8.

Du khách có thể trải nghiệm bầu không khí trong lành, mát mẻ và những nét văn hoá thú vị tại homestay của Ngọc Chiến. Ảnh: Kiều Ngọc.

Lễ hội Mừng cơm mới xã Ngọc Chiến là một không gian văn hóa đặc sắc với nhiều tiềm năng để khai phá. Âm vang của lễ hội có thể tạo ra nhiều cơ hội để xã Ngọc Chiến, huyện Mường La nói riêng và tỉnh Sơn La nói chung thu hút thêm nhiều khách du lịch trong khu vực, phát triển đúng với định hướng Sơn La, mảnh đất đậm đà bản sắc dân tộc.

Nắm chặt tay các nhà báo đã đến với Ngọc Chiến trước lễ khai mạc Mừng cơm mới, ông Bùi Tiến Sỹ, Bí thư Đảng uỷ xã Ngọc Chiến, bảo: Những năm qua, với sự quan tâm đầu tư mạnh mẽ của Tỉnh, của huyện và sự nỗ lực của bà con các dân tộc trong xã, chúng tôi đã tạo được những nền tảng bước đầu cho du lịch Ngọc Chiến. Tuy còn giản đơn nhưng với sự chân chất của vùng cao, sự đậm đà bản sắc của hàng ngàn năm lịch sử, sự mặn mà của mồ hôi trong cố gắng của mỗi con người… các nhà báo hãy giúp Ngọc Chiến được nhiều người biết đến với nhé ! 

Ông Nguyễn Văn Bắc, Phó Bí thư huyện uỷ, Chủ tịch UBND huyện Mường La, tỉnh Sơn La, tâm đắc: Lễ hội Mừng cơm mới nói riêng và tiềm năng du lịch ở Ngọc Chiến nói chung đang được cấp uỷ, chính quyền và người dân “đánh thức” ngày một sâu, rộng. Chúng tôi tin rằng không gian du lịch và sự phong phú, đa dạng của Ngọc Chiến sẽ ngày càng được quan tâm đầu tư, phát triển, đáp ứng nhu cầu của du khách và sự mong mỏi của người dân.