Chương trình OCOP: Nguồn lực góp phần xây dựng nông thôn mới
OCOP nâng cao thu nhập cho nông dân
Sơn La một trong những tỉnh vùng núi Tây Bắc có sự đa dạng của khí hậu, là điều kiện thuận lợi cho việc sản xuất nhiều loại loại sản phẩm đặc sản có giá trị kinh tế cao. Những năm gần đây, các địa phương trên địa bàn tỉnh Sơn La đã tập trung khai thác tiềm năng, thế mạnh phát triển sản phẩm OCOP để tạo sức bật cho xây dựng nông thôn mới, góp phần cải thiện và nâng cao đời sống nhân dân, phát triển kinh tế xã hội bền vững. Trong đó, tỉnh và các địa phương đặc biệt coi trọng vai trò tập hợp và cầu nối của các HTX để liên kết các hộ dân sản xuất theo quy chuẩn, tiêu chuẩn chất lượng cao, có đầu ra tiêu thụ ổn định.
HTX Dịch vụ phát triển nông nghiệp 19/5 huyện Mộc Châu thành lập năm 2000, với 12 thành viên. Hiện, tăng lên 55 thành viên, trên 300 hộ nông dân sản xuất hợp đồng theo thời vụ; vốn cố định và lưu động trên 27 tỷ đồng. Triển khai chương trình OCOP, HTX đã tạo mối liên kết với khoảng 200 hộ dân trên diện tích 100 ha trồng các loại cây ăn quả, cây rau theo quy trình VietGAP, hướng hữu cơ và 1 cơ sở chế biến quả với diện tích 4.000 m² được đầu tư hệ thống thiết bị dây chuyền hiện đại sản xuất sản phẩm: Rượu vang, mận sấy dẻo, chuối sấy dẻo... Hiện, HTX đang sản xuất 25 sản phẩm, trong đó 6 sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP gồm 3 sản phẩm đạt 4 sao và 3 sản phẩm đạt 3 sao.
Ông Vũ Hoài Văn, Phó Giám đốc HTX Dịch vụ phát triển nông nghiệp 19/5 huyện Mộc Châu cho biết: HTX đã tuyên truyền, vận động các hộ dân thay đổi tư duy, mở rộng quy mô sản xuất theo hướng hàng hóa. Đồng thời, đẩy mạnh ứng dụng khoa học kỹ thuật, chuyển đổi giống cây trồng, vật nuôi, sản xuất sản phẩm nông sản chất lượng, an toàn; liên kết với các doanh nghiệp, HTX trong việc bao tiêu sản phẩm theo chuỗi khép kín, góp phần thúc đẩy sản xuất nông nghiệp của địa phương, góp phần xây dựng nông thôn mới của địa phương.
Còn tại huyện Yên Châu, Thực hiện chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP), huyện Yên Châu đã tuyên truyền, hỗ trợ xây dựng, hoàn thiện hồ sơ và tổ chức đánh giá xếp loại OCOP cấp huyện, lựa chọn sản phẩm dự thi đánh giá và xếp hạng sản phẩm cấp tỉnh; góp phần nâng cao giá trị các sản phẩm đặc trưng, xây dựng thương hiệu, mở rộng thị trường và tạo đà cho ngành nông nghiệp địa phương phát triển bền vững.
Dẫn chúng tôi đi thăm vườn trồng cây đu đủ lấy hoa tại xã Sặp Vạt, anh Nguyễn Văn Tuấn, Giám đốc HTX Tuổi trẻ 26/3, tiểu khu 4, thị trấn Yên Châu, say sưa giới thiệu về cách trồng, chăm sóc để cây ra hoa to, cánh dày, quy trình sơ chế, bảo quản ngon và giữ được mùi thơm nguyên chất... Anh Tuấn chia sẻ: Cây đu đủ được trồng tại hầu hết các xã trên địa bàn huyện, nhưng rải rác trong vườn, chủ yếu phục vụ nhu cầu của gia đình và thường sử dụng hoa đu đủ tươi, phơi hoa khô, sao khô pha nước uống, hoặc dùng làm món ăn.
Tháng 11 năm 2021, các thành viên của HTX đã nghiên cứu, chọn giống ươm, nhân giống từ cây đu đủ đực đã trồng trước đó, đến nay HTX mở rộng diện tích lên 3 ha tại các xã Sặp Vạt, Tú Nang, Phiêng Khoài. Vùng trồng đảm bảo nguồn nước tưới, sử dụng hoàn toàn bằng phân hữu cơ, không sử dụng thuốc trừ cỏ. Sản phẩm hoa đu đủ của HTX Tuổi trẻ 26/3 được sản xuất theo quy trình, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm.
Các thành viên HTX thu hoạch hoa đu đủ vào buổi sáng, sau đó làm sạch và phân loại, cắt cuống đưa vào máy sấy lạnh trong vòng 20 tiếng (khi độ ẩm đạt dưới 5%) và chế biến. HTX đã đầu tư 500 triệu đồng xây dựng dây chuyền sản xuất, như: Máy xay, máy đóng túi trà, máy in hạn sử dụng...; chủ động đầu tư nghiên cứu về kiểu dáng, mẫu mã sản phẩm có tem nhãn tạo sự tin cậy đối với người tiêu dùng.
“HTX đã sản xuất, chế biến các sản phẩm từ hoa đu đủ, gồm: Hoa đu đủ sấy lạnh nguyên hoa; nghiền thành trà lọc gồm vị nguyên bản và vị mix (sả và cỏ ngọt); mỗi tháng, HTX sản xuất, chế biến 5 tạ hoa đu đủ tươi, sản phẩm được bán hàng trực tiếp tại các cửa hàng đặc sản tỉnh và huyện, các khu du lịch; qua các sàn thương mại điện tử và mạng xã hội”, anh Tuấn nói.
OCOP góp phần xây dựng NTM
Đến nay, tỉnh Sơn La có 110 sản phẩm OCOP; trong đó, có 68 sản phẩm 3 sao, 41 sản phẩm 4 sao và 1 sản phẩm 5 sao cấp quốc gia. Sản phẩm OCOP phong phú, đa dạng, thuộc nhiều nhóm: Thực phẩm tươi sống, thực phẩm chế biến, gia vị, chè... Sản phẩm OCOP đều được cấp giấy chứng nhận đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm; có mã số, mã vạch, tem truy xuất nguồn gốc; nhãn hiệu tập thể, nhãn hiệu chứng nhận chỉ dẫn địa lý và khẳng định được thương hiệu trên thị trường trong và ngoài tỉnh.
Nhằm quảng bá, giới thiệu để người tiêu dùng thuận tiện mua sản phẩm, tỉnh Sơn La đã mở các cửa hàng giới thiệu và bán sản phẩm OCOP trên địa bàn. Đồng thời, kết nối đưa lên tiêu thụ trên các sàn thương mại điện tử như: Voso.vn, Posmart.vn.
Bà Hoàng Thị Hiền, Phó Chánh Văn phòng Thường trực Văn phòng Điều phối nông thôn mới tỉnh Sơn La thông tin: Chương trình OCOP đã có những tác động tích cực, đậm nét đến phát triển kinh tế nông thôn. Thông qua thực hiện chương trình, đã góp phần chuyển đổi từ sản xuất nông nghiệp nhỏ lẻ sang sản xuất theo hướng liên kết chuỗi giá trị, theo tiêu chuẩn, quy chuẩn, có truy xuất nguồn gốc và theo nhu cầu thị trường.
Để thực hiện có hiệu quả Chương trình OCOP tỉnh Sơn La cũng đã ban hành cơ chế, chính sách hỗ trợ nâng cấp, tiêu chuẩn hóa sản phẩm, trong đó, tập trung hỗ trợ mua nguyên vật liệu, máy móc, thiết bị, dây chuyền sản xuất, tập huấn, thuê cán bộ kỹ thuật cho các tổ chức kinh tế, chủ thể tham gia thực hiện Chương trình OCOP.
Bên cạnh đó, Sơn La hỗ trợ chi phí thiết kế nhãn hiệu, đăng ký nhãn hiệu, in tem, giấy chứng nhận, xác lập quyền sở hữu công nghiệp, xây dựng logo, bao bì, đăng ký mã số mã vạch, tem truy xuất nguồn gốc sản phẩm các sản phẩm OCOP. Chủ trương hỗ trợ các chủ thể sản xuất tham gia Chương trình OCOP quảng bá sản phẩm trên các trang thương mại điện tử; tổ chức giới thiệu, quảng bá sản phẩm OCOP trong và ngoài tỉnh. Tỉnh Sơn La xác định thực hiện Chương trình OCOP là giải pháp quan trọng để hoàn thành mục tiêu xây dựng NTM đề ra nhiều giải pháp căn cơ, bài bản để thực hiện.