dd/mm/yyyy

Nâng cao kỹ năng kinh doanh trên nền tảng số cho thanh niên nông thôn Sơn La

Trung ương Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh phối hợp với Tỉnh đoàn Sơn La tổ chức chương trình tập huấn tăng cường kỹ năng bán các sản phẩm OCOP qua phương tiện số cho thanh niên nông thôn.

Thanh niên đẩy mạnh quảng bá sản phẩm OCOP

Ngày 12/8, tại huyện Sông Mã, Trung ương Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh phối hợp với Tỉnh đoàn Sơn La tổ chức chương trình tập huấn tăng cường kỹ năng bán các sản phẩm OCOP qua phương tiện số cho thanh niên nông thôn. Tham dự có các đơn vị, doanh nghiệp, chủ thể OCOP, KOL (nhà sáng tạo nội dung) và đoàn viên, thanh niên tỉnh Sơn La.

Tại hội nghị, các đoàn viên thanh niên được các chuyên gia chia sẻ một số nội dung như: thực trạng xúc tiến thương mại sản phẩm OCOP trên không gian số; giới thiệu tổng quan về các nền tảng xã hội; hướng dẫn xây dựng, phát triển kênh, các bước sáng tạo nội dung video bán hàng; quy trình vận hành, phương thức và tối ưu hiệu quả bán hàng. Ngoài ra, các đoàn viên còn được giới thiệu về các giải pháp thu hút người xem và khách hàng; cách thức truyền đạt thông tin về sản phẩm với khách hàng thông qua hoạt động livestream.

Nâng cao kỹ năng kinh doanh trên nền tảng số cho thanh niên nông thôn Sơn La - Ảnh 1.

Sơn La tăng cường kỹ năng bán các sản phẩm OCOP qua phương tiện số cho thanh niên nông thôn. Ảnh: Văn Ngọc

Bên cạnh đó, các nhà sáng tạo nội dung đã livestream bán hàng trực tiếp trên 20 sản phẩm OCOP của thanh niên, nông sản, đặc sản của tỉnh Sơn La trên nền tảng mạng xã hội. Qua đó, giúp đoàn viên, thanh niên tiếp cận nhanh các xu hướng mới, năng động, sáng tạo, đi đầu trong chuyển đổi số, khởi nghiệp, lập nghiệp, phát triển kỹ năng bán hàng, tiêu thụ sản phẩm trên các sàn thương mại điện tử.

Chị Hoàng Thị Yến, xã Chiềng Khoong, huyện Sông Mã, tỉnh Sơn La chia sẻ: Thu nhập của gia đỉnh chủ yếu là từ việc trồng cây ăn quả như: nhãn, xoài…Việc tiêu thụ sản phẩm chủ yếu là bán cho thương lái đến mua tận vườn, hay mang ra chợ đầu mối bán giá cả không được ổn định. Sau khi được tập huấn về bán hàng trên nền tảng mạng xã hội tôi thấy rất hay và có thể áp dụng tại gia đình, bản thân có thể tự tin bán hàng trên các nền tảng mạng xã hội. Việc bán hàng trên nền tảng mạng xã hội không chỉ nâng cao thu nhập mà còn đẩy mạnh quảng bá sản phẩm nông nghiệp do đoàn viên thanh niên tao ra đến với thị trường.

Nâng cao kỹ năng kinh doanh trên nền tảng số cho thanh niên nông thôn Sơn La - Ảnh 2.

Tuyên truyền quảng bá và hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm OCOP trên phương tiện số là một trong những giải pháp trọng tâm của đoàn thanh niên Sơn La. Ảnh: Văn Ngọc

Phát triển sản phẩm OCOP bền vững

Bà Hoàng Thị Hiền, Phó Chánh Văn phòng Thường trực Văn phòng Điều phối nông thôn mới tỉnh Sơn La thông tin: Sau 4 năm triển khai Chương trình OCOP, với sự chỉ đạo quyết liệt của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, sự vào cuộc của các Sở, ban, ngành, địa phương cùng nỗ lực, cố gắng của chủ thể kinh tế nên Chương trình OCOP ở tỉnh Sơn La đã có những chuyển biến tích cực, bước đầu đạt được nhiều kết quả quan trọng, tạo nên động lực mới trong xây dựng nông thôn mới, phát triển kinh tế nông thôn.

Tỉnh Sơn La đến hết năm 2022, toàn tỉnh có 110 sản phẩm (OCOP) được đánh giá, phân hạng và được cấp giấy chứng nhận sản phẩm OCOP từ 3 sao trở lên, trong đó có: có 58 sản phẩm đạt 3 sao; có 51 sản phẩm đạt 4 sao và 01 sản phẩm được công nhận sản phẩm quốc gia 5 sao.

Để góp phần nâng cao hiệu quả của chương trình OCOP tỉnh Sơn La trong giai đoạn tới, thì cần thiết phải có nhiều giải pháp đột phá trong ứng dụng công nghệ thông tin, quản lý vận hành chương trình, nhất là khâu quản lý sản xuất, truy xuất nguồn gốc, ứng dụng chuyển đổi số trong phát triển thương mại sản phẩm OCOP đã được đánh giá phân hạng. Trên cơ sở đó giúp người tiêu dùng biết đến nhiều hơn, tin tưởng nhiều hơn về chất lượng các sản phẩm OCOP của tỉnh đang được phân phối trên thị trường, đặc biệt là các sản phẩm OCOP từ các ngành hàng chủ lực trong nông nghiệp của tỉnh.

Nâng cao kỹ năng kinh doanh trên nền tảng số cho thanh niên nông thôn Sơn La - Ảnh 3.

Đến nay toàn tỉnh Sơn La có 110 sản phẩm (OCOP) được đánh giá, phân hạng và được cấp giấy chứng nhận sản phẩm OCOP từ 3 sao trở lên. Ảnh: Văn Ngọc

Anh Nguyễn Tuấn Anh, Phó Bí thư Tỉnh đoàn Sơn La thông tin, với sự đồng hành hỗ trợ của tổ chức Đoàn, phong trào phát triển kinh tế trong đoàn viên, thanh niên tỉnh Sơn La đã đạt được nhiều kết quả tích cực. Nhiều mô hình kinh tế do thanh niên làm chủ xuất hiện, đem lại hiệu quả cao, cho thu nhập ổn định. Điển hình có thể kể đến các mô hình du lịch nghỉ dưỡng homestay, mô hình Hợp tác xã chế biến sản phẩm trà, cà phê, mật ong, hoa quả sấy.

Nâng cao kỹ năng kinh doanh trên nền tảng số cho thanh niên nông thôn Sơn La - Ảnh 4.

Việc bán hàng trên nền tảng mạng xã hội không chỉ nâng cao thu nhập mà còn đẩy mạnh quảng bá sản phẩm nông nghiệp do đoàn viên thanh niên. Ảnh: Văn Ngọc

Những mô hình này đa dạng trên các lĩnh vực, đem lại hiệu quả kinh tế cao tại địa phương, tạo việc làm cho nhiều lao động, đoàn viên thanh niên trên địa bàn. Nhằm hiện thực hóa các mục tiêu của Chương trình "Mỗi xã một sản phẩm" (OCOP) giai đoạn 2021-2025, việc đẩy mạnh hoạt động xây dựng thương hiệu, tuyên truyền quảng bá và hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm OCOP trên phương tiện số là một trong những giải pháp trọng tâm của đoàn thanh niên.

Qua đó, mang đến những kiến thức cơ bản về vận hành bán hàng nông sản trên nền tảng số cho người dân, đoàn viên thanh niên. Đồng thời, việc chuyển đổi số trong quảng bá, tiêu thụ nông sản sẽ là cơ hội để dễ dàng tiếp cận đến nhiều người tiêu dùng từ đó phát triển kinh tế địa phương.

Văn Ngọc - Nguyễn Vinh