dd/mm/yyyy

Sơn La: Nâng cao hiệu quả Chương trình OCOP

Chương trình "Mỗi xã một sản phẩm" (OCOP) được tỉnh Sơn La triển khai với những sản phẩm đặc trưng, qua đó nâng cao thu nhập cho nông dân…

Clip: Sơn La: Nâng cao hiệu quả Chương trình OCOP

Sản phẩm OCOP nâng tâm giá trị nông sản

Chương trình OCOP trên địa bàn tỉnh Sơn La đã mang đến làn gió mới cho khu vực kinh tế nông thôn, tạo đà thúc đẩy và nâng cao năng lực của các chủ thể, nhất là khu vực làng nghề, các HTX, doanh nghiệp vừa và nhỏ trong tổ chức sản xuất, kinh doanh dòng sản phẩm nông sản đặc trưng của từng địa phương: hình thành vùng sản xuất nông sản sạch, an toàn, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gắn với các chuỗi giá trị sản phẩm. Bên cạnh đó, người dân cũng được sử dụng những sản phẩm sạch, an toàn vệ sinh thực phẩm.

Xã Tà Xùa, huyện Bắc Yên (Sơn La) nằm ở độ cao trên 1.500 mét so với mặt nước biển, độ ẩm không khí cao, tạo nên hương vị đặc trưng của chè Tà Xùa. Với gần 200 ha chè; trong đó, có khoảng 1.600 cây chè cổ thụ được Công ty TNHH Trà và Đặc sản Tây Bắc đầu tư khai thác, chế biến, phát triển trên 10 dòng sản phẩm trà các loại; nổi bật có 2 sản phẩm đạt chứng nhận OCOP, là trà xanh Mây và trà xanh Thiện. Từ những giá trị truyền thống, sản phẩm chè của Tà Xùa đã được nâng tầm thương hiệu khi tham gia chương trình OCOP; từng bước nâng cao giá trị kinh tế, quảng bá thương hiệu chè Tà Xùa, tiêu thụ rộng rãi tại thị trường trong nước và xuất khẩu sang một số thị trường, như: Đài Loan, Pháp, Nhật Bản...

Ông Phạm Vũ Khánh, Chủ tịch HĐQT Công ty TNHH Trà và Đặc sản Tây Bắc chia sẻ: Công ty đã áp dụng khoa học kỹ thuật, các quy trình chế biến hiện đại; đầu tư nâng cao chất lượng, mẫu mã bao bì, nhãn mác, truy xuất nguồn gốc; đảm bảo chất lượng đáp ứng yêu cầu thị trường trong nước và xuất khẩu. Trung bình mỗi năm, Công ty thu mua khoảng 50 tấn chè của người dân trên địa bàn.

Sơn La: Nâng cao hiệu quả Chương trình OCOP - Ảnh 2.

Sơn La: Nâng cao hiệu quả Chương trình OCOP - Ảnh 3.

Sản phẩm trà xanh Mây Công ty TNHH Trà và Đặc sản Tây Bắc được công nhân sản phẩm OCOP 4 sao. Ảnh: Văn Ngọc

Còn tại huyện Yên Châu (Sơn La) Triển khai chương trình chương trình OCOP, huyện đã ban hành các kế hoạch, thành lập Hội đồng đánh giá, phân hạng sản phẩm tham gia chương trình OCOP cấp huyện.  Bà Vũ Thị Hải, Phó trưởng Phòng Kinh tế Hạ tầng huyện Yên Châu, Sơn La cho biết: Triển khai chương trình, UBND huyện đã ban hành các kế hoạch, thành lập Hội đồng đánh giá, phân hạng sản phẩm tham gia chương trình OCOP cấp huyện. Chỉ đạo các cơ quan chức năng tổ chức lớp tập huấn về chương trình sản phẩm OCOP cho cán bộ từ huyện đến xã, bản, tiểu khu. Đồng thời, tư vấn, hỗ trợ, hướng dẫn các tổ chức kinh tế có sản phẩm tham gia chương trình OCOP đầu tư máy móc, trang thiết bị tiên tiến hiện đại phục vụ sản xuất trồng trọt, chăn nuôi, bảo quản, chế biến sản phẩm. Đồng thời, đẩy mạnh quảng bá, giới thiệu và tiêu thụ sản phẩm OCOP, tổ chức các hoạt động xúc tiến thương mại, hỗ trợ các doanh nghiệp, HTX tham gia các hội chợ.

Qua 4 năm thực hiện, có gần 40 ý tưởng sản phẩm của các chủ thể đăng ký tham gia chương trình. Hiện nay, huyện Yên Châu có 6 sản phẩm OCOP cấp tỉnh; trong đó, 5 sản phẩm đạt hạng 3 sao (chuối sấy giòn, xoài sấy dẻo, tỏi đen Châu Yên, tinh bột nghệ vàng Thược Mai, rượu chuối) và 1 sản phẩm đạt 4 sao (chuối sấy dẻo). Các sản phẩm sau khi được cấp chứng nhận OCOP, ngoài cách bán hàng truyền thống, đều được đẩy mạnh qua các sàn thương mại điện tử. Các doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở sản xuất OCOP còn mạnh dạn quảng bá, tiếp thị sản phẩm với hình thức quà tặng để tiếp cận với thị trường. 

Sơn La: Nâng cao hiệu quả Chương trình OCOP - Ảnh 4.

Sơn La: Nâng cao hiệu quả Chương trình OCOP - Ảnh 5.

Đến nay huyện Yên Châu (Sơn La) đã có 6 sản phẩm OCOP cấp tỉnh, trong đó, 5 sản phẩm đạt hạng 3 sao và 1 sản phẩm đạt 4 sao (chuối sấy dẻo). Ảnh: Văn Ngọc

Nâng cao hiệu quả chương trình OCOP

Bà Hoàng Thị Hiền, Phó Chánh Văn phòng Thường trực Văn phòng Điều phối nông thôn mới tỉnh Sơn La thông tin: Chương trình OCOP đã có những tác động tích cực, đậm nét đến phát triển kinh tế nông thôn. Thông qua thực hiện chương trình, đã góp phần chuyển đổi từ sản xuất nông nghiệp nhỏ lẻ sang sản xuất theo hướng liên kết chuỗi giá trị, theo tiêu chuẩn, quy chuẩn, có truy xuất nguồn gốc và theo nhu cầu thị trường.

Để thực hiện có hiệu quả Chương trình OCOP tỉnh Sơn La cũng đã ban hành cơ chế, chính sách hỗ trợ nâng cấp, tiêu chuẩn hóa sản phẩm, trong đó, tập trung hỗ trợ mua nguyên vật liệu, máy móc, thiết bị, dây chuyền sản xuất, tập huấn, thuê cán bộ kỹ thuật cho các tổ chức kinh tế, chủ thể tham gia thực hiện Chương trình OCOP; hỗ trợ chi phí thiết kế nhãn hiệu, đăng ký nhãn hiệu, in tem, giấy chứng nhận, xác lập quyền sở hữu công nghiệp, xây dựng logo, bao bì, đăng ký mã số mã vạch, tem truy xuất nguồn gốc sản phẩm các sản phẩm OCOP. Chủ trương hỗ trợ các chủ thể sản xuất tham gia Chương trình OCOP quảng bá sản phẩm trên các trang thương mại điện tử; tổ chức giới thiệu, quảng bá sản phẩm OCOP trong và ngoài tỉnh.

Sơn La: Nâng cao hiệu quả Chương trình OCOP - Ảnh 6.

Sơn La đẩy mạnh tuyên truyền các kiến thức chương trình mỗi xã một sản phẩm cho chủ thể sản xuất tham gia Chương trình OCOP. Ảnh: Văn Ngọc

Cùng với chính sách hỗ trợ của tỉnh, các ban, ngành, đoàn thể… các địa phương cũng nhanh chóng bắt tay vào xây dựng chuỗi liên kết sản xuất, từng bước làm thay đổi tư duy sản xuất của người nông dân từ nhỏ lẻ, manh mún sang sản xuất hàng hóa lớn, có giá trị kinh tế cao; từ kinh tế hộ đơn lẻ sang mô hình HTX, liên kết, liên doanh theo chuỗi giá trị ngành hàng. Đặc biệt là sự thay đổi từ sản xuất theo kinh nghiệm mang nặng tính truyền thống sang ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất; từ năng suất lao động thấp sang áp dụng hàm lượng khoa học - công nghệ cao; từ coi trọng về số lượng sang coi trọng chất lượng, giá trị, lợi nhuận, gắn với an toàn thực phẩm của sản phẩm nông sản.

Sơn La: Nâng cao hiệu quả Chương trình OCOP - Ảnh 7.

Sơn La: Nâng cao hiệu quả Chương trình OCOP - Ảnh 8.

Sơn La: Nâng cao hiệu quả Chương trình OCOP - Ảnh 9.

Chương trình mỗi xã một sản phẩm, tạo nên những thương hiệu đặc trưng, nổi bật trong danh mục sản phẩm Ocop của tỉnh Sơn La. Ảnh: Văn Ngọc

Đến nay, tỉnh Sơn La có 110 sản phẩm OCOP; trong đó, có 68 sản phẩm 3 sao, 41 sản phẩm 4 sao và 1 sản phẩm 5 sao cấp quốc gia. Sản phẩm OCOP phong phú, đa dạng, thuộc nhiều nhóm: Thực phẩm tươi sống, thực phẩm chế biến, gia vị, chè... Sản phẩm OCOP đều được cấp giấy chứng nhận đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm; có mã số, mã vạch, tem truy xuất nguồn gốc; nhãn hiệu tập thể, nhãn hiệu chứng nhận chỉ dẫn địa lý và khẳng định được thương hiệu trên thị trường trong và ngoài tỉnh. Nhằm quảng bá, giới thiệu để người tiêu dùng thuận tiện mua sản phẩm, tỉnh Sơn La đã mở các cửa hàng giới thiệu và bán sản phẩm OCOP trên địa bàn. Đồng thời, kết nối đưa lên tiêu thụ trên các sàn thương mại điện tử như: Voso.vn, Posmart.vn.

Văn Ngọc - Nguyễn Vinh