Sản phẩm OCOP nâng tầm giá trị nông sản Sơn La
Sơn La có thêm 31 sản phẩm OCOP
Sáng ngày 28/12, ông Nguyễn Thành Công, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Chủ tịch Hội đồng đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP tỉnh Sơn La giai đoạn 2021-2025 đã chủ trì Hội nghị đánh giá, phân hạng và công nhận lại sản phẩm OCOP cấp tỉnh năm 2022.
Năm 2022, tham gia đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP cấp tỉnh có 31 sản phẩm phát triển mới và sản phẩm công nhân lại. Các sản phẩm tham gia đánh giá đều được đầu tư sản xuất theo quy trình an toàn, chất lượng cao, có đầy đủ bao bì, mẫu mã sản phẩm, có tem, nhãn truy xuất nguồn gốc, rõ ràng. Đây là những sản phẩm nông nghiệp tiêu biểu, đặc trưng vùng miền ở các địa phương như: Coffee Arabica Minh Trí; cao sâm Ngọc Linh, rượu sâm Ngọc Linh Thành Long, rượu cao sâm Ngọc Linh, mật ong Hồ Sâm, rượu Hang Chú, trà xanh mây, Mật ong Thuận Châu...
Trên tinh thần công tâm, khách quan tổ giúp việc, các thành viên Hội đồng đã đánh giá, phân loại chấm điểm cho các sản phẩm tham gia, quyết định công nhận 20 sản phẩm OCOP đạt 4 sao cấp tỉnh, và 11 sản phẩm OCOP đạt 3 sao cấp tỉnh đến từ 29 hộ kinh doanh, HTX và doanh nghiệp trên địa bàn.
Với 3 sản phẩm đạt sản phẩm OCOP 4 sao: Cao sâm Ngọc Linh, Rượu sâm Ngọc Linh Thành Long và Rượu cao sâm Ngọc Linh. Công ty TNHH MTV đầu tư xây dựng Thành Long (Thị trấn Hát Lót, huyện Mai Sơn, tỉnh Sơn La) mong muốn đưa sản phẩm tốt nhất được chế biến từ sâm Ngọc Linh đến với người tiêu dùng và hướng xuất khẩu ra thị trường thế giới.
Ông Nguyễn Phí Long, Giám đốc Công ty TNHH MTV đầu tư xây dựng Thành Long chia sẻ: "Tôi rất thịch Sâm Ngọc Linh vì nó mang lại lợi ích đến sức khỏe của con người. Khi tôi tim hiểu được ở tỉnh Kon Tum, Quảng Nam người ta trồng rất nhiều và họ cũng có nhiều sản phẩm tốt từ sâm Ngọc Linh. Bởi vậy tôi cũng nghĩ là ở Sơn La chúng tôi cũng có khí hậu rất là tốt. Tại sao đồng bào Ê Đê trồng được, đồng bào người Mông, người Thái ở Sơn La lại không trồng được?. Xuất phát từ ý nghĩ đó, chúng tôi quyết tâm mang sâm Ngọc Linh về đất Sơn La để trồng. Chúng tôi nghĩ phải làm thế nào để sản phẩm khác biệt với các sản phẩm khác và từ đấy chúng tôi đã nghiên cứu và đưa ra sản phẩm cao sâm Ngọc Linh. Cây sâm từ 6-10 năm tuổi khi chúng tôi thu hoạch về, lựa chọn lấy những củ sâm tốt nhất, không bị sâu, bệnh, những củ sâm có sức sống để đưa ra sản phẩm tốt nhất. Khi tham gia sản phẩm OCOP, chúng tôi mong muốn đưa sản phẩm tốt nhất của chúng tôi đến với người tiêu dùng".
Ông Nguyễn Văn Thành, Giám đốc HTX ong Phổng Lái (Thuận Châu, Sơn La) chia sẻ: Đi vào hoạt động từ tháng 8/2018, HTX có 13 thành viên liên kết thực hiện đồng bộ quy trình và ứng dụng sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP trong chăm sóc, nuôi ong và khai thác mật. Hiện, HTX có 1.000 đàn ong đang cho khai thác mật gồm 2 giống ong Ý và ong nội, bình quân đạt 30kg mật/đàn/năm. Với hình thức nuôi tự nhiên, thu hoạch và bảo quản theo đúng quy trình, sản lượng và chất lượng mật không ngừng được nâng lên. Sản phẩm mật ong của HTX được người tiêu dùng đánh giá cao bởi có vị ngọt đậm, thơm, màu sắc đẹp mắt.
Để cung cấp ra thị trường sản phẩm mật ong đảm bảo uy tín, chất lượng, HTX đã phổ biến nhận thức về quy trình sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP; hỗ trợ con giống; tập huấn kiến thức về phương pháp chăm sóc đàn ong trước khi vào vụ khai thác, cách phòng trừ dịch bệnh khi đàn ong bị bệnh, kỹ thuật thu hoạch, chế biến và bảo quản sản phẩm mật ong... Các thành viên đã tuân thủ quy trình nuôi ong an toàn, đặc biệt trong việc chọn địa điểm nuôi ong không bị ảnh hưởng bởi khói bụi, hóa chất độc hại; đặt thùng ong ở gần nguồn thức ăn sạch, bóng râm. Tham gia phân hạng đánh giá OCOP, chúng tôi mong muốn Ban Giám khảo đánh giá chuẩn mực các sản phẩm, thứ 2 qua việc đánh giá HTX sẽ có hướng đi mới cho sản phẩm của mình.
OCOP Sơn La khẳng định chất lượng, vươn ra thế giới
Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Thành Công, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sơn La cho biết: Sau 2 năm ảnh hưởng bởi dịch Cvid-19, tỉnh Sơn La chưa đánh giá được toàn tỉnh chưa đánh giá được sản phẩm OCOP. Năm 2022 dưới sự nỗ lực của các chủ thể, các doanh nghiệp, hợp tác xã, các hộ gia đình với các sản phẩm OCOP được tỉnh Sơn La đánh giá rất cao. Tổng số sản phẩm được đánh giá là 31 sản phẩm, trong đó có 20 sản phẩm đạt OCOP 4 sao, 11 sản phẩm đạt OCOP 3 sao.
Qua đây cho thấy các chủ thể đã rất cố gắng, nỗ lực xây dựng sản phẩm OCOP theo hướng chất lượng sản phẩm. Năm nay 20 sản phẩm đạt 4 sao chất lượng cao hơn, mẫu mã, bao bì sản phẩm được nâng lên. Bên cạnh đó các chủ thể đã tập chung nghiên cứu thị trường, đánh giá thị trường để xây dựng sản phẩm của mình, từ đố xây dựng được các sản phẩm cao cấp. Năm nay có những sản phẩm rất mới như sâm ngọc linh, các sản phẩm trà đã có bước tiến đạt được các giải thưởng cao ở các thị trường Châu Âu.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sơn La đề nghị các địa phương tiếp tục quan tâm xây dựng thêm các sản phẩm OCOP đặc trưng, gắn với tiềm năng, lợi thế địa phương; chủ thể chú trọng kết nối, xây dựng vùng nguyên liệu, bảo đảm chuỗi sản xuất và tiêu thụ sản phẩm ổn định theo chuỗi giá trị. Các chủ thể có sản phẩm được đánh giá đạt sản phẩm 3 và 4 sao cấp tỉnh cần tiếp tục quan tâm đầu tư dây chuyền sản xuất, nâng cao chất lượng, hoàn thiện bao bì, mẫu mã, nhãn hiệu của sản phẩm.
Yêu cầu Sản phẩm Trà mây xanh của Công ty TNHH trà và đặc sản Tây Bắc, huyện Bắc Yên hoàn thiện hồ sơ, thủ tục pháp lý, đề nghị xét công nhận là sản phẩm OCOP 5 sao cấp quốc gia; sản phẩm cao nấm linh chi của Công ty TNHH Mạnh Thắng, huyện Mai Sơn phải có mẫu mã, bao bì theo hướng hộp cứng, tiếp tục nâng cao chất lượng sản phẩm.