Sản lượng mía đường của Sơn La tăng theo từng năm
Sau 3 năm thực hiện Nghị quyết số 06-NQ/TU ngày 21/1/2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Sơn La về phát triển công nghiệp chế biến nông sản tỉnh Sơn La giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030, tỉnh Sơn La đạt nhiều kết quả nổi bật. Giá trị sản xuất công nghiệp, chế biến nông sản giai đoạn 2021 - 2023 tăng trung bình 8,45%; thu hút đầu tư 11 dự án chế biến nông sản có quy mô lớn, trong đó: 7 dự án được cấp chủ trương đầu tư mới, 4 dự án đang đề xuất chấp thuận chủ trương đầu tư, năm 2023 giá trị hàng hóa nông sản tham gia xuất khẩu đạt trên 159 triệu USD, tăng 6,42% so với năm 2022.
Còn đối với mía đường, đến nay trên địa bàn tỉnh Sơn La có khoảng 9.852 ha. Địa phương này tiếp tục tăng cường thâm canh, ứng dụng giống mới để tăng năng suất, nâng cao thu nhập cho người nông dân trồng mía. Công ty cổ phần mía đường Sơn La triển khai đầu tư nâng công suất dây chuyền chế biến đường ổn định 5.000 tấn mía/ngày, đồng thời tận dụng nguồn bã mía trong quá trình sản xuất đường làm nguyên liệu cho nhà máy điện sinh khối với công suất 9MW.
Năm 2023 sản lượng đường đạt 66.956,4 tấn. Dự kiến đến năm 2025 đạt mục tiêu sản lượng đường là 78.500 tấn. Sản phẩm đường mía chủ yếu được sử dụng làm nguyên liệu cho các nhà máy chế biến, cơ sở sản xuất thực phẩm và phục vụ nhu cầu tiêu thụ trong nước. Sản phẩm đường mía tham gia xuất khẩu năm 2023 đạt 7.850 tấn, giá trị xuất khẩu đạt 3,8 triệu USD (chiếm 2,04% giá trị hàng hoá tham gia xuất khẩu của tỉnh năm 2023).
Mở rộng diện tích mía đường
Ông Trần Ngọc Hiếu, Phó Chủ tịch thường trực Hội đồng quản trị, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Mía đường Sơn La cho biết: Là doanh nghiệp công nông nghiệp tại địa bàn còn rất nhiều khó khăn. Tuy vậy các năm qua, sản xuất kinh doanh của Công ty cũng đã đạt được một số kết quả nhất định. Điều đó minh chứng rằng công tác xây dựng vùng nguyên liệu liên kết theo chuỗi giá trị mà Công ty đang thực hiện hoàn toàn đúng hướng và được chính quyền địa phương, nông dân trồng mía tin tưởng và ủng hộ.
Cũng theo ông Trần Ngọc Hiếu, để mở rộng diện tích liên kết trồng mía nguyên liệu phục vụ sản xuất của nhà máy, Công ty đã tích cực vận động và ký hợp đồng đầu tư và mua bán mía với các nông hộ. Ban hành rộng rãi chính sách đầu tư, phát triển vùng nguyên liệu của Công ty, trong đó có giá sàn thu mua mía, làm cho người dân yên tâm, ngay từ khi ký hợp đồng đã biết được giá bán tối thiểu sản phẩm của mình; hỗ trợ các hộ nông dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng; hỗ trợ chi phí cơ giới hóa trên đất dốc.
Thực hiện nghiêm túc các điều khoản trong Hợp đồng (đầu thu mua, thanh toán...), chuyển giao kỹ thuật trồng mía với các nông hộ. Trong các năm gần đây, mỗi năm Công ty tạo ra doanh thu bán mía và dịch vụ trên địa bàn khoảng 660 tỷ đồng, đầu tư vùng nguyên liệu bình quân 150 tỷ đồng; tạm ứng trước tiền bán mía 70 tỷ; hỗ trợ người trồng mía 30 -45 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, Công ty cổ phần Mía đường Sơn La tiến hành đầu tư theo chiều sâu, thâm canh tăng năng suất, trong đó chú trọng ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào đồng ruộng, hỗ trợ ứng dụng các biện pháp cơ giới khâu làm đất phù hợp. Đầu tư, khảo nghiệm để tìm ra những giống mía phù hợp để nâng cao hiệu quả sản xuất. Đầu tư bộ phân bón phù hợp, hiệu quả quan tâm đến việc cải tạo đất.