dd/mm/yyyy

Sơn La: Hiệu quả dự án tăng cường tiếng nói và năng lực cho người nông dân ứng phó với biến đổi khí hậu

Hôm nay (16/2), Hội Nông dân tỉnh Sơn La đã có buổi thăm quan mô hình và nắm tình hình hoạt động của dự án “Tăng cường tiếng nói và năng lực cho người nông dân thiểu số dễ bị tổn thương ứng phó với biến đổi khí hậu Tây Bắc Việt Nam (VOF) tại bản Nà Si (xã Hát Lót, huyện Mai Sơn).

Clip: Lãnh đạo, cán bộ, công chức, viên chức Hội Nông dân tỉnh Sơn La xắn quần lội ruộng tham gia cấy lúa theo phương pháp SRI cùng nhóm nông dân nằm trong dự án tại bản Nà Si.

Ông Lường Trung Hiếu, Uỷ viên Ban Chấp hành Trung ương Hội Nông dân Việt Nam, Tỉnh uỷ viên, Bí thư Đảng đoàn, Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Sơn La dẫn đầu đoàn công tác của Hội Nông dân tỉnh thăm quan mô hình tại bản Nà Si.

Tại buổi thăm quan mô hình, các đồng chí lãnh đạo, cán bộ, công chức, viên chức Hội Nông dân tỉnh đã xắn quần lội ruộng tham gia cấy lúa theo phương pháp SRI cùng nhóm nông dân nằm trong dự án tại bản Nà Si.

Sơn La: Hiệu quả dự án tăng cường tiếng nói và năng lực cho người nông dân ứng phó với biến đổi khí hậu - Ảnh 2.

Lãnh đạo, cán bộ, công chức, viên chức Hội Nông dân tỉnh Sơn La xắn quần lội ruộng tham gia cấy lúa theo phương pháp SRI cùng nhóm nông dân nằm trong dự án tại bản Nà Si, xã Hát Lót. Ảnh: Tuệ Linh.

Được cán bộ Hội Nông dân tỉnh trực tiếp xuống đồng hướng dẫn, trao đổi kỹ thuật cấy lúa trong những ngày đầu năm Nhâm Dần, bà con nông dân bản Nà Si ai cũng rất vui mừng, phấn khởi và hy vọng sẽ có một mùa vụ bội thu.

Chị Lò Thị Hà, bản Nà Si cho biết: Gia đình tôi có 3.000 m2 ruộng. Trước đây, gia đình cấy theo phương pháp truyền thống nên năng suất không được cao lắm. Trong 2 năm trở lại đây, gia đình được cán bộ Hội Nông dân hướng dẫn, tập huấn kỹ thuật, gia đình tôi đã trồng lúa theo phương pháp SRI. Nhờ đó năng suất cao hơn so với canh tác truyền thống. Với diện tích ruộng 3.000 m2, gia đình thu được trên 2 tấn thóc.

Sơn La: Hiệu quả dự án tăng cường tiếng nói và năng lực cho người nông dân ứng phó với biến đổi khí hậu - Ảnh 3.

Mô hình cấy lúa theo phương pháp SRI giúp hội viên nông dân tăng cường khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu. Ảnh: Tuệ Linh.

Ông Lò Văn Sinh, Trưởng bản Nà Si chia sẻ: Bản Nà Si có 104 hội viên nông dân. Trước đây bà con canh tác lúa theo hướng truyền thống nên năng suất không cao. Sau khi được cán bộ Hội Nông dân hướng dẫn cấy lúa theo phương pháp SRI, cảm thấy hiệu quả vượt trội hơn so với canh tác truyền thống. Nhờ đó, đã góp phần nâng cao thu nhập cho người nông dân.

Trao đổi với PV, ông Cầm Văn Minh, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nông dân tỉnh Sơn La cho biết: Trong những năm gần đây, Hội Nông dân tỉnh Sơn La đã tích cực tuyên truyền, vận động hội viên nông dân toàn tỉnh về ảnh hưởng, tác động của biến đổi khí hậu (bão lũ, sạt lở đất, hạn hán) đối với canh tác nông nghiệp trên địa bàn tỉnh.

Sơn La: Hiệu quả dự án tăng cường tiếng nói và năng lực cho người nông dân ứng phó với biến đổi khí hậu - Ảnh 4.

Cấy lúa theo phương pháp SRI giúp cho cây lúa cứng, khỏe, ít bị đổ ngả trong điều kiện mưa bão, tăng khả năng chống chịu đối với sâu bệnh. Ảnh: Tuệ Linh.

Theo đó, các cấp Hội trên địa bàn tỉnh đã phối hợp với các ngành nông nghiệp để chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật cho bà con nông dân trong quá trình canh tác, xây dựng mô hình thích ứng với biến đổi khí hậu, giảm thiểu tác hại của biến đổi khí hậu cho người nông dân, đặc biệt là đồng bào người dân tộc thiểu số. Nhờ đó, đã góp phần tăng năng suất cây trồng, vật nuôi, giúp nâng cao thu nhập bà con nông dân và cộng đồng.

Theo Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nông dân tỉnh Sơn La, thay vì tổ chức các lớp tuyên truyền, vận động trên lớp, Hội Nông dân tỉnh đã thay đổi phương pháp tuyên truyền gắn với thực tế. Đó là tuyên truyền gắn tham quan, xây dựng mô hình để hội viên nông dân được tận mắt nhìn thấy, nghe thấy, cầm tay chỉ việc…

Sơn La: Hiệu quả dự án tăng cường tiếng nói và năng lực cho người nông dân ứng phó với biến đổi khí hậu - Ảnh 5.

Được cán bộ Hội Nông dân cầm tay chỉ việc trong việc cấy lúa, bà con nông dân bản Nà Si vui mừng, phấn khởi và hy vọng sẽ có một mùa vụ bội thu. Ảnh: Tuệ Linh.

"Đối với mô hình trồng cây ăn quả trên đất dốc, Hội Nông dân xây dựng mô hình nông lâm kết hợp, từng hàng cây có hàng biên, hàng chắn, thảm cỏ để chống được xói mòn. Chuyển từ cấy lúa truyền thống sang cấy lúa theo phương pháp SRI để vừa tiết kiệm chi phí, tăng năng suất, thích ứng được biến đổi khí hậu", Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nông dân tỉnh Sơn La nói.

Có thể nói, mô hình cấy lúa theo phương pháp SRI là một trong những mô hình nông nghiệp thông minh, đã giúp nhóm nông dân tại bản Nà Si, xã Hát Lót tăng khả năng ứng phó biến đổi khí hậu. Đó là: Nâng cao năng suất trên một đơn vị canh tác; giảm nhu cầu tưới tiêu; giảm sự phụ thuộc vào phân hoá học, thuốc diệt cỏ, thuốc bảo vệ thực vật; tăng khả năng chống chịu với mưa bão, hạn hán; tăng khả năng chống chịu sâu bệnh…

Tuệ Linh