dd/mm/yyyy

Quỳnh Nhai nuôi cá lồng theo chuỗi giá trị bền vững

Để tăng sản lượng nuôi cá lồng ở vùng lòng hồ sông Đà, thời gian qua huyện Quỳnh Nhai, tỉnh Sơn La đã tập trung mở rộng quy mô nuôi cá lồng theo chuỗi giá trị bền vững. Qua đó, tạo điều kiện cho bà con nhân dân có nguồn thu nhập ổn định và gắn bó với nghề nuôi cá ở vùng sông nước.

Đồng hành cùng ngư dân 

Trước kia, cuộc sống của người dân sinh sống ven lòng hồ sông Đà thuộc huyện Quỳnh Nhai (Sơn La) sống dựa vào cây ngô, cây sắn là chủ yếu. Tuy nhiên, trong quá trình gắn bó với nương rẫy bà con nơi đây đều gặp phải tình trạng "được mùa thì mất giá" hoặc hạn hán, lợi nhuận kinh tế mà các cây nông sản mang lại không cao, vì vậy cuộc sống của họ gặp không ít khó khăn thách thức. 

Sau khi thủy điện Sơn La hoàn thành và đi vào hoạt động đã tạo ra tiềm năng về diện tích mặt nước rất lớn phù hợp cho việc nuôi cá lồng. Tận dụng lợi thế này, cùng với sự tuyên truyền của UBND huyện Quỳnh Nhai, người dân vùng lòng hồ sông Đà đã thay đổi nhận thức trong phát triển kinh tế.

Với tiềm năng về diện tích mặt nước như vậy, cộng với việc tuyên truyền và hỗ trợ của huyện, trong đó có Hội Nông dân huyện, bà con nhân dân Quỳnh Nhai bắt đầu đầu tư vốn làm lồng bè, chuyển sang nuôi cá lồng nhằm đưa cuộc sống tiến lên phía trước và khá giả hơn. Có thể nói, so với các huyện và các tỉnh thành khác trên cả nước nghề cá lồng ở Quỳnh Nhai là hướng đi mới, bước đầu mang lại hiệu quả trong phát triển kinh tế đối với người dân vùng cao. 

Tuy nhiên, với số lượng lồng cá ngày càng tăng mất kiểm soát trong thời gian gần đây đã tạo ra thách thức không nhỏ đối với đầu ra sản phẩm. Việc xây dựng thương hiệu, tìm đầu ra cho sản phẩm cá lồng đang là vấn đề cấp bách được huyện Quỳnh Nhai quan tâm, hướng tới phát triển nuôi cá lồng theo chuỗi giá trị hiệu quả, bền vững.

Quỳnh Nhai mở rộng quy mô nuôi cá lồng theo chuỗi giá trị bền vững - Ảnh 1.

Anh Là Văn Đoán, bản Ban (xã Chiềng Bằng, huyện Quỳnh Nhai, tỉnh Sơn La) có cuộc sống ổn định kể từ khi nuôi12 lồng cá.

Theo ông Hoàng Tiến Cường, Chủ tịch UBND huyện Quỳnh Nhai, tỉnh Sơn La nhận định, nhằm tạo điều kiện, giúp đỡ bà con vùng lòng hồ sông Đà phát triển nghề nuôi cá lồng theo hướng bền vững, huyện đã lên kế hoạch có cơ chế hỗ trợ vay vốn ưu đãi từ nguồn vay vốn ngân hàng chính sách. Huyện tập trung chỉ đạo phòng nông nghiệp và các cơ quan chuyên môn tập huấn kiến thức, hướng dẫn, chuyển giao kỹ thuật và công nghệ nuôi cá lồng cho các người dân.

Đồng thời phối hợp các doanh nghiệp hỗ trợ thu mua sản phẩm cho bà con với giá hợp lý và ổn định. Ngoài ra, huyện cũng tập trung xây dựng và quảng bá cá sông Đà ra thị trường trong và ngoài tỉnh. Khuyến khích các nông hộ nuôi và thả cá thành nhiều đợt, không tập trung nuôi, thả cùng lúc để luôn đảm bảo cá bán cho người tiêu dùng thường xuyên, bảo đảm quy mô nuôi cũng như mức thu nhập ổn định từ nuôi cá lồng.

Quỳnh Nhai mở rộng quy mô nuôi cá lồng theo chuỗi giá trị bền vững - Ảnh 2.

Hiện nay trên địa bàn huyện Quỳnh Nhai có gần 7.000 lồng nuôi các loại cá như: Lăng, rô phi, trắm cỏ, chép, diêu hồng...

Để mở rộng quy mô nuôi thủy sản theo chuỗi giá trị bền vững, những năm qua, huyện Quỳnh Nhai đã chỉ đạo các xã trong huyện tuyên truyền, vận động các hộ dân liên kết thành lập HTX thủy sản, nhằm phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị bền vững, nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm, tạo việc làm và thu nhập ổn định.

Xã Chiềng Bằng, một trong những xã có nhiều tiềm năng, lợi thế để phát triển nuôi trồng thủy sản. Hiện trên địa bàn xã hiện có 18 HTX thủy sản hoạt động thường xuyên, với trên 1.400 lồng cá; sản lượng nuôi và khai thác đạt khoảng 300 tấn cá các loại/năm. Việc thành lập các HTX nuôi cá lồng đã tập hợp được các hộ dân sản xuất tập trung, quy mô lớn, từng bước thay đổi phương thức sản xuất lạc hậu sang sản xuất hàng hóa, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm và có nhiều thuận lợi trong việc tìm thị trường tiêu thụ. Nhiều HTX hoạt động hiệu quả, thành viên có thu nhập trên 300 triệu đồng - 600 triệu đồng/năm.

Quỳnh Nhai mở rộng quy mô nuôi cá lồng theo chuỗi giá trị bền vững - Ảnh 3.

Nhờ nuôi cá lồng mà anh Lềm Văn Sơn, bản Bung (Chiềng Bằng) đã thoát nghèo.

Qua tham gia các lớp tập huấn do phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Quỳnh Nhai tổ chức và học hỏi kinh nghiệm từ các hộ nuôi cá lồng ở xã khác, gia đình anh Lềm Văn Sơn, bản Bung, xã Chiềng Bằng đầu tư hơn 50 triệu đồng làm 8 lồng nuôi cá. Vừa nuôi vừa học hỏi kinh nghiệm, tích cực tham gia các lớp tập huấn, chỉ sau thời gian ngắn anh Sơn đã thuần thục cách nuôi. Đến nay, anh Sơn đã có 16 lồng cá, bình quân mỗi lồng nuôi từ 1 tấn – 1,5 tấn cá. Ước tính 1 năm tôi xuất bán từ 5 tấn - 6 tấn cá, giá bán giao động từ 100.000 đồng/kg – 120.000 đồng/kg. Sau khi trừ chi phí lãi gần 200 triệu đồng/năm.

Nuôi cá lồng theo chuỗi giá trị bền vững

Huyện Quỳnh Nhai hiện có hơn 10.500 ha mặt nước, đây là 1 lợi thế trong phát triển nuôi cá lồng bè. Để phát huy tiềm năng và thế mạnh về mặt hồ, huyện Quỳnh Nhai luôn tạo mọi điều kiện thuận lợi, hỗ trợ người dân phát triển nuôi cá lồng. Nhờ vậy, số lượng các hợp tác xã thủy sản trong huyện ngày một tăng.

Tính đến nay, trên địa bàn huyện Quỳnh Nhai có 57 hợp tác xã hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, 1 Liên hiệp hợp tác xã thủy sản sông Đà Sơn La. Trong đó, có 46 hợp tác xã hoạt động trong lĩnh vực thủy sản với gần 7.000 lồng cá, 11 hợp tác xã trồng trọt, 10 hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp tổng hợp. Hiện nay, huyện Quỳnh Nhai đang khuyến khích phát triển các loài cá đặc sản của sông Đà, nuôi bằng phương pháp sinh học nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm, phấn đấu đến hết 2020 sản lượng thủy sản đạt khoảng 2.500 tấn chủ yếu là các loại cá như: Trắm cỏ, chép, lăng, rô phi, diêu hồng, trôi...

Quỳnh Nhai mở rộng quy mô nuôi cá lồng theo chuỗi giá trị bền vững - Ảnh 5.

Sản phẩm cá lăng sông Đà tại huyện Quỳnh Nhai đang được thị trường tiêu dùng đón nhận.

Chia sẻ với PV, ông Hoàng Tiến Cường, Chủ tịch UBND huyện Quỳnh Nhai cho hay: Để khai thác lợi thế về diện tích lòng hồ trải dài trên địa bàn 8 xã, như: Pá Ma Pha Khinh, Chiềng Ơn, Cà Nàng, Mường Chiên, Mường Giàng... chúng tôi đã đẩy mạnh tuyên truyền, vận động người dân phát triển nuôi thuỷ sản và khuyến khích thành lập các HTX thủy sản. Đồng thời chúng tôi cũng thành lập tổ tư vấn thủy sản, có nhiệm vụ tư vấn, hỗ trợ đăng ký thành lập, chuyển đổi hoạt động của các HTX theo Luật HTX năm 2012. Hỗ trợ việc chăm sóc, phòng trừ dịch bệnh cho đàn cá nuôi.

Đến nay, huyện có 6 HTX thủy sản tham gia chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn, cung cấp sản phẩm cho các nhà hàng, siêu thị trong và ngoài tỉnh; 12 HTX thủy sản sản xuất theo quy chuẩn VietGAP, như HTX vận tải Hợp Lực, HTX dịch vụ và thương mại Thương Tuyên, HTX thủy sản Hồ Quỳnh, thủy sản Chiềng Ơn...

Quỳnh Nhai mở rộng quy mô nuôi cá lồng theo chuỗi giá trị bền vững - Ảnh 6.

Để cụ thể hóa tiềm năng, thế mạnh của địa phương trong lĩnh vực nông nghiệp, nhất là đối với nghề nuôi cá lồng lòng hồ, thời gian qua huyện Quỳnh Nhai đã tổ chức nhiều phong trào thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững.

"Với mục tiêu phát triển nuôi cá lồng sông Đà theo hướng hiệu quả, bền vững, thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục hỗ trợ các hợp tác xã thủy sản đẩy mạnh đổi mới phương thức sản xuất. Nâng cao sản lượng, năng suất và giá trị sản phẩm thủy sản có giá trị kinh tế cao mang tính đặc hữu của vùng; gắn sản xuất với chế biến, quảng bá và tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi liên kết sản xuất, chế biến tiêu thụ sản phẩm. Đồng thời chúng tôi sẽ phát triển nuôi, đánh bắt thủy sản gắn với bảo vệ nguồn lợi thủy sản, đảm bảo đa dạng sinh học, bảo vệ môi trường sinh thái; gắn phát triển nuôi thủy sản với phát triển du lịch sinh thái lòng hồ thủy điện Sơn La; có cơ chế khuyến khích các hợp tác xã, doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân đầu tư vào lĩnh vực nuôi thủy sản", ông Hoàng Tiến Cường, Chủ tịch UBND huyện Quỳnh Nhai thông tin thêm.

Quỳnh Nhai mở rộng quy mô nuôi cá lồng theo chuỗi giá trị bền vững - Ảnh 7.

Tận dụng diện tích mặt nước lòng hồ, nhiều hộ dân sinh sống ven sông Đà đã chuyển sang nuôi cá lồng, với mong muốn mang lại thu nhập cao và thoát nghèo.

Cùng với các giải pháp trong việc mở rộng quy mô nuôi cá lồng trên lòng hồ sông Đà gắn với chuỗi giá trị bền vững, huyện Quỳnh Nhai tiếp tục tập trung xây dựng, quản lý và phát triển thương hiệu cá sông Đà thành công, góp phần giúp các hợp tác xã, hộ dân nuôi thủy sản ở huyện Quỳnh Nhai yên tâm mở rộng quy mô nuôi cá lồng. Từng bước đưa thương hiệu sản phẩm cá lòng hồ sông Đà vươn ra các thị trường lớn, góp phần vào xoá nghèo và sự phát triển kinh tế-xã hội trên địa bàn huyện.

Hà Hoàng