dd/mm/yyyy

Triệu phú trẻ đầu tiên ở "thủ phủ cây thuốc phiện" năm xưa

Xã Pà Cò (Mai Châu, Hòa Bình) từng là điểm nóng về tệ nạn trồng cây thuốc phiện và tội phạm ma túy. Nhưng gần đây, Pà Cò đã đoạn tuyệt với cây thuốc phiện và đã có những triệu phú nhờ nỗ lực vươn lên trong cuộc sống.


Triệu phú trẻ đầu tiên ở thủ phủ cây thuốc phiện  - Ảnh 1.

Anh Sùng A Việt ở bản Chà Đáy, xã Pà Cò đã mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vươn lên trở thành triệu phú trẻ.

Bứt phá trên vùng đất từng ám ảnh bởi cây thuốc phiện

Pà Cò vào đông, sương mù đã giăng khắp lối. Trong tiết trời se se lạnh, nơi đây vẫn dập dìu xe ô tô con đi lại. Hầu hết là xe ô tô của khách du lịch đến với bà con người Mông ở bản Chà Đáy. Trong số những homestay đẹp như tranh vẽ, có khu nghỉ dưỡng của anh Sùng A Việt (SN 1989) được hoàn thành cách đây 1 năm. Anh Việt đã nỗ lực vươn lên thoát nghèo và giờ còn là triệu phú trẻ của bản. A Việt là công dân gương mẫu trong việc cùng gia đình xóa bỏ cây thuốc phiện và xây dựng đời sống văn hóa mới.

Nhà A Việt ở khu Tà Sông A thuộc bản Chà Đáy nằm sâu trong núi. Ngôi nhà gỗ được xây dựng khang trang với đầy đủ tiện nghi. Khu bếp và khu vệ sinh được làm tách ra khỏi nhà. Ngôi nhà luôn được quét dọn, lau chùi sạch sẽ. Đây là một nét mới trong sinh hoạt của người Mông. A Việt hôm nay nghỉ lên lớp (anh đang là giáo viên dạy cấp I, trường Tiểu học Pà Cò), anh ở nhà lo việc gia đình. Chàng trai người Mông, năm nay mới bước sang tuổi 30, nom khỏe khoắn và nhanh nhẹn. Việt là người dám nghĩ, dám làm và làm cho kì được.

Theo cái lệ của người Mông trước đây, chớm đông là nương rẫy đã hòm hòm, họ không trồng thêm cây gì nữa mà đợi hơn tháng nữa là ăn Tết Mông. Nhưng ở gia đình Việt, giờ không có sự ngơi nghỉ đó. Vợ chồng anh "chân trong, chân ngoài", làm quần quật cả ngày không hết việc. Ngày thường, Việt dạy cấp 1, vợ anh làm cấp dưỡng tại trường học. Hết giờ làm ở trường, 2 vợ chồng về nhà lao vào nuôi lợn, trồng su su rồi làm đất chuẩn bị cho vụ thu hoạch của năm sau. Hôm chúng tôi đến thăm nhà đúng dịp có đôi vợ chồng người Pháp đến nhà Việt chơi. Các hướng dẫn viên hay dẫn khách đến nhà Việt vì Việt rất cởi mở và biết cách đón khách. Họ rất vui khi nghe về đôi vợ chồng trẻ người Mông đã vượt qua định kiến, vượt qua hủ tục để vươn lên làm giàu.

Triệu phú trẻ đầu tiên ở thủ phủ cây thuốc phiện  - Ảnh 2.

A Việt đã mạnh dạn đưa cây rau màu vào trồng thay thế cây ngô trên nương.

Tan tuần trà với khách, Việt vội lấy xe máy chở tôi ra trang trại cách nhà khoảng 1km Nơi đó Việt trồng su su và đậu tương, rồi dưa chuột. Phía trên Việt bắc giàn cho cây leo. Phía dưới thả đàn lợn bản địa. Lên xe anh còn đèo theo túi ngô mang cho đám lợn ăn. Vừa đến trang trại, Việt đi phăng phăng, vượt qua lối mòn quanh co đầy sỏi đá dẫn ra khu nuôi lợn. Việt gọi đám lợn bằng tiếng địa phương. Tiếng anh vang xa ra tận chân đồi. Chỉ thoáng sau, trên những lối mòn, các bụi cỏ rung bần bật, tiếng lợn ụt ịt nối nhau kéo về chỗ ông chủ. Như đã quen với tiếng gọi của Việt, đám lợn mấy chục con nhất tề vây quanh Việt. A Việt vãi ngô ra đất, đám lợn được đà xô nhau vào tìm thức ăn. Nhìn đám lợn nhặt ngô ăn ngon lành, A Việt ra chiều ưng ý lắm: "Nuôi đám này cả năm mới bán. Lợn thả rông cho chất lượng thịt ngon, lại dễ bán, được giá. Năm nào tôi cũng thu được tiền triệu từ đám lợn này".

Triệu phú trẻ đầu tiên ở thủ phủ cây thuốc phiện  - Ảnh 3.

A Việt là người đầu tiên của xã Pà Cò đưa cây dưa chuột vào trồng trên diện rộng. Vụ thu hoạch dưa chuột năm nay, anh thu được hơn 20 tấn, trị giá trên 200 triệu đồng.

Xung quanh khu chăn nuôi của Việt, anh còn trồng nhiều loại rau như su su, đậu đỗ và dưa chuột. Tuy là giáo viên, nhưng Việt lại đặc biệt đam mê với nông nghiệp. Anh vừa cộng sổ, vụ dưa chuột vừa rồi, vợ chồng anh thu trên 200 triệu – đây là khoản thu nhập vô cùng lớn so với bà con người Mông nơi đây. Việt kể, bản có vùng đất bỏ hoang, chưa làm gì. Anh đã xin bản cho thầu lại. Anh lên Mộc Châu mua giống dưa chuột về trồng. Bà con người Mông chỉ trồng dưa Mèo, chưa một ai trồng dưa chuột. Riêng Việt lại có suy nghĩ khác, anh tin rằng, dưa mèo phát triển tốt thì cây dưa chuột còn cho năng suất cao hơn. Nghĩ là Việt bắt tay vào làm. Từng hàng dưa chuột thẳng tắp đã được trồng lần đầu tiên trên nương của người Mông. Việt còn kì công bắc giàn, giăng dây cho dưa chuột leo lên.

Bẵng đi hơn tháng, dưa chuột đã ra hoa và đậu quả, Việt mới vững tâm là lựa chọn của mình là đúng. Đám dưa chuột lớn nhanh như thổi. Chưa đầy 2 tháng, Việt đã có thu. Hết lứa này đến lứa khác, Việt hái mỏi cả tay mà chưa thu xong vụ dưa. Ngày đầu tiên thu hoạch, Việt còn phải mang dưa ra chợ bán lẻ. Thương lái nếm thử, thấy dưa ngon, họ đã đánh cả xe lên vườn nhà Việt thu mua dưa. Tổng kết vụ dưa đầu tiên, kéo dài 3 tháng mà Việt thu được 20 tấn dưa. Sản lượng nông sản lớn nhất ở Pà Cò của một gia đình thu được. Trừ đi chi phí, vợ chồng anh thu được 200 triệu đồng.

Triệu phú trẻ đầu tiên ở thủ phủ cây thuốc phiện  - Ảnh 4.

Mỗi tấn dưa chuột, trị giá bằng 2 tấn ngô. Trong khi đó chi phí cho cây dưa chuột tốn chỉ bằng một nửa so với trồng ngô. Hơn nữa, cây dưa chuột trồng sau 2 tháng đã cho thu hoạch.

Nói về cách làm ăn kinh tế ở bản Chà Đáy này, chẳng ai vượt qua nổi Việt. Chàng trai người Mông này luôn dũng cảm, đi đầu trong việc làm ăn kinh tế. Cách đây 5 năm, bà con người Mông thấy Việt vay vốn, mua về cả chục cặp dê để nuôi. Ai cũng bỡ ngỡ trước cách làm của Việt. Ở nơi đất lạnh này, nuôi dê vô cùng khó khăn. Vậy mà Việt vẫn quyết đưa về. Anh làm chuồng rồi kiếm bãi chăn thả dê. 2 năm đầu tiên, dê sinh trưởng tốt, nhưng dê con đạt trọng lượng 4-5kg thì lăn đùng ra chết. Đàn dê mấy chục con, hao hụt còn lại khoảng chục con dê mẹ. "Nhìn đàn dê cứ chết dần tôi lo lắm! Bao công của đổ ra suốt 2 năm mà không thu được gì", A Việt nhớ lại.

Triệu phú trẻ đầu tiên ở thủ phủ cây thuốc phiện  - Ảnh 5.

A Việt là người dám nghĩ, dám làm. Từ việc nuôi dê, rồi đưa cây su su, đậu tương và giò là cây dưa chuột vào sản xuất.

Mỗi chiều ra đồi, đón đàn dê về chuồng mà lòng Việt bồn chồn lo lắng. Cả trăm triệu đồng đã đổ ra, nay chưa thu được đồng nào. Việt vẫn quyết tâm chăm sóc tốt cho đám dê mẹ còn lại. Đến năm thứ 3, đàn dê cái còn lại đẻ sòn sòn, năm 2 lứa, mỗi lứa 2 con. Lạ ở chỗ, chúng đẻ ra con nào, Việt nuôi được con đó. Từ đây, chúng sinh trưởng và phát triển tốt. Có lúc đàn dê lên đến cả trăm con. Việt xuất bán một con, thu được 3-4 triệu, trị giá bằng cả tấn ngô. Khoản thu từ đàn dê, cây hoa màu… mang lại cho vợ trồng Việt cả mấy trăm triệu đồng.

Không trồng cây thuốc phiện, chọn cách khác để làm giàu

Nói về hành trình vươn lên của chàng trai người Mông này trong cuộc sống cũng đầy gian nan. Gia đình Việt sinh sống ở đất Pà Cò (Mai Châu, Hoà Bình) này từ nhiều đời nay. Họ cũng từng du canh, du cư qua nhiều vùng núi mới định cư ở bản Chà Đáy. Ngày đó, hầu hết các gia đình người Mông đều sống nghèo khổ. Cái ăn, cái mặc thiếu thốn trăm bề. Cái nương cái rẫy còn phủ kín cây thuốc phiện.Trong  kí ức của Việt là những mùa hoa anh túc nở rực nối nhau dài tít tắp từ dãy núi này tới dãy núi khác. Bản Chà Đáy, khi đó cũng có rất nhiều con nghiện. Mùa đông về, mây phủ kín trời, kín đất. Trai tráng người Mông chẳng đi làm mà chân co, chân duỗi bên bàn đèn.

Triệu phú trẻ đầu tiên ở thủ phủ cây thuốc phiện  - Ảnh 6.

Cách làm của Việt được bà con người Mông gọi là vác đá ngược núi. A Việt đã vượt qua đói nghèo, biết vươn lên làm giàu từ chính đồng đất quê mình.

Nhớ lại những ngày đau thương đó, Việt cảm thấy mình thật may mắn vì không mắc nghiện. Việt lớn lên đúng thời kì Nhà nước vận động bà con xóa bỏ cây thuốc phiện. Nói là xóa bỏ, nhưng việc này cứ kéo dài suốt cả chục năm trời, bà con người Mông mới đoạn tuyệt được với cây anh túc. Việt có may mắn là được bố mẹ cho đi học. Anh còn trở thành lớp thầy giáo người Mông đầu tiên ở Pà Cò. Học được cái chữ, giờ Việt còn dạy chính con em trong bản, nên Việt luôn có ý thức vươn lên trong cuộc sống.

Triệu phú trẻ đầu tiên ở thủ phủ cây thuốc phiện  - Ảnh 7.

Khu nghỉ dưỡng đẹp như tranh vẽ của Việt vừa hoàn thành. Xung quanh nhà, Việt trồng chè, trồng rau màu. Phát triển sản xuất kết hợp với du lịch là cách làm hay của A Việt.

Ngoài thời gian lên lớp, vợ chồng anh tăng gia sản xuất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng. Từ việc đưa giống mới vào trồng như cây mận, cây rau màu như su su, đậu tương và cây dưa chuột… Việt đều là người làm đầu tiên và làm mẫu cho bà con làm theo. Thay vì độc canh cây ngô, giờ nhiều hộ dân ở bản Chà Đáy cũng làm theo Việt. Làm nông nghiệp, vợ chồng Việt cũng tích góp được một khoản tiền không nhỏ. Dường như chàng trai người Mông này, không muốn cho cái đầu ngưng nghỉ. Khát vọng vươn lên, vượt qua đói nghèo đã thúc đẩy Việt tìm ra cách thoát nghèo, làm giàu cho bà con bản Mông.

Con đường bê tông từ quốc lộ 6 dẫn lên bản Chà Đáy đã hoàn thành. Khách du lịch kéo đến Pà Cò ngày một đông. Vợ chồng Việt lại quyết tâm đầu tư xây dựng khu nghỉ dưỡng để đón khách du lịch. Mấy ngôi nhà xinh xắn của vợ chồng Việt nằm bên đồi chè xanh mướt vừa được hoàn thành cách đây chưa lâu. Việt đã mở cửa đón khách. Trong suy nghĩ của A Việt luôn có sự tiến bộ và đi đầu trong việc làm ăn kinh tế. Mỗi khi thấy con trai mạnh dạn làm ăn, bố của Việt mới tin là việc bà con người Mông đồng lòng xóa bỏ cây thuốc phiện cách đây 30 năm là đúng đắn. Giờ con trai của ông đã trở thành triệu phú của bản.

Triệu phú trẻ đầu tiên ở thủ phủ cây thuốc phiện  - Ảnh 8.

Bóng dáng của những mùa anh túc ở đất Pà Cò giờ chỉ còn trong trí nhớ của người Mông. A Việt là chàng trai trẻ đã dám nghĩ, dám làm, tìm ra hướng đi mới cho bà con người Mông nơi đây.

Câu chuyện làm ăn kinh tế của triệu phú đầu tiên của bản Chà Đáy thật đáng khâm phục. Khát vọng vươn lên của Việt đáng để bà con làm theo. Ông Phàng A Sồng, Chủ tịch Hội Nông dân xã Pà Cò đã rất tự hào khi nói về gương làm ăn kinh tế của A Việt: "Việt đã thắp lên ngọn lửa cho phong trào chuyển đổi cơ cấu cây trồng ở Pà Cò. Mô hình Homestay mà Việt mở ra là cơ hội làm giàu cho nhiều gia đình người Mông nơi đây. Bởi lẽ Pà Cò nằm trên độ cao 1200 so với mặt nước biển lại là vùng thuần Mông, nên có sự hấp dẫn khách du lịch rất lớn. Con đường làm du lịch đã mở ra với bà con người Mông. Đây là "cú đấm thép" để cây thuốc phiện không còn cơ hội quay trở lại đất này".


Xuân Tuấn