Clip: Trồng cỏ nuôi bò, giúp nông dân vùng cao có thu nhập
Nông dân vùng cao tận dụng lợi thế để phát triển chăn nuôi
Với tiềm năng, lợi thế đất đai, đồi núi rộng, tỉnh Sơn La có điều kiện phát triển chăn nuôi gia súc. Phát huy thế mạnh này, những năm qua dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo và hướng dẫn trực tiếp của Hội Nông dân các cấp, nhiều hộ dân trên địa bàn đã đầu tư phát triển chăn nuôi đại gia súc theo hướng tập trung, quy mô trang trại, gia trại. Bên cạnh đó tỉnh Sơn La đã có nhiều chính sách khuyến khích nhân dân phát triển chăn nuôi theo hướng hàng hóa, từng bước đưa chăn nuôi trở thành ngành sản xuất chính gắn với xây dựng nông thôn mới, giúp cho nhiều nông dân có của ăn, của để.
Anh Đỗ Văn Dũng, bản Văn Cơi, xã Mường Cơi, huyện Phù Yên (Sơn La), sau khi được đi thăm quan một số mô hình phát triển kinh tế do Hội Nông dân huyện tổ chức, cũng như được hỗ trợ về vốn vay. Năm 2015, gia đình anh đã mạnh giang đầu tư xây dựng chuồng trại, phát triển mô hình nuôi bò vỗ béo. Đến nay mỗi lứa nuôi của gia đình duy trì số đàn từ 40-45 con.
"Để năm được các kỹ thuật chăn nuôi bò vỗ béo cho hiệu quả kinh tế cao, tôi thường xuyên tham gia các lớp tập huấn do Hội Nông dân tổ chức, cùng với đó tham khảo trên sách báo. Với kỹ thuật nuôi bò khoa học, đàn bò của gia đình tôi lớn nhanh, cho năng suất cao và bán được giá cao. Một năm, gia đình tôi bán từ 15-20 con bò giống và 10-15 bò vỗ béo. Sau khi trừ chi phí, gia đình tôi thu lãi trên 300 triệu đồng", anh Dũng nói.
Trao đổi với phóng viên, ông Sa Văn Soạn, Chủ tịch Hội Nông dân xã Mường Cơi, huyện Phù Yên (Sơn La) , cho biết: Trong khoảng 7-8 năm trở lại đây, khi bãi chăn thả bị thu hẹp, các hộ dân dần chuyển sang chăn nuôi theo hình thức nuôi nhốt vỗ béo, bán chăn thả. Hiện nay, tổng đàn trâu, bò của xã trên 6.000, trong đó, đàn bò chiếm số lượng lớn với trên 4.000 con. Khi chuyển sang nuôi nhốt, để đảm bảo thức ăn, từ năm 2015, bà con chuyển đổi một số diện tích ruộng lúa sang trồng cỏ voi. Đến nay, cả xã có trên 40 ha đất trồng cỏ. Nhờ chăn nuôi mà thu nhập của bà con từng bước được nâng cao.
"Từ nhiều đời nay, người dân xã Mường Cơi hầu như nhà nào cũng nuôi trâu, bò. Đến nay, trâu, bò vẫn là "đầu cơ nghiệp", chỉ khác ở chỗ, bà con không còn nuôi theo hình thức thả rông như trước, mà nuôi nhốt hoặc bán chăn thả. Chăn nuôi trâu, bò đã giúp bà con từng bước thoát nghèo, vươn lên làm giàu" ông Soan nói.
Còn tại huyện Yên Châu (Sơn La) với việc tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng nhằm nâng cao năng suất, sản lượng, những năm gần đây, nông dân trên địa bàn huyện Yên Châu (Sơn La) còn mạnh dạn đầu tư phát triển chăn nuôi gia súc, gia cầm theo hướng hàng hóa, tăng giá trị kinh tế. Một số giống mới được đưa vào sản xuất bước đầu mang lại hiệu quả kinh tế vượt trội so với vật nuôi truyền thống.
Trao đổi với phóng viên, ông Cao Xuân Dũng, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Yên Châu (Sơn La) cho biết: Với tiềm năng, lợi thế đất đai, đồi núi rộng, huyện Yên Châu (Sơn La) có điều kiện phát triển chăn nuôi gia súc. Phát huy thế mạnh này, những năm qua, huyện Yên Châu đã có nhiều chính sách khuyến khích nhân dân phát triển chăn nuôi theo hướng hàng hóa, từng bước đưa chăn nuôi trở thành ngành sản xuất chính gắn với xây dựng nông thôn mới, giúp cho nhiều hộ dân thoát nghèo, vươn lên làm giàu.
Hiện đàn gia súc toàn huyện Yên Châu có trên 78.000 con, trong đó đàn trâu trên 7.540 con, bò 20.780 con, lợn trên 42.390 con, đàn dê 7.230 con và ngựa 79 con. Toàn huyện hiện có 40 hộ chăn nuôi gia súc theo mô hình trang trại, trong đó có 12 trang trại chăn nuôi lợn quy mô từ 100-300 con; 28 trang trại chăn nuôi trâu, bò, dê quy mô từ 20-100 con, tập trung chủ yếu các xã: Chiềng Pằn, Chiềng Hặc, Lóng Phiêng, Yên Sơn.
"Yên Châu đã tập trung tuyên truyền, hướng dẫn các hộ chuyển từ tập quán chăn thả tự do sang nuôi theo hướng tập trung; quy hoạch vùng trồng cỏ và vận động các hộ chăn nuôi chuyển đổi những diện tích đất kém hiệu quả sang trồng cỏ để chủ động nguồn thức ăn, kiểm soát phòng dịch bệnh trên đàn gia súc. Đồng thời, chú trọng cải tạo giống thông qua các đề án bò đực giống lai sind, lợn siêu nạc. Chuyển dần từ chăn nuôi nông hộ sang chăn nuôi trang trại quy mô phù hợp với từng địa phương. Khuyến khích áp dụng công nghệ cao, chăn nuôi an toàn sinh học, chăn nuôi hữu cơ, xây dựng cơ sở chăn nuôi, vùng chăn nuôi an toàn dịch bệnh theo chuỗi liên kết", ông Dũng nói.
Là một trong những hộ điển hình của huyện Yên Châu (Sơn La) khởi nghiệp từ hai bàn tay trắng, gia đình anh Bùi Văn Việt, bản Chiềng Thi, xã Chiềng Pằn, huyện Yên Châu (Sơn La) đã mạnh dạn vay vốn để phát triển chăn nuôi bò sinh sản theo mô hình gia trại. Đối với bò cái sinh sản, gia đình anh chọn giống bò lai sind, còn bò vỗ béo thì gia đình anh chon nuôi bò 3b. Theo anh Việt lý giải, với các giống bò này có ưu điểm là lớn nhanh, khỏe mạnh điều đặc biệt là khung to, bán được giá cao hơn so với giống bò khác.
Nhờ chịu khó làm ăn và áp dụng kiến thức tập huấn về chăn nuôi theo mô hình khép kín, đàn bò của gia đình được nhân rộng và phát triển tốt, đem lại thu nhập mỗi năm trên 300 triệu đồng. Hiện gia đình anh đã xây dựng được mô hình chăn nuôi trang trại rộng hơn 2 ha, với mỗi lứa nôi từ 35-40 con bò.
Trồng cỏ phát triển chăn nuôi giúp nông dân có thu nhập ổn định
Hiện nay trên địa bàn tỉnh Sơn La, tổng đàn trâu trên 123.400 con; đàn bò thịt gần 338.300 con; đàn bò sữa trên 29.150 con; đàn ngựa gần 6.400 con; đàn dê trên 168.600 con. Diện tích cỏ chăn nuôi đạt trên 10.300ha. Sơn La xác định, chăn nuôi đóng vai trò chủ lực trong phát triển nông nghiệp. Song, phát triển chăn nuôi phải sử dụng hiệu quả các nguồn tài nguyên đất đai, khí hậu, nước, bảo vệ môi trường sinh thái và phù hợp với quy hoạch tỉnh, kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội, cơ cấu lại ngành nông nghiệp, bảo đảm an ninh dinh dưỡng trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021-2030.
Toàn tỉnh Sơn La hiện có hàng nghìn hộ chăn nuôi theo hướng nuôi nhốt chuồng, trồng cỏ cho gia súc, mang lại hiệu quả rõ rệt. Cụ thể, huyện Mai Sơn đã đề ra chủ trương "Phát động phong trào trồng cỏ hàng hóa gắn với phát triển chăn nuôi đại gia súc ăn cỏ theo hướng tập trung, hiệu quả" đã triển khai ở 9 xã; huyện Phù Yên có 9 bản ở xã Huy Hạ tham gia trồng 10 ha đất bỏ hoang kém hiệu quả sang trồng cỏ voi, cỏ VA06 làm thức ăn cho bò, vận động 11 lượt hộ vay trên 5 tỷ đồng từ Ngân hàng Chính sách xã hội và Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đầu tư xây dựng chuồng trại, con giống, thức ăn; toàn xã đã phát triển lên 1.200 con bò theo phương pháp nhốt chuồng, nhiều hộ đã có thu nhập từ 100 đến trên 400 triệu đồng/năm. Huyện Sông Mã có mô hình nuôi bò sinh sản nhốt chuồng trên nền đệm sinh học. Xã Phổng Lái, Tông Cọ, huyện Thuận Châu, nhiều hộ đã nuôi bò nhốt chuồng cách xa khu dân cư cho thu nhập cao...
Những mô hình này đã khẳng định tính vượt trội so với chăn nuôi truyền thống cả về thu nhập và hiệu quả trên nhiều mặt. Tuy nhiên, so với tiềm năng và thế mạnh của Sơn La, chăn nuôi đại gia súc ăn cỏ của toàn tỉnh theo phương pháp mới còn khiêm tốn, chưa bền vững. Việc tập huấn cho cán bộ khuyến nông cơ sở để triển khai các mô hình chăn nuôi nhằm hướng đến mục tiêu chung ở trên là nhiệm vụ hết sức cần thiết và cấp bách.
Trong thời gian tới, tỉnh Sơn La tiếp tục tổ chức các lớp tập huấn nghiệp vụ cho đội ngũ khuyến nông viên cơ sở, đặc biệt là các xã triển khai các mô hình, chương trình trọng điểm. Đồng thời tích cực kiểm tra hoạt động của cán bộ khuyến nông các Trạm và khuyến nông viên xã, cộng tác viên khuyến nông thôn bản để nâng cao năng lực của lực lượng cán bộ khuyến nông, phát huy cao hơn nữa vai trò của đội ngũ khuyến nông trong sự nghiệp xây dựng nông nghiệp của tỉnh nhà, góp phần hoàn thành các mục tiêu trong tiến trình xây dựng nông thôn mới, từng bước hoàn thành công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp nông thôn.