Ứng dụng công nghệ thông tin vào dạy học giúp giáo viên nâng cao tính sáng tạo trong quá trình giảng dạy của mình. Các giáo viên sử dụng thành thạo các ứng dụng, phần mềm trình chiếu bài giảng Power Point, khai thác ở tư liệu giáo dục, bài giảng của các đồng nghiệp, trên báo mạng điện tử; sử dụng hình ảnh, âm thanh trong thiết kế bài giảng, tạo mô hình trực quan có hiệu ứng chuyển động và biến đổi, tạo hứng thú cho học sinh.
Công nghệ thông tin giúp công tác quản lý hiệu quả, việc cập nhật các thông tin chỉ đạo từ phòng và Sở Giáo dục và Đào tạo một cách nhanh chóng đã giúp giảm chi phí in ấn. Cùng với việc sử dụng các thiết bị công nghệ thông tin trong giảng dạy, nhà trường còn ứng dụng nhiều phần mềm trong quản lý giáo viên và học sinh.
Ứng dụng công nghệ thông tin vào giảng dạy đã góp phần thay đổi phương thức giảng dạy và học tập; phát huy khả năng, năng lực của giáo viên, lấy học sinh làm trung tâm, giúp học sinh say mê học tập, phát huy sự chủ động tìm hiểu và nắm vững kiến thức bài học. Em Khoàng Thị Khánh Linh học sinh lớp 8A, Trường PTDTBT THCS Mường Toong (Mường Nhé) nói: Em và các bạn cùng lớp luôn có hứng thú với những bài giảng bằng máy chiếu có thể thấy được nhiều hình minh họa, màu sắc rất sinh động và ấn tượng, điều này giúp em dễ hiểu bài và khắc sâu kiến thức hơn.
Hiện nay, tất cả các trường trên địa bàn huyện Mường Nhé đều được trang bị phòng tin học với đầy đủ máy tính có kết nối Internet (29 phòng tin học, 724 máy tính và 348 máy chiếu). 100% đội ngũ giáo viên tại các nhà trường từ cấp mầm non đến cấp THCS có chứng chỉ tin học, đáp ứng yêu cầu sử dụng các loại hồ sơ, sổ sách điện tử, các phần mềm hỗ trợ phát triển giáo dục. Phần lớn giáo viên đã biết cách sử dụng Power Point để làm giáo án điện tử, trao đổi nghiệp vụ qua hộp thư điện tử hoặc tham gia các diễn đàn giáo dục nội bộ, họp trực tuyến của Sở Giáo dục và Đào tạo…
Thầy Nguyễn Văn Tâm, Hiệu trưởng Trường PTDTBT THCS Mường Toong (Mường Nhé) chia sẻ: Ứng dụng công nghệ thông tin vào dạy học giúp giáo viên nâng cao tính sáng tạo và trở nên linh hoạt hơn trong quá trình giảng dạy của mình. Cụ thể, các thầy giáo, cô giáo không chỉ bó buộc trong khối lượng kiến thức hiện có mà còn được tìm hiểu thêm về những chuyên ngành khác như tin học và học hỏi các kỹ năng sử dụng hình ảnh, âm thanh trong thiết kế bài giảng; chia sẻ bài giảng với đồng nghiệp, cùng nhau thảo luận và nâng cao chất lượng giáo án của mình. Tuy nhiên, đội ngũ giáo viên cũng đang gặp một số trở ngại như việc thiết kế các bài giảng điện tử cần được đầu tư về mặt thời gian, công sức, nhưng năng lực tin học của các giáo viên có hạn; các trang thiết bị công nghệ chưa được trang bị cân đối cho học sinh dẫn đến số học sinh được tiếp cận công nghệ thông tin chưa đồng đều giữa các trường…
Ông Phạm Thiết Chuỳ, Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Mường Nhé cho biết: Để triển khai tốt nhiệm vụ Công nghệ thông tin cho đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên tại các đơn vị trường trực thuộc Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện, Phòng đã ban hành văn bản số 681/HD-PGDĐT, ngày 21/8/2024 về việc hướng dẫn thực hiện nhiệm vụ Công nghệ thông tin, chuyển đổi số và Đề án 06 năm học 2024-2025 chỉ đạo các đơn vị trường tăng cường các điều kiện đảm bảo về hạ tầng kỹ thuật và kỹ năng ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, dạy và học, kiểm tra, đánh giá chất lượng giáo dục; tiếp tục xây dựng hạ tầng học tập quốc gia, kho học liệu số chia sẻ dùng chung toàn ngành, gồm hồ sơ sổ sách điện tử, học bạ điện tử, bài giảng điện tử, học liệu số đa phương tiện, sách giáo khoa điện tử và các học liệu khác; phát triển hệ thống ngân hàng câu hỏi trực tuyến cho các môn học.
Giáo án điện tử và công nghệ thông tin đã góp phần làm mới tiết học, tạo hứng thú, giúp học sinh tiếp cận kiến thức một cách linh hoạt. Ðể công nghệ thông tin thật sự phát huy được hiệu quả trong đổi mới phương pháp giảng dạy, nhất là phù hợp chương trình giáo dục phổ thông mới theo hướng trang bị năng lực, phẩm chất cho học sinh, trong thời gian tới, Phòng Giáo dục và Đào tạo tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức tầm quan trọng của việc ứng dụng công nghệ thông tin; bồi dưỡng nâng cao trình độ, năng lực công nghệ thông tin cho giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục về ứng dụng công nghệ thông tin. Qua đó, từng bước nâng cao chất lượng công tác quản lý và dạy học.