Clip: Quê nghèo Bắc Yên đưa pháp luật vào cuộc sống
Bà con dân tộc hiểu biết về pháp luật
Bắc Yên là huyện vùng cao, đặc biệt khó khăn của tỉnh Sơn La; có diện tích tự nhiên 109.867,3 ha, gồm có 15 xã và 01 thị trấn; dân cư sinh sống gồm 14.371 hộ, 70.440 nhân khẩu, với trên 93% số dân là đồng bào dân tộc thiểu số gồm: dân tộc Mông, Thái, Mường, Kinh, Dao, Khơ Mú, Tày, trong đó dân tộc Mông chiếm 45,63%, Dân tộc Thái chiếm 30,33%, Dân tộc Mường chiếm 16,54% , Dân tộc Kinh chiếm 4,32%, Dân tộc Dao chiếm 2,98%, Dân tộc Khơ Mú chiếm 0,15 %, Dân tộc Tày chiếm 0,04%.
Xác định công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật là khâu đầu tiên của quá trình thi hành pháp luật và có vai trò hết sức quan trọng, là cầu nối để chuyển tải các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước đến với mọi người dân. Huyện Bắc Yên đã xây dựng kế hoạch nhằm triển khai tuyên truyền, phổ biến kịp thời đầy đủ các văn bản pháp luật mới tới cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và Nhân dân trên địa bàn toàn huyện.
Trao đổi với phóng viên, ông Lò Văn Thuận, chủ tịch UBND xã Pắc Ngà, huyện Bắc Yên, tỉnh Sơn La cho biết: Để bà con nhân nhân hiểu biết về pháp luật, xã Pắc Ngà đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền đến người dân. Các nội dung tuyên truyền như: Luật hôn nhân và gia đình; cách thức sử dụng căn cước công dân; mục đích, ý nghĩa của việc nhập dữ liệu dân cư, định danh cá nhân; Công tác quản lý bảo vệ rừng về PCCC rừng mùa khô, cấm khai thác lâm sản trái phép, không được trao đổi, mua bán đất trong diện tích đất quy hoạch rừng. Tiếp tục chấp hành tốt các chủ trương đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, đoàn kết, thi đua trong lao động sản xuất, phòng chống tội phạm...
Anh Lò Văn Bảo, xã Pắc Ngà, huyện Bắc Yên, tỉnh Sơn La chia sẻ: "Qua các hội nghị tuyên truyền trong xã, chúng tôi đã nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm và tạo sự chuyển biến tích cực cho người dân chấp hành tốt các chủ trương đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, không vi phạm pháp luật, tham gia phòng chống tội phạm, góp phần thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng an ninh, xây dựng nông thôn mới tại địa phương".
Trên địa bàn huyện Bắc Yên hiện còn hơn 40.000 ha rừng; trong đó 20.000 ha rừng phòng hộ, trên 5.000 ha rừng đặc dụng và gần 15.000 ha rừng sản xuất; tỷ lệ che phủ rừng 39,25%. Ông Hoàng Trọng Lưu, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện, thông tin: Để giảm tối đa các hành vi vi phạm quy định về bảo vệ, PCCCR, Hạt thường xuyên chỉ đạo kiểm lâm địa bàn bám cơ sở, tham mưu cho cấp ủy, chính quyền các xã trong công tác bảo vệ và PCCCR. Phối hợp với các tổ chức đoàn thể của xã kiểm tra, hướng dẫn người dân sản xuất nương rẫy đúng quy định; ngăn chặn và xử lý kịp thời các hành vi vi phạm Luật Lâm nghiệp, giải quyết kịp thời các tranh chấp, khiếu nại, tố cáo về rừng và đất lâm nghiệp. Đặc biệt Hạt Kiểm lâm huyện đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền đến người dân về luật lâm nghiệp.
"Đối với công tác tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật, chi bộ, đơn vị xác định đây là việc làm thường xuyên, liên tục của đơn vị, cụ thể năm 2022 đã tổ chức tuyên truyền được 41 hội nghị cấp bản/16 xã, thị trấn. Số người được tuyên truyền 2.114 người nghe; tổ chức phát 100 tờ rơi, ngoài ra tổ chức tuyên truyền trong cộng đồng dân cư sống ven rừng bằng hình thức tuyên truyền bằng loa phát thanh của cộng đồng bản lồng ghép vào các buổi tiếp sóng của đài phát thanh huyện ở các thôn bản về tầm quan trọng của rừng và tác hại của cháy rừng; từ đó nâng cao nhận thức của cộng đồng dân cư sống ven rừng tích cực tham gia bảo vệ rừng và PCCCR" ông Lưu nói.
Phổ biến giáo dục pháp luật thu hút hàng chục nghìn lượt người
Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Mạnh Hùng, Trưởng phòng Tư pháp huyện Bắc Yên (Sơn La), cho biết: Nội dung, hình thức tuyên truyền đảm bảo tiêu chí "dễ nghe, dễ hiểu, dễ nhớ và dễ áp dụng", như tuyên truyền trên cổng thông tin điện tử của huyện; phát sóng các chương trình pháp luật bằng tiếng dân tộc qua hệ thống loa phát thanh ở các xã, bản; tuyên truyền lưu động; thông qua các cuộc họp bản, hội nghị, sinh hoạt chi bộ; hoạt động hòa giải ở cơ sở, phát tờ rơi, đối thoại, xây dựng các cụm pano, áp phích khẩu hiệu tại những địa điểm dễ nhìn, dễ thấy, nơi có nhiều người dân qua lại.
Từ đầu năm đến nay, các cơ quan, đơn vị của huyện đã tổ chức 191 cuộc tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật tại các xã, thị trấn, thu hút trên 21.875 lượt người nghe; phối hợp với Trung tâm Truyền thông - Văn hóa huyện phát 21 bài, 80 tin, 22 chương trình chuyên trang "Tìm hiểu pháp luật" trên Cổng thông tin điện tử của UBND huyện; phát trên sóng FM, hệ thống loa truyền thanh cơ sở về phổ biến, giáo dục pháp luật.
Các xã, thị trấn duy trì hoạt động của 238 tuyên truyền viên tham gia phổ biến giáo dục pháp luật; 102 tổ hòa giải với 721 thành viên. Các tổ hòa giải cơ sở đã tiếp nhận 87 vụ mâu thuẫn, tranh chấp; hòa giải thành 75 vụ, nhờ đó các tranh chấp, xích mích ở cơ sở được hòa giải kịp thời, không để trở thành vấn đề phức tạp. 100% xã đặc biệt khó khăn đã xây dựng tủ sách pháp luật, mỗi tủ có trên 300 đầu sách, tạo điều kiện cho cán bộ, công chức, nhân dân tìm hiểu, nghiên cứu các chủ trương, chính sách, quy định của pháp luật.
Thông qua công tác tuyên truyền góp phần tăng cường vai trò lãnh đạo, chỉ đạo của người đứng đầu các cơ quan, đơn vị, tổ chức đoàn thể huyện và UBND các xã, thị trấn trong việc tổ chức triển khai và thi hành tốt các văn bản Luật mới ban hành thuộc phạm vi, lĩnh vực quản lý nhà nước của ngành, địa phương; phát huy tinh thần trách nhiệm, gương mẫu chấp hành pháp luật của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, trong thực thi công vụ, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của Nhân dân, góp phần ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn huyện.