Triển vọng từ giống na sầu riêng đầu tiên kết trái trên Tây Bắc
Được biết, năm 2018, cây na sầu riêng được HTX Mé Lếch (bản Mé Lếch, xã Cò Nòi, huyện Mai Sơn, tỉnh Sơn La), phối hợp với Công ty cổ phần đầu tư rau quả Việt Nam nhập giống từ Đài Loan về ghép cải tạo giống na mới. Qua quá trình ghép thử nghiệm đến tháng 10/2021, đã cho giống na có quả khổng lồ đầu tiên.
Nhận thấy hiệu quả kinh tế cao ngay từ đầu năm 2022, các thành viên trong HTX đã tập trung ghép cải tạo 5 ha từ na dai truyền thống sang giống na sầu riêng. Đồng thời, HTX còn liên kết, hướng dẫn bà con trong bản và các bản lân cận ghép cải tạo thêm 20 ha na Hoàng hậu, na sầu riêng.
Ngoài ra, cây na sầu riêng này từ lúc đậu quả cho đến khi thu hoạch phải mất 7 tháng trời; muộn 3 tháng so với các loại na khác. Cũng chính vì vậy mà na sầu riêng cho giá trị kinh tế cao gấp nhiều lần. Tuy nhiên, hiện nay hầu như quả na sầu riêng chủ yếu được nhập khẩu từ nước ngoài vào thị trường Việt Nam tiêu thụ.
Do đó, để cạnh tranh được với na của nước ngoài cũng như nhằm góp phần tăng năng suất, sản lượng cao hơn, đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng. HTX Mé Lếch đã và đang tích cực tuyên truyền cho các thành viên trong HTX và các hộ dân ghép cải tạo để mở rộng diện tích.
Năm nay, anh Lò Văn Sao, thành viên HTX Mé Lếch ghép cải tạo từ na dai truyền thống sang 2 ha na sầu riêng. Đây là giống na mới được anh Sao cùng một số thành viên trong HTX đưa vào trồng thử nghiệm năm 2021, bước đầu cây na sầu riêng đã bói quả và có nhiều triển vọng.
Anh Sao, chia sẻ: Năm 2021, gia đình tôi ghép được 300 gốc na sầu riêng để nhân giống, do vậy mấy ngày nay tranh thủ thời tiết thuận lợi, gia đình tôi ghép để cây sinh trưởng và phát triển tốt. Việc ghép mắt na sầu riêng vào cây na dai ta sẽ tạo ra những quả na “khổng lồ” và lạ mắt cho giá trị kinh tế cao hơn.
Còn anh Lò Văn Vinh, cũng là thành viên HTX Mé Lếch, bảo: Nhận thấy việc ghép cải tạo na ta thành na sầu riêng cho hiệu quả kinh tế cao lại tiết kiệm chi phí mua cây giống bởi giống na này có giá khá đắt nên năm nay tôi đã thực hiện ghép cải tạo thêm 2 ha na sầu riêng.
Cũng theo anh Vinh, na dai truyền thống được gia đình anh trồng từ hơn chục năm, tốn nhiều công chăm sóc, năng suất, hiệu quả thấp. Bởi vậy, gia đình anh đã quyết định tiến hành ghép sang na sầu riêng.
Chia sẻ phương pháp ghép cải tạo giống na mới
HTX Mé Lếch hiện có 20 thành viên với cây trồng chủ lực là na, hiện HTX có 100 ha cây na, chủ yếu là na dai, na Thái và na sầu riêng. Đây là những giống na có giá trị kinh tế cao và cho thu hoạch quanh năm; đặc biệt, phù hợp với khí hậu, thổ nhưỡng địa phương.
Anh Nguyễn Hữu Tứ, Giám đốc HTX Mé Lếch, cho biết: Về kỹ thuật ghép, đầu tiên phải chuẩn bị mắt và cắt cành tạo tán trước khi ghép vào cây phôi. Mắt ghép chuẩn bị cắt trước ít nhất một ngày để qua đêm cho thoát bớt nhựa đến hôm sau mới mang đi ghép. Cây phôi nếu là cây ghép cải tạo, cây đạt độ tuổi từ 3 - 4 năm tuổi trở lên.
Đối với na hoàng hậu thời điểm ghép tốt nhất là vào tháng 2 - 3 âm lịch, còn na sầu riêng bắt đầu ghép từ tháng 1 - 6 âm lịch.
Trong quá trình ghép sẽ ghép vào gốc ghép cắt ngọn cách mặt đất 80 cm, kích thước từ cành gốc ra và cắt để ghép cách khoảng 30cm. Buộc từ điểm tiếp đầu tiên khi gọt cho đến điểm cuối của cành ghép quấn dài khoảng 10 - 12cm.
Sử dụng giấy nilon ghép cây giống để quấn lại thành vòng để giữ cho mắt ghép chắc chắn nhất; sau khi ghép xong cần phun thuốc để đuổi kiến và côn trùng tránh cắn túi bóng.
Anh Tứ, cho biết thêm: Tháng 1/2022, gia đình tôi đã được Sở NN&PTNT tỉnh Sơn La ký Quyết định công nhận vườn cây đầu dòng giống na SR-1. Công nhận vườn cây đầu dòng giống na SR-1 trồng tại vườn của gia đình tôi cho Công ty cổ phần đầu tư rau quả Việt Nam, với 500 cây, cho phép nhân giống tối đa năm 2022 là 30 nghìn đoạn cành ghép/năm tương đương 90 nghìn mắt ghép/năm.
Đến năm 2023, khai thác 35 nghìn đoạn cành ghép/năm tương đương với 105 nghìn mắt ghép/năm. Toàn bộ sản phẩm na sầu riêng của HTX đã được Công ty cổ phần đầu tư rau quả Việt Nam ký cam kết bao tiêu.
Thời gian tới, HTX Mé Lếch tiếp tục hướng dẫn các thành viên trồng và chăm sóc na theo hướng hữu cơ. Sử dụng phân chuồng ủ hoai mục, phân lân để bón cho cây; dùng tinh dầu thảo mộc phun cho na để diệt côn trùng, sâu rệp gây hại. Bao trái cho quả na đúng thời điểm để phòng, chống sâu bệnh hại, giúp mang lại năng suất cao, mẫu mã đẹp, nâng cao giá trị sản phẩm…