dd/mm/yyyy

Sức sống từ mảnh đất mang tên dòng sông Mã

Nhắc đến huyện Sông Mã, trong tiềm thức của những người từng đến Sông Mã 30 - 40 năm trước, nhất là từ các tỉnh Hưng Yên, Thái Bình, Hà Tây... rời quê hương lên Sông Mã lập nghiệp, thì đó là một địa danh xa xôi, "đi dễ khó về", một vùng biên giới nghèo khó, nơi tận cùng của miền Tây Tổ quốc.

Trong tâm trí của những người lớn tuổi, con đường từ thành phố Sơn La vào Sông Mã, một con đường gập ghềnh đèo dốc, với gần bốn chục chiếc ngầm qua suối, mà chỉ những ai đã từng ăn chực nằm chờ ở bến xe thị xã Sơn La ngày đó; đã từng xếp hàng cả tuần mới mua được vé xe vào huyện; đã từng cuốc bộ hoặc phải xúm nhau trèo lên nóc "cabô" để dìm đầu xe xuống mỗi khi xe qua ngầm, mới thấu hiểu và cảm thông với những khó khăn, nhọc nhằn mà họ đã trải qua.

Mỗi ngày một chuyến, thậm chí trong mùa mưa, cả tuần mới có một chuyến "xe khách đầu zin, đít ca", "bò" cả ngày mới đi hết 100 km từ Sơn La vào huyện. Tháng nào cũng có tai nạn, năm nào cũng có sạt đường, lở núi...Con đường vào huyện trở thành nỗi ám ảnh thường trực, hằn sâu trong tiềm thức của mỗi người dân Sông Mã. Một con đường độc đạo luôn luôn bị đe dọa có thể bị "tắc" bất cứ lúc nào.

Sức sống từ mảnh đất mang tên dòng sông - Ảnh 1.

Huyên Sông Mã nhìn từ trên cao. Ảnh: Nguyễn Vũ Điền

Với tôi, một người sống ở Sơn La gần sáu chục năm trời, đã rất nhiều lần vào huyện Sông Mã, tôi cũng không thể nào quên được kỷ niệm về mùa mưa năm 1995. Con đường nối thành phố Sơn La với huyện Sông Mã hoàn toàn bị cắt đứt. Hàng chục vạn mét khối đất đá từ trên núi, trên rừng đổ ập xuống mặt đường. Mưa như trút cả tháng trời khiến con đường đang thi công dở dang, bỗng ngập tràn bùn loãng. Không một loại phương tiện nào tới được Sông Mã. Các loại xe máy thi công nằm chết dí ven đường. Cuộc sống của hàng vạn người dân thượng nguồn Sông Mã bị đe dọa. Các loại hàng hóa thiết yếu như xăng dầu, lương thực, thực phẩm, giấy vở học sinh...không thể đưa vào huyện. Ngay đến tiền mặt, thì để cung ứng cho nhu cầu của huyện, các ngân hàng và Kho bạc tỉnh cũng phải cử cán bộ vận chuyển bộ, vượt cả trăm km mới gùi vào được. Giá gạo, giá xăng dầu, giá nước mắm, giá mì tôm...tất tần tật các loại hàng hóa ở huyện bị đội lên gấp 2 - 3 lần ngoài thị xã Sơn La (nay là thành phố Sơn La).

Sức sống từ mảnh đất mang tên dòng sông - Ảnh 2.

Nông dân Sông Mã tích cực, hăng say lao động sản xuất. Ảnh: Nguyễn Vũ Điền

Giá cao như vậy nhưng hàng hóa khan hiếm, không có để mua. Ngay trên địa bàn thị trấn, đâu đâu cũng thấy bùn đất, rác rưởi. Bùn tràn khắp các ngõ xóm, bùn phủ kín tường nhà. Phố phường tan hoang như vừa trải qua một trận động đất. Các loại hàng hóa như ngô, nhãn, đậu tương...bà con sản xuất ra không thể tiêu thụ được. Rất nhiều người có việc đại sự ở quê hoặc phải đi khám, chữa bệnh hiểm nghèo nhưng không có cách nào để ra khỏi huyện.

Đó là ở thị trấn, còn tại các thôn bản, đời sống bà con hết sức khó khăn. Tỷ lệ nghèo đói của huyện nằm trong top cao nhất của tỉnh. Nói điều đó để thấy, cách đây không lâu, không ai nghĩ rằng Sông Mã có thể vượt qua được ngưỡng của một huyện nghèo. Vậy mà hôm nay, khi trở lại Sông Mã, tôi thực sự ngỡ ngàng bởi những gì hiện lên trước mắt. Một Sông Mã năng động, trẻ trung và ngời ngời sức sống. Con Đường từ Thành phố Sơn La vào huyện được apsphal phẳng lỳ. Tất cả những đoạn ngầm biến đâu mất. Chuyến xe vào huyện cho tôi cảm giác như đang đi trên những con đường giữa miền trung du bắc bộ. Dọc hai bên đường từ Chiềng Khương vào thị trấn là những vườn nhãn xum xuê trĩu quả. Thấp thoáng trong những vườn cây, trang trại là những ngôi nhà tầng với đủ mọi kiểu cách mới nhất, những biệt thự sang trọng mà trước đây, dù có mơ cũng chẳng ai dám nghĩ đến. Giữa thị trấn, những ngôi nhà, những cửa hàng, cửa hiệu được bài trí sang trọng, hiện đại như những con phố giữa lòng một đô thị lớn. Đường phố phong quang, ngăn nắp, sạch sẽ và thật yên bình.

Sức sống từ mảnh đất mang tên dòng sông - Ảnh 3.

Cơ sở, vật chất, hạ tầng trên địa bàn huyện Sông Mã đã có nhiều thay đổi. Ảnh: Nguyễn Vũ Điền

Từ một huyện nghèo, điều kiện phát triển không mấy thuận lợi, trong nhiều năm qua, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc huyện Sông Mã đã phát huy nội lực, tìm con đường cho riêng mình. Toàn huyện đã đoàn kết thống nhất, tập trung trí tuệ; không ngừng nỗ lực phấn đấu, vượt qua nhiều khó khăn, khai thác tiềm năng lợi thế, tranh thủ mọi nguồn lực và đạt được những kết quả rất quan trọng, tạo sức bật để Sông Mã hôm nay trở thành một trong những huyện phát triển của tỉnh Sơn La.

Sức sống từ mảnh đất mang tên dòng sông - Ảnh 4.

Sức sống từ mảnh đất mang tên dòng sông - Ảnh 5.

Những năm gần đây huyện Sông Mã tập chung phát triển cây ăn quả, nhờ vậy cuộc sống của người dân ngày càng no ấm. Ảnh: Nguyễn Vũ Điền

Với thế mạnh là một huyện có điều kiện thổ nhưỡng và khí hậu phù hợp để phát triển cây ăn quả - nhất là cây nhãn, nhân dân các dân tộc trong huyện đã chủ động chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi, áp dụng những tiến bộ khoa học, công nghệ vào sản xuất, đưa nền nông nghiệp của huyện từ một nền kinh tế tự cung tự cấp, trở thành một nền "kinh tế nông nghiệp", sản xuất hàng hóa cung ứng cho thị trường trong nước và xuất khẩu. Đến nay, toàn huyện đã có hơn 11 ngàn ha cây ăn quả, trong đó có hơn 8.100 ha nhãn, trong đó có gần 7000 ha đã cho thu hoạch. Thu nhập từ cây nhãn đã mang lại cho nhân dân các dân tộc trong huyện hơn 1000 tỷ đồng/năm. Toàn huyện có hơn 1000 hộ thu nhập trên 500 triệu đồng/ năm từ cây nhãn. Sông Mã đã trở thành địa phương có diện tích trồng nhãn lớn nhất của tỉnh. Sản phẩm "Nhãn Sông Mã" được cấp nhãn hiệu chứng nhận sản phẩm đủ tiêu chuẩn xuất khẩu.

Sức sống từ mảnh đất mang tên dòng sông - Ảnh 6.

Những năm gần đây huyện Sông Ma tập chung quảng bá các sản phẩm nông sản của huyện. Ảnh: Nguyễn Vũ Điền

Những năm gần đây "Nhãn Sông Mã" đã có mặt trong các siêu thị lớn trong nước và nhiều nước trên thế giới, kể cả thị trường Anh và EU. Phát triển bền vững, áp dụng các biện pháp thâm canh sạch, hữu cơ, an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP; đẩy mạnh cung ứng, tiêu thụ sản phẩm trong nước và chú trọng, quan tâm xây dựng thương hiệu, giới thiệu, quảng bá, xúc tiến tiêu thụ các sản phẩm nông sản của huyện ra nước ngoài là nhiệm vụ hết sức quan trọng được Đảng bộ, Chính quyền và nhân dân các dân tộc huyện Sông Mã hết sức quan tâm.

Sức sống từ mảnh đất mang tên dòng sông - Ảnh 7.

Nông sản của huyện Sông Mã đã chinh phục được thị trường trong và ngoài nước. Ảnh: Nguyễn Vũ Điền

Bên cạnh việc phát triển cây nhãn, nhiều mô hình sản xuất mới của huyện như mô hình trồng nho, trồng bưởi Diễn, bưởi da xanh, trồng xoài, chăn nuôi bò thịt, chăn nuôi hươu và phát triển chăn nuôi đại gia súc…đang cho những kết quả rất tốt, góp phần rất quan trọng trong chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp của huyện.

Đời sống người dân được cải thiện, hạ tầng kinh tế - xã hội được đầu tư, công cuộc xây dựng nông thôn mới được triển khai rộng khắp ở các thôn bản, hệ thống giao thông nông thôn được xây dựng trong những năm qua, hệ thống trường học, trạm y tế xã và nhiệm vụ chăm sóc sức khỏe nhân dân được quan tâm…đã thực sự biến huyện Sông Mã từ một huyện nghèo vươn lên, có những thay đổi rất lớn, rất đáng khâm phục.

Sức sống từ mảnh đất mang tên dòng sông - Ảnh 8.

Đến nay huyện Sông Mã là một trong những huyện có vùng cây ăn quả lớn của tỉnh Sơn La. Ảnh: Nguyễn Vũ Điền

Trở về sau chuyến công tác tại Sông Mã, trong tôi bỗng hiện lên những vần thơ của nhà thơ Đặng Minh Mai:

"Nghe khúc khích nàng Xuân cười mắt liếc

Soi bóng mình in mải miết xuống sông

Sông Mã ơi! Em đẹp tựa bóng hồng

Niềm hạnh phúc đang căng tràn sức sống."

Một Sông Mã anh hùng, một Sông Mã thơ mộng và một Sông Mã tràn đầy sinh lực đang hiển hiện ngay trên mảnh đất mang tên một dòng sông.


Bài viết của tác giả: Nguyễn Vũ Điền (Sơn La) 


Nguyễn Vũ Điền