dd/mm/yyyy

Trái quýt ngọt trên mảnh đất Phù Hoa

Sau những trăn trở về chuyển đổi cơ cấu cây trồng của nông dân Phù Yên (Sơn La), cây quýt ngọt đã có chỗ đứng trên đất dốc.

Trái quýt ngọt trên mảnh đất Phù Hoa

Quýt ngọt Mường Cơi (Phù Yên, Sơn La), sản phẩm nông nghiệp tiêu biểu của tỉnh năm 2022

Với chất lượng thơm ngon nhờ trồng trên vùng đất mang tính đặc trưng nên sản phẩm quýt ngọt của xã Mường Cơi, huyện Phù Yên (Sơn La) luôn được người tiêu dùng ưa chuộng và ngày càng khẳng định được thương hiệu trên thị trường. Sản phẩm được công nhận đạt tiêu chuẩn OCOP 3 sao năm 2020 và là 1 trong 19 sản phẩm nông nghiệp tiêu biểu được tỉnh Sơn La vinh danh năm 2022. Hiện nay, xã Mường Cơi đang tiếp tục mở rộng diện tích; đồng thời, giữ gìn và nâng tầm giá trị quả quýt ngọt.

Trái quýt ngọt trên mảnh đất Phù Hoa - Ảnh 2.

Sản phẩm quýt ngọt Nghĩa Hưng, xã Mường Cơi (Phù Yên, Sơn La) được công nhận đạt tiêu chuẩn OCOP 3 sao năm 2020 và phẩm nông nghiệp tiêu biểu được tỉnh Sơn La vinh danh năm 2022. Ảnh: Nguyễn Vinh

Nhắc đến xã Mường Cơi, huyện Phù Yên (Sơn La) thì nhiều người biết đến bởi nơi đây là 1 trong 2 xã có diện tích cây ăn quả có múi nhiều nhất của huyện Phù Yên. Toàn xã hiện có 223 ha cây ăn quả có múi gồm: bưởi da xanh, bưởi Diễn, cam Vinh, cam đường canh và quýt ngọt. Đặc biệt, sản phẩm trái quýt ngọt đã chiếm được lòng tin của người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh nhờ chất lượng thơm ngon mà khó nơi nào có được.

Cây quýt ngọt đã bén rễ trên địa bàn xã Mường Cơi, huyện Phù Yên (Sơn La) cách khoảng 15 năm. Từ hơn 02 ha ban đầu, nay diện tích trồng quýt ngọt ở xã Mường Cơi đã tăng hơn 48 ha. Tuy điều kiện tự nhiên, khí hậu và thổ nhưỡng nơi đây khắc nhiệt, nhưng giống quýt ngọt được nông dân nơi đây đưa vào trồng lại rất "hợp đất", "hợp nước", nên phát triển tốt. Sản phẩm quả có vị ngọt, thơm, chua dịu, múi và tép màu vàng, mọng nước. Từ khi nông dân nơi đây áp dụng sản xuất theo quy trình khoa học kỹ thuật mới, tiêu chuẩn VietGap, sản phẩm có chất lượng cao hơn và đem lại hiệu quả kinh tế cao cho nông dân.

Trái quýt ngọt trên mảnh đất Phù Hoa - Ảnh 3.

HTX cây ăn quả có múi Nghĩa Hưng (Phù Yên, Sơn La) có 10 ha cây quýt ngọt. Ảnh: Văn Ngọc

Trái quýt ngọt mang lại hiệu quả kinh tế cao cho nông dân

Trao đổi với phóng viên Báo NTNN/Dân Việt/Trang Trại Việt điện tử, anh Nguyễn Văn Sử, Giám đốc HTX cây ăn quả có múi Nghĩa Hưng (Phù Yên, Sơn La) cho biết: Nhận thức được giá trị của cây ăn quả có múi nói chung, quả quýt ngọt nói riêng, năm 2018, bản Nghĩa Hưng đã thành lập HTX cây ăn quả có múi với 11 thành viên. HTX được thành lập đã giúp các thành viên trong HTX có cơ hội được trao đổi kinh nghiệm trồng cây ăn quả có múi, liên kết tiêu thụ sản phẩm, được hỗ trợ xây dựng nhãn hiệu, bao bì, quảng bá rộng rãi sản phẩm ra thị trường.

Anh Sử cho biết thêm: HTX luôn tuyên truyền, vận động các thành viên trong HTX ứng dụng tiến bộ khoa học tiên tiến vào sản xuất các loại cây ăn quả có múi nói chung, cây quýt ngọt nói riêng, chú trọng sản xuất theo tiêu chuẩn VietGap, dùng phân bón, thuốc BVTV bằng các sản phẩm sinh học đúng cách và đủ liều lượng theo quy định. Ngoài ra, tận dụng bột ngô, bột đỗ tương qua xử lý để bón cho cây, hạn chế tối đa dùng phân hóa học.

Trái quýt ngọt trên mảnh đất Phù Hoa - Ảnh 4.

Sản xuất theo tiêu chuẩn VietGap nên sản phẩm quýt ngọt của HTX cây ăn quả có múi Nghĩa Hưng (Phù Yên, Sơn La) luôn đạt chất lượng cao. Ảnh: Nguyễn Vinh

Hiện nay, HTX cây ăn quả có múi Nghĩa Hưng (Phù Yên, Sơn La) có 27 ha cây ăn quả có múi, trong đó có 10 ha cây quýt ngọt đã cho thu hoạch, sản lượng mỗi năm đạt từ 150-200 tấn. Năm nào cũng vậy, thương lái từ các nơi đánh xe vào tận vườn để mua quýt ngọt của HTX đưa về chợ đầu mối Hà Nội và các tỉnh miền xuôi tiêu thụ. Người nông dân địa phương cũng tự tìm đầu ra cho sản phẩm quýt ngọt của mình và quảng bá sản phẩm của mình thông qua các trang mạng xã hội. Do đó, quýt ngọt của HTX cây ăn quả có múi Nghĩa Hưng luôn trong tình trạng "cung không đủ cầu".

Chính sự thơm ngon, được thị trường ưa chuộng, đặc biệt, từ khi quýt ngọt HTX cây ăn quả có múi Nghĩa Hưng (Phù Yên, Sơn La) được công nhận đạt tiêu chuẩn OCOP 3 sao thì thị trường tiêu thụ mạnh hơn trước rất nhiều. Giá bán của trái quýt ngọt trong nhiều năm qua luôn ở mức cao hơn so với những mặt hàng cây ăn quả có múi khác. Cụ thể, giá bán được thương lái cân tại vườn năm 2022 dao động từ 30.000 – 35.000 đồng/kg.

Trái quýt ngọt trên mảnh đất Phù Hoa - Ảnh 5.

Quýt ngọt năm nay đạt chất lượng, sản lượng và giá bán cao nên nông dân rất phấn khởi. Ảnh: Văn Ngọc

Anh Nguyễn Văn Phú, là thành viên HTX cây ăn quả có múi Nghĩa Hưng (Phù Yên, Sơn La) được 2 năm, năm nay, nhà anh mới thu hoạch lứa quýt đầu tiên, sản lượng ước đạt khoảng 10 tấn, với gia bán 30.000 – 35.000 đồng/kg, gia đình anh thu hơn 300 triệu đồng.

"Gia đình tôi ý thức phải luôn tuân thủ quy trình sản xuất sản phẩm sạch, an toàn theo hướng hữu cơ. Sử dụng hạn chế thuốc BVTV và tôi chủ yếu dùng các phụ phẩm nông nghiệp qua xử lý để bón cho cây. Làm như vậy, tôi thấy cây khỏe và sinh trưởng phát triển tốt, sản phẩm có mẫu mã đẹp hơn, chất lượng quả tốt hơn", anh Phú nói.

Với anh Trần Thanh Bình, cũng là thành viên HTX cây ăn quả có múi Nghĩa Hưng (Phù Yên, Sơn La), một trong những hộ đầu tiên tham gia trồng cây quýt ngọt, anh Bình chia sẻ: Lúc đầu trồng quýt ngọt còn gặp nhiều khó khăn do thiếu kinh nghiệm, trái quýt ngọt chưa được nhiều người biết đến nên đầu ra bấp bênh. Sau khi HTX thành lập, anh tham gia ngay từ những ngày đầu, được huyện hỗ trợ về kỹ thuật, quảng bá sản phẩm, đảm bảo đầu ra. Các thành viên trong HTX giúp đỡ lẫn nhau trong trồng, tư vấn chăm sóc cây để cùng phát triển lâu dài.

Trái quýt ngọt trên mảnh đất Phù Hoa - Ảnh 6.

Quýt ngọt năm nay đạt chất lượng, sản lượng và giá bán cao nên nông dân rất phấn khởi. Ảnh: Văn Ngọc

Mở rộng diện tích, sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, liên kết chuỗi tiêu thụ sản phẩm...để duy trì và giữ vững thương hiệu sản phẩm.

Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Đức Cường, bí thư chi bộ, trưởng bản Nghĩa Hưng, xã Mường Cơi, huyện Phù Yên (Sơn La) cũng chia sẻ: Hiện tất cả các thành viên HTX đều được tập huấn, nâng cao kỹ năng kiến thức trong canh tác quýt ngọt theo tiêu chuẩn VietGAP. Để duy trì và giữ vững chất lượng của sản phẩm, trong những năm tới, chi bộ giao cho HTX và các ban ngành, đoàn thể bản tiếp tục tuyên truyền, vận động người dân đang có diện tích cây quýt ngọt tham gia vào HTX; mở rộng diện tích cây quýt ngọt lên khoảng 10ha; đồng thời, nâng cao chất lượng sản phẩm sạch, đảm bảo an toàn.

Tại văn phòng HĐND-UBND xã Mường Cơi, huyện Phù Yên (Sơn La), ông Đinh Thế Huyền, Phó Chủ tịch UBND xã khẳng định: Để giữ vững thương hiệu quýt ngọt trên địa bàn, địa phương sẽ tiếp tục duy trì diện tích quýt sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP hiện có; đồng thời hướng dẫn nông dân áp dụng quy trình sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP trên toàn bộ diện tích. Trong những năm tới sẽ mở rộng diện tích cây ăn quả có múi, đặc biệt là cây quýt ngọt trên địa bàn toàn xã.

Trái quýt ngọt trên mảnh đất Phù Hoa - Ảnh 7.

Diện tích cây ăn quả có múi, đặc biệt là cây quýt ngọt trên địa bàn xã Mường Cơi (Phù Yên, Sơn La) sẽ mở rộng quy mô trong những năm tới và sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP. Ảnh: Nguyễn Vinh

Qua nhiều năm chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất dốc với các loại cây ăn quả có múi, đặc biệt cây quýt ngọt đã mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người nông dân, thu nhập bình quân từ 100- 300 triệu đồng/năm. Trái quýt ngọt đã được nâng tầm giá trị sản phẩm từ đạt tiêu chuẩn OCOP 3 sao năm 2020 đến năm 2022 được tỉnh Sơn La vinh danh là sản phẩm nông nghiệp tiêu biểu của tỉnh. Để duy trì và giữ vững thương hiệu sản phẩm xã Mường Cơi nói riêng và huyện Phù Yên (Sơn La) nói chung cần có chính sách hỗ trợ để mở rộng mô hình cây quýt ngọt và quảng bá, giới thiệu, liên kết chuỗi tiêu thụ sản phẩm. 



Nguyễn Vinh - Văn Ngọc