Sơn La đảm bảo nguồn nước tưới cho cây trồng

Văn Ngọc

09/04/2025 13:46 GMT +7

Dự báo những tháng tới, địa bàn tỉnh Sơn La có thể xảy ra nắng nóng kéo dài. Để chủ động phòng chống hạn, địa phương này đã đồng bộ các giải pháp nhằm đảm bảo nguồn nước tưới cho cây trồng.

Xây dựng các công trình thủy lợi đảm bảo nguồn nước tưới

Những ngày này, trên khắp cánh đồng của các huyện Phù Yên, Yên Châu, Sông Mã, Mai Sơn,… bà con nông dân đang hối hả chăm sóc lúa. Không khí lao động khẩn trương, người dân tập trung bón phân, làm cỏ để cây lúa phát triển tốt.

Ông Lù Văn Pinh, bản Búng Diến, xã Mường Bú (Mường La, Sơn La) chia sẻ: Vụ này, gia đình tôi gieo trồng 600m2 lúa nếp 97, 87. Trong tháng 3 gia đình tôi gieo cấy xong. Nhờ có công trình thủy lợi mới được đầu tư, mấy năm trở lại đây gia đình tôi thuận tiện hơn trong việc canh tác.

Theo dự báo, trong những tháng tới sẽ là thời điểm nắng nóng gay gắt, ít mưa, nhu cầu tưới nước tăng cao trong khi mạch nước ngầm ngày càng cạn kiệt. Nếu nắng nóng kéo dài, nguy cơ thiếu nước tưới vào cuối vụ là rất lớn. Để chủ động phòng, chống hạn, các địa phương trên địa bàn tỉnh Sơn La phối hợp với các đơn vị chuyên môn kiểm tra, đánh giá nguồn nước hiện có; đồng thời, xây dựng kế hoạch điều tiết nước hợp lý. Ngoài ra, huyện cũng cử cán bộ xuống cơ sở hướng dẫn người dân cách lấy và sử dụng nước hiệu quả, hạn chế thất thoát nước.

Cánh đồng lúa xã Chiềng Mung, huyện Mai Sơn, tỉnh Sơn La lúa đang thời kỳ phát triển. Ảnh: Văn Ngọc

Chúng tôi đến huyện Mai Sơn - một trong những địa phương của canh tác nông nghiệp lớn của tỉnh. Để chủ động nguồn nước tưới cho cây trồng, hàng năm, địa phương này đã triển khai đồng bộ các giải pháp từ đầu tư xây dựng, sửa chữa các công trình thủy lợi đến việc áp dụng các tiến bộ khoa học vào canh tác nông nghiệp để đảm bảo nguồn nước tưới.

Theo thống kê, huyện Mai Sơn có 204 công trình hồ, đập thủy lợi; 236km mương nội đồng cấp nước phục vụ sản xuất trên 16.600 ha lúa, ngô, cây ăn quả, rau màu và nuôi thủy sản. Đến thời điểm hiện tại, nguồn nước phục vụ sản xuất vụ xuân ở Mai Sơn vẫn đảm bảo cho toàn bộ diện tích. Tuy nhiên, vào cuối tháng 3, đầu tháng 4 hằng năm sẽ bước vào cao điểm hạn hán, ảnh hưởng đến sự phát triển của cây trồng.

Chi nhánh Công ty TNHH một thành viên Quản lý, khai thác công trình thủy lợi Sơn La tại Mai Sơn đã phối hợp với các đơn vị liên quan trực tiếp hướng dẫn kỹ thuật tưới tiết kiệm nước, chống thất thoát lãng phí; hướng dẫn bơm, làm thêm guồng nước để đảm bảo đủ nước phục vụ sản xuất. Chỉ đạo các tổ thủy lợi vận hành công trình và điều tiết nước tưới, khai thông mương dẫn nước, đầu mối lấy nước. Tăng cường kiểm tra, phát hiện và xử lý các trường hợp lấn chiếm, xây dựng công trình trái phép trong phạm vi công trình thủy lợi.

Ông Phan Việt Hùng, Trưởng Chi nhánh Công ty TNHH một thành viên quản lý, khai thác công trình thủy lợi Sơn La tại Mai Sơn cho biết: Đơn vị đã kiểm tra hiện trạng, đánh giá khả năng cấp nước của các công trình thủy lợi; hướng dẫn các tổ thủy lợi cơ sở sửa chữa, khơi thông các vị trí mương bị bồi lắng. Thực hiện tưới luân phiên đối với diện tích nơi công trình đã xảy ra hạn hán, ưu tiên xa tưới trước, gần tưới sau.

Từ năm 2024 đến nay, Chi nhánh đã sửa chữa, nâng cấp 8 công trình thủy lợi tại các xã Chiềng Ban, Mường Chanh, Chiềng Mung, Chiềng Ve, Cò Nòi và Chiềng Chăn, tổng mức đầu tư trên 3,5 tỷ đồng. Ngoài ra, đơn vị còn cử nhân viên phụ trách từng xã hoặc cụm xã, phối hợp với địa phương nâng cao khả năng quản lý, khai thác các công trình thủy lợi; thường xuyên theo dõi mực nước hồ chứa để điều tiết hợp lý, tiết kiệm tối đa.

Hệ thống thủy lợi tại xã Chiềng Mung, huyện Mai Sơn, tỉnh Sơn La. Ảnh: Văn Ngọc

Đảm bảo nguồn nước tưới nâng cao năng suất cây trồng

Còn tại địa bàn huyện Sông Mã hiện có 308 công trình thủy lợi, trong đó, có 1 hồ chứa, 183 công trình đập bê tông, 124 công trình phai tạm, với tổng chiều dài tuyến trên 405km. Hằng năm, UBND huyện Sông Mã chỉ đạo Phòng Nông nghiệp và Môi trường huyện, các xã phối hợp với Chi nhánh Công ty TNHH một thành viên quản lý, khai thác công trình thủy lợi Sơn La tại Sông Mã chủ động xây dựng kế hoạch, phương án chống hạn và kế hoạch tưới tiêu phục vụ sản xuất.

Bà Lò Thị Bạch, Trưởng phòng Nông nghiệp và Môi trường huyện Sông Mã, cho biết: Với mục tiêu chủ động nguồn nước tưới phục vụ sản xuất nông nghiệp, huyện chỉ đạo các xã thành lập, kiện toàn các tổ thủy lợi cơ sở thực hiện vận hành, bảo vệ an toàn các công trình thủy lợi trong phạm vi phụ trách tưới tiêu. Vận động, tuyên truyền bà con nông dân nâng cao ý thức trong bảo vệ, sử dụng đưa nước từ các công trình thủy lợi về đồng ruộng.

Thống nhất với các xã lịch gieo cấy, thời gian dẫn nước vào đồng ruộng, giúp bà con chủ động đón nước, gieo cấy và chăm sóc cây trồng đúng khung thời vụ. Nhờ có hệ thống mương đảm bảo, công tác quản lý, sử dụng các công trình thủy lợi được chú trọng, nhân dân chủ động nước tưới đảm bảo gieo cấy đúng khung thời vụ.

Bên cạnh đó, hằng năm, huyện Sông Mã phát động phong trào ra quân đầu xuân, vận động nhân dân nạo vét mương nội đồng, đảm bảo đưa nước về đồng ruộng thuận tiện, hiệu quả. Từ đầu năm đến nay, huyện đã huy động trên 18.500 người, sửa chữa 70 công trình phai tạm, tiến hành lao động phát dọn, nạo vét hơn 3.800m3 bùn đất, duy tu, sửa chữa tất cả các tuyến mương dẫn nước trên địa bàn

Nông dân huyện Sông Mã làm đất để chuẩn bị gieo cấy. Ảnh: Văn Ngọc

Hiện nay, huyện Yên Châu có hơn 28.220 ha đất trồng các loại cây, bao gồm: Khoảng 10.120 ha cây lương thực và rau màu; hơn 5.600 ha cây công nghiệp và 12.500 ha cây ăn quả. Hệ thống thủy lợi của huyện gồm 9 hồ chứa, 185 công trình thủy lợi và gần 250km mương nội đồng đã được đầu tư kiên cố, đảm bảo khoảng 90% nhu cầu nước tưới cho cây lương thực. Tuy nhiên, việc tưới cho cây ăn quả và cây công nghiệp chủ yếu vẫn phụ thuộc vào nước tự nhiên từ suối, hồ và giếng khoan.

Đến thời điểm này, các xã trên địa bàn huyện Yên Châu cơ bản vẫn đảm bảo đủ nước tưới cho cây trồng, chưa xảy ra tình trạng hạn hán. Tuy nhiên, theo dự báo, thời tiết năm nay sẽ có nắng nóng kéo dài, nguy cơ cây trồng bị thiếu nước là rất cao.

Sơn La đầu tư xây dựng, sửa chữa các hệ thống thủy lợi để đảm bảo nguồn nước tưới. Ảnh: Văn Ngọc

Bà Lò Thu Hà, Phó trưởng Phòng Nông nghiệp và Môi trường huyện, cho biết: Phòng đang phối hợp với các xã tuyên truyền, vận động người dân chủ động thực hiện các biện pháp phòng, chống hạn. Cụ thể, khoanh vùng rõ những diện tích có nguy cơ thiếu nước để ưu tiên cấp nước hợp lý; hướng dẫn người dân tích nước, sử dụng nước tưới tiết kiệm. Với cây lúa, áp dụng phương châm “cao, xa tưới trước; thấp, gần tưới sau”. Đối với cây ăn quả, khuyến khích tưới tiết kiệm. Những nơi địa hình cao, khó khăn về nước thì chuyển đổi sang trồng rau màu ngắn ngày, phù hợp với điều kiện khô hạn.

Việc chủ động triển khai các biện pháp chống hạn trong thời điểm hanh khô là rất quan trọng, nhằm đảm bảo cây trồng sinh trưởng bình thường. Nhờ sự vào cuộc kịp thời của các ngành, chính quyền địa phương và người dân, diện tích sản xuất trên địa bàn tỉnh Sơn La vẫn được đảm bảo, hứa hẹn đạt năng suất, chất lượng cao và giảm thiểu thiệt hại nếu xảy ra hạn hán.

Đây là giống cây đặc sản mới nhất ở Sơn La, quả ngon ánh vàng

Đây là giống cây đặc sản mới nhất ở Sơn La, quả ngon ánh vàng

Trung tâm Khuyến nông quốc gia phối hợp với tỉnh Sơn La trồng thử nghiệm giống nhãn ánh vàng 205 tại một số địa phương trong tỉnh. Kết quả bước đầu cho thấy giống nhãn mới nhất này có nhiều ưu điểm vượt trội so với các giống nhãn khác...

Triển vọng từ giống nhãn ánh vàng 205 trên đất Sơn La

Triển vọng từ giống nhãn ánh vàng 205 trên đất Sơn La

Trung tâm Khuyến nông quốc gia xây dựng và phát triển mô hình nhãn ánh vàng 205 theo tiêu chuẩn VietGAP tại Sơn La giai đoạn 2023-2025.

Sơn La trao đổi kinh nghiệm phát triển cây ăn quả với Quảng Ngãi

Sơn La trao đổi kinh nghiệm phát triển cây ăn quả với Quảng Ngãi

Tỉnh Sơn La và tỉnh Quảng Ngãi trao đổi kinh nghiệm công tác quản lý đất đai, ứng dụng khoa học kỹ thuật trong phát triển vùng cây ăn quả trên đất đồi dốc.