dd/mm/yyyy

Từ bỏ cây thuốc phiện, thành triệu phú trên vùng đất khó

Ông Thào A Dìn ở bản Xín Chải Lùng Chín, xã Lùng Cải (Bắc Hà, Lào Cai) đã từ bỏ cây thuốc phiện, là triệu phú đầu tiên của miền đất khó...

Mạnh dạn từ bỏ cây thuốc phiện

Lùng Cải xã xa xôi và khó khăn nhất của huyện Bắc Hà - nơi từng có những vạt cây thuốc phiện trải dài từ mấy chục năm trước. Vùng đất này nằm ở thượng nguồn sông Chảy. Bao đời nay, người Mông vỡ hoang, khai phá vùng đất này để sinh tồn. Cả cuộc đời người Mông khi ấy chỉ quanh quẩn với ngô, với lúa nương. Gia đình nào khá giả chăn thêm con trâu, con bò, nuôi con gà để cải thiện bữa ăn hàng ngày. Sống ở vùng đất khó, nhưng ở bản Xín Chải lại có người đàn ông không cam chịu đói nghèo vươn lên đó là ông Thào A Dìn.  

Ngôi nhà của ông Dìn nằm ngay cạnh đường cái gần trung tâm xã Lùng Cải. Hôm chúng tôi đến thăm, ông Dìn đang tất bật chuyển gốc cỏ voi mà nhà nước hỗ trợ cho bà con trồng để phát triển chăn nuôi gia súc. Ông Dìn có dáng người thấp đậm. Nước da nhuộm màu sương gió. Năm nay đã ngoài năm mươi tuổi, nhưng nom ông còn khỏe lắm. Ông làm mọi việc nhanh thoăn thoắt. Dường như tuổi tác, không hề ảnh hưởng đến tinh thần lao động của ông. Bó cỏ to bằng cái cột nhà mà ông vác chúng đi phăng phăng. Giữa mùa đông rét mướt mà mồ hôi rơi lã chã trên trán ông Dìn. Biết nhà có khách đến chơi, ông đành nói khó: "Các anh đợi cho chút. Tôi chuyển nốt đống cỏ này, kẻo trời tối lại làm không kịp".

Triệu phú trên vùng đất khó - Ảnh 1.

Ông Thào A Din là triệu phú đầu tiên ở bản Xín Chải Lùng Chín.

Cứ nhìn cái dáng người nhỏ nhắn, nhưng cứng cáp vô cùng của ông Dìn mới hiểu được suốt mấy chục năm qua, ông đâu có cho chân tay ngơi nghỉ. Trong ngôi nhà của ông Dìn mọi thứ được sắp xếp ngăn nắp, chứ không bề bộn như các hộ dân sống ở miền sơn cước. Từ cái bếp đến nơi chưa đồ lương thực, đến chỗ ăn, chỗ ngủ đều vô cùng sạch sẽ. Ông Dìn bốc xong đống cỏ, vội vào nhà pha trà mời khách. "Nhà nông là bận túi bụi từ sáng đến tối, chẳng được ngơi nghỉ chân tay". Nói là vất vả, nhưng trên gương mặt người triệu phú của bản Xín Chải lại ngời lên niềm vui khó tả. Cái vất vả của sự no đủ, khác với cái khó nhọc của sự thiếu thốn.

Cuộc đời ông Dìn cũng trải qua muôn vàn gian khó như bao gia đình người Mông nơi đây. Đưa đôi mắt nhìn về dãy núi đá cao chất ngất từng không án ngữ nơi thượng nguồn sông Chảy, ông Dìn nhớ lại những ngày tháng gian nan mà ông từng trải qua. Ông sinh ra và lớn lên ở đất Xín Chải. Như bao chàng trai người Mông khác, cả cuộc đời gắn bó với núi, với rừng như một định mệnh. Gia đình ông lại có đông anh em, bố mẹ ông làm quần quật trên nương mà cả năm cũng chỉ mong có đủ ba bữa ăn. Cái đói, cái nghèo, sự thiếu thốn thường trực ở trong mỗi nếp nhà của người Mông.

Triệu phú trên vùng đất khó - Ảnh 2.

Cách làm của ông Dìn sẽ làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm của bà con người Mông ở Lùng Cải.

Ông Dìn cũng được đi học. Ông biết cái mặt chữ là ở nhà đi làm nương cùng bố mẹ. Vừa qua tuổi dậy thì, bố mẹ đã giục ông lấy vợ rồi sinh con, đẻ cái. Cái vòng luẩn quẩn đó đã "vùi chôn" bao ước mơ của các chàng trai người Mông. Ông Dìn sống lầm lũi với núi rừng đó suốt nhiều năm dài. Ở bản Mông của mấy thập niên trước còn trồng cây thuốc phiện. Nó là thứ cây chủ lực, bà con khai thác nhựa rồi mang xuống chợ đổi lấy nhu yếu phẩm. Sống dựa vào cây thuốc phiện cả mấy chục năm, nên bà con người Mông gặp rất nhiều khó khăn khi nhà nước vận động xóa bỏ thứ cây đó. Gia đình ông Dìn cũng trải qua những ngày gian khó. Rất may khi đó, ông không nghiện thuốc phiện, nên ông chỉ mong nương thuốc phiện sớm bị xóa bỏ, để bản làng không còn chìm trong làn khói u mê.

Người nghĩ khác ở Lùng Cải

Câu chuyện của chúng tôi bị cắt ngang, khi đám dê kêu be be từ trên đồi về chuồng. Nghe tiếng chuông dê kêu đinh đang thật vui tai. Ông Dìn lại đành bỏ dở câu chuyện, đi lên đồi mở cửa cho đàn dê về chuồng. Hơn chục con dê, con nào cũng béo mầm, lông bóng mượt. Chúng nhìn thấy ông cứ sán lại gần. Như hiểu được tính nết của đám dê, ông Dìn đưa tay với nắm muối để trong lòng bàn tay. Đám dê bu lấy ông như đám con đón mẹ đi chợ về. Ông Dìn nhìn chúng với ánh mắt tràn đầy niềm vui. "Đám này mà phát triển tốt, hiệu quả kinh tế mang lại không con vật nào bì kịp. Ngày chúng ăn cỏ, uống nước lã. Tối chúng tự mò về chuồng. Một năm chúng đẻ 2 lứa, mỗi lứa 2 con. Nuôi sau 1 năm là có thể bán. Trị giá một con dê bằng cả tấn ngô", ông Dìn tính toán rất kĩ khi đưa đám dê về nuôi.

Triệu phú trên vùng đất khó - Ảnh 3.

Ông Dìn đã mạnh dạn đưa giống cây ôn đới như mận, lên và hồng giòn về trồng tại Xín Chải Lùng Chín.

Hiện tại ông Dìn đã dựng xong một khu chuồng, chỗ ở cho 20 con dê. Với đà sinh sản nhanh chóng như hiện tại, ông Dìn đã đốn gỗ sau vườn, dựng thêm một cái chuồng dê nữa. Theo tính toán của ông Dìn, chỉ sau 2 năm nữa, tổng đàn dê có thể lên đến 50 con. Trong quá trình tiếp xúc với người đàn ông dân tộc Mông này, điều dễ nhận thấy là ông làm gì cũng có tính toán cẩn thận. Trồng cây gì, nuôi con gì, ông cũng nghĩ sâu xa tới thị trường tiêu thụ. Ông Dìn cũng luôn là người đi đầu trong việc cải tạo vườn tạp, đưa cây ăn quả ôn đới về với Xín Chải.

Nhà ông Dìn có khoảng 3ha đất đồi. Những năm trước nó là nương thuốc phiện. Khi không trồng thuốc phiện ông gieo ngô, tra lúa. Suốt thời gian dài bới đất lật cỏ mà cuộc sống của gia đình chưa khá lên được. Sống ở bản Mông, ông cũng nghĩ, mình phải làm việc gì đó khác đi, chứ cứ cả đời tra ngô, tỉa lúa mãi thế làm sao cuộc sống có thể khá lên được. Cái đầu nghĩ vậy, nhưng nhìn vào đời sống gia đình, ông cũng chưa biết tìm cách gì để thay đổi. Cái khó của người Mông ở vùng đất biên viễn này là đưa cây gì, con gì vào sản xuất cũng gặp khó khăn. Trong những lần lang thang lên mấy xã vùng cao ở huyện Sa Pa, ông thấy cây mận Tả Van cho chất lượng quả ăn rất ngon. Nhiều nhà còn trồng cả cây lê nữa. Hai loại quả này, khách du lịch thường tranh nhau mua. Sau chuyến đi đó, ông mừng như bắt được vàng, thế là ông đã tìm ra được "bảo bối" để đánh thức cái đất Xín Chải mờ mịt ở quê mình.

Triệu phú trên vùng đất khó - Ảnh 4.

Ngoài nuôi dê, ông Dìn còn nuôi trâu.

Về nhà ông bàn với vợ con sẽ bán trâu, bán bò đi mua giống mận, lê về trồng. Không riêng gì vợ con ông, bà con lối xóm thấy ông đưa cây ăn quả về đất này, ai cũng khuyên ông, không nên làm. Bỏ qua sự can ngăn đó, ông Dìn vẫn quyết tâm mua cây giống về trồng. Suốt 3 năm đầu trồng cây, ông ra vườn chỉ nhìn thấy cây với đất mà chưa thu được cái gì. "Trồng cây ăn quả ở vùng ôn đới phải mất vài ba năm, cây mới cho ra quả. Trong quá trình đợi vườn cây trả quả, ông mở rộng nuôi trâu, nuôi bò và bắt thêm đàn dê". Việc chăn nuôi đối với ông giải quyết 2 mục đích chính, khi nhà có việc, mang trâu, bò đi bán là có tiền. Hơn nữa, nguồn phân gia súc ông chuyển lên bón cho cây lê, cây mận.

Suốt 4 năm đánh trần với 3 ha đất, bằng sự nỗ lực vun trồng của mình, vườn mận nghìn cây đã cho ra quả. Giống mận Tả Van khi chín, màu tím như gan gà. Ăn ngọt lịm. Ngày đầu hái mận trên vườn xuống thưởng thức, ông nhảy cẫng như đứa trẻ được quà. Quả mận mã đẹp, ăn ngon miễn chê. Ông tin là năm sau, vườn mận này sẽ mang lại thu nhập không nhỏ cho gia đình.

Triệu phú trên vùng đất khó - Ảnh 5.

Ông Dìn đã trồng được hơn nghìn gốc mận Tả Van (ảnh Đức Phương).

Mùa xuân, hoa mận nở trắng đồi. Khu vườn của ông thuộc diện hàng hiếm ở bản Mông, vì xung quanh bà con vẫn cần mẫn tra ngô, trồng lúa. Đến vụ thu hoạch thứ hai, mận cho sai quả. Đám quả bám vào cành mận tựa như có người xếp lên cây vậy. Ngay trong vụ thu hoạch mận đầu tiên, ông đã thu được đôi tấn mận. Giá bán từ 40 đến 80.000đ/1kg. Do cây mận phát triển rất tốt ở đất này, nên chúng cho chất lượng ngon hơn các vùng khác. Cái tin ông Dìn bán vườn mận thu được cả trăm triệu đồng, đến lúc này bà con mới tin là lựa chọn của ông là đúng.

Triệu phú trên vùng đất khó - Ảnh 6.

Ông Thào A Dìn đã trồng được cả nghìn cây mận và 300 cây lê.

Vườn lê Tai Vung thì cho thu muộn hơn. Năm nay, cây lê đã cho quả bói, chất lượng cũng rất ngon. Dẫn chúng tôi lên thăm đồi, ông Dìn như được trở về với miền quả ngọt. Mỗi bước chân của ông như được tiếp thêm sức mạnh. Từng hàng mận lối nhau dài tít tắp chạy dài tới chân đồi. Ông đang bón phân và tỉa  tót cẩn thận đón mùa hoa mới. "Cây mận phát triển tốt, lại bán được giá cao, tôi mừng lắm. Bao lo lắng khi đưa giống mới về trồng đã tan biến. Giờ đây, nhiều hộ dân cũng đã cải tạo vườn tạp để học theo cách làm của tôi", ông Dìn không giấu được niềm vui khi nói về thành quả lao động của mình.

Nói về cách làm của ông Dìn, ông Nguyễn Thanh Hưng, Chủ tịch UBND xã Lùng Cải hết lời khen ngợi: "Ông ấy là ngọn gió mới, mang theo niềm hy vọng và cách làm ăn cho bà con người Mông ở nơi đây. Hiện xã Lùng Cải cũng là địa phương được tỉnh Lào Cai quan tâm hỗ trợ giống cây ôn đới như mận Tả Van, lê và cây hồng giòn. Bà con trồng cây ăn quả để thay thế nương thuốc phiện trước đây".


Xuân Tuấn