dd/mm/yyyy

Sơn La: Những nông dân vùng cao vượt khó phát triển kinh tế

Dám nghĩ, dám làm, thay đổi tư duy canh tác, chuyển đổi giống cây trồng vật nuôi, nhiều nông dân vùng cao Sơn La đã trở thành hộ sản xuất, kinh doanh giỏi...

Clip: Những nông dân vùng cao Sơn La vượt khó phát triển kinh tế gia đình

Nông dân Sơn La bứt phá trong kinh tế hộ

Chị Lò Thị Diễn, bản Búng Mo, xã Chiềng Sàng, huyện Yên Châu (Sơn La) là điển hình trong phát triển kinh tế ở huyện Yên Châu. Từ mô hình trồng cỏ nuôi bò sinh sản hàng năm gia đình chị thu nhập trên 150 triệu đồng. Chị Diễn cho biết cho biết, cách đây hơn 10 năm, cũng như nhiều hộ trong xã, gia đình chị gặp nhiều khó khăn về kinh tế, do chưa đổi mới trong trồng trọt chăn nuôi.

Sơn La: Những người nông dân vùng cao vượt khó phát triển kinh tế gia đình - Ảnh 2.

Chị Lò Thị Diễn, bản Búng Mo, xã Chiềng Sàng, huyện Yên Châu (Sơn La) bổ xung thức ăn tươi cho đàn bò của gia đình. Ảnh: Văn Ngọc

Được cán bộ xã vận động, Chị đã mạnh dạn vay vốn thực hiện mô hình chăn nuôi bò sinh sản. Từ 5 con bò giống, đến nay đàn bò của gia đình chị đã có gần 20 con, bình quân mỗi năm chị xuất bán 5 đến 6 con bò, đem lại nguồn thu ổn định cho gia đình.

"Gia đình tôi trước kia rất khó khăn, bây giờ tôi có thu nhập từ chăn nuôi bò, từ 150 – 200 triệu, cuộc sống gia đình tôi đã khấm khá lên, nuôi con ăn học. Cũng có nhiều chị em trong bản tìm đến nhà tôi học hỏi, tôi đã chia sẻ cho các chị em trong bản chăn nuôi nhốt chuồng như gia đình tôi', chị  Diễn nói.

Sơn La: Những người nông dân vùng cao vượt khó phát triển kinh tế gia đình - Ảnh 3.

Mô hình nuôi bò của chị Lò Thị Diễn được người dân đến thăm quan học hỏi.

Anh Lò Văn Chiến, bản Nam, xã Hua La, thành phố Sơn La (Sơn La) cũng là gương điển hình trong phát triển kinh tế. Anh Chiến cho biết, trước đây kinh tế gia đình rất nhiều khó khăn, không ổn định, do thiếu vốn, thiếu tư liệu sản xuất và chưa biết áp dụng khoa học kỹ thuật vào thâm canh tăng năng suất cây trồng, vật nuôi, chuyển dịch cơ cấu phát triển kinh tế nhiều lúng túng, bế tắc. Thu nhập chỉ đủ ăn và đáp ứng chi phí tối thiểu trong sinh hoạt của gia đình.

Sơn La: Những người nông dân vùng cao vượt khó phát triển kinh tế gia đình - Ảnh 4.

Anh Lò Văn Chiến, bản Nam, xã Hua La, thành phố Sơn La (Sơn La) kiểm tra nước uống cho đàn gà của gia đình. Ảnh: Văn Ngọc

Được sự giúp đỡ, tạo điều kiện của các cấp hội nông dân, cùng với việc nhận thấy, trên 2ha cà phê của gia đình là điều kiện lý tưởng cho việc kết hợp chăn nuôi gà thả vườn. Năm 2018, gia đình anh đã đầu tư xây dựng chuồng trại, con giống  phát triển mô hình nuôi gà thả vườn với quy mô lớn, trung bình 2 vạn con mỗi năm, chia làm 5 lứa nuôi gối nhau, mỗi lứa 5.000 con.

"Với phương pháp nuôi gà an toàn vệ sinh thực phẩm, gia đình anh không phải lo nhiều về khâu tiêu thụ. Đàn gà cứ đến ngày xuất bán là có thương lái đến tận trang trại thu mua, giá bán trung bình khoảng 90.000 – 100.000đồng/kg. Bình quân mỗi năm sau khi trừ chi phí, anh Chiến thu lãi từ hơn 1 tỷ đồng" anh Chiến nói

Sơn La: Những người nông dân vùng cao vượt khó phát triển kinh tế gia đình - Ảnh 5.

Mô hình nuôi gà thả vườn của gia đinh anh Lò Văn Chiến, bản Nam, xã Hua La, thành phố Sơn La (Sơn La) cho thu nhập cao. Ảnh: Văn Ngọc

Sơn La ngày càng có nhiều Nông dân Giỏi

Cũng như chị Diễn, anh Chiến gia đình ông Nguyễn Văn Lâm, bản Ta Niết, xã Chiềng Hắc, huyện Mộc Châu (Sơn La) là gương điển hình phát triển kinh tế ở địa phương. Xuất phát từ gia đình nhiều khó khăn, thiếu ăn thường xuyên, không có trâu bò cày kéo, đến vụ phải đi thuê sức kéo.

Nhận thức được vấn đề, cùng với quyết tâm của 2 vợ chồng, được sự quan tâm của cấp ủy, chính quyền cơ sở, đặc biệt là Hội Nông dân huyện Mộc Châu, cùng với sự hỗ trợ vay vốn từ ngân hàng CSXH, gia đình ông Lâm đã đầu trồng trên 600 trụ thanh long. Canh tác theo hướng hữu cơ, chăm sóc đúng quy trình, thực hiện khắt khe các bước chăm bón, nhờ vậy sản phẩm thanh long của gia đình ông được thương lái đến thu mua tận vườn.

Sơn La: Những người nông dân vùng cao vượt khó phát triển kinh tế gia đình - Ảnh 6.

Ông Nguyễn Văn Lâm, bản Ta Niết, xã Chiềng Hắc, huyện Mộc Châu (Sơn La) tiến hành chăm sóc vườn thanh long của gia đình. Ảnh: Văn Ngọc

"Năm vừa rồi gia đình tôi thu về khoảng 10 tấn quả, được thương lái thu mua toàn bộ với giá từ 15.000 -20.000 đồng/kg, trừ chi phí gia đình thu về hơn 100 triệu đồng. Gia đình sản xuất an toàn nên yên tâm về đầu ra", ông Lâm nói.

Sơn La: Những người nông dân vùng cao vượt khó phát triển kinh tế gia đình - Ảnh 7.

Mô hình trồng thanh long của gia đình ông Nguyễn Văn Lâm, bản Ta Niết, xã Chiềng Hắc, huyện Mộc Châu (Sơn La) cho thu nhập ổn định. Ảnh: Văn Ngọc

Có thể thấy, chị Diễn, anh Chiến, ông Lâm chỉ là 3 trong số rất nhiều nông dân thời gian qua vượt khó vươn lên làm giàu. Đặc biệt, với tư duy dám nghĩ, dám làm, khi thành công, họ đã không ngần ngại hỗ trợ, truyền cảm hứng cho nhiều nông dân khác vượt khó vươn lên làm giàu chính đáng, được cấp ủy, chính quyền địa phương ghi nhận, biểu dương, khen thưởng.


Văn Ngọc - Nguyễn Vinh