dd/mm/yyyy

Sơn La: Hiệu quả từ việc thay đổi tư duy sản xuất nông nghiệp ở huyện miền núi

Tiếp thu tiến bộ khoa học kỹ thuật, khai thác thế mạnh bản địa từ việc đưa những loại cây trồng, con giống có giá trị kinh tế cao vào canh tác và chăn nuôi đã mở ra hướng phát triển bền vững, mang lại nguồn thu nhập ổn định, giúp nhiều nông dân huyện Mai Sơn (Sơn La) xóa đói, giảm nghèo.

Mai Sơn là huyện miền núi của tỉnh Sơn La, có địa hình đồi núi dốc, cộng với một số vùng tập quán canh tác lạc hậu dẫn đến hiệu quả trong sản xuất nông nghiệp chưa cao. Tuy nhiên, mấy năm gần đây với việc được tiếp thu các tiến bộ khoa học kỹ thuật cũng như, khai thác thế mạnh bản địa từ việc đưa những loại cây trồng, con giống có giá trị kinh tế cao vào canh tác và chăn nuôi đã mở ra hướng phát triển bền vững, mang lại nguồn thu nhập ổn định, giúp nhiều người dân huyện Mai Sơn xóa đói, giảm nghèo, vươn lên làm giàu.

Sơn La: Thay đổi tư duy sản xuất nông nghiệp ở huyện vùng cao - Ảnh 1.

Các sườn đồi của huyện Mai Sơn (Sơn La) được phủ xanh bởi những vườn cây ăn quả. Ảnh: Văn Ngọc

Các mô hình kinh tế điển hình

Có điều kiện về đất canh tác, được ngành nông nghiệp huyện vận động, tuyên truyền cũng như được Công ty Cổ phần Mía đường Sơn La hỗ trợ về giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, năm 2010 gia đình anh Điêu Chính Chong, bản Sơn Pha, xã Cò Nòi, huyện Mai Sơn đã chuyển toàn bộ diện tích hơn 1 ha đất của gia đình sang trồng mía, cung cấp mía nguyên liệu cho Công ty Cổ phần Mía đường Sơn La.

Anh Chong chia sẻ: Những năm trước đây, gia đình tôi trồng ngô, trồng sắn nên hiệu quả kinh tế thấp. Từ khi chuyển sang trồng mía, mỗi năm gia đình tôi thu được hơn 100 tấn mía, với giá 850 đồng/kg, thu về gần 100 triệu đồng. So với các loại cây trồng khác, trồng mía cần ít công chăm sóc hơn nên có nhiều thời gian để làm việc khác, hiệu quả kinh tế lại cao hơn. Ngoài ra, Công ty Cổ phần Mía đường Sơn La ký hợp đồng bao tiêu nên gia đình cũng như các hộ dân khác rất yên tâm sản xuất.

Sơn La: Thay đổi tư duy sản xuất nông nghiệp ở huyện vùng cao - Ảnh 2.

Nhờ trồng mía, gia đình anh Điêu Chính Chong, bản Sơn Pha, xã Cò Nòi, huyện Mai Sơn (Sơn La) có cuộc sống khấm khá hơn. Ảnh: Văn Ngọc

Còn đối với gia đình anh Lò Văn Xuân, bản Bó Hặc, xã Cò Nòi, huyện Mai Sơn (Sơn La) do ít đất sản xuất, gia anh đã chọn hướng chăn nuôi trâu nhốt chuồng vỗ béo.

Anh Xuân cho biết: Trước kia, tôi chủ yếu trồng ngô, trồng sắn, cây trồng trên nương nên năng suất không cao. Tận dụng quỹ đất của gia đình, tôi chuyển hướng sang trồng cỏ phục vụ chăn nuôi. Với số tiền vay từ họ hàng, tôi đã đầu tư xây dựng chuồng trại, phát triển chăn nuôi trâu vỗ béo bằng cách nuôi nhốt chuồng. Hiện tại trang trại của tôi có 15 con trâu.

Để chủ động nguồn thức ăn hàng ngày cho đàn trâu, gia đình anh Xuân đã tích thêm rơm rạ, ủ cây ngô, ngọn mía trong kho làm thức ăn dự trữ. Vì vậy nguồn thức ăn cho đàn trâu luôn được bảo đảm, không lo thiếu, kể cả trong suốt mùa đông lạnh giá. Với kỹ thuật nuôi trâu vỗ béo khoa học nên đàn trâu của anh Xuân lớn nhanh, cho năng suất thịt cao và bán được giá, có con bán với giá trên 60 triệu đồng.

"Trong một năm, gia đình tôi bán trâu thành 3 đợt, mỗi đợt bán từ 6-7 con trâu đã vỗ béo, bình quân mỗi con bán được từ 45- 55 triệu đồng. Sau khi trừ chi phí, gia đình tôi thu lãi gần 200 triệu đồng", anh Xuân nói.

Sơn La: Thay đổi tư duy sản xuất nông nghiệp ở huyện vùng cao - Ảnh 3.

Anh Lò Văn Xuân, bản Bó Hặc, xã Cò Nòi, huyện Mai Sơn (Sơn La) bổ sung thức ăn tươi cho đàn trâu của gia đình. Ảnh: Văn Ngọc

Còn đối với gia đình ông Dương Văn Thịnh, Tiểu khu 3/2, xã Cò Nòi, huyện Mai Sơn (Sơn La) với diện tích hơn 2 ha đất bằng, gia đình ông đã đầu tư khoan giếng lấy nước tưới, phát triển các loại cây ăn quả như: mít, na và cây xoài.

"Việc chăm sóc cây ăn quả để đáp ứng theo nhu cầu của thị trường, người nông dân phải chăm sóc theo một quy trình chặt chẽ. Bây giờ bà con chúng tôi không phun thuốc diệt cỏ, chỉ dùng máy phát làm cỏ cho cây, có nhật ký ghi rõ thời điểm bón phân, phun thuốc để theo dõi", ông Thịnh nói.

Nhờ đi đúng hướng phát triển kinh tế hộ gia đình, cũng như áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào canh tác, diện tích cây ăn quả gia đình ông Thịnh cho năng suất và chất lượng cao. Trừ tất cả chi phí, gia đình ông thu về gần 200 triệu đồng/năm.

Sơn La: Thay đổi tư duy sản xuất nông nghiệp ở huyện vùng cao - Ảnh 4.

Ông Dương Văn Thịnh, Tiểu khu 3/2, xã Cò Nòi, huyện Mai Sơn ( Sơn La) đang chăm sóc vườn xoài của gia đình. Ảnh: Văn Ngọc

Thay đổi tư duy canh tác của người dân

Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Khắc Hào, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Mai Sơn cho biết: Trên địa bàn huyện kinh tế chủ yếu dựa vào sản xuất nông nghiệp. Để khuyến khích người dân phát triển kinh tế gia đình, đã có nhiều chính sách hỗ trợ của Nhà nước để giúp nông dân xây dựng các mô hình nông nghiệp. Sau nhiều năm, bên cạnh sự hỗ trợ đầu tư của Nhà nước thì ý thức của người dân đã có sự thay đổi rõ rệt, không cam chịu đói nghèo, nỗ lực vươn lên, học hỏi để áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào trồng trọt, phát triển chăn nuôi trên cơ sở khai thác các thế mạnh về điều kiện đất đai, khí hậu.

Sơn La: Thay đổi tư duy sản xuất nông nghiệp ở huyện vùng cao - Ảnh 5.

Bà Đỗ Thị Phượng, Tiểu khu Thành Công, xã Nà Bó, huyện Mai Sơn (Sơn La) chăm sóc vườn thanh long của gia đình. Ảnh: Văn Ngọc

Duy trì ổn định hơn 6.500ha cây cà phê, cao su, chè; trong đó, chất lượng sản phẩm cà phê từng bước được nâng cao, gần 90% diện tích cà phê đã cho thu hoạch, 3.400ha cà phê được cấp giấy chứng nhận VietGAP, 4C, UTZ.

Diện tích cây ăn quả toàn huyện có 10.800ha, sản lượng cho thu hoạch đạt 70 nghìn tấn. Đến nay, trên địa bàn huyện Mai Sơn có 3.000 ha cây ăn quả thực hiện theo mô hình ứng dụng công nghệ cao, 800ha sản xuất theo hướng hữu cơ.

Có hơn 1.405 hộ dân tham gia đăng ký xây dựng 3 vùng cây ăn quả nhãn, xoài, na, ứng dụng công nghệ cao với diện tích 1.075,8ha. Tổ chức sản xuất nông nghiệp theo hướng hữu cơ trên địa bàn các xã, thị trấn với các sản phẩm như cam, bưởi, nhãn, xoài, thanh long, na, dâu tây, với quy mô 800ha. Hiện huyện Mai Sơn có 40 mã số vùng trồng phục vụ xuất khẩu, với diện tích hơn 1.300ha, 5 cơ sở đóng gói được cấp xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc, Mỹ, Úc.

Sơn La: Thay đổi tư duy sản xuất nông nghiệp ở huyện vùng cao - Ảnh 6.

Những năm trở lại đây, cây ăn quả đã đem lại thu nhập cao cho người nông dân huyện Mai Sơn (Sơn La). Ảnh: Văn Ngọc

Chăn nuôi tiếp tục được duy trì và phát triển, với 182.550 gia súc, hơn 1,3 triệu con gia cầm các loại. Hiện trên địa bàn huyện có 139 trang trại chăn nuôi, một số trang trại đã áp dụng công nghệ cao vào sản xuất để giảm thiểu chi phí lao động, hạ giá thành sản phẩm, nâng cao hiệu quả kinh tế.

Có thể khẳng định tư duy phát triển kinh tế của người dân đã thay đổi từng bước, sản xuất nông nghiệp chuyển sang làm kinh tế nông nghiệp, tức là tăng giá trị sản xuất trên cùng một đơn vị diện tích đất. Đồng thời phát huy được lợi thế so sánh về điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng để lựa chọn được những loại cây trồng, con giống thích hợp, có giá trị kinh tế cao, mang tính đặc sản vùng miền, bản địa, từng bước góp phần vào sản xuất nông nghiệp theo hướng cơ cấu đặc sản, tiêu chuẩn OCOP và các chứng nhận VietGAP hữu cơ. Từ đó  giúp người dân có thu nhập ổn định, vươn lên làm giàu.

Văn Ngọc