Clip: Xây dựng bản du lịch gắn với nét văn hóa đồng bào dân tộc Thái
Bản Khá với nhiều tiềm năng phát triển du lịch
Đến bản Khá, xã Sặp Vạt, huyện Yên Châu (Sơn La), nơi có phong cảnh đẹp, rợp bóng mát của vườn cây xoài, cây me cổ thụ, dòng suối Vạt uốn quanh. Bản Khá có tổng diện tích tự nhiên 435 ha, toàn bản có 92 hộ với 425 nhân khẩu, 99% đồng bào dân tộc Thái sinh sống.
Bản Khá có khoảng 90% hộ dân trong bản vẫn còn giữ được nếp nhà sàn cổ; các hộ dân vẫn lưu giữ và phát huy những nét văn hóa đặc trưng độc đáo, như: Lễ hội Đông sửa; hát dân ca, biểu diễn nhạc cụ dân tộc; duy trì các nghề thủ công truyền thống dệt vải, thêu khăn piêu; nghề đan lát các vật dụng sinh hoạt hằng ngày. Tận dụng lợi thế, bản Khá, xã Sặp Vạt được huyện Yên Châu lựa chọn xây dựng trở thành bản du lịch.
Để phát huy được tiềm năng thế mạnh, huyện Yên Châu đã triển khai thực hiện Đề án phát triển mô hình du lịch nông thôn tại bản Khá. Mới đây, bà Tráng Thị Xuân, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Sơn La đã chủ trì hội nghị Triển khai thực hiện Đề án phát triển mô hình du lịch nông thôn tại bản Khá.
Lộ trình xây dựng sản phẩm du lịch trong 5 năm, với tổng mức đầu tư khoảng 43,2 tỷ đồng, tập trung xây dựng các hạng mục chính, như: Cổng chào vào bản; xây dựng điểm đón tiếp khách tại bãi đỗ xe; điểm đỗ xe và hệ thống xe điện trung chuyển du khách vào bản đảm bảo môi trường; các điểm bán hàng và trò chơi trải nghiệm; xây dựng lộ trình trải nghiệm; chỉnh trang cảnh quan bản, xây dựng các điểm vệ sinh.
Trao đổi với phóng viên, ông Trần Văn Hoàng, Chủ tịch UBND xã Sặp Vạt, huyện Yên Châu, tỉnh Sơn La thông tin: Để xây dựng bản Khá thành bản du lịch cộng đồng, chính quyền các cấp đã dành nhiều nguồn lực để đầu tư xây dựng đường nội bản, trồng cây ăn quả, cây cảnh tạo cảnh quan trong bản. Tuyên truyền vận động nhân dân thực hiện tốt phong trào xây dựng môi trường nông thôn xanh-sạch-đẹp; tạo các sản phẩm phục vụ nhu cầu mua sắm cho du khách…
"Chúng tôi chỉ đạo thực hiện công tác vệ sinh môi trường, hàng tháng cử cán bộ xã xuống cơ sở giúp, cùng phối hợp với bà con nhân dân để vệ sinh môi trường, xây dựng nhà tắm, nhà tiêu hợp vệ sinh; đường làng ngõ xóm xanh sạch đẹp; tuyên truyền, vận động bà con cho trâu bò ra ngoài gầm sàn. Phối hợp với Ban Quản lý bản duy trì hoạt động văn hóa, văn nghệ, TDTT, tổ chức các buổi học cho các cháu học sinh học các nghề thêu, dệt truyền thống của địa phương", ông Hoàng nói.
Chị Vì Thị Thiêm, bản Khá, xã Sặp Vạt, huyện Yên Châu, tỉnh Sơn La chia sẻ: Để góp phần xây dựng bản du lịch, tạo cảnh quan xanh - sạch - đẹp, gia đình vẫn giữ nguyên nếp nhà sàn thời xưa, không chặt phá các cây xoài cổ thụ. Bên cạnh đó tuyên truyền, vận động các cháu nhỏ tham gia lớp bồi dưỡng về thêu khăn piêu truyền thống và dệt vải truyền thống, đến nay có 30 cặp mẹ con tham gia. Trồng hoa dọc bờ rào ven các tuyến đường vào bản tạo cảnh quan đẹp.
Bản Khá xây dựng bản du lịch gắn với nét văn hóa dân tộc Thái
Phòng Văn hóa và Thông tin huyện Yên Châu thông tin: Để xây dựng bản du lịch cộng đồng, các cơ quan chức năng của huyện Yên Châu cũng đang xây dựng và hướng dẫn áp dụng bộ tiêu chí về môi trường văn hóa tại điểm du lịch cộng đồng bản Khá. Tổ chức các lớp tập huấn, đào tạo, nâng cao nhận thức về môi trường văn hóa, xây dựng những chuẩn mực về lối sống, hành vi trong giao tiếp, trong ứng xử cũng như trong các hoạt động kinh doanh du lịch khác.
Đưa một số hộ gia đình tiêu biểu đi tham quan các mô hình du lịch ở một số huyện bạn giúp bà con vận dụng vào địa phương. Huyện tổ chức các hoạt động xúc tiến, quảng bá, phát triển du lịch tại bản Khá. Phòng Văn hóa và Thông tin cùng UBND xã Sặp Vạt sát cánh cùng bản để xây dựng củng cố các yếu tố cơ bản như hương ước của bản, hướng dẫn bản triển khai các nội dung xây dựng bản văn hóa, hỗ trợ từng bước một để bà con có những cách làm hiệu quả. Công tác đầu tư, hỗ trợ kinh phí của huyện cũng như nguồn xã hội hóa của xã, của bản làm sao giúp bản Khá phát triển du lịch bền vững và hiệu quả nhất.
Bà Tráng Thị Xuân, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Sơn La yêu cầu: VIệc triển khai đề án cần gắn với quy hoạch phát triển du lịch, sử dụng đất của tỉnh; xác định rõ vai trò của các cấp trong thực hiện mô hình du lịch nông thôn; đa dạng các sản phẩm du lịch dựa trên thế mạnh về văn hóa dân tộc địa phương để thu hút khách du lịch.
Cùng với đó, Phó Chủ tịch UBND tỉnh cũng yêu cầu các sở, ngành của tỉnh tiếp tục nghiên cứu, phối hợp với Công ty Cổ phần tập đoàn Anh Sơn để bổ sung, hoàn thiện ý tưởng thực hiện. Đối với UBND huyện Yên Châu chủ động phối hợp với các sở, ngành của tỉnh kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện đề án.
Với những ưu thế về vị trí địa lý, điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng và các yếu tố phù hợp với du lịch cộng đồng, cùng sự giúp đỡ của các cấp, ngành, sự đoàn kết thống nhất của các hộ dân trong bản, bản Khá sẽ xây dựng thành công mô hình bản du lịch cộng đồng.
Có thể khẳng định, chủ trương xây dựng bản du lịch cộng đồng gắn với xây dựng nông thôn mới đã tạo bước đột phá làm chuyển biến nhận thức của người dân, huy động được nhiều nguồn lực để phát triển kinh tế-xã hội ở Yên Châu, đẩy nhanh tiến độ xây dựng NTM trên địa bàn.