dd/mm/yyyy

Sơn La: Đẩy mạnh chuyển đổi số trong nông nghiệp

Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Sơn La hỗ trợ đưa sản phẩm OCOP của Sơn La lên các sàn thương mại điện tử. Qua đó góp phần quảng bá sản phẩm nông nghiệp của Sơn La, giúp nông dân đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm.

Đẩy mạnh chuyển đổi số trong quảng bá sản phẩm OCOP

Thực hiện Nghị quyết 08-NQ/TU ngày 21/1/2023 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Sơn La về phát triển nông, lâm nghiệp và thủy sản tập trung, bền vững, ứng dụng công nghệ cao đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, đến nay địa phương này đã đạt được những kết quả nhất định trong việc chuyển đổi số trong nông nghiệp. 

Ông Phạm Quốc Chinh, Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Sơn La cho biết: Để triển khai có hiệu quả việc chuyển đổi số trong lĩnh vực nông nghiệp, đặc biệt là phát triển các sản phẩm OCOP trên địa bàn, Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Sơn La đã triển khai đồng bộ các giải pháp. Đến nay, tỉnh Sơn La có trên 33.700 hộ sản xuất nông nghiệp tham gia tổ chức tập huấn, đào tạo kỹ năng số; hơn 35.300 hộ được khởi tạo tài khoản trên các sàn thương mại điện tử. Sơn La đã hỗ trợ đưa các sản phẩm lên các sàn thương mại điện tử với hàng nghìn đơn hàng được giao dịch trên sàn. Các sản phẩm OCOP của Sơn La được đưa lên các sàn thương mại điện tử. Đã cập nhật thông tin của hơn 100 sản phẩm của các đơn vị sản xuất, kinh doanh lên sàn giao dịch và truy xuất nguồn gốc, xuất xứ nông sản tỉnh Sơn La (sannongsansonla.vn).

Sơn La đẩy mạnh chuyển đổi số trong nông nghiệp - Ảnh 1.

Đẩy mạnh chuyển đổi số trong nông nghiệp, góp phần quảng bá sản phẩm nông nghiệp của Sơn La, giúp nông dân đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm. Ảnh: Văn Ngọc

Ngoài ra, nhiều doanh nghiệp, HTX và các hộ nông dân hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, sản xuất chế biến các sản phẩm từ nông nghiệp đã chủ động ứng dụng khoa học công nghệ, nhất là công nghệ số trong các quy trình sản xuất, trồng trọt, nuôi trồng thủy sản. Đó là sử dụng các thiết bị cảm biến để kiểm tra, đánh giá chất lượng đất, nước, không khí vùng trồng, kiểm soát dinh dưỡng.... để nâng cao chất lượng, giá trị sản phẩm. Sử dụng internet, mạng xã hội để quảng bá, bán hàng trực tuyến, tham gia các sàn thương mại điện tử, mở rộng thị trường để cung cấp ra thị trường trong và ngoài tỉnh hoặc xuất khẩu.

Hiện, tỉnh Sơn La có hàng nghìn tổ công nghệ số cộng đồng tại các thôn, bản; các tổ công nghệ số công đồng với nòng cốt là đoàn viên thanh niên có am hiểu, thông thạo việc sử dụng, ứng dụng công nghệ thông tin. Tổ công nghệ số cộng đồng có trách nhiệm hỗ trợ người dân trên địa bàn sử dụng, ứng dụng các nền tảng số (dịch vụ công trực tuyến; tham gia các sàn thương mại điện tử; truy xuất nguồn gốc, ví điện tử...).

Sơn La đẩy mạnh chuyển đổi số trong nông nghiệp - Ảnh 2.

Trang chủ sàn giao dịch và truy xuất nguồn gốc, xuất xứ nông sản tỉnh Sơn La (sannongsansonla.vn). Ảnh: Chụp màn hình. Ảnh: Văn Ngọc

Sơn La đồng bộ các giải pháp chuyển đổi số trong nông nghiệp

Ông Nguyễn Thành Công, Phó Chủ tỉnh Sơn La thông tin: Triển khai chuyển đổi số trong nông nghiệp, tỉnh Sơn La đã chỉ đạo Sở Nông nghiệp và PTNT tiếp tục phối hợp với Cục Kinh tế hợp tác, Công ty TNHH Sorimachi tổ chức các lớp tập huấn online qua ứng dụng Zoom cho các doanh nghiệp, hợp tác xã trên địa bàn tỉnh sử dụng các phầm mềm chuyển đổi số.

Sau 3 năm triển khai thực hiện Nghị quyết 08, đến nay, tỉnh Sơn La đã có 4 HTX tham gia sử dụng phần mềm nhật ký sản xuất Facefarm và Kế toán Waca; 02 HTX tham gia sử dụng phần mềm chuyển đổi số cho nông nghiệp điển hình (nhóm Coop.66); 05 HTX tham gia sử dụng phần mềm theo dõi và phản hồi thông tin chính sách HTX nông nghiệp. Đến nay mới có 01 HTX (HTX Hoàng Sơn - huyện Mộc Châu) đang sử dụng chính thức phần mềm nhật ký sản xuất FaceFarm; 04 HTX (HTX Ngọc Lan, HTX Quỳnh Nghĩa - huyện Mai Sơn; HTX Hoàng Sơn - huyện Mộc Châu; HTX Huổi Mo - huyện Sông Mã) đang được Công ty TNHH Sorimachi hướng dẫn, hỗ trợ sử dụng phần mềm nhật ký sản xuất Facefarm và Kế toán Waca.

Triển khai và duy trì 195 tài khoản nhật ký vùng trồng xuất khẩu trên hệ thống farmdiary.online. 07 tài khoản nhật ký vùng trồng lĩnh vực trồng trọt trên hệ thống cơ sở dữ liệu trồng trọt (csdltrongtrot.mard.gov.vn). Triển khai có hiệu quả phần mềm Giải pháp chuyển đổi số trong triển khai và quản lý chương trình Mỗi xã một sản phẩm OCOP tỉnh Sơn La (https://sohoaocop.vn).

Sơn La đẩy mạnh chuyển đổi số trong nông nghiệp - Ảnh 3.

Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Sơn La hỗ trợ đưa sản phẩm OCOP của Sơn La lên các sàn thương mại điện tử. Ảnh: Văn Ngọc

Sử dụng phần mềm cập nhật diễn biến rừng (FRMS), cấp 13 tài khoản sử dụng, đăng nhập vào phần mềm (01 tài khoản cấp tỉnh và 12 tài khoản cấp huyện) cập nhật và báo cáo diễn biến rừng và đất lâm nghiệp phục vụ công tác công bố hiện trạng rừng hàng năm trên địa bàn tỉnh. Cung cấp và quản lý đối với hơn 300 tài khoản đối với hệ thống theo dõi diễn biến rừng và đất lâm nghiệp trên máy tính bảng để thu thập số liệu phục vụ công tác theo dõi diễn biến rừng tại cơ sở.

Sử dụng phần mềm "citywork'', cấp 27 tài khoản sử dụng, đăng nhập vào phần mềm (07 tài khoản hoạt động ở tỉnh và 10 tài khoản hoạt động ở huyện) phục vụ công tác quản lý khách hàng trong cấp nước sinh hoạt tập trung nông thôn trên địa bàn tỉnh Sơn La. Kết quả: đã cung cấp và quản lý đối với hơn 18.000 hệ thống đấu nối hộ gia đình.

Sơn La đẩy mạnh chuyển đổi số trong nông nghiệp - Ảnh 4.

Trên địa bàn tỉnh hiện có nhiều doanh nghiệp, HTX, người dân đã chủ động ứng dụng chuyển đổi số trong sản xuất nông nghiệp. Ảnh: Văn Ngọc

Hỗ trợ truy xuất nguồn gốc (tem nhãn) theo Nghị quyết số 76/2018/NQ-HĐND ngày 04/4/2023 của HĐND tỉnh về chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất, chế biến, tiêu thụ nông sản, thực phẩm an toàn trên địa bàn tỉnh Sơn La giai đoạn 2018-2021; Nghị quyết số 128/2020/NQ-HĐND ngày 28/02/2020 của HĐND tỉnh về chính sách khuyến khích đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn tỉnh Sơn La đối với 72 doanh nghiệp, hợp tác xã trên địa bàn tỉnh. Năm 2024, phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ tham mưu trình ban hành Kế hoạch thực hiện "Đề án triển khai, áp dụng và quản lý hệ thống truy xuất nguồn gốc" trên địa bàn tỉnh Sơn La năm 2024 (Kế hoạch số 136/KH-UBND ngày 07/5/2024), trong đó dự kiến hỗ trợ 62 sản phẩm nông sản/ 69 sản phẩm, hàng hóa có nhu cầu hỗ trợ xây dựng Hệ thống truy xuất nguồn gốc.

Phối hợp với Cục Bảo vệ thực vật xây dựng cơ sở dữ liệu về mã số vùng trồng trên toàn tỉnh đối với 214 mã số vùng trồng. Trên cơ sở dữ liệu cung cấp đầy đủ thông tin về diện tích, sản sản lượng, thời gian thu hoạch thị trường xuất khẩu của từng mã số vùng trồng. Qua đó đảm bảo truy xuất nguồn gốc sản phẩm, cung cấp thông tin đầy đủ cho các cá nhân, doanh nghiệp trong xuất khẩu nông sản của tỉnh.

Văn Ngọc