dd/mm/yyyy

Nông dân Sa Pa nhân rộng các mô hình kinh tế

Hội Nông dân thị xã Sa Pa (Lào Cai) đã hỗ trợ hội viên nông dân vay vốn, kỹ thuật, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, xây dựng mô hình kinh tế hiệu quả…

Clip: Mô hình nuôi cá nước lạnh của hội viên nông dân Sa Pa.

Giúp hội viên nông dân Sa Pa có nguồn vốn phát triển sản xuất

Hiện nay, Hội Nông dân thị xã Sa Pa, có gần 9.000 hội viên tham gia sinh hoạt tại 16 cơ sở Hội. Nhằm hỗ trợ hội viên nông dân phát triển kinh tế, các cấp Hội Nông dân trên địa bàn thị xã đã thực hiện tốt công tác tuyên truyền, vận động hội viên nông dân phát huy thế mạnh của địa phương, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng hàng hóa, đưa các cây, con giống có giá trị cao vào nuôi, trồng trọt. 

Nông dân Sa Pa nhân rộng các mô hình kinh tế - Ảnh 2.

Mô hình nuôi cá nước lạnh của hội viên nông dân xã Ngũ Chỉ Sơn, thị xã Sa Pa, tỉnh Lào Cai. Ảnh: Mùa Xuân.

Để giúp hội viên nông dân có điều kiện phát triển sản xuất, Hội Nông dân các xã, phường trên địa bàn thị xã đã đứng ra nhận ủy thác với phòng giao dịch Ngân hàng NN&PTNT, Ngân hàng Chính sách xã hội thị xã cho hơn 1.700 hội viên nông vay vốn phát triển sản xuất, với tổng dư nợ hơn 109 tỷ đồng. Nhờ vậy, hầu hết hội viên sử dụng có hiệu quả vốn vay, xây dựng các mô hình kinh tế đạt hiệu quả cao.

Duy trì hiệu quả hoạt động của Quỹ Hỗ trợ nông dân từ Trung Hội, Hội Nông dân tỉnh Lào Cai và thị xã Sa Pa là 6,5 tỷ đồng cho 170 hộ vay thực hiện 16 dự án phát triển sản xuất.

Nông dân Sa Pa nhân rộng các mô hình kinh tế - Ảnh 3.

Nuôi cá nước lạnh đang là một trong những thế mạnh ở Sa Pa (Lào Cai). Ảnh: Mùa Xuân.

Ðược sự hỗ trợ của các cấp Hội Nông dân, hội viên nông dân đã xây dựng nhiều mô hình kinh tế hiệu quả cao. Ðiển hình như ông Trần Chung Hưng, phường Ô Quý Hồ, phát triển mô hình chăn nuôi cá nước lạnh, dịch vụ du lịch; ông Nguyễn Phúc Minh, với mô hình trồng hoa ly công nghệ cao tại phường Ô Quý Hồ; ông Hầu A Seng, phát triển mô hình nuôi cá nước lạnh thôn Dền Thàng, xã Tả Van, cho thu nhập khoảng 600 triệu đồng/năm.

Nâng cao tay nghề cho hội viên nông Sa Pa

Nhằm nâng cao tay nghề cho hội viên nông dân, trong năm 2022, Hội Nông dân thị xã Sa Pa phối hợp các cơ quan chuyên môn tập huấn chuyển giao khoa học, kỹ thuật trong trồng trọt, chăn nuôi, phòng chống dịch bệnh gia súc, gia cầm; hướng dẫn hội viên nông dân đưa các giống cây, con có năng suất, chất lượng cao vào sản xuất.

Nông dân Sa Pa nhân rộng các mô hình kinh tế - Ảnh 4.

Các học viên tham gia lớp tập huấn nuôi cá nước lạnh tại xã Liên Minh, thị xã Sa Pa (Lào Cai). Ảnh: Văn Thơm.

Theo đó, tổ chức 10 lớp tập huấn về kỹ năng quản lý chi, tổ hội nông dân nghề nghiệp, xây dựng tổ hợp tác cho 270 hội viên tham gia. Bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng quản lý điều hành chi, tổ hội nghề nghiệp và liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị cho đội ngũ cán bộ hội cơ sở và các chi, tổ hội nghề nghiệp, các tổ hợp tác.

Phối hợp mở 3 lớp dạy nghề cho 105 hội viên nông dân, trong đó: mở lớp dạy nghề thêu cho các học viên thuộc xã Ngũ Chỉ Sơn và dạy nghề trồng cây dược liệu cho  hội viên nông dân tại xã Ngũ Chỉ Sơn và Tả Phìn. Cử 4 hội viên nông dân tham gia học nâng cao nghề thêu tại Hải Dương.

Tổ chức cho cán bộ Hội Nông dân thị xã, Hội Nông dân các xã, phường tham quan, học tập kinh nghiệm các mô hình trồng cây ăn quả, rau, cây dược liệu tại huyện Bắc Hà…

Ông Sùng A Lử, Chủ tịch Hội Nông dân xã Ngũ Chỉ Sơn, cho biết: Hội Nông dân xã hiện có hơn 900 hội viên tham gia sinh hoạt tại 16 chi hội, chủ yếu là dân tộc Mông, Dao cùng sinh sống. Các hội viên nông dân sống chủ yếu dựa vào nghề nông thì nay đã khác.

Với thế mạnh khí hậu lạnh, nguồn nước dồi dào quanh năm, Hội Nông dân xã Ngũ Chỉ Sơn đã vận động hội viên nông dân phát triển trồng cây su su lấy quả, nuôi cá nước lạnh và phát huy nghề dệt thổ cẩm truyền thống nâng cao thu nhập cho hội viên.

Nông dân Sa Pa nhân rộng các mô hình kinh tế - Ảnh 5.

Phát triển chăn nuôi đại gia súc theo hướng hàng hóa đang là một trong những hướng đi giúp hội viên nông dân phát triển kinh tế. Ảnh: Mùa Xuân.

Chị Chảo Tảo Mẩy, thôn Can Hồ A, xã Ngũ Chỉ Sơn chia sẻ: Tôi được các cấp Hội Nông dân tạo điều kiện đi học lớp thêu sản phẩm trang phục ở tỉnh Hải Dương. Sau khi học xong trở về địa phương tôi cùng nhiều chị em phụ nữ trong thôn thêu các sản phẩm do khách hàng có nhu cầu đặt. Từ đó, giúp chúng tôi có thêm thu nhập ổn định, đặc biệt là trong thời gian nông nhàn.

Thời gian tới, cùng với hỗ trợ phát triển kinh tế, Hội Nông dân thị xã Sa Pa sẽ tiếp tục thực hiện tuyên truyền để nâng cao hiệu quả phong trào nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững. 

Thường xuyên mở các lớp tập huấn, chuyển giao khoa học, kỹ thuật; nhân rộng các mô hình có hiệu quả kinh tế cao giúp hội viên tăng thu nhập, vươn lên làm giàu chính đáng.

Mùa Xuân