dd/mm/yyyy

Bắc Yên nâng cao chất lượng giáo dục học sinh dân tộc thiểu số

Những năm qua, ngành GDĐT huyện Bắc Yên (Sơn La) đã và đang triển khai nhiều giải pháp nâng cao chất lượng giáo dục cho học sinh dân tộc thiểu số trên địa bàn…


Clip: Trường PTDT bán trú Tiểu học và THCS Xím Vàng tổ chức nấu ăn bán trú cho học sinh người dân tộc thiểu số.

Học sinh dân tộc thiểu số ở Bắc Yên chiếm trên 95%

Đến nay, toàn huyện Bắc Yên có 19.790/20.747 học sinh là đồng bào người dân tộc thiểu số, chiếm 95,38%.

Để đảm bảo cơ sở vật chất và nâng cao chất lượng giáo dục vùng dân tộc thiểu số, những năm qua, huyện Bắc Yên đã quan tâm đầu tư cơ sở vật chất cho các đơn vị trường học, với nhiều phòng học khang trang để đáp ứng nhu cầu học tập cho các em học sinh.

Bắc Yên nâng cao chất lượng giáo dục học sinh dân tộc thiểu số - Ảnh 2.

Trường PTDT bán trú Tiểu học và THCS Xím Vàng tổ chức nấu ăn bán trú cho học sinh đồng bào người Mông ở xã vùng cao Xím Vàng. Ảnh: Tuệ Linh.

Trao đổi với phóng viên Báo Nông Thôn Ngày Nay/Dân Việt/Trang Trại Việt (PV), ông Nguyễn Văn Hà, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) huyện Bắc Yên cho biết: Trên địa bàn huyện Bắc Yên 100% trường học có học sinh bán trú theo học. Vì vậy việc đầu tư cho các trường vùng dân tộc thiểu số là nhiệm vụ thường xuyên và liên tục hằng năm. Mỗi năm nguồn lực đầu tư cho cơ sở vật chất cho các nhà trường khoảng trên 20 tỷ đồng để sửa chữa, mua sắm thiết bị, đồ dùng.

Bên cạnh đó, huyện luôn tạo điều kiện để cán bộ quản lý, giáo viên được nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, chăm sóc, giáo dục học sinh, nhất là ở các xã vùng sâu, vùng xa.

Bắc Yên triển khai nhiều giải pháp nâng cao chất lượng giáo dục học sinh dân tộc thiểu số

Những năm qua, để nâng cao chất lượng giáo dục cho học sinh vùng dân tộc thiểu số, huyện Bắc Yên đã thực hiện tốt công tác duy trì sĩ số; chính quyền và các trường học trên địa bàn huyện đã tập trung chỉ đạo, huy động tối đa trẻ em, học sinh đi học; đồng thời có nhiều biện pháp nâng cao chất lượng giáo dục trẻ em, học sinh dân tộc thiểu số ở các cấp học phù hợp điều kiện địa phương.

Bắc Yên nâng cao chất lượng giáo dục học sinh dân tộc thiểu số - Ảnh 3.

Bắc Yên chất lượng giáo dục trẻ em, học sinh dân tộc thiểu số ở các cấp học, bậc học từ mầm non đến phổ thông. Ảnh: Tuệ Linh.

Tiến hành tổ chức khảo sát, đánh giá thực trạng về chất lượng, các điều kiện bảo đảm chất lượng giáo dục trẻ em, học sinh dân tộc thiểu số ở các cấp học, bậc học từ mầm non đến phổ thông. Trên cơ sở đó, tăng cường các giải pháp đồng bộ, thiết thực, phù hợp thực tế để nâng cao chất lượng giáo dục trẻ em, học sinh dân tộc thiểu số, góp phần bảo đảm công bằng trong giáo dục và rút ngắn khoảng cách về chất lượng giáo dục giữa các xã, thị trấn.  

Song song với công tác duy trì sĩ số, huyện Bắc Yên cũng đã triển khai hiệu quả việc chuẩn bị và tăng cường tiếng Việt cho trẻ mầm non và học sinh dân tộc thiểu số cấp tiểu học theo hướng dẫn tại Công văn số 8114/BGDĐT ngày 15/9/2009 của Bộ GDĐT về việc nâng cao chất lượng dạy học tiếng Việt cho học sinh dân tộc thiểu số.

Xây dựng tốt môi trường giao tiếp tiếng Việt cho học sinh dân tộc thiểu số thông qua các hoạt động dạy học của các môn học và hoạt động giáo dục ngoài giờ học chính khóa.

Tổ chức có hiệu quả chương trình giao lưu "Tiếng Việt của chúng em" cho học sinh dân tộc thiểu số cấp tiểu học. Tiếp tục phát triển số lượng và nâng cao chất lượng dạy học tiếng dân tộc thiểu số. Tăng cường bồi dưỡng tiếng dân tộc thiểu số cho đội ngũ cán bộ quản lí giáo dục để bảo đảm hiệu quả dạy học tiếng dân tộc thiểu số.

Bên cạnh các giải pháp trên, địa phương cũng đã tăng cường phát triển quy mô, mạng lưới và nâng cao chất lượng giáo dục trong các trường phổ thông dân tộc bán trú, nội trú. Mặt khác, huyện Bắc Yên đã và đang tiếp tục quy hoạch, thành lập trường phổ thông dân tộc bán trú theo quy định tại Thông tư số 24/2010/TT-BGDĐT ngày 02/8/2010 của Bộ trưởng Bộ GDĐT. Công tác tuyển sinh vào các trường nhất là trường phổ thông dân tộc bán trú, nội trú thực hiện theo đúng quy trình, chính xác, khách quan, công bằng và kịp thời.

Các trường học trên địa bàn đã thực hiện chương trình và kế hoạch giáo dục đảm bảo theo hướng dẫn của cơ quan quản lý chuyên môn, các trường phổ thông dân tộc bán trú có điều kiện sẽ tổ chức thực hiện theo hướng dẫn của Bộ GDĐT tại Công văn số 7291/BGDĐT-GDTrH ngày 01/11/2010 về việc hướng dẫn dạy học 2 buổi/ngày đối với các trường trung học.

Trong quá trình tổ chức hoạt động của mình các nhà trường luôn tiến hành đổi mới kiểm tra, đánh giá học sinh phù hợp đối tượng học sinh dân tộc thiểu số để thúc đẩy đổi mới phương pháp dạy và học.  

Các nhà trường luôn chú trọng tổ chức tốt hoạt động ngoài giờ lên lớp; tăng cường hoạt động lao động sản xuất cải thiện cuộc sống (lao động vệ sinh trường lớp, khu nội trú, nhà ăn, khu vệ sinh, trồng cây và chăm sóc cây xanh, cây cảnh, trồng rau xanh, chăn nuôi gia súc, gia cầm…).

Tổ chức sinh hoạt hướng nghiệp, tư vấn nghề, tham quan, ngoại khóa…trong trường phổ thông dân tộc bán trú, trường có tổ chức nấu ăn bán trú gắn với yêu cầu nâng cao chất lượng giáo dục tư tưởng, đạo đức, lối sống cho học sinh.

Giáo dục học sinh tinh thần tương thân tương ái, giúp đỡ nhau trong học tập và sinh hoạt; xây dựng nếp sống văn minh, giữ gìn vệ sinh và bảo vệ môi trường; tăng cường giáo dục kỹ năng sống và kỹ năng hoạt động xã hội cho học sinh với các nội dung thiết thực, phù hợp tâm lí, sinh lí lứa tuổi và đặc điểm văn hóa dân tộc thiểu số. 

Tổ chức bếp ăn tập thể bảo đảm dinh dưỡng an toàn vệ sinh thực phẩm theo đúng quy định; phối hợp với các cơ sở y tế của địa phương chăm sóc sức khỏe cho học sinh, chủ động, tích cực phòng chống dịch bệnh là việc làm thường xuyên, liên tục tại các nhà trường.

Ngoài giáo dục về kiến thức cho học sinh, công tác giáo dục miền núi vùng dân tộc luôn phải tăng cường giáo dục nâng cao nhận thức của học sinh về chủ trương, đường lối, chính sách dân tộc của Đảng và Nhà nước; nâng cao chất lượng công tác tuyên truyền và phổ biến giáo dục pháp luật cho học sinh.

Các nhà trường thường xuyên tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao, các hoạt động xã hội khác nhằm nâng cao đời sống tinh thần và giáo dục toàn diện cho học sinh. Duy trì và thực hiện có hiệu quả mô hình kết nghĩa giữa các trường với các Ban Chỉ huy quân sự huyện để giáo dục nếp sống cho học sinh.

Tuệ Linh