dd/mm/yyyy

Bắc Yên: Phục dựng các lễ hội truyền thống để phát triển du lịch

Huyện vùng cao Bắc Yên (Sơn La) có 7 dân tộc sinh sống. Mỗi dân tộc đều có nét văn hóa đặc trưng đậm đà bản sắc. Những năm qua, các lễ hội truyền thống đã được phục dựng nhằm bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa để phát triển du lịch.

Lễ hội truyền thống mang đậm bản sắc dân tộc

Bắc Yên là huyện vùng cao của tỉnh Sơn La có 7 dân tộc anh em cùng chung sống, gồm: Mông, Thái, Mường, Dao, Khơ Mú, Kinh và Tày. Mỗi dân tộc có những phong tục, tập quán, nét văn hóa đặc sắc riêng biệt. Những năm qua, cùng với quan tâm phát triển kinh tế, huyện Bắc Yên chú trọng bảo vệ, giữ gìn và phát huy giá trị bản sắc văn hóa các dân tộc, phục dựng các lễ hội truyền thống góp phần nâng cao đời sống tinh thần của nhân dân, tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Với đời sống văn hóa tinh thần phong phú, mang đậm bản sắc văn hóa của cộng đồng.

Bắc Yên: Phục dựng các lễ hội truyền thống để phát triển du lịch  - Ảnh 1.

Rực rỡ màu sắc trang phục truyền thống các dân tộc trên địa bàn huyện Bắc Yên (Sơn La). Ảnh: Nguyễn Vinh

Với hơn 47% dân số toàn huyện, người Mông ở Bắc Yên giữ gìn và phát huy những giá trị văn hóa, phong tục, tập quán đặc sắc, bền vững gắn với tín ngưỡng cổ truyền, với ý thức đồng tộc mạnh mẽ, thể hiện rất độc đáo trong quan hệ gia đình, quan hệ dòng họ và quan hệ dân tộc tạo nên sức hút độc đáo cho du lịch địa phương. Các lễ hội truyền thống như Tết của người Mông, lễ cúng rừng, hay các trò chơi dân gian mang đậm dấu ấn cộng đồng đều có tiềm năng phát triển thành sản phẩm du lịch văn hóa. Bên cạnh đó, các nghề thủ công truyền thống như dệt vải lanh, chế tác nhạc cụ và ẩm thực đặc trưng của người Mông là những yếu tố có thể thu hút du khách muốn khám phá văn hóa truyền thống. Đối với dân tộc thái, dân số chiếm gần 30% trên toàn huyện Bắc Yên. Những nét văn hóa đặc trưng như múa xòe, nhảy sạp, trang phục thổ cẩm, và kiến trúc nhà sàn truyền thống là điểm nhấn thu hút du khách. Ngoài ra, các lễ hội như Lễ hội cầu mưa, Lễ hội cơm mới, cùng ẩm thực độc đáo như cơm lam, cá nướng gói lá dong, lá chuối, hay rượu cần đều mang giá trị trải nghiệm văn hóa sâu sắc. Ngoài ra, các dân tộc anh em khác trên địa bàn huyện Bắc Yên cũng có nền văn hóa đậm đà bản sắc riêng, điều này đã góp phần sự phong phú đa màu sắc về văn hóa truyền thống, ẩm thực... khi du khách đến với Bắc yên.

Bắc Yên: Phục dựng các lễ hội truyền thống để phát triển du lịch  - Ảnh 2.

Du khách đến dự và tham gia các trò chơi dân gian trong dịp Tết người Mông tại Bắc Yên (Sơn La). Ảnh: Nguyễn Vinh

Đến Bắc Yên được hòa mình trong các lễ hội là dịp để du khách hiểu hơn về đời sống văn hóa đặc sắc của bà con dân tộc nơi đây. Đầu năm đến bản Thái, dự Lễ hội xòe Thái xã Mường Khoa, huyện Bắc Yên mới cảm nhận được cái hay, cái đẹp của bà con người Thái đã gìn giữ bao đời qua. Lễ hội gồm 2 phần: Lễ tạ ơn và phần hội. Trong phần hội, có nhiều hoạt động mang đậm nét văn hóa dân tộc, như: Thi trại văn hóa, trưng bày sản phẩm nông sản; trình diễn không gian văn hóa trống chiêng; trình diễn khắp Thái, ném còn; thi thêu khăn piêu; tinh hoa ẩm thực xã Mường Khoa…. 

Mỗi lễ hội được tổ chức là dịp để bà con người dân tộc kể lại hành trình sinh sống suốt nhiều đời trên vùng đất Bắc Yên yên bình. Nếu như lễ hội của người Thái mang đậm nét đẹp truyền thống, người Dao ở xã Phiêng Côn cũng có lễ hội Cầu mùa rất đặc trưng. Phiêng Côn là xã vùng sâu của huyện Bắc Yên có 4 bản và chủ yếu có 2 dân tộc sinh sống là dân tộc Dao và dân tộc Mông, trong đó, dân tộc Dao chiếm hơn 55%. Lễ hội Cầu mùa là nét sinh hoạt văn hóa truyền thống và cũng là lễ hội dân gian tín ngưỡng văn hoá nông nghiệp của cộng đồng dân cư dân tộc Dao nơi đây. Lễ hội cầu mùa diễn ra gồm 2 phần là phần Lễ và phần Hội nhằm tôn vinh và quảng bá các giá trị văn hóa đặc sắc của dân tộc, mang tính cộng đồng, truyền thống đoàn kết và mang giá trị văn hóa của địa phương.

Bắc Yên: Phục dựng các lễ hội truyền thống để phát triển du lịch  - Ảnh 4.

Lễ cúng cầu mùa của người Dao xã Phiêng Côn, huyện Bắc Yên (Sơn La), vị trí được lựa chọn là một địa điểm là ở đầu bản. Ảnh: Nguyễn Vinh

Đến bất cứ một xã nào của vùng cao Bắc Yên, điều dễ cảm nhận nhất là tấm lòng hiếu khách của bà con. Trong mỗi nếp nhà, bà con vẫn giữ gìn được bản sắc riêng của dân tộc mình. Các sắc thái văn hóa độc đáo của mỗi tộc người thể hiện đậm nét trong kho tàng văn học dân gian, trong các lễ hội truyền thống, trang phục; trong cách thức tổ chức sản xuất; tổ chức dân cư... Nhiều vũ điệu truyền thống của các dân tộc được duy trì và phát triển như xoè, trống chiêng, múa sạp, múa được mùa, múa trồng bông dệt vải của dân tộc Mường, dân tộc Thái, múa chuông của dân tộc Dao, múa khèn của dân tộc Mông... Văn hoá dân tộc còn được thể hiện trên các sản phẩm của lao động sáng tạo như hàng đan lát, dệt thổ cẩm với những hoa văn hình động vật, thực vật được cách điệu đa dạng, đẹp mắt, thể hiện quan niệm cổ xưa về vũ trụ. Văn hóa truyền thống, những sinh hoạt văn hóa mới, tốt đẹp nảy nở và phát triển, trở thành động lực đoàn kết và phát triển kinh tế - xã hội.

Phát huy vai trò của lễ hội truyền thống để phát triển văn hóa, kinh tế

Từ đầu năm đến cuối năm tại huyện Bắc Yên liên tục có những lễ hội truyền thống của bà con dân tộc Mông, Thái, Mường, Dao… được tổ chức. Ở mỗi lễ hội có mang nét đặc sắc văn hóa riêng, nhưng tựu chung lại đều phản ánh tâm tư, tình cảm của bà con gửi gắm vào đó. Ông Phạm Thanh Bình, Trưởng Phòng VH&TT huyện Bắc Yên (Sơn La), cho biết: "nhằm gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, huyện Bắc Yên đã ban hành nghị quyết về bảo tồn và phát huy bản sắc văn hoá các dân tộc huyện Bắc Yên giai đoạn 2021 – 2025. Với mục tiêu Bảo tồn và phát triển bản sắc văn hóa các dân tộc huyện Bắc Yên nhằm nâng cao mức thụ hưởng về tinh thần, góp phần nâng cao dân trí, phát triển nguồn nhân lực của huyện, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững".

Gắn việc bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc trên địa bàn huyện với phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh - quốc phòng. Từng bước khôi phục các nghề truyền thống, các sản phẩm du lịch; xây dựng bản văn hóa du lịch để kết nối liên thông với các khu, điểm của huyện, của tỉnh, trong đó đặc biệt chú trọng phát triển loại hình du lịch cộng đồng vùng đồng bào các dân tộc.

Bắc Yên: Phục dựng các lễ hội truyền thống để phát triển du lịch  - Ảnh 5.

Ngoài việc phục dựng và phát huy các lễ hội truyền thống, xã Song Pe, huyện Bắc Yên (Sơn La) tổ chức lễ hội đua thuyền nhằm quảng bá và phát triển du lịch. Ảnh: M.Lâu

Cũng theo ông Bình, để lưu giữ, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, huyện Bắc Yên đã triển khai các giải pháp như: Phát huy vai trò các các cấp ủy đảng, chính quyền, đoàn thể trong công tác chỉ đạo, lãnh đạo và tổ chức thực hiện các mục tiêu của của Nghị quyết. Đặc biệt là việc ban hành các chủ trương, thực hiện các cơ chế, chính sách hỗ trợ làm cơ sở để tổ chức triển khai đạt hiệu quả cao.

Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức xã hội về ý nghĩa, tầm quan trọng của công tác bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc thiểu số. Ưu tiên đầu tư kinh phí từ ngân sách, lồng ghép nguồn vốn từ các chương trình, dự án liên quan và huy động nguồn lực xã hội nhằm từng bước xây dựng, hoàn thiện hệ thống thiết chế văn hóa từ huyện đến cơ sở đạt chuẩn theo quy định; vận động hỗ trợ cơ sở vật chất cho các hoạt động văn hóa, nghệ thuật và phục vụ phát triển du lịch.

Bắc Yên: Phục dựng các lễ hội truyền thống để phát triển du lịch  - Ảnh 6.

Bảo tồn, truyền dạy múa xòe Thái trong cộng đồng nhằm khôi phục các lễ hội truyền thống trên địa bàn huyện Bắc Yên (Sơn La). Ảnh: M.Lâu

Tạo môi trường thuận lợi để bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa. Gắn thực hiện các mục tiêu của Nghị quyết về bảo tồn và phát huy bản sắc văn hoá các dân tộc huyện Bắc Yên giai đoạn 2021 – 2025 với mục tiêu tổng thể phát triển kinh tế - xã hội của huyện. Đẩy mạnh thực hiện các phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa", "Xây dựng nông thôn mới", "Xóa đói giảm nghèo". Phát huy vai trò của cộng đồng, đặc biệt là các chủ thể sáng tạo văn hóa.

Nguyễn Vinh