Clip: Nông dân vùng cao Sơn La chuyển đổi sang chăn nuôi trâu, bò nhốt chuồng
Nông dân vùng cao mạnh dạn chuyển đổi phương thức chăn nuôi
Xã Suối Bau (Phù Yên, Sơn La) là một xã vùng cao của huyện Phù Yên, có 683 hộ và hơn 4.000 nhân khẩu, gần 100% dân số là đồng bào dân tộc Mông. Là một xã đặc biệt khó khăn, sản xuất thuần nông, người dân chủ yếu làm nương. Về chăn nuôi, bà con nơi đây chủ yếu nuôi lợn, trâu bò thả rông. Chăn nuôi nhỏ lẻ, cộng với việc thiếu chăm sóc nên đàn gia súc phát triển chậm do dịch bệnh. Những năm gần đây, được tuyên truyền, hướng dẫn các hộ chuyển từ tập quán chăn thả rông sang nuôi theo hướng tập trung; quy hoạch vùng trồng cỏ để chủ động nguồn thức ăn, kiểm soát phòng dịch bệnh trên đàn gia súc, mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Nhận thấy nuôi trâu bò nhốt chuồng đã mang lại nhiều lợi ích: Tiết kiệm được công trông coi, chăm sóc; trâu, bò được quản lý tốt, ít mắc dịch bệnh...Nhân dân xã Suối Bau (Phù Yên, Sơn La) chuyển từ tập quán chăn thả rông sang nuôi theo hướng tập trung, nuôi nhốt. Ở đây, người dân chăn nuôi theo 2 cách, chăn nuôi sinh sản và chăn nuôi vỗ béo. Điển hình có gia đình ông Mùa A Lừ và gia đình ông Thào A Tồng ở bản Suối Cáy (Suối Bau, Phù Yên, Sơn La).
Nhờ mạnh dạn chuyển hướng chăn nuôi, được sự hướng dẫn kỹ thuật của cán bộ khuyến nông, chịu khó học hỏi cách chăm sóc, phòng chống dịch bệnh, phòng chống đói rét cho đàn gia súc nên đàn trâu bò của gia đình ông Mùa A Lừ phát triển nhanh và ổn định. Từ đó, đàn gia súc của gia đình ông Lừ có 9 con trâu, 7 con bò đang thời kỳ sinh sản.
"Mỗi năm, gia đình tôi thường bán trâu bò 02 lần, kể cả bán trâu, bò sinh sản lẫn trâu vỗ béo, trừ chi phí còn thu nhập trên 100 triệu đồng. Sau khi xuất chuồng tôi tiếp tục mua trâu đực loại nhỡ về nuôi để vỗ béo quay vòng khép kín thời gian. Trong thời gian tiếp theo, tôi dự định mở rộng chuồng trại, để mua cả trâu, bò cái đang sinh sản về chăn nuôi và tiếp tục phát triển chăn nuôi theo hướng chăn nuôi sinh sản", ông Lừ nói.
Để chủ động nguồn thức ăn phục vụ chăn nuôi, gia đình ông Mùa A Lừ trồng cỏ voi 02 ha, ngô và sắn 2,5 ha, chuối 1,5 ha. Vào mùa khô hạn, cỏ voi thường sinh trưởng kém gia súc thường thiếu thức ăn, để khắc phục điều đó, gia đình ông Lừ thường ủ chua cỏ voi giúp tích lũy nguồn thức ăn cho trâu, bò. Nhờ sự chủ động nguồn thức ăn nên trâu, bò gia đình ông luôn đầy đủ dinh dưỡng và phát triển tốt.
Ông Lừ cho biết thêm: Để trâu, bò ít mắc bệnh dịch, định kỳ: hàng ngày, chuồng trại luôn được gia đình ông vệ sinh nên chuồng trại luôn sạch sẽ, không có mùi hôi và không có côn trùng gây hại trâu, bò; hàng tuần, ông phun thuốc tiêu độc khử trùng, diệt ruồi, muỗi cho trâu, bò đồng thời tiêm vắc-xin định kỳ.
Với gia đình ông Thào A Tồng, từ lúc bỏ thói quen thả rông gia súc chuyển sang nuôi theo hướng tập trung gia đình ông luôn duy trì đàn với 5 con trâu, 14 con bò, 13 con lợn và 12 con dê. Để giải quyết vấn đề thức ăn cho gia súc, gia đình ông cũng trồng các loại cây ăn quả kết hợp trồng cỏ voi.
Ông Thào A Tồng chia sẻ: Gia đình tôi nuôi trâu, bò vừa vỗ béo vừa kết hợp nuôi trâu, bò sinh sản. Việc chăn nuôi trâu, bò vỗ béo thu hồi vốn nhanh, thúc đẩy phát triển chăn nuôi theo hướng hàng hóa, mở ra hướng thoát nghèo cho gia đình. Nhờ mạnh dạn đầu tư và học hỏi kinh nghiệm của các hộ chăn nuôi khác, mỗi năm, từ tiền bán trâu, bò vỗ béo, gia đình tôi thu khoảng 150 triệu đồng sau khi đã trừ chi phí.
Thấy mô hình chăn nuôi trâu bò vỗ béo và trâu bò sinh sản của gia đình ông Mùa A Lừ và gia đình ông Thào A Tồng mang lại hiệu quả cao, một số hộ gia đình nông dân trong xã, trong bản cũng đến thăm quan, học tập kinh nghiệm và được ông Lừ, ông Tồng nhiệt tình chia sẻ kinh nghiệm chăn nuôi của gia đình.
Nông dân xã Suối Bau (Phù Yên, Sơn La) phát triển chăn nuôi theo hướng hàng hóa
Để nông dân nắm bắt được các kỹ thuật chăn nuôi trâu, bò sinh sản và vỗ béo cho hiệu quả kinh tế cao, Hội Nông dân thường xuyên tổ chức các lớp tập huấn, cùng với đó phát miễn phí các tài liệu, sách báo để nông dân tham khảo.
Với tiềm năng, lợi thế đất đai, đồi núi rộng, xã Suối Bau (Phù Yên, Sơn La) có điều kiện phát triển chăn nuôi gia súc. Phát huy thế mạnh này, những năm qua, xã Suối Bau đã vận động và khuyến khích nông dân phát triển chăn nuôi theo hướng hàng hóa, từng bước đưa chăn nuôi trở thành ngành sản xuất gắn với xây dựng nông thôn mới, giúp cho nhiều hộ dân thoát nghèo, vươn lên làm giàu. Hiện nay, toàn xã có 160 con trâu, 1.838 con bò, 143 con ngựa, 600 con dê.
Trao đổi với chúng tôi, ông Mùa A Thái, Chủ tịch Hội nông dân xã Suối Bau (Phù Yên, Sơn La) cho biết: Từ mô hình nuôi trâu, bò theo hướng hàng hóa của nhiều hộ gia đình đã cho thấy hiệu quả về phát triển kinh tế hộ, hội nông dân xã cũng tích cực tuyên truyền đến hội viên nông dân chuyển đổi phương thức chăn nuôi mới, học tập kinh nghiệm và lập gia trại chăn nuôi trâu, bò vỗ béo và trâu, bò sinh sản. Từ đó, thu nhập từ chăn nuôi đem lại nguồn thu lớn cho bà con nông dân.