Clip: “Nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi” huyện vùng cao Sơn La
Phong trào "Nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi" phát huy hiệu quả mang lại thu nhập cao cho hội viên
Phong trào "Nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi" trên địa bàn huyện Phù Yên (Sơn La) được xác định là phong trào trọng tâm của Hội. Chính vì vậy, Hội luôn tập trung vận động hội viên, nông dân phát triển kinh tế chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng sản xuất hàng hóa; hàng năm có từ 60% số hộ hội viên, nông dân đăng ký thực hiện phong trào và có 47% số hộ đăng ký đạt danh hiệu hộ sản xuất, kinh doanh giỏi các cấp.
Hiện nay, Hội Nông dân xã Tân Lang (Phù Yên, Sơn La) có 925 hội viên, sinh hoạt tại 11 Chi hội cơ sở. Để khích lệ, động viên hội viên, nông dân hăng hái thi đua lao động, sản xuất, đổi mới cách nghĩ, cách làm, vươn lên làm giàu. Nhiệm kỳ 2018-2023, Hội Nông dân xã Tân Lang đã tập trung tuyên truyền, hướng dẫn hội viên tích cực chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, cơ cấu mùa vụ như: Phối hợp với Hội cấp trên và các cơ quan chuyên môn của huyện tổ chức 15 lớp tập huấn chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ mới cho trên 1.000 lượt hội viên, nông dân; phối hợp với Ngân hàng CSXH huyện Phù Yên nhận ủy thác hỗ trợ nông dân vay vốn phát triển sản xuất, với dư nợ trên 4 tỷ đồng; Quỹ hỗ trợ nông dân tỉnh, huyện hỗ trợ 630 triệu đồng cho 14 hộ hội viên vay thực hiện mô hình chăn nuôi bò sinh sản và nuôi cá thịt. Nhờ đó, đời sống hội viên ngày càng được nâng cao, thu nhập bình quân đến hết năm 2022 đạt trên 36 triệu đồng/người/năm.
Trao đổi với phóng viên báo NTNN/ Dân Việt/ Trang Trại Việt, bà Nguyễn Thị Dinh, Chủ tịch Hội Nông dân xã Tân Lang (Phù Yên, Sơn La) cho biết: Thực hiện phong trào "Nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi" do Hội cấp trên phát động, Hội nông dân xã Tân Lang đã tuyên truyền các nội dung phong trào đến cán bộ, hội viên cơ sở và nhận được sự đồng thuận của đông đảo hội viên. Hiện nay trên địa bàn xã đã xuất hiện nhiều mô hình kinh tế hiệu quả như: mô hình chăn nuôi trâu, bò nhốt chuồng gắn với trồng cỏ, mô hình chăn nuôi lợn sinh sản, lợn thịt; mô hình trang trại vườn rừng kết hợp với trồng cây ăn quả, hoa màu mang lại hiệu quả kinh tế cao cho hội viên. Từ phong trào sản xuất, kinh doanh giỏi có nhiều hộ hội viên có thu nhập ổn định, nhiều hộ hội viên thoát nghèo và vươn lên làm giàu chính đáng.
Hội viên nông dân sử dụng nguồn vốn đúng mục đích và đạt hiệu quả cao
Đến nay, toàn Hội nông dân xã Tân Lang (Phù Yên, Sơn La) có 427 lượt hộ hội viên đạt danh hiệu nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi các cấp; có nhiều tấm gương nông dân xuất sắc trong sản xuất, kinh doanh giỏi, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm.
Anh Trần Văn Huân, hội viên nông dân bản Yên Thịnh (Tân Lang, Phù Yên, Sơn La) sau nhiều lần thăm quan, học hỏi mô hình trang trại lớn trong và ngoài huyện, anh đã quy hoạch 3ha diện tích đất đồi để đầu tư phát triển mô kinh kinh tế chăn nuôi kết hợp trồng rau màu, củ quả và trồng rừng. Hiện trang trại của anh Huân đang trồng các loại cây có giá trị kinh tế cao như: Bưởi da xanh, dưa hấu, dưa lưới Hoàng Kim, thanh long và một số loại rau màu khác, sản lượng hàng năm đạt trên 10 tấn. Ngoài ra, gia đình anh đã trồng trên 1ha cây cỏ voi, cỏ sữa và cỏ Chi Lê làm thức ăn dinh dưỡng cho đàn trâu, bò sinh sản, với hình thức nuôi nhốt chuồng, với 10 con bò giống Ba bê, bò Man và 7 con trâu sinh sản. Từ mô hình kinh tế tổng hợp, mỗi năm gia đình anh thu về từ 300 đến 400 triệu đồng.
"Xuất phát từ nông thôn nên cũng đi làm và đi thăm nhiều trang trại lớn, từ đó, tôi cũng học hỏi kinh nghiệm của họ. Qua quá trình vừa học, vừa làm, mỗi năm tôi cũng nhân rộng ra một chút và tìm hiểu thêm các con giống, cây trồng đạt chất lượng cao, thị trường họ ưa chuộng mình đưa vào áp dụng. Đến nay, đàn trâu bò sinh sản của tôi phát triển tốt, các loại rau màu đều cho thu hoạch sản lượng và chất lượng tốt", anh Huân nói.
Với gia đình anh Nguyễn Văn Thái, bản Thịnh Lang 1 (Tân Lang, Phù Yên, Sơn La) cũng là một trong những hội viên nông dân mạnh dạn đầu tư xây dựng mô hình chăn nuôi trâu, bò, lợn sinh sản mang lại giá trị kinh tế cao, hiện gia đình anh có hệ thống chuồng trại chăn nuôi khép kín, với trên 10 con trâu, bò sinh sản và đàn lợn thịt mỗi lứa trên 20 con. Để chăn nuôi hiệu quả, anh Thái đã không ngừng học hỏi, tích lũy kinh nghiệm trong quá trình chăn nuôi, đặc biệt là đối với trâu, bò sinh sản luôn đòi hỏi kỹ thuật chăm sóc cao hơn. Ngoài thức ăn là cỏ hàng ngày, gia đình anh thường xuyên bổ sung thêm chất dinh dưỡng cho đàn trâu, bò sinh sản như: cho ăn thêm các chất tinh bột từ bột ngô, khoai, sắn... Thực hiện vệ sinh chuồng trại sạch sẽ, tiêm phòng dịch bệnh định kỳ cho đàn vật nuôi. Nhờ đó, kinh tế của gia đình anh từ chăn nuôi trừ chi phí mỗi năm đạt trên 70 triệu đồng.
"Trước kia tôi cũng đi làm xa nhà, nhận thấy ở các địa phương khác chăn nuôi trâu bò sinh sản theo mô hình nhốt chuồng phát triển tốt và mình thuận lợi có đất nương đồi để trồng cỏ. Tôi về quê vay vốn đầu tư nuôi trâu bò sinh sản để cung cấp con giống cho bà con trong bản, xã... Để tạo ra con giống tốt, tôi chọn giống bò to, khỏe và được lai tạo" anh Thái chia sẻ.
Trao đổi với phóng viên báo NTNN/ Dân Việt/ Trang Trại Việt, ông Lê Đức Thiện, Chủ tịch Hội Nông dân huyện Phù Yên (Sơn La) cho biết: Chủ trương của nhà nước quan tâm phát triển kinh tế nhằm nâng cao thu nhập cho hội viên nông dân. Chính vì vậy, Hội nông dân huyện đã quan tâm hỗ trợ hội viên nông dân tiếp cận nhiều nguồn vốn để giúp hội viên nâng cao năng suất, mở rộng quy mô sản xuất và thúc đẩy kinh doanh. Trong những năm qua, hội viên Hội nông dân trên địa bàn huyện nói chung và hội viên Hội nông dân xã Tân Lang nói riêng đã được tiếp cận các nguồn như: nguồn quỹ hỗ trợ nông dân, nguồn tín chấp với ngân hàng chính sách xã hội và Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn. Qua kiểm tra các hộ vay vốn đều sử dụng đúng mục đích và đạt hiệu quả cao.
Phát huy những kết quả đạt được, thời gian tới Hội Nông dân xã Tân Lang (Phù Yên, Sơn La) tiếp tục đẩy mạnh phong trào "Nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững", góp phần đẩy mạnh tái cơ cấu ngành nông nghiệp, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động, thúc đẩy kinh tế phát triển, xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu, nông thôn mới nâng cao, xây dựng tổ chức Hội nông dân ngày càng phát triển vững mạnh.