dd/mm/yyyy

Gái Thái bỏ hướng dẫn viên về quê mở homestay đẹp như tranh vẽ

Chị Hà Thị Hường ở bản Nà Chiềng, xã Nà Phòn (Mai Châu, Hòa Bình) từ người làm thuê giờ trở thành bà chủ của khu nghỉ dưỡng Little Mai Chau Homestay...

Homestay đẹp như tranh vẽ ở Nà Phòn

Đến xóm Nà Chiềng hỏi thăm cơ sở nghĩ dưỡng - homestay của chị Hường (SN 1988), bà con người Thái nơi đây đều chỉ đường tận tình. Bởi lẽ bà chủ của cơ sở đó đã và đang giúp nhiều phụ nữ người dân tộc Thái nơi đây có thêm thu nhập từ nghề dệt thổ cẩm. Men theo con đường bê tông quanh co, uốn lượn qua những thửa ruộng bậc thang xanh biếc, chúng tôi tìm đến Little Mai Chau Homestay của chị Hường.

Đón chúng tôi ở cổng khu nghỉ dưỡng là người con gái Thái, trong trang phục truyền thống nom thật đẹp và thùy mị. Vừa gặp, Hường đã tay bắt mặt mừng. Hường ân cần mang đồ và giới thiệu cho khách về nơi nghỉ dưỡng của gia đình. Trước sân là ngôi nhà sàn hai tầng đẹp như tranh vẽ nằm bên đồng lúa chín vàng ươm. Quanh ngôi nhà sàn sạch sẽ là vô số các loại hoa rừng được Hường trồng để tạo cảnh quan. Toàn bộ khu nghỉ dưỡng nhìn ra cánh đồng lúa xanh mướt của bà con người Thái. Đến với bản Thái, mùa nào bà con cũng cảm nhận được vẻ đẹp bình dị, khôi nguyên của miền sơn cước.  

Cô gái Thái bỏ nghề hướng dẫn viên về quê mở homestay đẹp như tranh vẽ - Ảnh 1.

Chị Hà Thị Hường (người ngoài cùng bên trái) đón đoàn khách nước ngoài tại khu nghỉ dưỡng của gia đình.

Ngôi nhà sàn mang đậm chất văn hóa của bà con người Thái nom thật yên bình. Tầng trên Hường làm phòng đón khách, dưới sàn được Hường kê bộ bàn để đón khách. Hầu hết các đồ vật đều được làm từ vật liệu tự nhiên, nên tạo cho du khách ấn tượng rất dễ gần. Hường bảo: "Em muốn tạo cho du khách cảm giác thân thiện, khi đi nghỉ mà như đang ở nhà mình. Mục đích của em là mang thiên nhiên đến với khu nghỉ dưỡng của mình". Cạnh ngôi nhà sàn cho du khách nghỉ cộng đồng còn có một phòng Vip. Hường đặt tên là Sunrise Bungalow (ngôi nhà nhỏ tràn đầy ánh sáng).

Cô gái Thái bỏ nghề hướng dẫn viên về quê mở homestay đẹp như tranh vẽ - Ảnh 2.

Một bungarlow mà chị Hường xây dựng. Khu nghỉ dưỡng của chị luôn hướng mong muốn mang thiên nhiên đến với du khách.

Nếu khách có nhu cầu ở riêng, họ có thể đặt phòng này. Hôm chúng tôi đến thăm còn có đoàn khách Tây đến nghỉ. Hường nói tiếng Anh rất trôi chảy. Du khách nghe cô gái Thái giới thiệu về khu nghỉ, tỏ ra khá thích thú. Không chỉ vậy, Hường còn tranh thủ giới thiệu cho họ về đặc sản của người Thái. Việc giao tiếp diễn ra trong không khí chân thành và cởi mở. Mấy vị khách Tây rất hài lòng về sự đón tiếp của cô chủ.

Không cam chịu đói nghèo, mở homestay để đưa khách đến với thung lũng Mai Châu 

Khi đã sắp xếp mọi việc đâu vào đó, Hường mới tiếp tục câu chuyện về mình. Hường sinh ra và lớn lên tại thung lũng Mai Châu. Văn hóa của người Thái đã ăn sâu vào từng suy nghĩ và cách làm của Hường. Hường bảo, thung lũng Mai Châu xinh đẹp là nơi chôn rau cắt rốn của em. Nơi này từ lâu đã nổi tiếng là điểm đến hấp dẫn của du khách. 

Tuy nhiên, bà con người Thái bản địa lại vẫn còn gặp rất nhiều khó khăn trong cuộc sống. Gia đình Hường cũng không được khá giả là bao. Bố mẹ cho Hường học hết THPT rồi nghỉ ở nhà. Khi phong trào du lịch bản địa lan rộng ra khắp thung lũng Mai Châu, Hường cảm nhận được cơ hội làm du lịch ở thung lũng này sẽ rất lớn. Muốn vậy, Hường phải biết nói tiếng Anh mới có thể giao tiếp được với du khách nước ngoài.

Cô gái Thái bỏ nghề hướng dẫn viên về quê mở homestay đẹp như tranh vẽ - Ảnh 3.

Du khách nước ngoài đến homestay của chị Hường và trải nghiệm tại thung lũng Mai Châu.

Hường đã mạnh dạn thi tuyển vào khoa Tiếng Anh, trường Cao đẳng Sư phạm Hòa Bình. Năm 2011, Hường ra trường là thời điểm huyện Mai Châu phát triển mạnh ngành du lịch. Suốt 7 năm liền Hường làm hướng dẫn du lịch cho các khách sạn tại địa phương, rồi qua nhiều công việc khác như lễ tân, quản lý nhà hàng. Thu nhâp từ những công việc trên chỉ đủ chi phí sinh hoạt hàng ngày.

Trong quá trình đi làm Hường cũng tiếp xúc với khách du lịch thường xuyên, nên Hường cũng gom góp cho mình được nhiều kinh nghiệm. Hường nghĩ, nếu mình cứ tiếp tục đi làm thuê thế này mãi sẽ không ổn. Tháng 6/2017, Hường đã mạnh dạn vay vốn mở homestay với tên gọi Little Mai Chau Homestay. Từ đây Hường quyết tâm tự làm thuê cho chính mình.

Cô gái Thái bỏ nghề hướng dẫn viên về quê mở homestay đẹp như tranh vẽ - Ảnh 4.

Homestay xinh đẹp của chị Hường.

Hường chia sẻ: Xã Nà Phòn chủ yếu là người dân tộc Thái, sinh sống bằng nông nghiệp. Xã còn là cái nôi lưu giữ nghề dệt truyền thống. Do vậy, để phát triển được nghề làm du lịch cần có hướng đi riêng. Tôi xác định khách hàng mục tiêu là khách nước ngoài trẻ, đến từ các nước châu Âu, phân khúc bình dân và thường sử dụng cách thức đặt phòng trực tiếp qua các trang thương mại điện tử chứ không qua công ty, văn phòng du lịch.

Cô gái Thái bỏ nghề hướng dẫn viên về quê mở homestay đẹp như tranh vẽ - Ảnh 5.

Việc chị Hường xây dựng homestay đã mở ra nhiều cơ hội việc làm cho chị em phụ nữ người Thái ở thung lũng Mai Châu.

Sau 6 tháng mở cửa, homestay của Hường đã đạt được tỷ lệ đặt phòng cao. Năm 2019, doanh thu tiền phòng chưa tính các dịch vụ đi kèm đạt trung bình trên 51 triệu đồng/tháng, cả năm đạt trên 620 triệu đồng. Với những thành quả ban đầu, tôi mở rộng thêm cơ sở vật chất, tổng cộng gồm 2 nhà sàn và 6 bungalow.

Đánh thức nghề dệt thổ cẩm của người Thái 

Thung lũng Mai Châu là đất của người Thái. Nơi đây có nghề dệt thổ cẩm nổi tiếng. Tuy nhiên, trong những năm vừa qua, việc phát triển nghề truyền thống của bà con gặp nhiều khó khăn trong khâu tiêu thụ. Các sản phẩm thổ cẩm rất tinh xảo và mang đậm chất bản địa, nhưng chưa được quan tâm quảng bá. Cùng với đó là sự xâm nhập ồ ạt của hàng Trung Quốc giá rẻ, dẫn đến tình trạng ngày càng nhiều người trẻ không còn mặn mà với nghề dệt truyền thống. Mặt khác, thanh niên trong bản đến tuổi lao động đi các khu công nghiệp làm công nhân thu nhập không ổn định.

Cô gái Thái bỏ nghề hướng dẫn viên về quê mở homestay đẹp như tranh vẽ - Ảnh 6.

Chị Hà Thị Hường cũng mạnh dạn kết nối đưa các sản phẩm thổ cẩm của người Thái ở thung lũng Mai Châu đến với du khách nước ngoài.

Xuất phát từ nhu cầu của khách hàng mong muốn được tìm hiểu văn hóa, trải nghiệm cuộc sống của người dân tộc Thái bản địa, chị Hường đã xây dựng các tour du lịch như: đạp xe khám phá bản Nhót kết hợp trải nghiệm dệt thổ cẩm, cooking class hướng dẫn khách làm cơm lam, workshop đan vòng đeo tay... Hành trình này đã giúp du khách hiểu hơn về văn hóa cũng như con người bản địa nơi đây. Đây cũng là kênh bán hàng trực tiếp, mang lại nhiều trải nghiệm cho du khách trong và ngoài nước.

Cô gái Thái bỏ nghề hướng dẫn viên về quê mở homestay đẹp như tranh vẽ - Ảnh 7.

Du lịch góp phần quan trọng trong việc thúc đẩy nghề dệt thổ cẩm ở Mai Châu.

Cũng từ homestay của mình, Hường đã quảng bá sản phẩm dệt thổ cẩm cho khách hàng nước ngoài, qua đó nhiều khách hàng biết, ưa chuộng sản phẩm dệt thổ cẩm của Nà Phòn. Nhằm đáp ứng nhu cầu khách hàng, chị xây dựng một nhóm sản xuất hàng thổ cẩm truyền thống trong bản. Nhóm sẽ tập hợp các chị em có tay nghề giỏi về nghề dệt. Sản phẩm làm ra, Hường chịu trách nhiệm quảng bá và tiêu thụ giúp chị em.

Cô gái Thái bỏ nghề hướng dẫn viên về quê mở homestay đẹp như tranh vẽ - Ảnh 8.

Homestay xinh đẹp của chị Hà Thị Hường nhìn ra cánh đồng lúa chín vàng của xã Nà Phòn.

Khi dịch bệnh Covid-19 bùng phát, ngành du lịch bị ảnh hưởng nặng nề, nhất là khách nước ngoài. Chị Hường đã mở rộng quảng bá homestay của mình trên các trang mạng xã hội, góp phần thu hút khách nội địa. Do vậy, doanh thu đều đạt trên 500 triệu đồng mỗi năm. Tháng 3/2022, ngay sau khi Việt Nam mở cửa trở lại, khách du lịch nước ngoài cũng bắt đầu đến với Nà Phòn. Cùng với việc quảng bá các sản phẩm dệt thổ cẩm được được duy trì. Doanh thu từ du lịch và bán sản phẩm dệt thổ cẩm tăng trưởng đều qua các tháng.

Tính đến hết tháng 8/2022, doanh thu từ dịch vụ lưu trú và bán hàng thổ cẩm đạt 530 triệu đồng. Hiện tại, homestay của chị có 3 lao động, thu nhập đạt trên 4 triệu đồng/người/tháng. Ngoài ra, chị cộng tác với 5 lao động không thường xuyên làm hướng dẫn, đi tour theo ngày, các thợ dệt khoán tính công theo sản phẩm, tạo việc làm và thu nhập cho lao động địa phương.


Xuân Tuấn