dd/mm/yyyy

Giá lợn hơi ngày 21/5: Miền Bắc ghi nhận thêm Vĩnh Phúc và Hưng Yên chạm mốc 68.000 đồng/kg

Giá lợn hơi hôm nay 21/5/2024, tăng nhẹ vài nơi. Miền Bắc ghi nhận thêm tại Vĩnh Phúc và Hưng Yên chạm mốc 68.000 đồng/kg - cùng mức giao dịch với Hà Nội và Thái Bình...

Giá lợn hơi tiếp tục tăng ở nhiều tỉnh thành trên cả nước 

Giá lợn hơi hôm nay 21/5/2024, tăng nhẹ vài nơi. Miền Bắc ghi nhận thêm tại Vĩnh Phúc và Hưng Yên chạm mốc 68.000 đồng/kg - cùng mức giao dịch với Hà Nội và Thái Bình; Yên Bái, Nam Định tăng 1 giá - đạt 67.000 đồng/kg.

Miền Trung với tỉnh Ninh Thuận và Hà Tĩnh cùng chiều tăng 1 giá - mức giá lần lượt đạt 65.000 - 66.000 đồng/kg.

Trong miền Nam điều chỉnh tăng tại Bình Dương với mức thu mua đạt 66.000 đồng/kg, Cần Thơ lên nhẹ đạt 65.000 đồng/kg, các tỉnh còn lại dao động quanh mức trung bình 65.300 đồng/kg.

Giá lợn hơi bình quân cả nước là 65.300 đồng/kg. Công ty C.P Việt Nam cũng đã điều chỉnh tăng giá bán thêm 1.000 đồng lên 68.000 đồng/kg. Đây đồng thời là mức giá cao nhất trong vòng hơn một năm qua. 

Với mức giá hiện tại, người chăn nuôi có lãi 30 - 40%, giúp nhiều người chăn nuôi cũng như doanh nghiệp lớn tranh thủ tái đàn, kéo giá lợn giống tiếp tục tăng.

Giá lợn hơi ngày 21/5: Miền Bắc ghi nhận thêm Vĩnh Phúc và Hưng Yên chạm mốc 68.000 đồng/kg- Ảnh 1.

Giá lợn hơi ngày 21/5: Miền Bắc ghi nhận thêm Vĩnh Phúc và Hưng Yên chạm mốc 68.000 đồng/kg

Giá lợn hơi ngày 21/5: Miền Bắc ghi nhận thêm Vĩnh Phúc và Hưng Yên chạm mốc 68.000 đồng/kg- Ảnh 2.

Giá lợn hơi ngày 21/5: Miền Bắc ghi nhận thêm Vĩnh Phúc và Hưng Yên chạm mốc 68.000 đồng/kg

Theo báo cáo của Bộ NN-PTNT, đàn lợn cả nước có xu hướng tăng do thị trường tiêu thụ khá ổn định, giá bán có xu thế đi lên. Tổng đàn lợn của cả nước ước tính đến thời điểm cuối tháng 4 tăng khoảng 3,7% so với cùng thời điểm năm 2023. 

Tuy nhiên, người chăn nuôi vẫn đang thận trọng trong việc tái đàn vì chi phí đầu vào vẫn ở mức cao.

Giá một số nguyên liệu thức ăn chăn nuôi chính tại thời điểm tháng 4/2024 có xu hướng tăng nhẹ so với tháng trước, cụ thể:

Tại Bình Phước, giá bán buôn cám gạo đạt 9.357 đồng/kg, tăng 300 đồng/kg, giá cám HV 16.357 đồng/kg, giảm 314 đồng/kg; giá bán buôn ngô hạt đạt 10.000 đồng/kg, tăng 443 đồng/kg. Tại Hưng Yên, loại ngô hạt thường giá mua buôn vẫn giữ ổn định và không có biến động so với tháng trước, giao dịch ở mức 7.000 đồng/kg. Tại tỉnh Đồng Nai, giá thu mua ngô hạt địa phương giảm so với tháng trước, giao dịch ở mức 6.267 đồng/kg, giảm 983 đồng/kg.

Giá các loại thức ăn hỗn hợp tháng 4 không có biến động so với tháng 3/2024, cụ thể như sau: Tại Đồng Nai, giá thức ăn cho lợn thịt từ 30 kg – 60 kg là 8.520 đồng/kg, thức ăn cho lợn con từ 15 - 30 kg là 9.810 đồng/kg, thức ăn cho heo con từ lúc tập ăn đến 15 kg là 15.540 đồng/kg; thức ăn cho cá chẽm UP 28.500 đồng/kg, thức ăn cho tôm thẻ nhãn hiệu UP 31.000 đồng/kg, thức ăn cho cá hiệu Cagill 14.000 đồng/kg.

Tình hình dịch bệnh đến thời điểm này vẫn có những diễn biến khá phức tạp. Trong tháng 4, các địa phương có báo cáo phát sinh 14 ổ dịch tả lợn châu Phi tại 13 huyện của 09 tỉnh, thành phố; số lợn mắc bệnh là 422 con, số lợn chết, tiêu hủy là 429 con. Từ đầu năm đến nay, cả nước xảy ra 183 ổ dịch tại 33 tỉnh, thành phố; số lợn mắc bệnh là 5.547 con, số lợn chết và tiêu hủy là 5.958 con. Hiện nay, cả nước có 33 ổ dịch tại 17 tỉnh, thành phố chưa qua 21 ngày.

Thực tế hiện nay, giá lợn hơi tại thị trường Việt Nam thuộc dạng biến động mạnh vì chịu tác động từ quy mô chăn nuôi thiếu ổn định, quy hoạch, dịch bệnh diễn biến phức tạp... Điều này khiến tổng nguồn cung giảm sút, kéo theo việc giá tăng.

Nhiều chuyên gia dự báo, giá lợn hơi có thể sẽ còn tiếp tục tăng cao hơn và sau đó sẽ dừng lại khi bước vào các tháng hè, khi thời tiết nắng nóng, sức tiêu thụ của người dân giảm đi.

Về giải pháp phát triển ngành chăn nuôi thời gian tới, Bộ NN-PTNT cho biết sẽ chủ động hơn trong việc cập nhật thông tin, dự báo thị trường trong nước và thế giới để người dân và doanh nghiệp có thể chủ động hơn trong sản xuất kinh doanh thức ăn chăn nuôi.

Riêng khía cạnh thức ăn chăn nuôi, Bộ NN-PTNT sẽ kết nối các doanh nghiệp với một số địa phương có lợi thế về trồng trọt để xây dựng vùng trồng nguyên liệu thức ăn chăn nuôi; phát triển chăn nuôi theo định hướng thị trường; phát huy thế mạnh của từng vùng, từng vật nuôi chủ lực.

Bộ NN-PTNT cũng nhấn mạnh, sẽ tiếp tục ổn định đàn lợn, phát triển đàn gia cầm, gia súc ăn cỏ… để phục vụ tiêu dùng trong nước và một phần xuất khẩu.

P.V