dd/mm/yyyy

Sông Mã huy động sức dân và nguồn lực xây dựng nông thôn mới

Huyện biên giới Sông Mã (Sơn La) đã tập trung đồng bộ nhiều nguồn lực và huy động người dân góp công, hiến đất xây dựng các tiêu chí nông thôn mới.

Sông Mã xây dựng nông thôn mới gắn với phát triển kinh tế

Trong những năm vừa qua, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo điều hành của Huyện uỷ, HĐND, UBND huyện Sông Mã, cùng với sự nỗ lực phấn đấu của các cấp, các ngành, sự giúp đỡ của các sở, ban, ngành của tỉnh Sơn La, hỗ trợ của các doanh nghiệp trong ngoài huyện; cùng với sự cố gắng của nhân dân các dân tộc trên địa bàn huyện, sản xuất nông, lâm nghiệp phát triển đạt mức tăng trưởng khá. Đời sống vật chất tinh thần của người dân tiếp tục được cải thiện, kết cấu hạ tầng nông thôn được đầu tư xây dựng, góp phần tích cực vào phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương.

 Sông Mã huy động sức dân và nguồn lực xây dựng nông thôn mới   - Ảnh 1.

Người dân bản Nà Nghịu (xã Nà Nghịu, huyện Sông Mã, tỉnh Sơn La) góp ngày công tham gia làm đường bê tông nông thôn. Ảnh: Hà Hoàng.

Anh Lò Văn Phương, bản Nà Ban (xã Chiềng Phung, huyện Sông Mã, tỉnh Sơn La) cho hay: Thời gian trước, tôi không hiểu rõ về lợi ích của việc xây dựng nông thôn mới mang lại, nhiều lần họp bản tôi cũng khôn muốn tham gia. Nhưng từ khi được xã, huyện tuyên truyền về nghĩa vụ và lợi ích từ thôn mới, tôi đã hiểu và tham gia góp công đổ đường bê tông vào bản. Nhờ chương trình nông thôn mới, tôi và người dân được đi trên con đường rộng và đẹp. Tôi rất vui mừng và phấn khởi.

 Sông Mã huy động sức dân và nguồn lực xây dựng nông thôn mới   - Ảnh 2.

Ngoài tập trung nguồn lực xây dựng cầu đường, trường học, nhà văn hoá... huyện Sông Mã còn chú trọng tu sửa và nâng cấp thuỷ lợi, để người dân có nguồn nước tưới tiêu phát triển sản xuất. Ảnh: Hà Hoàng.

Trong 3 tháng đầu năm Nhâm Dần 2022, kết cấu hạ tầng nông thôn mới tiếp tục được huyện Sông Mã quan tâm đầu tư, phát triển theo hướng đồng bộ, diện mạo từ đô thị đến nông thôn có bước tiến khởi sắc. Không chỉ tập trung nguồn lực xây dựng cơ sở hạ tầng nông thôn mới, huyện Sông Mã còn tuyên truyền đến người dân phát triển kinh tế theo chuỗi liên kết thuộc Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới ví dụ như: Quy mô 107 ha (cây xoài), được triển khai tại 6 xã Nậm Mằn, Chiềng Phung, Chiềng Cang, Chiềng Sơ, Chiềng En, Mường Lầm.

Cùng với đó, mô hình phát triển cây dược liệu (cây sả Java), quy mô hơn 122 ha được huyện Sông Mã triển khai thực hiện tại các xã: Mường Sai, Mường Cai, Yên Hưng, Nà Nghịu, Pú Bẩu. Mô hình chăn nuôi bò sinh sản trên nền đệm lót sinh học, quy mô 83 con thực hiện tại HTX Toàn Phát và HTX Mường Lầm. Phát triển chăn nuôi gà thả vườn, do Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Sông Mã làm chủ đầu tư đã thực hiện giao gà giống cho HTX nông nghiệp Quốc Khánh (bản Púng Núa, xã Đứa Mòn) và HTX Dịch vụ nông nghiệp Đoàn Kết (bản Hải Sơn, xã Chiềng Khoong) với quy mô 4.000 con gà giống, 4 tấn thức ăn hỗn hợp. Chương trình thụ tinh nhân tạo bò đã thực hiện thụ tinh nhân tạo được 62 con bò tại các xã: Nà Nghịu, Chiềng Sơ, Mường Hung, Chiềng Khoong, Thị Trấn, Huổi Một, Chiềng Cang. Hiện nay, tất cả quy mô vườn cây và vật nuôi đều sinh trưởng phát triển tốt, hứa hẹn sẽ mang đến 1 luồng khí mới và hướng đi mới giúp nông dân vùng cao thoát nghèo và làm giàu.

 Sông Mã huy động sức dân và nguồn lực xây dựng nông thôn mới   - Ảnh 4.

Thời gian qua, huyện Sông Mã (Sơn La) trở thành 1 trong những thủ phủ nhãn lớn nhất tỉnh Sơn La. Nhờ thực hiện các chính sách đồng bộ và hiệu quả, người dân Sông Mã đã có thu nhập và cuộc sống dư giả từ cây ăn quả. Ảnh: Hà Hoàng.


Đời sống của người dân và diện mạo nông thôn mới đổi thay

Theo ông Nguyễn Mạnh Hùng - Tỉnh ủy viên, Bí thư huyện ủy, Chủ tịch Hội Đồng nhân huyện Sông Mã, tỉnh Sơn La cho biết, để xây dựng nông thôn mới đạt hiệu qủa cao và động bộ, huyện đã chỉ đạo các tổ chức, đoàn thể đẩy mạnh công tác tuyên truyền chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới đến toàn thể cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên và nhân dân tham gia. Huyện duy trì hoạt động 91 mô hình như: "5 không, 3 sạch" mô hình "3 sạch", tính đến nay huyện đã thành lập được hơn 400 tổ vệ sinh môi trường, 192 tổ giám sát thực hiện vệ sinh môi trường, vận động đào được 3.850 hố rác.

Đồng thời, huyện cũng phát động cuộc vận động "toCôàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh"… Chủ trì tổ chức các hội nghị tuyên truyền và hội nghị về xây dựng nông thôn mới, tổ chức thăm hỏi, tặng quà cho người nghèo có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Bên cạnh đó, huyện đã xoá nhà tạm, nhà dột nát cho hộ nghèo là 1 trong 3 đột phá của huyện, xoá 255 nhà dột nát, tổng kinh phí thực hiện 17.624 triệu đồng.

 Sông Mã huy động sức dân và nguồn lực xây dựng nông thôn mới   - Ảnh 6.

Công tác xoá nhà tạm, nhà dột nát luôn được huyện Sông Mã chú trọng, tạo điều kiện cho bà con ổn định cuộc sống và yên tâm sản xuất. Ảnh: Hà Hoàng.

Tính từ đầu năm 2021 đến nay, người dân trên địa bàn huyện Sông Mã đã đóng góp hơn 13.000 ngày công, hiến 1.130m² đất, hơn 108 cây ăn quả, đây là động lực lớn quyết định đến sự thành công xây dựng nông thôn mới. Ngoài ra, huyện cũng duy trì 2 xã đạt đạt chuẩn xã nông thôn mới là Chiềng Sơ, Chiềng Khương. Trên địa bàn huyện có 8 xã đạt từ 10 -12 tiêu chí, 8 xã đạt từ 6 - 9 tiêu chí. Cùng với đó, huyện đang tập trung triển khai thực hiện bộ tiêu chí nông thôn mới nâng cao tại xã Chiềng Khương, đến nay đã đạt 11/17 tiêu chí.

 Sông Mã huy động sức dân và nguồn lực xây dựng nông thôn mới   - Ảnh 7.

Đường giao thông được huyện Sông Mã nâng cấp và xây dựng, tạo điều kiện cho bà con vùng cao đi lại và phát triển sản xuất. Ảnh: Hà Hoàng.

Trò chuyện với PV, ông Lò Văn Sinh, Chủ tịch UBND huyện Sông Mã, tỉnh Sơn La nhận định, sau hơn 10 năm thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới, diện mạo nông thôn các xã vùng sâu vùng xa, vùng giáp biên giới thuộc địa bàn huyện có nhiều đổi thay rõ nét. 

Đa số người dân đều nhiệt tình tham gia các phong trào thi đua XDNTM của huyện phát động, lòng dân đã đồng thuận và tin tưởng vào các cấp chính quyền thì mọi điều khó khăn sẽ hoá dễ dàng. Trường học, trạm y tế, điện, nước sạch, đường giao thông nông thôn được huyện tư sửa và xây mới, đảm bảo an sinh xã hội và phát triển kinh tế tại địa phương. Có thể nói từ khi bắt tay vào xây dựng nông thôn mới, đời sống vật chất và tinh thần của bà con không ngừng được cải thiện và nâng cao rõ rệt.

Hà Hoàng