dd/mm/yyyy

Phù Yên (Sơn La): Chi hội trưởng nông dân làm kinh tế giỏi

Không chỉ là Chi hội trưởng chi hội nông dân tâm huyết, nhiệt tình, anh Nguyễn Văn Sử, bản Nghĩa Hưng (Mường Cơi, Phù Yên, Sơn La) còn là nông dân giỏi...

Đến bản Nghĩa Hưng, xã Mường Cơi (Phù Yên, Sơn La) hỏi về Nguyễn Văn Sử, Chi hội trưởng nông dân ai cũng biết. Vì anh không chỉ là một nông dân sản xuất giỏi mà còn là một Chi hội trưởng có trách nhiệm, hết lòng vì công tác Hội.

Chi hội trưởng nông dân làm kinh tế giỏi

Anh Nguyễn Văn Sử, vốn xuất thân từ gia đình nông dân, cũng như nhiều nông dân trong bản, nhiều năm trước, gia đình anh Sử cũng chỉ trông chờ vào nương sắn, nương ngô nên cuộc sống gia đình hết sức khó khăn. Với 1,5ha đất đồi trồng cây ngô, sắn…hiệu quả kinh tế thấp, anh luôn đau đáu là phải tìm ra mô hình kinh tế mới trên 1,5ha đất này để mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn cho gia đình.

Sau nhiều lần trăn trở, năm 2010, anh quyết định đầu tư trồng 1,5 ha cây quýt ngọt trên diện tích đất dốc. Phải trải qua nhiều khó khăn, vất vả, vươn lên bằng chính sự cần cù, tìm tòi học hỏi kỹ thuật trồng cây quýt ngọt, áp dụng cái mới vào sản xuất đã giúp gia đình anh Nguyễn Văn Sử có được cuộc sống ổn định rồi khá giả như ngày hôm nay.

Với 1,5 ha cây quýt ngọt, được chăm sóc tốt, áp dụng quy trình ứng dụng tiến bộ khoa học tiên tiến vào sản xuất nên sản phẩm quýt ngọt của gia đình anh luôn có chất lượng vượt trội, sản lượng mỗi năm đạt hơn 30 tấn. Năm nào cũng vậy, thương lái từ các nơi đánh xe vào tận vườn nhà anh để mua đưa về chợ đầu mối Hà Nội và các tỉnh miền xuôi tiêu thụ, với giá bán năm nay tại vườn từ 30.000 – 35.000 đồng/kg, sau khi trừ chi phí, gia đình anh Sử còn thu hơn 600 triệu đồng.

Phù Yên (Sơn La): Chi hội trưởng nông dân làm kinh tế giỏi - Ảnh 1.

1,5 ha cây quýt ngọt đã mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn cho gia đình anh Nguyễn Văn Sử, bản Nghĩa Hưng, xã Mường Cơi (Phù Yên, Sơn La). Ảnh: Nguyễn Vinh

Để được kết quả như vậy, anh Sử chia sẻ: Toàn bộ diện tích quýt ngọt của gia đình tôi sản xuất theo tiêu chuẩn VietGap, dùng phân bón, thuốc BVTV bằng các sản phẩm sinh học đúng cách và đủ liều lượng theo quy định. Ngoài ra, tôi tận dụng bột ngô, bột đỗ tương qua xử lý để bón cho cây, hạn chế tối đa dùng phân hóa học.

anh Sử cho biết thêm: Nhận thức được giá trị của cây ăn quả có múi nói chung, quả quýt ngọt nói riêng, năm 2018, anh và 10 thành viên thành lập HTX cây ăn quả có múi Nghĩa Hưng (Phù Yên, Sơn La), HTX được lập ra nhằm trao đổi kinh nghiệm trồng cây ăn quả có múi, liên kết tiêu thụ sản phẩm, được hỗ trợ xây dựng nhãn hiệu, bao bì, quảng bá rộng rãi sản phẩm ra thị trường. Sản phẩm quýt ngọt của HTX do anh thành lập được công nhận đạt tiêu chuẩn OCOP 3 sao năm 2020 và là 1 trong 19 sản phẩm nông nghiệp tiêu biểu được tỉnh Sơn La vinh danh năm 2022.

Phù Yên (Sơn La): Chi hội trưởng nông dân làm kinh tế giỏi - Ảnh 2.

Sản phẩm quýt ngọt của HTX do Anh Nguyễn Văn Sử và 10 thành viên khác lập, được công nhận đạt tiêu chuẩn OCOP 3 sao năm 2020 và sản phẩm nông nghiệp tiêu biểu được tỉnh Sơn La vinh danh năm 2022. Ảnh: Văn Ngọc

Không dừng lại ở sản phẩm quýt ngọt, anh Sử còn tìm hiểu và đầu tư thêm mô hình nuôi dúi thương phẩm và dúi giống. Để thực hiện ý tưởng đó, anh Sử sang Trung Quốc học hỏi kinh nghiệm nuôi dúi để về áp dụng cho mô hình của gia đình. Năm 2020, anh Sử quyết định đầu tư 300 triệu đồng xây dựng mô hình nuôi dúi thịt và dúi sinh sản, ban đầu anh mua 50 cặp dúi giống nhưng do thiếu kinh nghiệm nên đàn dúi cứ bỏ ăn rồi chết dần chết mòn, thiệt hại khoảng 100 triệu đồng. Không nản chí, anh tiếp tục mua 50 cặp dúi giống để nuôi. Vừa làm vừa học hỏi thêm các hộ đã có kinh nghiệm nuôi dúi lâu năm, anh còn tham gia vào Hội nuôi dúi miền Bắc để có thêm kiến thức và kinh nghiệm nuôi dúi. Với lòng kiên trì không bỏ cuộc, đến hiện tại năm 2022, mô hình dúi của gia đình anh Sử đã có khoảng 600 con, cung cấp dúi giống và dúi thịt. Với giá hiện nay, dúi thương phẩm có giá bán trên thị trường khoảng 450.000 đồng/kg; dúi giống có giá 1.500.000 đồng/1 đôi. Thu nhập từ mô hình nuôi dúi, sau khi trừ chi phí, mỗi năm gia đình tôi thu được 200-300 triệu đồng.

Phù Yên (Sơn La): Chi hội trưởng nông dân làm kinh tế giỏi - Ảnh 3.

Mô hình nuôi dúi thương phẩm và dúi giống của anh Nguyễn Văn Sử, bản Nghĩa Hưng, xã Mường Cơi (Phù Yên, Sơn La). Ảnh: Nguyễn Vinh

Nói về lý do đầu tư nuôi dúi, anh Sử cho biết: qua tìm hiểu, anh được biết, dúi là một con vật dễ nuôi, ít bị bệnh, là loại thực phẩm sạch, vốn đầu tư ít nhưng giá trị kinh tế cao; thức ăn cho dúi là loại dễ kiếm như thân cây tre, cây mía, thân cỏ voi là những phụ phẩm nông nghiệp sẵn có tại địa phương.

Cũng theo anh Sử: Với giá trị kinh tế cao, đầu ra đang ổn định, anh đang hướng đến nhân rộng mô hình và kêu gọi nhiều người dân trên địa bàn cùng làm để thành lập chuỗi cung ứng sản phẩm khi khách hàng cần số lượng lớn.

Học tập mô hình của anh, hiện trên địa bàn bản Nghĩa Hưng, xã Mường Cơi (Phù Yên, Sơn La) đã có 10 hộ gia đình đầu tư nuôi dúi thịt và dúi sinh sản. Với thành công của mình, anh Sử đã nhiệt tình chia sẻ kinh nghiệm, tận tình hướng dẫn kỹ thuật nuôi, chăm sóc và phòng bệnh cho dúi.

Anh Nguyễn Duy Khanh, Hội viên nông dân chi hội bản Nghĩa Hưng, xã Mường Cơi (Phù Yên, Sơn La) cho biết: Nhờ được anh Sử giúp đỡ, chia sẻ về kỹ thuật và kinh nghiệm nuôi dúi, năm 2021, anh đã đầu tư 150 triệu đồng xây chuồng, mua 40 đôi dúi giống để phát triển mô hình, hiện nay đàn dúi đang của gia đình anh đang phát triển tốt và đem lại nguồn thu nhập cao cho gia đình.

Phù Yên (Sơn La): Chi hội trưởng nông dân làm kinh tế giỏi - Ảnh 4.

Mô hình nuôi dúi của các hội viên Chi hội nông dân bản Nghĩa Hưng, xã Mường Cơi (Phù Yên, Sơn La) phát triển tốt và đem lại nguồn thu nhập cao. Ảnh: Nguyễn Vinh

Chi hội trưởng chi hội nông dân tâm huyết, nhiệt tình

Không chỉ sản xuất giỏi, anh Nguyễn Văn Sử còn là chi hội trưởng nông dân nhiệt tình, có trách nhiệm với công tác Hội. Là chi hội trưởng nông dân bản Nghĩa Hưng, xã Mường Cơi (Phù Yên, Sơn La) từ năm 2008, anh Sử luôn gương mẫu, đi đầu trong các phong trào, nhất là phong trào phát triển kinh tế gia đình, phong trào nông dân sản xuất kinh doanh giỏi để các hội viên trong chi hội học tập noi theo.

Hiện nay, chi hội nông dân bản Nghĩa Hưng có 102 hội viên. Để phong trào hội ngày càng phát triển, anh Sử đã tích cực vận động hội viên tham gia các hoạt động của hội, trọng tâm là thực hiện có hiệu quả phong trào Nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững. Hàng năm, Chi hội luôn duy trì tỷ lệ hội viên đạt danh hiệu "Nông dân sản xuất kinh doanh giỏi" các cấp trên 70%. Anh còn đề xuất cấp trên tạo điều kiện cho hội viên tham gia các lớp chuyển giao KHKT, tổ chức các nhóm hộ đi thăm quan, học tập các mô hình kinh tế trong và ngoài huyện để áp dụng vào thực tế của gia đình mình. Nhờ đó, phong trào làm kinh tế của các hội viên trong chi hội rất phát triển, có nhiều mô hình kinh tế đa ngành nghề mang lại hiệu quả kinh tế cao như: chăn nuôi trâu bò sinh sản, trâu bò thương phẩm, nuôi lợn hướng nạc, trồng cây ăn quả có múi, kinh doanh dịch vụ nông sản. Trong số hơn 100 hội viên thì có 40 hội viên có mô hình kinh tế cho thu nhập từ 300-800 triệu đồng/năm sau khi đã trừ chi phí.

Phù Yên (Sơn La): Chi hội trưởng nông dân làm kinh tế giỏi - Ảnh 5.

Hội viên nông dân trong bản học tập mô hình kinh tế của gia đình anh Nguyễn Văn Sử. Ảnh: Văn Ngọc

Trao đổi với phóng viên Báo NTNN/Dân Việt/Trang Trại Việt điện tử, anh Sa Văn Soạn - Chủ tịch Hội Nông dân Mường Cơi (Phù Yên- Sơn La) cho biết: Trong 14 năm anh Sử làm Chi hội trưởng nông dân, anh đã đưa phong trào Hội của bản, của xã phát triển mạnh hàng năm. Nhiều năm liền Chi hội nông dân bản Nghĩa Hưng đứng nhất xã, góp phần chung vào phong trào của Hội Nông dân xã Mường Cơi. Hiện nay, các hội viên trong Chi hội không còn hộ khó khăn, nhà ở đạt chuẩn theo quy định, Chi Hội hàng năm luôn được đánh giá cao trong công tác Hội.

Phù Yên (Sơn La): Chi hội trưởng nông dân làm kinh tế giỏi - Ảnh 6.

Bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh tặng anh Nguyễn Văn Sự. Ảnh: Văn Ngọc

Nhiệt tình, hết lòng với công tác Hội, cần cù, phấn đấu vươn lên bằng sức lao động của chính mình, xây dựng một cuộc sống mới từ đôi bàn tay và ý chí vươn lên làm giàu, anh Nguyễn Văn Sử xứng đáng là tấm gương điển hình trong công tác Hội và phong trào Nông dân sản xuất kinh doanh giỏi của bản Nghĩa Hưng nói riêng, xã Mường Cơi và huyện Phù Yên (Sơn La) nói chung. Với những thành tích đó, nhiều năm liền anh được tặng Bằng khen của UBND tỉnh, Giấy khen của UBND huyện và các ngành, các cấp trong công tác Hội, các phong trào thi đua tại địa phương và giấy chứng nhận Hộ nông dân sản xuất kinh doanh giỏi cấp tỉnh.

Nguyễn Vinh - Văn Ngọc