dd/mm/yyyy

Nâng cao hiệu quả Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP)

Mộc Châu (Sơn La) tập trung triển khai chương trình "mỗi xã một sản phẩm" (OCOP) gắn với chuyển dịch cơ cấu sản xuất nông nghiệp.

Nâng cao hiệu quả Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP)

OCOP: Giúp nông dân nâng cao thu nhập

Huyện Mộc Châu có tiềm năng, thế mạnh về khí hậu, thổ nhưỡng; có hàng trăm sản phẩm đặc trưng có giá trị kinh tế và có thể phát triển thành các sản phẩm OCOP. Trên cơ sở đánh giá lợi ích của việc tham gia chương trình OCOP, Mộc Châu đã tập trung triển khai chương trình "mỗi xã một sản phẩm" (OCOP). Với mục tiêu nâng cao giá trị sản xuất nông nghiệp, tạo ra nhiều sản phẩm hàng hóa chất lượng cao, mang tính đặc trưng, lợi thế của vùng miền, đẩy mạnh phát triển nông nghiệp theo hướng hiệu quả, bền vững, góp phần tăng thu nhập cho nông dân.

Nâng cao hiệu quả Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) - Ảnh 2.

Huyện Mộc Châu khí hậu, thổ nhưỡng có hàng trăm sản phẩm đặc trưng có giá trị kinh tế và có thể phát triển thành các sản phẩm OCOP. Ảnh: Văn Ngọc

Hợp tác xã nông nghiệp Quyết Thanh, tiểu khu Khí Tượng (thị trấn Nông trường Mộc Châu, huyện Mộc Châu, tỉnh Sơn La) thành lập tháng 7 năm 2018, chuyên trồng và chế biến sâu các loại hoa quả sau thu hoạch. Sau 5 năm thành lập, HTX đã sấy được rất nhiều các loại sản phẩm sấy dẻo khác nhau. Trong đó có 6 sản phẩm đạt sao OCOP : Mận hậu sấy dẻo 4 sao, Hồng giòn sấy dẻo 4 sao, Chuối sấy dẻo 4 sao, Xoài sấy dẻo 4 sao, Đu đủ sấy dẻo 3 sao và Nước cốt chanh leo 3 sao.

Ông Phạm Văn Quyết, Chủ tịch Hội đồng quản trị HTX nông nghiệp Quyết Thanh cho biết: HTX hoạt động trong lĩnh vực gieo trồng, chăm sóc cây ăn quả và chế biến hoa quả sấy khô. Để hoạt động, HTX đã đầu tư mua 1 máy sấy nóng, 1 máy sấy lạnh, 1 máy sấy công nghệ Hàn Quốc. Mỗi máy cho công xuất 1 tấn / 1 máy, tổng trị giá hơn 2 tỷ đồng, nhằm đảm bảo chất lượng sản phẩm. Đồng thời, thuê kỹ sư chuyên về chế biến thực phẩm phụ trách kỹ thuật sản xuất, chế biến 6 sản phẩm chính: Chuối, xoài, đu đủ, mận, hồng giòn, nước cốt chanh leo.

Nâng cao hiệu quả Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) - Ảnh 3.

Sản phẩm nông nghiệp HTX Nông nghiệp Quyết Thanh tham gia đánh giá, phân hạng san phẩm OCOP. Ảnh: Văn Ngọc

Các sản phẩm hoa quả sấy khô của HTX Nông nghiệp Quyết Thanh đã và đang được giới thiệu trên facebook và các trang mạng khác, được khách hàng khắp nơi đặt mua với số lượng lớn bởi chất lượng, màu sắc, hương thơm tự nhiên, vị ngọt đậm đà, thời gian bảo quản lâu. Các sản phẩm được sản xuất và chế biến từ chính những nông sản đặc trưng của huyện Mộc Châu, như: Hồng giòn sấy dẻo, mận sấy dẻo, chuối sấy dẻo, xoài sấy dẻo. Đây không chỉ là bước ngoặt mới của các HTX mà còn là động lực để ngành nông nghiệp huyện Mộc Châu phát triển bền vững.

Hướng đi của HTX không chỉ đa dạng nguồn sản phẩm mà còn thúc đẩy sản xuất tại địa phương, hạn chế tình trạng khó khăn về đầu ra cho nông sản. Việc chú trọng đầu tư máy móc vào việc sấy các loại quả giúp người dân, thành viên không phải "trông trời, trông đất, trông mây" mà vẫn thu được sản phẩm bảo đảm chất lượng, góp phần nâng cao sức cạnh tranh của nông sản trên thị trường. Bên cạnh đó,sản xuất trái cây sấy sẽ thúc đẩy sơ chế đầu vào, giảm chi phí và tỷ lệ hao hụt trong quá trình vận chuyển, giữ giá cả ổn định, giảm khâu trung gian, giảm phụ thuộc vào mùa vụ.

Nâng cao hiệu quả Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) - Ảnh 4.

Đến nay, HTX Nông nghiệp Quyết Thanh có 6 sản phẩm đạt sao OCOP. Ảnh: Văn Ngọc

Đẩy mạnh triển khai sản phẩm OCOP

Ông Trương Hoa Bắc, Phó chủ tịch UBND huyện Mộc Châu, Trưởng ban chỉ đạo, Chủ tịch Hội đồng đánh giá, xếp hạng sản phẩm OCOP huyện Mộc Châu thông tin: Triển khai chương trình OCOP, huyện Mộc Châu đã chỉ đạo các cơ quan chuyên môn rà soát các sản phẩm tiêu biểu trên địa bàn; tổ chức các hội nghị, lớp tập huấn hướng dẫn về nội dung chương trình "Mỗi xã một sản phẩm" đến 15 xã, thị trấn, các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ gia đình trên địa bàn. Đồng thời, tổ chức phân công cán bộ chuyên trách; thành lập tổ giúp việc chương trình OCOP.

Bên cạnh đó, chú trọng nâng cao chất lượng, nâng hạng các sản phẩm OCOP, huyện đang triển khai đăng ký, tìm kiếm, hỗ trợ các chủ thể phát triển các sản phẩm OCOP mới. Với mục tiêu phát triển đa dạng sản phẩm OCOP, cùng với các sản phẩm thế mạnh lĩnh vực nông nghiệp, huyện đang định hướng phát triển thêm các lĩnh vực khác như sản phẩm thuộc nhóm thủ công mỹ nghệ, sản phẩm dệt truyền thống, dịch vụ du lịch.

Nâng cao hiệu quả Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) - Ảnh 5.

Huyện Mộc Châu, tỉnh Sơn La đẩy mạnh phát triển sản phẩm chế biến từ nông nghiệp, tạo ra các sản phẩm OCOP có chất lượng cao. Ảnh: Văn Ngọc

Tiếp tục tuyên truyền, khuyến khích các hộ kinh doanh, doanh nghiệp, hợp tác xã mạnh dạn đầu tư, phát triển sản phẩm lợi thế của địa phương. Triển khai chương trình OCOP đến các chủ thể kinh tế. Hỗ trợ phát triển các tổ chức kinh tế về xây dựng kế hoạch kinh doanh, quản trị chất lượng sản phẩm OCOP. Đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại để tăng cường khả năng kết nối giữa người sản xuất với các nhà đầu tư và người tiêu dùng"

Đối với các sản phẩm OCOP sau khi được đánh giá, xếp hạng cấp tỉnh, các đơn vị liên quan cùng các chủ thể cần tiếp tục nâng cao chất lượng các sản phẩm, công bố tiêu chuẩn, chất lượng, mã số, mã vạch, thiết kế bao bì, nhãn mác, dán tem truy xuất nguồn gốc bảo đảm theo quy định. Cùng với đó là tăng cường tuyên truyền, quảng bá và nâng tầm các sản phẩm lợi thế của tỉnh Sơn La nói chung và huyện Mộc Châu nói riêng. 

Nâng cao hiệu quả Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) - Ảnh 6.

Nhờ đẩy mạnh phát triển các sản phẩm OCOP, đã nâng cao thu nhập cho các chủ thể. Ảnh: Văn Ngọc

Phát triển đa dạng các sản phẩm, đặc sản thành sản phẩm OCOP, Mộc Châu từng bước phát triển thương hiệu, tăng sức cạnh tranh và giá trị sản phẩm, góp phần nâng cao thu nhập cho nông dân, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của của địa phương.

Văn Ngọc - Nguyễn Vinh