dd/mm/yyyy

Làm long nhãn, nông dân vùng cao biên giới Sông Mã thu bội tiền

Sông Mã là huyện mũi nhọn về nhãn của Sơn La. Các doanh nghiệp, HTX , người trồng nhãn đã tích cực làm long nhãn để tiêu thụ trong nước và xuất khẩu...

Sản xuất long nhãn sấy khô, nông dân vùng cao biên giới Sông Mã thu bội tiền

Nông dân Sông Mã có thu nhập cao từ chế biến long nhãn

Vụ thu hoạch nhãn năm nay, chúng tôi có dịp ngược dòng Sông Mã để tìm hiểu nghề làm long nhãn. Bản Hồng Nam, xã Chiềng Khoong, huyện Sông Mã (Sơn La) được coi là cái nôi của nghề chế biến long nhãn của huyện Sông Mã (Sơn La).

Tiếp chúng tôi tại một cơ sở đang chế biến long nhãn, ông Đào Mạnh Hông, Trưởng bản Hồng Nam cho biết: Vào mỗi vụ nhãn, trong bản thường có trên 70 hộ tham gia chế biến long nhãn, đã tạo việc làm cho hàng trăm lao động địa phương. Tính trung bình, mỗi vụ nhãn, người dân xã Chiềng Khoong chế biến được trên gần 200 tấn long nhãn, với giá bán dao động từ 150.000 - 250.000 đồng/kg long nhãn, mang lại doanh thu ổn định cho người dân trồng nhãn.

Sản xuất long nhãn sấy khô, nông dân vùng cao biên giới Sông Mã thu bội tiền - Ảnh 2.

Làng nghề chế biến long nhãn bản Hải Sơn, xã Chiềng Khoong, huyện Sông Mã (Sơn La). Ảnh: Nguyễn Vinh

"Lâu nay, nghề làm long nhãn ở Sông Mã đã trở thành nghề thời vụ, không chỉ tạo thu nhập cho chủ gia đình chế biến long nhãn, mà còn tạo việc làm cho nhiều lao động địa phương có thêm thu nhập. Dù việc chế biến long nhãn bằng phương pháp thủ công, giá trị kinh tế thấp hơn so với phương pháp công nghiệp, nhưng mang lại chất lượng long nhãn của Sông Mã cao hơn so với long nhãn của các tỉnh khác, mang lại nhiều giá trị cho người sử dụng, làm nên một đặc sản có tiếng của huyện Sông Mã" Trưởng bản Hồng cho biết.

Sản xuất long nhãn sấy khô, nông dân vùng cao biên giới Sông Mã thu bội tiền - Ảnh 3.

Sản xuất long nhãn sấy khô, nông dân vùng cao biên giới Sông Mã thu bội tiền - Ảnh 4.

Những năm gần đây, nhờ việc phát triển nghề chế biến long nhãn, nhiều hộ nông dân trên địa bàn huyện Sông Mã (Sơn La) có thu nhập ổn định. Ảnh: Nguyễn Vinh

Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp Bảo Minh, bản C5, xã Chiềng Khoong, huyện Sông Mã (Sơn La) được thành lập từ đầu năm 2017. Hiện nay, hợp tác xã có 56 ha cây ăn quả các loại; trong đó, chủ lực là cây nhãn với 36 ha, chiếm 64% tổng diện tích, năng xuất bình quân đạt 15 tấn/ha, sản lượng đạt trên 540 tấn/năm, doanh thu ước đạt trên 8 tỷ đồng.

Ông Lê Danh Phúc, Phó Giám đốc Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp Bảo Minh cho biết: Từ năm 2018, Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp Bảo Minh đã mạnh dạn chuyển đổi hoạt động chế biến long nhãn từ lò sấy than thủ công sang lò sấy hơi ép nhiệt kín, do đó chất lượng sản phẩm luôn được bảo đảm từ hương vị, màu sắc đến cảm quan, không sử dụng chất bảo quản, không thêm đường tạo ngọt và rút ngắn thời gian sấy. Sản phẩm được thị trường và các doanh nghiệp như: Big C Thăng Long, VinMAX…đón nhận, ngoài ra còn được xuất khẩu sang Hàn Quốc, Trung Quốc.

Sản xuất long nhãn sấy khô, nông dân vùng cao biên giới Sông Mã thu bội tiền - Ảnh 5.

Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp Bảo Minh, bản C5, xã Chiềng Khoong, huyện Sông Mã (Sơn La) duy trì cung ứng ra thị trường trên 30 tấn long nhãn. Ảnh: Nguyễn Vinh

"Trước đây long nhãn sấy khô bằng lò sấy than thủ công, một ngày chỉ làm được 50 cân đến 1 tạ. Từ khi áp dụng lò sấy hơi ép nhiệt kín, công suất một ngày lên tới 5 đến 6 tạ. Do đó, hàng năm, hợp tác xã luôn duy trì sản xuất và cung ứng ra thị trường trên 30 tấn long nhãn, tương đương 200 tấn quả nhãn tươi, doanh thu hơn 1,5 tỷ đồng, góp phần giải quyết tình trạng khó khăn trong tiêu thụ quả nhãn tươi tại địa phương, tạo công ăn việc làm cho 200 lao động nông nhàn với thu nhập từ 5-7 triệu đồng/người/tháng", ông Phúc nói.

Sản xuất long nhãn sấy khô, nông dân vùng cao biên giới Sông Mã thu bội tiền - Ảnh 6.

Sản xuất long nhãn sấy khô, nông dân vùng cao biên giới Sông Mã thu bội tiền - Ảnh 7.

Tại HTX Bảo Minh, những quả nhãn tươi ngon, mỏng vỏ được bà con thu hái về, rửa sạch, sau đó đem đi bóc vỏ, tách hạt và đưa vào lò hơi sấy khô tự nhiên, hoàn toàn không có chất bảo quản và không thêm bất cứ loại đường tạo ngọt nào. Ảnh: Nguyễn Vinh

Sông Mã nâng tầm thương hiệu long nhãn

Ông Lò Văn Sinh, Chủ tịch UBND huyện Sông Mã (Sơn La), thông tin: Cây nhãn tại huyện Sông Mã từng bước khẳng định được vị thế, nhiều gia đình trồng nhãn có thu nhập vài trăm triệu đồng/năm, một số hộ có thu nhập hàng tỷ đồng/năm từ trồng nhãn.

Đến nay, huyện được cấp 46 mã số vùng trồng xuất khẩu với tổng diện tích trên 570ha, trong đó, 9 mã vùng trồng nhãn xuất khẩu sang thị trường Hoa Kỳ, 21 mã vùng trồng nhãn xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc, 16 mã vùng trồng nhãn xuất khẩu sang thị trường Australia, New Zealand. Sản lượng quả nhãn tươi toàn huyện năm 2022 ước đạt khoảng 60.000 tấn, trong đó dự kiến 40.000 tấn chế biến thành long nhãn.

Sản xuất long nhãn sấy khô, nông dân vùng cao biên giới Sông Mã thu bội tiền - Ảnh 8.

Việc chế biến long nhãn đã góp phần giải quyết bài toán khi nhãn tươi được mùa lại mất giá, đồng thời giải quyết việc làm thời vụ, tăng thu nhập cho hàng nghìn lao động địa phương. Ảnh: Nguyễn Vinh

Triển khai Quyết định 1818/QĐ-UBND ngày 28/7/2021 của UBND tỉnh Sơn La đã hỗ trợ cho 2 doanh nghiệp, 6 HTX, 571 hộ dân 6 công ten nơ lạnh, 3 kho lạnh và 603 lò sấy hơi nhiệt với tổng giá trị 22,23 tỷ đồng, nâng tổng số cơ sở chế biến long nhãn toàn huyện lên 2.910 lò sấy với công suất từ 2.000-3000 tấn quả tươi/ngày, giá trị chế biến sản phẩm nhãn ước đạt gần 1.000 tỷ đồng.

Sản xuất long nhãn sấy khô, nông dân vùng cao biên giới Sông Mã thu bội tiền - Ảnh 9.

Thời gian tới, huyện Sông Mã sẽ hỗ trợ các HTX công nghệ sấy, làm long nhãn sạch và đóng gói bao bì, tem, nhãn mác cho sản phẩm long nhãn để nâng cao chất lượng, mẫu mã sản phẩm, thu hút người tiêu dùng. Ảnh: Nguyễn Vinh

Để sản phẩm long nhãn đạt chất lượng tốt hơn, huyện Sông Mã đang xây dựng kế hoạch phát triển sản phẩm long nhãn Sông Mã cùng với quả tươi. Đặc biệt là nâng cao chất lượng, mẫu mã sản phẩm long nhãn thông qua việc hỗ trợ công nghệ sấy, làm long nhãn sạch và việc đóng gói bao bì, tem, nhãn mác cho sản phẩm long nhãn của các HTX. Qua đó, đưa sản phẩm long nhãn có chất lượng cao tới tay người tiêu dùng và nâng cao thu nhập cho người trồng nhãn.

Văn Ngọc - Nguyễn Vinh