dd/mm/yyyy

Sơn La: Đòn bẩy phát triển kinh tế vùng đồng bào dân tộc thiểu số

Huyện Mường La (Sơn La) đã có nhiều chủ trương, chính sách phát triển KT - XH, xóa đói, giảm nghèo vùng đồng bào dân tộc thiểu số và đã đạt được nhiều kết quả.

Clip: Đòn bẩy giúp phát triển kinh tế vùng đồng bào dân tộc thiểu số

Sơn La đưa chính sách vào cuộc sống

Với tỷ lệ đồng bào DTTS cao, chiếm 95,15% dân số toàn huyện, thời gian qua, huyện Mường La (Sơn La) đã tranh thủ sự hỗ trợ từ các chương trình của Chính phủ để đầu tư xây dựng hạ tầng miền núi, nhằm tạo động lực thúc đẩy kinh tế - xã hội các địa phương phát triển. Nhờ đó, đời sống của đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh đã được cải thiện đáng kể. Bên cạnh đó nhiều hộ đồng bào dân tộc thiểu số đã biết áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, thâm canh tăng vụ và tích cực chuyển dịch cơ cấu sản xuất theo hướng sản xuất hàng hoá. 

Đòn bẩy giúp phát triển kinh tế vùng đồng bào dân tộc thiểu số - Ảnh 2.

Dân tộc thiểu số, chiếm 95,15% dân số toàn huyện Mường La (Sơn La). Ảnh: Văn Ngọc

Từ sự hỗ trợ của chính sách dân tộc, được vay vốn từ Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Mường, gia đình bà Lò Thị So, bản Pú Luông, xã Mường Bú, huyện Mường La (Sơn La) đã mạnh dân đầu tư trồng cỏ nuôi bò vỗ béo phát triển kinh tế. So với thu nhập bấp bênh, bữa đói bữa no từ nhiều năm trước, thì nay cuộc sống của gia đình bà đã ổn định và khá hơn nhiều.

"Nhờ được sự quan tâm, giúp đỡ của cấp ủy, chính quyền địa phương, gia đình đã được vay vốn để mua 8 con bò giống, môi năm gia đình tôi nuôi được 3 lứa bò vỗ béo, xuất bán 3 lần, thu nhập cũng được trên 100 triệu đồng/năm, kinh tế của gia đình ngày càng khá hơn', bà So nói.

Đòn bẩy giúp phát triển kinh tế vùng đồng bào dân tộc thiểu số - Ảnh 3.

Từ vốn vay Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Mường, gia đình bà Lò Thị So, bản Pú Luông, xã Mường Bú, huyện Mường La (Sơn La) đã mạnh dân đầu tư trồng cỏ nuôi bò vỗ béo phát triển kinh tế. Ảnh: Văn Ngọc

Còn đối với gia đình anh Lò Văn Hinh, bản Két, xã Tạ Bú, huyện Mường La (Sơn La) nhờ sự hỗ trợ từ các chính của huyện, gia đình anh đã liên kết trồng dứa cung cấp nguyên liệu cho Trung tâm chế biến rau, quả Doveco Sơn La.

"Gia đình tôi đã chuyển đổi 2 ha đất nương của gia đình sang trồng dứa; giống dứa do Công ty hỗ trợ và được cán bộ Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Mường La hướng dẫn kỹ thuật nên cây dứa phát triển tốt". ông Hinh nói.

Theo anh Hinh, hiện cây dứa đã đến kỳ cho thu hoạch, dự kiến đến đầu tuần tháng 6/2022, Trung tâm chế biến rau, quả Doveco Sơn La sẽ vào thu mua. Niên vụ năm nay, gia đình anh Hinh sẽ thu được gần 30 tấn quả dứa tươi, với giá bán mà Công ty cam kết thu mua là 4.800 đồng/kg, mỗi ha gia đình anh Hinh sẽ thu khoảng hơn 70 triệu đồng.

Đòn bẩy giúp phát triển kinh tế vùng đồng bào dân tộc thiểu số - Ảnh 4.

Mô hình trồng dứa của gia đình anh Lò Văn Hinh, bản Két, xã Tạ Bú, huyện Mường La (Sơn La), được hỗ trợ về cây giống, phân bón, kỹ thuật. Ảnh: Văn Ngọc

Bà con dân tộc thiểu số Sơn La thụ hưởng chính sách ưu đãi

Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Trọng Hiệp, Trưởng phòng Dân tộc huyện Mường La, tỉnh Sơn La cho biết: Mường La với tỷ lệ đồng bào DTTS cao (chiếm 95,15% dân số toàn huyện), thời gian vừa qua, Đảng bộ, các cấp chính quyền huyện Mường La đã lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng đồng bộ và toàn diện các chương trình, kế hoạch thực hiện các chính sách đối với đồng bào các DTTS. Các chương trình mục tiêu Quốc gia đầu tư cho đồng bào các DTTS trên địa bàn huyện được triển khai đầy đủ, kịp thời, đúng đối tượng, đúng quy định của Đảng và Nhà nước.

Từ năm 2014 đến nay, với tổng số vốn đầu tư toàn xã hội trên 4.500 tỷ đồng từ nhiều chương trình, dự án, huyện Mường La đã đầu tư tương đối đồng bộ hệ thống cơ sở hạ tầng kỹ thuật vùng đồng bào DTTS sinh sống. Tỷ lệ hộ nghèo giảm đáng kể, 100% số xã có đường ô tô đến trung tâm xã; 98% số hộ được dùng điện; 94% số hộ được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh; 100% các xã có trạm y tế; 100% trẻ em trong độ tuổi được đến trường…

Đòn bẩy giúp phát triển kinh tế vùng đồng bào dân tộc thiểu số - Ảnh 5.

Đồng bào dân tộc thiểu số đã biết áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, thâm canh tăng vụ. Ảnh: Văn Ngọc

"Nhiều hộ đồng bào dân tộc thiểu số đã biết áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, thâm canh tăng vụ và tích cực chuyển dịch cơ cấu sản xuất theo hướng sản xuất hàng hoá để vươn lên thoát nghèo, số hộ nghèo giảm theo từng năm. Nhiều công trình kết cấu hạ tầng được đầu tư, xây dựng khang trang làm chuyển biến rõ rệt bộ mặt nông thôn" ông Hiệp nói.

Đòn bẩy giúp phát triển kinh tế vùng đồng bào dân tộc thiểu số - Ảnh 6.

Đường giao thông nông thôn được xây dựng khang trang, tạo điều kiện cho người dân đi lại, phát triển sản xuất. Ảnh: Văn Ngọc

Để tiếp tục triển khai có hiệu quả các chính sách dân tộc, huyện Mường La (Sơn La) thực hiện tốt các mục tiêu phát triển kinh tế- xã hội, huy động nhiều nguồn lực cho đầu tư phát triển, ưu tiên đầu tư giảm nghèo bền vững, giải quyết những khó khăn, bức xúc của đồng bào dân tộc thiểu số; đẩy mạnh ứng dụng những tiến bộ khoa học kỹ thuật trong sản xuất. Từ đó giảm nghèo bền vững, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho đồng bào dân tộc trên địa bàn huyện.

Văn Ngọc - Nguyễn Vinh