Clip: Quả sai chi chít, giá tăng, nông dân trồng cà phê "trúng quả"
Người trồng cà phê phấn khởi vì giá cao
Những ngày này từ xã Chiềng Mung, Chiềng Ban huyện Mai Sơn đến xã Chiềng Cọ, Hua La, Chiềng Đen thành phố Sơn La (Sơn La) đâu đâu cũng bắt gặp cảnh nhộn nhịp thu hái cà phê của bà con nông dân. Khác với cái cảnh đìu hiu, buồn tẻ của những năm trước đây, 2 năm nay người dân Sơn La vui hơn bởi cà phê vừa được mùa vừa được giá.
Ông Lường Văn Sáng Bản Pảng, xã Chiềng Đen, thành phố Sơn La (Sơn La) phấn khởi cho biết: Gia đình ông có 1,6 ha cây Cà phê, trong đó một nửa diện tích là cây già cỗi được trồng cách đây gần 20 năm nên năng suất thấp, quả nhỏ, sâu bệnh hại nhiều. Tuy nhiên, từ năm 2020, gia đình ông đã đã tìm tòi, học hỏi và đã mạnh dạn tiến hành trồng mới lại 8.000m2 Cà phê.
Nhờ áp dụng chặt chẽ các quy trình tái canh mà các cơ quan chuyên môn đã khuyến cáo như mật độ, khoảng cách trồng, bón phân, lựa chọn giống khỏe mạnh, sạch nguồn bệnh, phòng trừ sâu bệnh hại ngay từ khi bắt đầu trồng mới kết hợp trồng xen các cây lấy bóng mát như mận, xoài, trồng cỏ vừa phục vụ chăn nuôi, vừa giữ đất... vừa nâng cao hiệu quả kinh tế vừa có tác dụng giúp cây Cà phê giảm thiểu các tác hại của sương muối đảm bảo chất lượng cho vườn cây.
"So với mấy năm gần đây, thì năm nay, người trồng cà phê "trúng quả". Không bị ảnh hưởng vì thời tiết nên cây sai trĩu quả, tăng về năng suất, sản lượng mà giá bán cà phê tươi năm nay cũng cao hơn. năng suất ước đạt 10 tấn/0,8 ha, với giá bình quân hiện nay là 15.000 đồng/1kg, ước tính vụ Cà phê năm nay gia đình thu được khoảng 150 triệu đồng trên diện tích trồng tái canh, ông Sáng nói.
Gia đình chị Phạm Thị Tuyết, bản Chiềng Yên, xã Chiềng Cọ, thành phố Sơn La (Sơn La) cùng chung niềm vui được mùa, được giá như gia đình ông Sáng. Với diện tích gần 1,3 ha, vườn cà phê nhà bà Tuyết, cây nào, cây nấy cũng chi chít quả. Sắp bước vào thời kỳ thu hoạch rộ, gia đình bà cũng sẽ huy động nhân công từ nhiều gia đình để thu hái cùng.
"Nhờ chăm sóc tốt cộng với thời tiết thuận lợi nên năng suất cà phê nhà tôi có thể đạt gần 20 tấn/ha. Hiện cà phê đang vào chính vụ nên giá bán cao hơn nhiều so với đầu vụ. Nếu như đầu vụ, tôi chỉ bán hơn 8.000 đồng/kg, thì thời điểm này, giá bán đã tăng lên gần 14.000 đồng/kg. Với giá cả ổn định và tăng dần ngay từ đầu mùa, mọi người ai nấy đều phấn khởi. Nếu năm nào cà phê cũng được mùa, giá cao như năm nay thì người trồng cà phê chẳng mấy chốc mà giàu lên. bà Tuyết nói.
Ông Vũ Ngọc Huy, cán bộ phụ trách vùng nguyên liệu, Công ty cổ phần cà phê Phúc Sinh Sơn La cho biết: Phân xưởng chế biến quả cà phê tươi của Công ty được đầu tư máy móc đồng bộ, thế hệ mới nhất, đăng ký bản quyền sáng chế tại Mỹ của Tập đoàn Penagos- Columbia, Tập đoàn số 1 thế giới về máy chế biến cà phê, cho phép sản xuất khép kín từ quả cà phê tươi theo phương pháp ướt có công suất 20.000 tấn quả tươi/năm; khu xử lý nước thải được đầu tư đồng bộ, hiện đại rộng 2.600 m² có công suất 200 m³/ngày, đêm. Trung bình mỗi năm công ty thu mua khoảng trên 20.000 tấn cà phê tươi; tiêu thụ, xuất khẩu trên 3.000 tấn cà phê nhân sang thị trường các nước.
"Tôi thấy năng suất cà phê năm 2022 là cao. Chúng tôi cũng cảm thấy phấn khởi khi người dân được mùa, được giá. Một trong những nguyên nhân dẫn đến giá cà phê ở Sơn La tăng so với trước là do có sự cạnh tranh giữa các doanh nghiệp, cơ sở chế biến, thu mua. Một phần là do giá chung của cả nước và giá xuất khẩu cà phê nhân tăng lên", ông Huy nói.
Giải pháp nâng cao sản lượng cà phê Sơn La
Đến nay, Sơn La đã là tỉnh trồng cà phê chè lớn nhất toàn quốc với diện tích trên 17.000Ha. Sản lượng đạt trên 4.000 tấn nhân có giá trị trên 3.000 tỷ đồng. Trên địa bàn tỉnh Sơn La có 03 địa phương là vùng nguyên liệu cà phê chính bao gồm: huyện Thuận Châu, thành phố Sơn La và huyện Mai Sơn. (Thuận châu với diện tích 5.600Ha, thành phố Sơn La với diện tích 5.000Ha và huyện Mai Sơn với diện tích trên 6.400Ha). Hiện nay Cà phê Sơn La đã xuất khẩu tới gần 20 quốc gia (Nhật, Mỹ, các nước Trung Đông và các nước Châu Âu). Năm 2017, sản phẩm Cà phê Sơn La đã được Cục Sở Hữu trí tuệ cấp chứng nhận chỉ dẫn địa lý cho Cà phê Sơn La.
Ông Dương Gia Định, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và BVT tỉnh Sơn La cho biết: Về cơ cấu giống cà phê tại Sơn La chủ yếu là giống cà phê chè Catimor năng suất thấp, kích thước hạt cà phê giống Catimor nhỏ hơn, giá trị xuất khẩu chưa cao; Sơn La đã tập hợp được bộ giống cà phê chè có triển vọng đưa vào trồng thử nghiệm như giống cà phê: TN1, TN2, THA1, TN7, TN9.., tuy nhiên việc phát triển mở rộng diện tích còn thấp.
Để phát triển cà phê trên địa bàn tỉnh Sơn La, Chi cục Trồng trọt và BVTV tỉnh Sơn La đưa ra các giải pháp như: Lựa chọn giống, kỹ thuật canh tác cây cà phê; Ứng dụng tiến bộ kỹ thuật và dịch vụ phục vụ sản xuất cà phê; Hiện trạng về sản xuất an toàn; Xây dựng thương hiệu cà phê Sơn La. Đưa một số giống cà phê mới có năng suất, chất lượng cao phù hợp với thị trường xuất khẩu để phục vụ trồng lại, trồng tái canh cà phê đến năm 2025 với diện tích khoảng 8.000 ha.
Áp dụng quy trình kỹ thuật sản xuất cà phê theo các tiêu chuẩn sản xuất cà phê bền vững có chứng nhận/xác nhận như: Cà phê hữu cơ; RA, cà phê 4C và chứng nhận tương đương, sản xuất cà phê đặc sản,… theo yêu cầu của thị trường trong nước và thế giới.
Cây cà phê đã đóng góp quan trọng trong chương trình chuyển đổi cơ cấu sản xuất nông nghiệp, nâng cao thu nhập, ổn định cuộc sống của người nông dân. Cà phê được mùa, được gia, đó thực sự là những tín hiệu vui để ngành sản xuất, chế biến cà phê ở Sơn La có thể vực dậy sau nhiều năm thăng trầm.